Nỗi lo xuất khẩu "cách mạng hồi giáo"

NAM SƠN 01/06/2011 02:05 GMT+7

TTCT - Trong phong trào nổi dậy chống chính quyền ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi mà giới quan sát phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả Rập” kéo dài, giữa những điểm nóng như Libya, Yemen, Syria, Bahrain, suốt thời gian qua Iran luôn đóng vai trò người quan sát bình lặng.

Phóng to
Giáo chủ Khamenei (bìa trái) nói chuyện với Bộ trưởng phụ trách tình báo Heydar Moslehi (bìa phải) tại một nghi lễ tưởng niệm ngày giỗ của Fatima, con gái của nhà tiên tri Muhammad, ở Tehran ngày 6-5-2011 - Ảnh: Reuters

Mở màn “Mùa xuân Ả Rập”, hai chính quyền thân Mỹ ở khu vực Bắc Phi là Tunisia và Ai Cập sụp đổ. Chính quyền Ai Cập hơn 30 năm qua không hề thân thiện với Iran được thay thế bằng một chính quyền mới đang cải thiện quan hệ với các nước, đặc biệt đánh tín hiệu nối lại quan hệ ngoại giao với Iran và sẽ trao đổi đại sứ giữa hai nước.

Quan hệ hợp tác mở ra một chương mới, bắt đầu từ việc Iran sẽ nối liền đường dẫn khí đốt đến Ai Cập thông qua Iraq và Syria. Ở một nước Ai Cập mới, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không chắc có tham gia chính trường, nhưng sẽ trở thành lực lượng đáng kể trong đời sống chính trị. Nhờ vậy phong trào Hamas ở dải Gaza sẽ được tiếp sức. Hamas hiện được Iran ủng hộ về tài chính, vũ khí và huấn luyện.

Lợi thế nào trong ván cờ Trung Đông?

Ở Iraq, ngày 8-4-2011 quân đội tấn công vào trại Ashraf, truy quét lực lượng Mujahedeen (PMOI) chống Iran đang nương náu tại đây. Từ sau khi Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1979, tổ chức này đã tìm nơi tị nạn trên đất Iraq và được chính quyền Saddam Hussein dung dưỡng. Nay PMOI đang bị Iraq thẳng tay tìm diệt theo yêu cầu của Iran.

Ngày 24-4-2011, hai nước đã ký hiệp định trao trả tội phạm và PMOI sẽ bị trục xuất khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Đất nước Iraq thời kỳ hậu Saddam Hussein trở nên thân cận với Iran hơn với các nước Ả Rập khác.

“Mùa xuân Ả Rập” càng sôi động khi phong trào nổi dậy chống chính quyền lan đến các nước trên bán đảo Ả Rập: Bahrain, Saudi Arabia, Yemen... Trong mấy thập kỷ qua, những chính quyền quân chủ trong khu vực hầu như là gia đình trị, sống trong xa hoa và tham nhũng, không quan tâm đến khát vọng cơm áo và tự do dân chủ cho nhân dân.

Đến mức trong tiếng Anh gần đây xuất hiện một từ hiếm khi sử dụng để chỉ những chế độ kiểu này: kleptocracy. Phong trào diễn ra nhanh chóng và đáng gờm khiến nhà vua Saudi Arabia trông gương các nước khu vực phải ngay lập tức tuyên bố dốc từ ngân sách 37 tỉ USD để chia cho dân, một biện pháp giảm căng thẳng được coi là kịp thời.

Các nước láng giềng của Saudi Arabia không có được bước đi nhanh nhạy như thế. Biểu tình xảy ra ở Bahrain dữ dội và dai dẳng nhiều tháng qua. Ở Yemen, ngày thứ sáu nóng bỏng 22-4, đoàn biểu tình kéo dài năm cây số trên đường. Đây là hai nước đồng minh của Mỹ trong khu vực. Trong khi Yemen là tiền tuyến để Mỹ chống khủng bố, Bahrain có căn cứ hạm đội 5 của Mỹ ở vùng vịnh Persic. 70% dân Bahrain theo dòng Hồi giáo Shia nhưng phải chịu sự cai trị của dòng thiểu số Sunni.

Khi phong trào đấu tranh bùng phát, khuấy động tư tưởng Hồi giáo Shia, chắc chắn Iran được hưởng lợi, ít nhất là nhờ lý tưởng Hồi giáo dòng Shia của Iran đang được khuếch trương. Thêm vào đó, điều Iran gọi là “sự thức tỉnh Hồi giáo” là hình mẫu mà Cộng hòa Hồi giáo Iran đã mở đường từ năm 1979, rồi bây giờ mong muốn được phát tán trong toàn khu vực.

Những cuộc đấu tranh có phần đe dọa thế đứng của Mỹ trong vùng, gây nghi ngờ về sự trung thành của Mỹ đối với đồng minh sau vụ Mỹ bỏ Ai Cập, ít ra cũng gây bất ổn và bối rối ở nội bộ các nước đồng minh của Mỹ. Sự lúng túng đối phó trong các nước cũng làm giảm mũi nhọn của họ chĩa sang láng giềng Iran, khiến Iran được rộng tay đối phó với những khó khăn bên trong, đồng thời tìm kiếm thêm đồng minh mới và tập trung đối phó với Mỹ cùng phương Tây.

Thế bí của Iran

Nhưng phong trào nổi dậy rầm rộ cũng đặt Iran vào một thế trận khó khăn. Hơn 30 năm qua, kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời, các nước trên bán đảo Ả Rập đã luôn lo ngại, đề phòng sự xuất khẩu “cách mạng Hồi giáo” theo kiểu một nhà nước thần quyền, lại theo dòng Shia. Các nước láng giềng này hầu hết theo dòng Sunni, nhưng vẫn có một cộng đồng Shia đáng kể. Phong trào nổi dậy hiện nay ở vùng Vịnh bị quy là do dòng Shia kích động, lại được sự khích lệ và ủng hộ của Iran.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Bahrain kêu gọi sự giúp đỡ của láng giềng và ngày 14-2-2011, Saudi Arabia dẫn đầu một lực lượng 2.000 quân tiến vào Bahrain giúp tấn công lực lượng biểu tình tại đây. Không thể đứng nhìn những người anh em dòng Shia bị đàn áp, Iran lập tức lên tiếng phản đối chính quyền Bahrain đàn áp nhân dân, phản đối sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia, đòi Bahrain đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Giáo chủ Iran Khamenei tuyên bố: “Iran không thể làm người quan sát thụ động và bàng quan trước việc những thế lực ngạo mạn đàn áp nhân dân Bahrain”.

Hội đồng hợp tác vùng Vịnh mà Bahrain và Saudi Arabia là thành viên cũng lập tức đáp trả, cho rằng Iran đang can thiệp vào nội bộ các nước khác. Cuộc đấu khẩu chưa dứt thì Kuwait vào cuộc với việc tuyên bố đã phá được một ổ gián điệp Iran. Bahrain, Kuwait và Iran còn đi xa hơn khi trục xuất một số nhà ngoại giao bị cho là có liên quan để trả đũa lẫn nhau. Ngoại trưởng Bahrain thách thức: quân đội vùng Vịnh sẽ còn ở đây vô thời hạn để đối phó với những chiến dịch lâu dài của Iran.

Không phải là không có yếu tố bài Iran và bài dòng Hồi giáo Shia của Iran trong các nước vùng Vịnh. Trong mắt phe đấu tranh dân chủ, Iran là một chế độ thần quyền không hợp thời, nơi các giáo sĩ thao túng và can thiệp sâu vào chính quyền. Còn đối với dòng Hồi giáo Sunni trong khu vực, Iran là đất nước của những người dòng Shia cuồng tín. Hiềm khích triền miên và nỗi lo âm ỉ nhiều năm qua được dịp bùng phát. Tình hình đang diễn tiến theo chiều hướng đấu khẩu nhiều hơn, mang tính một cuộc chiến tranh ngấm ngầm và “nguội” nhiều hơn “nóng”.

Tham vọng của Iran là khuấy động tinh thần cách mạng Hồi giáo, đề cao tấm gương và vai trò tiên phong của mình, mở rộng ảnh hưởng là một cường quốc trong khu vực... đang trở nên khó thực hiện. Ở mức độ nào đó, sự tuyên truyền của Iran gây ra lo ngại cho các nước nhiều hơn là tiếp thêm cảm hứng và sức mạnh cho một Trung Đông chống cường quyền và đế quốc.

Iran bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan khi chính đồng minh Syria đang bị rung chuyển. Phong trào đấu tranh ở Syria lên đến mức gay gắt vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2011, ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Assad đã nhượng bộ bằng cách bãi bỏ tình trạng khẩn cấp áp đặt từ năm 1963, xóa bỏ tòa án an ninh chuyên xét xử các vụ án chính trị và thông qua luật cho phép biểu tình chống chính phủ.

Ngày thứ sáu đẫm máu 22-4-2011 đánh dấu bằng việc dân chúng tiếp tục biểu tình và chính quyền đàn áp làm chết gần 100 người. Những cuộc “dẹp loạn” đầu tháng 5-2011 cũng làm chết hàng chục người.

Hệ thống thông tin đại chúng của Iran đưa tin về Syria ở mức độ thưa thớt, cũng như báo chí đã tỏ ra cầm chừng khi đưa tin về Libya. Trên nguyên tắc, Iran phản đối chính quyền các nước đàn áp nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng. Nhưng Iran chưa tìm thấy ở Libya sự gợi ý để giải quyết những vấn đề sát sườn như với đất nước Bahrain. Còn với Syria, một nước bạn thân cận, thế bí khiến Iran tỏ ra có chừng mực.

Lâu nay, Iran và Syria là hai nước đại diện cho trục chống Mỹ trong khu vực. Sự rung chuyển ở Syria làm Iran có nguy cơ bị mất đồng minh. Syria là nơi Iran có nhiều quyền lợi: là nguồn ủng hộ Iran về nhiều mặt, là điểm trung gian để Iran giúp tổ chức Hezbollah và phong trào Hamas. Syria cũng là nơi Iran có nhiều công trình đầu tư: nhà máy lắp ráp ôtô, nhà máy ximăng... nên Iran sẽ trắng tay nếu Chính phủ Syria sụp đổ.

Người ta cho rằng Iran sẽ không để chính quyền Syria đơn độc trong lâm nguy, mà đến lúc cần có thể đóng vai trò hòa giải giữa các bên xung đột. Nếu không hòa giải được, có thể Iran sẽ có biện pháp trực tiếp để cứu vớt chính phủ của ông Assad.

Mỹ và phương Tây cùng các nước đồng minh ở vùng Vịnh cho rằng sự im lặng của Iran trong lúc đồng minh Syria đàn áp người biểu tình thể hiện thái độ đạo đức giả, bởi lẽ Iran đã luôn to tiếng phản đối các chính quyền Bahrain, Yemen và Libya đàn áp nhân dân. Điều đó cũng cho thấy Iran lúng túng trước ván cờ đang bày ra trong khu vực.

Đạo Hồi có nhiều giáo phái, trong đó Sunni và Shia là hai dòng lớn. Sunni là dòng chính thống, lớn nhất, chiếm đa số ở hầu hết các nước theo đạo Hồi. Chữ Sunni xuất phát từ thuật ngữ tiếng Arabic có nghĩa là “người của truyền thống và giáo hội”, hàm ý thuộc về nhà tiên tri Muhammad. Nó cũng hàm nghĩa “tập quán” và “thực hành thường xuyên” để nhắc nhở đến giáo huấn và tập quán của Muhammad sinh thời.

Shia là dòng lớn thứ hai, tách ra từ Hồi giáo nguyên thủy. Shia là chữ viết tắt, nghĩa là “đồ đệ của Ali”, “dòng Ali”. Người theo dòng Shia gọi là Shiite, tin rằng Ali (em họ và là con rể của Muhammad) là giáo chủ Imam đầu tiên (trong hệ thống 12 Imam), là người kế tục thật sự của Muhammad. Vì vậy Ali là người quan trọng thứ hai, sau Muhammad. Shia hiện chỉ chiếm đa số trong một số quốc gia: ở Iran khoảng 90% dân số, Iraq 65-70%, Bahrain 70%, Azerbaijan 65-75%.

__________

Kỳ 2: Đương đầu với những “thế lực ngạo mạn”

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận