Nông nghiệp: Lo kỹ thuật, quên thị trường

TTCT - Đã có rất nhiều mô hình trồng lúa, cây ăn trái theo tiêu chuẩn xanh và sạch ngay từ đầu vào đến đầu ra, theo sau đó là chăn nuôi. Nhưng do đầu tư kiểu đứt đoạn, thiếu chuẩn bị khâu phân phối, sản phẩm làm ra hoặc không bán được hoặc được đánh đồng với những sản phẩm không sạch khác.


Nông dân khổ sở theo đuổi mô hình sản xuất VietGap, nhưng sản phẩm làm ra lại khó bán... - Ảnh: Nguyễn Trí


Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long mà ngay cả TP.HCM và nhiều nơi khác cũng vướng phải. Rất cần một chiến lược bài bản và nhất quán cho một phương pháp sản xuất mới của ngành nông nghiệp trên cả nước.

Nhiều mô hình chết yểu

Ông Nguyễn Văn Hòa, viện phó Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng thời gian qua các mặt hàng lúa gạo, trái cây, cá… sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP (tiêu chuẩn VN và tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên nguồn gốc) dù rất có giá trị nhưng do không có kênh riêng tiêu thụ dẫn đến giá cả thấp và bị coi như sản phẩm thông thường khác.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Vướng mắc lớn nhất chính là chưa có một mối liên kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất cùng ngành hàng và giữa người sản xuất với doanh nghiệp.

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) dù đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình canh tác Global GAP nhưng cuối cùng đã “chết yểu” vì giá bán không cao hơn vú sữa thường và hợp tác xã không có tiền để tái chứng nhận tiêu chuẩn này. Bưởi Năm Roi ở Bình Minh (Vĩnh Long) cũng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP một thời gian rồi chỉ còn… cái tiếng.

Hợp tác xã Mỹ Thành ở Tiền Giang là nơi đầu tiên trong nước sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP. Ban đầu được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cấp chứng nhận và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa thường, được một thời gian thì liên kết này bị “đứt”. Nông dân hợp tác xã quay lại sản xuất lúa theo kiểu truyền thống mấy năm nay.

Tại hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản VietGAP trên địa bàn TP.HCM” tổ chức ngày 29-11, bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều lần ngắt lời ông Nguyễn Ngọc An, phó tổng giám đốc Công ty Vissan, và yêu cầu giải thích vì sao đơn vị này đưa xe đi khắp miền Đông, miền Tây gom mua heo nhưng lại không mua heo của nông dân thành phố sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Không hài lòng với cách giải thích của Vissan, bà Hồng yêu cầu Vissan và Hợp tác xã Tiên Phong, đơn vị nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap, ngồi lại với nhau tìm cách tiêu thụ sản phẩm.

Ví dụ này cho thấy phải có sự can thiệp bằng biện pháp hành chính hoặc bằng chỉ đạo quyết liệt của cấp lãnh đạo, may ra những đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap mới gặp được nhà phân phối. Ông Nguyễn Hữu Chí, chủ nhiệm Hợp tác xã heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi), cho biết đơn vị này bắt đầu nuôi heo theo mô hình sạch và an toàn từ năm 2007, đến năm 2012 được chứng nhận VietGAP.

“Nhưng gần một năm kể từ ngày đạt chứng nhận, chưa một lần chúng tôi bán được vào hệ thống siêu thị, heo chúng tôi vẫn lẫn lộn đâu đó giữa những con heo không rõ nguồn gốc, thậm chí bị dịch bệnh” - ông Chí chua chát. Mỗi tháng Hợp tác xã Tiên Phong bán ra thị trường gần 4.000 con heo thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng hầu hết phải bán cho các lái heo của chợ đầu mối.

Theo ông Chí, nguyên nhân chính dẫn đến heo Tiên Phong phải ra chợ lẻ vì không có đơn vị nào chịu mua, dù chấp nhận bán giá thị trường và hợp tác xã không có kinh phí, nhân lực để vừa sản xuất, giết mổ, kinh doanh như đơn vị khác nên phải chấp nhận nuôi sạch… bán bẩn.

“Đầu ra ổn định thì dân sẽ tự nguyện tham gia, còn nuôi sạch bán bẩn thế nào hợp tác xã cũng sẽ tan rã” - ông Chí nói.

Không chỉ sản phẩm chăn nuôi, các sản phẩm rau củ VietGAP cũng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, chủ nhiệm Hợp tác xã Thỏ Việt, cho biết hiện nay mỗi ngày Thỏ Việt cho ra thị trường khoảng 50 tấn rau, nhưng chỉ 30% được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, còn phần lớn phải ra chợ đầu mối, truyền thống và bán như rau bình thường vì không có đơn vị phân phối, không yêu cầu bao bì, nhãn mác.

Cũng theo bà Ngọc, nhiều đơn vị mua rau VietGAP cho biết họ rất muốn bán rau có chứng nhận VietGAP, có bao bì nhưng do ở chợ thường không chia khu vực kinh doanh giữa rau VietGAP và rau bình thường nên người tiêu dùng khó nhận biết và chịu cạnh tranh vất vả nên họ rút lui.

“Để rau VietGAP ra chợ truyền thống nhưng vẫn giữ nguyên giá trị, cần hỗ trợ hoạt động kinh doanh rau VietGAP bằng việc thành lập gian hàng và chứng nhận đối với từng gian hàng để người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng. Ngoài ra, việc quy hoạch địa điểm bán rau VietGAP trong chợ cũng cần được tính toán để người mua dễ tiếp cận” - bà Ngọc đề nghị.


Người tiêu dùng không phân biệt được rau sản xuất theo mô hình VietGap và rau không theo mô hình này trên thị trường - Ảnh: Thanh Đạm


Khó cũng phải làm

Ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thừa nhận các mô hình này chỉ mới tập trung các giải pháp kỹ thuật, chứ chưa tính tới đầy đủ khả năng tiếp cận thị trường và thu nhập của nông dân nên khó duy trì bền vững và mở rộng.

Ông Nam lo ngại: “Trong các mô hình sản xuất thì sản phẩm đạt chuẩn GAP vẫn chưa được đánh giá tương xứng, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, sản phẩm chưa có kênh tiêu thụ riêng. Nông dân chưa được hưởng lợi từ GAP trong khi phải đầu tư thêm nhiều chi phí. Hiện nay vẫn còn thiếu sự gắn kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp, thị trường, vì vậy không có gì đảm bảo nông dân sẽ không bỏ GAP mà trở về với lối sản xuất nông nghiệp truyền thống”.

Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn kiên trì mục tiêu tổ chức sản xuất xanh và bền vững vì đây là xu thế tất yếu của thế giới. Sản xuất nông sản ngoài yếu tố chất lượng cao thì phải truy nguyên nguồn gốc, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Mô hình chuỗi liên kết cung ứng sản xuất tiêu thụ khép kín do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang giới thiệu thu hút sự chú ý. Liên kết sản xuất lúa với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, nông dân được cung ứng giống lúa xác nhận, được mua vật tư nông nghiệp ghi nợ không tính lãi 120 ngày, được bao tiêu lúa và được quyền chọn thời điểm bán lúa cho công ty để có được giá tốt nhất.

Ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc công ty, cho biết công ty đã triển khai phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nông dân và là một trong những công ty đầu tiên chia sẻ quyền làm chủ với hơn 6.000 nông dân trong vùng nguyên liệu. “Nông dân vùng nguyên liệu có lợi nhuận cao hơn nông dân sản xuất theo tập quán bình thường bên ngoài gần 7 triệu đồng/ha” - ông Thòn nói.

VietGAP vẫn chưa đủ

Bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết các siêu thị Co.op Mart trên địa bàn thành phố mỗi tháng tiêu thụ 4.000 tấn rau củ, nhưng rau của thành phố chỉ chiếm 30%, còn lại phải mua từ các tỉnh ngoài.

“Vì các đơn vị sản xuất trong thành phố chỉ cung ứng khoảng 30 loại rau củ trong khi siêu thị có tới trên 300 mặt hàng. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các đơn vị sản xuất tại địa bàn thành phố có sản phẩm đạt VietGAP hoặc các chứng nhận cao hơn đưa sản phẩm bày bán trong hệ thống Co.op Mart” - bà Thu cho biết.

Theo bà Bùi Hạnh Thu, VietGAP vẫn chỉ là một tiêu chuẩn thấp, không quá phức tạp và hợp tác xã nào cũng làm được. Hiện tất cả trang trại tại Lâm Đồng đều đã làm theo tiêu chuẩn này, nhiều trang trại đã làm theo các tiêu chuẩn cao hơn như Global GAP, Organic (hữu cơ), do đó các nhà sản xuất tại thành phố cần nhìn xa hơn để có chiến lược cạnh tranh, không chỉ ở việc đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải nâng cao các tiêu chuẩn sạch.

Đồng quan điểm này, GS Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia về nông nghiệp, cho biết tiêu chuẩn VietGAP mang tính cục bộ và chỉ là bước khởi đầu của quá trình làm nông nghiệp sạch. Dù là bộ tiêu chuẩn đầy đủ nhất cho sản xuất do VN ban hành nhưng so với các tiêu chuẩn quốc tế thì còn khoảng cách. Do đó, các sản phẩm dù đạt chứng nhận VietGAP cũng khó xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

“Các cơ quan nhà nước cũng gấp rút xây dựng một phiên bản mới của VietGAP để tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi khi đó không chỉ tiêu dùng trong nước mà sản phẩm nông sản VietGAP của VN còn dễ dàng xuất khẩu với giá trị to lớn hơn nhiều” - GS Nguyễn Quốc Vọng nói.

________________________

Tôi nuôi heo VietGAP

Vĩnh Long là một trong số ít địa phương đi đầu trong việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân hào hứng với phương pháp chăn nuôi sạch này dù thị trường riêng cho sản phẩm chưa được định hình.


Ở mỗi chuồng đều có ghi thông tin của con heo để có thể truy xuất nguồn gốc, biết được ngày phối giống, chế độ thức ăn - Ảnh: Thúy Hằng


Tắm trước khi vào trại heo


Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, TP có một hợp tác xã và 30 nhóm sản xuất thịt heo đạt chứng nhận VietGAP hoặc theo hướng VietGAP với sản lượng 11.525 tấn/năm, nhưng gần như toàn bộ đều bán qua thương lái bằng giá heo thường.


Ông Cao Huỳnh Lâm (chủ trại heo Minh An, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) nói như thế khi dẫn chúng tôi tham quan trại heo của mình.

Theo ông Lâm, trước nay trại heo của ông đã hình thành mầm mống của một trại heo theo tiêu chuẩn VietGAP rồi. Sau khi tiếp cận vốn và những hỗ trợ từ dự án chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, ông chỉ cần bổ sung vài hạng mục là đã cơ bản hình thành cơ sở vật chất cho một trại heo được nuôi theo VietGAP.

Nằm dọc tuyến kênh Thầy Cai (huyện Mang Thít), trại heo của ông Lâm có diện tích chừng 4,5ha nhưng chỉ nuôi 1.000 con. Ông Lâm cho biết dù diện tích rộng nhưng ông cố tình không nuôi nhiều để giữ sự thoáng mát cần thiết cho heo. Bước vào trang trại, tôi không ngạc nhiên khi phải tuân thủ việc đi qua nhà sát trùng, nhưng thật sự ngỡ ngàng khi buộc phải tắm rửa sạch sẽ trước khi mặc quần áo bảo hộ. Ông Lâm khẳng định ai cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này.

Trại được chia làm nhiều khu theo từng loại heo, mỗi khu được chăm sóc và quản lý chặt chẽ thông qua một phần mềm được viết riêng cho trang trại. Ví dụ như ở trại heo nái, tại mỗi khoang sẽ có bảng ghi lý lịch con heo bao gồm mã số, ngày phối giống… Chỉ cần nhập mã số này vào máy là có thể tra được nguồn gốc của heo, biết ngay đời mẹ, đời cha. Căn cứ ngày phối giống để quyết định chế độ thức ăn cho từng con.

Ông Lâm cho biết để lưu ý chế độ thức ăn của từng con, công nhân sẽ dùng kẹp đánh dấu lên bảng. Mỗi một màu kẹp tương ứng với một chế độ thức ăn cụ thể, nhờ đó heo phát triển đồng đều. Tại trại heo thịt, một lứa heo sẽ được nuôi chung một chuồng và cũng được ghi chú các thông số. Trong đó quan trọng nhất là số bầy. “Đó là căn cứ để khi xuất chuồng mình đánh giá được chất lượng con giống, chất lượng của heo mẹ, heo cha và sự ghép đôi của cha và mẹ” - ông Lâm nói.

Ông chủ trang trại còn khuyến khích nhân công thực hành tốt quy trình bằng cách chấm điểm thi đua giữa các khâu. Nhờ đó mà ở tất cả khu chăn nuôi đều đảm bảo mỹ quan và làm đúng quy trình.

Chỉ tay về phía các ao nước và những hàng cây xanh tốt trong trại, ông Lâm nói: “Có nó tui yên tâm. Trại đã có hầm biogas với hệ thống lắng theo đúng quy định. Khi đã qua hệ thống này, nước thải ra ao lại tiếp tục qua màng lọc một lần nữa mới thải ra môi trường. Còn không khí thì thoáng hơn bởi ở đây có hàng ngàn cây xanh”.

Xu thế tất yếu

Ông Cao Huỳnh Lâm khẳng định dù có hay không việc được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, chắc chắn ông vẫn đeo đuổi quy trình sản xuất này vì vừa là xu hướng của thị trường vừa là mơ ước trước nay của ông. Điều khiến ông Lâm băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Hiện nay heo thịt ở đây chủ yếu bán cho thương lái.

Heo sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng khi đã ra thị trường thì chẳng có cách gì phân biệt với heo từ các nguồn khác. Hơn nữa, theo ông Lâm, khâu giết mổ hiện nay ở nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo độ an toàn nên sản phẩm nuôi sạch mà qua quy trình giết mổ thông thường thì cũng vô nghĩa. “Trăn trở thì nhiều nhưng chắc chắn nhu cầu của thị trường sắp tới là sản phẩm sạch. Tôi làm để đón đầu thị trường” - ông Lâm nói.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, chăn nuôi theo quy trình VietGAP giúp nông dân làm kỹ lưỡng hơn, ghi chép rõ ràng, chặt chẽ đầu vào, đầu ra. Mặt khác, chăn nuôi hiện nay phải gắn liền với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên được nguồn gốc. Và chỉ có ứng dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt mới đáp ứng được các yêu cầu này.

“Hiện nay đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi VietGAP vẫn chưa có gì khác biệt. Mắt xích đầu tiên từ chuồng nuôi đang trong quá trình hình thành. Đây là bước đệm để từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất trong thời gian tới” - bà Mai nói.

Trong khi đó, ông Phan Nhựt Ái, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho biết mục tiêu của dự án chăn nuôi heo, gà theo tiêu chuẩn VietGAP là để hình thành những mô hình kiểu mẫu, từng bước định hình xu hướng chăn nuôi hiện đại mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.

“Vẫn biết khó vì chưa có doanh nghiệp mua sản phẩm này khác với sản phẩm nuôi theo kiểu truyền thống và khâu giết mổ còn gặp nhiều bất cập, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì hướng nông dân sản xuất theo con đường này. Thực phẩm sạch là hướng đi tất yếu. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm những doanh nghiệp có đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm heo hơi, có điều kiện tổ chức giết mổ an toàn để đưa sản phẩm đi vào một thị trường riêng dành cho thực phẩm sạch, giúp nông dân tin tưởng với sự hiệu quả của mô hình này” - ông Ái nói.

Giữa tháng 11, trại nuôi heo Minh An (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) và trại gà Nguyễn Khoa (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) được công nhận là hai đơn vị đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long đạt chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi.  


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận