Nước Nga và hiến pháp 2.0

TƯỜNG ANH 08/07/2020 06:07 GMT+7

TTCT - “Hiến pháp 2020 qua mặt Hiến pháp 1993 về số cử tri đi bỏ phiếu và số phiếu ủng hộ. Nhưng quan trọng hơn là những kết luận nào từ cuộc bỏ phiếu này sẽ được thực hiện cho tương lai” - bình luận mà tờ báo doanh thương Nga Vedomosti đưa ra ngày 1-7 ngắn gọn nhưng không kém ẩn ý.

Ngày 3-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về sửa đổi Hiến pháp sau cuộc bỏ phiếu toàn quốc ngày 1-7: Từ 4-7-2020, người Nga bắt đầu sống dưới đạo luật cơ bản mới được truyền thông Nga gọi là “Hiến pháp 2.0”.

Các kết quả được Ủy ban bầu cử trung ương công bố: 77,92% phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, 21,27% chống, với tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 67,97%. Chủ tịch ủy ban, bà Ella Pamphilova, giải thích kết quả mỹ mãn này là nhờ trật tự và hình thức bỏ phiếu khá thuận tiện (người dân được quyền chọn thời gian - từ 25-6 đến chiều 1-7 và cách thức bỏ phiếu linh hoạt: trực tiếp ở nhiều điểm bỏ phiếu, hoặc qua mạng). “Không ghi nhận có vi phạm nghiêm trọng nào, dù có những sự cố khiêu khích nhất định” - bà nói.

“Từng là của các người, giờ là của chúng tôi”

Putin siêu đẳng, tranh của họa sĩ Nga Alexander Donskoy.-Ảnh: Business Insider

Những thành viên nhóm nghệ thuật Re-Vansh tối 29-6 đã cho chiếu một quảng cáo cổ động đi bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp ngay trên tường của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Matxcơva. Đầu tiên trong clip quảng cáo là ảnh cố tổng thống Nga Boris Yeltsin và cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ôm nhau chúc mừng với hàng chữ: “Từ năm 1993, (Hiến pháp) là của các người”. Tiếp đó là cảnh người Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp với dòng chữ: “Từ 1-7-2020, (Hiến pháp) là của chúng tôi”.

Clip quảng cáo này nhắm vào lòng yêu nước và tinh thần tự cường dân tộc của người Nga, nhấn mạnh việc bản Hiến pháp đầu tiên của Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã đã được soạn thảo với sự hỗ trợ chặt chẽ của các chuyên gia Hoa Kỳ. Sau 27 năm tồn tại, chỉ ba lần có những sửa đổi trong bộ luật cơ bản đó, nhưng chưa bao giờ có những sửa đổi lớn, sâu rộng như bây giờ.

Theo thống kê của tờ Vedomosti, tổng cộng có 41 chương được sửa chữa và thêm 5 chương mới được bổ sung. Còn theo tờ Kommersant, tổng cộng có 206 sửa đổi. Vì thế, không phải tự nhiên mà người Nga nói “Hiến pháp Yeltsin được thay thế bằng Hiến pháp Putin”, và cuộc bỏ phiếu ngày 1-7 mà ông Putin đề nghị không khác một dạng trưng cầu ý dân.

Ý tưởng chính của những sửa đổi này là rời khỏi thể chế cộng hòa siêu tổng thống được thành lập năm 1993, cùng lúc tạo ra song song một hệ thống kiềm chế và đối trọng, không để xảy ra việc tiếm đoạt toàn bộ quyền lực nhà nước chỉ bởi một nhánh chính quyền.

Phân chia lại quyền lực chính trị

Theo Hiến pháp sửa đổi, Đuma (Hạ viện) Nga sẽ có quyền phê chuẩn không chỉ thủ tướng, mà cả các phó thủ tướng và các bộ trưởng “dân sự” (tổng thống chỉ là người bổ nhiệm) - nhưng đồng thời hiến định quyền lực trực tiếp của tổng thống với các cơ quan sức mạnh (thực thi pháp luật, vũ trang, tình báo). 

Thủ tướng có thể độc lập đề cử các ứng viên của chính phủ (hiện phải đề xuất với tổng thống), đổi lại tổng thống sẽ có quyền “lãnh đạo chung” chính phủ. Đặc biệt, tổng thống có quyền bãi nhiệm thủ tướng mà vẫn giữ lại toàn bộ nội các.

Hội đồng liên bang (Thượng viện), theo Hiến pháp mới, sẽ có cơ hội tham khảo tổng thống về việc bổ nhiệm các bộ trưởng sức mạnh, nhưng đồng thời các thượng nghị sĩ sẽ mất quyền bổ nhiệm tổng công tố theo giới thiệu của nguyên thủ quốc gia: tổng thống sẽ một mình bổ nhiệm chức danh sau khi “tham khảo” ý kiến Thượng viện. 

Điều khoản về việc vô hiệu hóa các nhiệm kỳ của ông Putin cũng được cân bằng một cách chính thức bằng khả năng được bầu lại thêm hai nhiệm kỳ không chỉ với ông Putin, mà cả đối với cựu tổng thống khác của Nga là Dmitry Medvedev. Đặc biệt, các cựu tổng thống có quyền trở thành thành viên của Hội đồng liên bang, tức thượng nghị sĩ, trọn đời và được quyền bất khả xâm phạm (cho đến khi bị Hạ viện ra cáo buộc tước mất quyền này).

Tòa án Hiến pháp cũng sẽ nhận thêm các quyền hạn mới: có thể kiểm tra không chỉ những đạo luật hiện hành, mà cả những đạo luật liên bang và khu vực chưa đi vào thực thi. Đồng thời, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp và các tòa khác có thể bị Hội đồng liên bang bãi nhiệm theo đề xuất của tổng thống, dù hiện giờ những vấn đề nhân sự này do chính các thẩm phán quyết định.

Điều duy nhất chưa rõ ràng trong phương trình quyền lực này là Hội đồng Nhà nước (HĐNN), được thành lập năm 2000 với tư cách là cơ quan tư vấn cho tổng thống. Một mặt, quy định mới của tổng thống về việc thành lập HĐNN nhằm đảm bảo sự phối hợp hoạt động và tương tác của các cơ quan công quyền, xác định các hướng chính trong đối nội và đối ngoại của Liên bang Nga. 

Mặt khác, ông Putin đã công khai phủ nhận việc biến HĐNN thành một cơ quan song song của chính quyền nhà nước tối cao, cho rằng một “quyền lực kép” như thế là “tai hại cho nước Nga”. Nhưng nếu thế thì HĐNN đóng vai trò gì?

Định hướng mới cho kinh tế - xã hội

Cùng với sự phân phối lại quyền lực nhà nước là những cải cách định hướng kinh tế - xã hội. Cụ thể, Hiến pháp sẽ quy định mức lương tối thiểu không được thấp hơn mức sống tối thiểu và đảm bảo chỉ số lương hưu hằng năm.

Những thay đổi đáng kể cũng diễn ra về “ý thức hệ xã hội”. Hiến pháp mới xác định “tiếng Nga là ngôn ngữ dân tộc lập quốc”, đưa ra quy định về việc bảo vệ “sự thật lịch sử”, đề cập đến niềm tin vào Thiên Chúa trong bối cảnh di sản truyền thống. Ngoài ra, Hiến pháp cũng bổ sung toàn bộ các mục liên quan đến những vấn đề “chuyên biệt”, củng cố vai trò đặc biệt của nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe, khoa học, văn hóa, hoạt động thiện nguyện, thanh thiếu niên...

Đa số các thay đổi này cơ bản không phải là mới, đơn giản chỉ là những quy định đang tồn tại trong các luật liên bang hiện hành được chuyển sang cấp độ Hiến pháp. Trong số này, những sửa đổi được báo chí Nga bàn thảo nhiều nhất là các điều khoản về lương và lương hưu, tính bất khả xâm phạm của biên giới, “hôn nhân như sự kết hợp của người đàn ông và người đàn bà để giáo dục xứng đáng trẻ con trong gia đình”.

Chính các vấn đề kinh tế - xã hội này đóng vai trò then chốt trong chiến dịch cải cách Hiến pháp. Huy động người dân đi bỏ phiếu để cải thiện phúc lợi, bảo vệ chủ quyền nước Nga và củng cố các giá trị gia đình truyền thống vẫn dễ dàng và thuyết phục hơn là việc phân chia lại quyền lực chính trị hay “vô hiệu hóa” giới hạn nhiệm kỳ tổng thống để ông Putin ngồi lại thêm, có thể là tới tận năm 2036.

Bình luận kết quả kiểm phiếu của Ủy ban bầu cử, nhà hoạt động đối lập Alexei Navalnyi đã gọi các kết quả này là “giả dối và bịa đặt”, chúng “không có gì chung với ý kiến của người dân Nga”. Tối 1-7 cũng đã nổ ra biểu tình phản đối cuộc bỏ phiếu trên quảng trường Pushkin. Newsru tường thuật: “Những người biểu tình đã đi quanh quảng trường trong vài giờ, hô khẩu hiệu. Cảnh sát đã phát khẩu trang cho những ai cần. Không có vụ bắt giữ nào sau sự đó”.■

Đưa tin về kết quả cuộc bỏ phiếu, truyền thông Nga nhấn mạnh tỉ lệ người dân đi bỏ phiếu và mức ủng hộ cho Hiến pháp 2020 cao hơn năm 1993. Số phiếu ủng hộ bản Hiến pháp mới cao nhất là ở Chechnya (97,92%). (Người đứng đầu Chechnya Kadyrov còn “đổ dầu vào lửa” với phe đối lập khi kêu gọi bỏ phiếu để ông Putin làm “tổng thống trọn đời”). 

Trong số các khu vực có tỉ lệ ủng hộ cao còn có Crimea (90,07%) hay Daghestan (89,19%). Vùng hành chính duy nhất không ủng hộ Hiến pháp mới là khu tự trị Nenets (54,57% không ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, nguyên nhân chính được cho là bất đồng về chính sách sáp nhập khu tự trị này vào tỉnh Arkhalgelsk).

Một thống kê thú vị: đa số người Nga sống ở New York cũng không ủng hộ Hiến pháp mới. 816 người đã đến Tổng lãnh sự quán Nga ở đây để bỏ phiếu, và chỉ 310 ủng hộ so với 505 phiếu chống. Hai khu vực được báo Anh Financial Times cho là “thành trì chống Putin” là Matxcơva và Saint Petersburg, ngược lại, đã bày tỏ sự ủng hộ (65% ở Matxcơva và 80% ở Saint Petersburg). Được yêu cầu bình luận, thư ký báo chí của tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng “cuộc bỏ phiếu thực sự là cuộc trưng cầu thắng lợi về niềm tin của người dân đối với ông Putin”.

Nhưng Đông là Đông, và Tây là Tây. Deutsche Welle của Đức nhận định bản Hiến pháp mới càng làm “nước Nga cách xa phương Tây và các giá trị của chủ nghĩa tự do” nhưng mặt khác, Điện Kremlin, được ủng hộ bởi cuộc bỏ phiếu này, sẽ cảm thấy “mạnh dạn hơn trong việc thúc đẩy mô hình quản trị của mình”. 

Bloomberg lý giải một cách thực dụng: “Mọi việc chỉ để bảo vệ Putin, không khiến ông ta biến thành “vịt què””. Còn Sam Green, giám đốc Viện Nga ở London, cho rằng Hiến pháp 2020 là để chuẩn bị cho việc lãnh đạo nước Nga trong một môi trường thù địch: “Hiến pháp 1993 của Yeltsin, thông qua vào thời kỳ biến động chính trị, nhiều mâu thuẫn và rối rắm. 

Nhưng đồng thời đây cũng là bản Hiến pháp tự do và đa nguyên nhất, mang theo hi vọng. Còn Hiến pháp 2020 thì không gieo hi vọng. Thay vào đó, nó chuẩn bị cho một người ở vị thế cao lãnh đạo nước Nga trong môi trường thù địch hơn. Đến nay, khả năng cai trị đất nước của Putin được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế, lạm phát giảm, giá dầu cao và từ năm 2014 là nhờ làn sóng ủng hộ của người dân liên quan đến Crimea. Nhưng hiệu quả của chuỗi sự kiện đặc biệt này đang giảm dần”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận