Nước phải là sân trước của TP.HCM

NGỌC ĐÔNG 10/03/2016 17:03 GMT+7

TTCT - Trao đổi với TTCT, kiến trúc sư Joep Janssen cho rằng cư dân sống trong vùng ngập nước do biến đổi khí hậu phải có tiếng nói thay vì chỉ có nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách; phải sống với nước thay vì tìm cách chống lại…

Nước ngập ở TP.HCM qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Myrthe Buijs được dùng trong cuốn sách
Nước ngập ở TP.HCM qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Myrthe Buijs được dùng trong cuốn sách

Để thực hiện Living with the Mekong, anh đã gặp gỡ nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM. Anh nhìn thấy gì nơi họ?

- Tôi nhận thấy rằng các cuộc thảo luận về việc tổ chức các vùng đồng bằng chủ yếu là của các nhà khoa học, các kỹ sư và các nhà hoạch định chính sách, những người trình bày ý tưởng mới của họ tại các hội nghị về kế hoạch quản lý đồng bằng. Cư dân bình thường của các vùng đồng bằng lại không bao giờ có mặt ở những hội nghị như vậy.

Qua nhiều thế hệ, người dân đã và đang phát triển các kỹ năng và kiến thức để đối phó với nước. Và tôi nghĩ sự sáng tạo của họ là một động thái phản ứng trước áp lực mà tình hình mang lại. Tôi chứng kiến nhiều kỹ năng và thành tựu sáng tạo (quy mô nhỏ) của người dân ĐBSCL.

Mô hình lúa - cá là một trong số đó. Nông dân nuôi cá để ăn cỏ và các loại ốc phá lúa, vừa tiết kiệm được rất nhiều tiền thuốc trừ sâu tốn kém, vừa có tác dụng tốt trong việc phòng chống bệnh sốt rét.

Một ví dụ khác là nông dân địa phương tạo ra được nguồn năng lượng bền vững khi xử lý phân lợn thành khí biogas để đun nấu. Rồi họ trồng tràm để phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Dường như tất cả nông dân đều là kỹ sư cơ khí sáng tạo, bởi tất cả các máy bơm họ dùng đều khác nhau.

Anh nhận xét như thế nào về tình hình hiện tại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu?

- Chính phủ Việt Nam đã có sự chủ động trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp và nỗ lực tăng cường phát triển năng lượng bền vững. Những đóng góp của Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu là đáng ngưỡng mộ, Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy họ cần phải hành động.

Điều này cũng dễ hiểu, vì theo như báo cáo Phát huy khả năng tăng trưởng xanh ở ĐBSCL năm 2014 của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Có những thông số rất rõ ràng:

Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hằng năm đã tăng 0,5 đến 0,7 độ C, và mực nước biển tăng khoảng 20cm. Trong những năm qua, thời tiết khắc nghiệt đã gây ra thiệt hại về người và kinh tế ở nhiều vùng, và đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Theo thống kê của Chính phủ, từ năm 2001 đến 2010, thiên tai ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã dẫn đến 9.500 trường hợp tử vong và gây thiệt hại 1,5% GDP hằng năm”.

Về lâu dài, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp và sinh kế, nhưng hiện tại tác động gây lún đất thậm chí còn lớn hơn. Càng nhiều người sống ở thành phố, lượng nước ngầm họ lấy từ mặt đất lên để tiêu thụ càng cao.

Và kết quả là đất bị lún xuống. Đối với TP.HCM, vấn đề này còn lớn hơn cả mực nước biển tăng, vì cứ mỗi năm là đất TP.HCM lại lún thêm vài centimet, trong khi nước biển chỉ tăng vài milimet hằng năm.

Vậy theo anh, giải pháp là gì?

- Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị tập trung vào ba vấn đề chính. Thứ nhất: tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quy mô bao gồm cả ở trường đại học. Trong thời gian tôi ở TP.HCM, trong số các sinh viên kiến trúc sẽ trở thành kiến trúc sư, tôi thấy không ai hứng thú với việc trở thành một nhà kế hoạch đô thị chất lượng.

Nên đầu tư và kích thích sinh viên trẻ trở thành thế hệ chuyên gia về nước và đô thị mới để có thể đối phó với hệ thống đô thị phức tạp và bất ổn.

Thứ hai: ngưng việc khai thác nước ngầm hoặc tăng giá nước dùng cho tư nhân. Nhiều công ty sản xuất nước giải khát sử dụng rất nhiều nước máy nhưng trả rất ít tiền. Hậu quả là lượng nước ngầm càng ngày càng bị rút lên, còn TP.HCM thì dần lún xuống.

Nếu tăng phí nước, việc tiêu thụ nước số lượng lớn sẽ giảm xuống và số tiền đó có thể được dùng cho các giải pháp đô thị thông minh. Cuối cùng: cần có sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước cùng chính quyền và người dân các địa phương để tìm giải pháp cho vấn đề.

Thế còn tác động của đô thị hóa?

- Kể từ khi thực hiện chính sách kinh tế đổi mới, thành phố đã phát triển độc lập với thiên nhiên. Sông Sài Gòn và hai chi lưu của nó vẫn ở đó, nhưng nhiều kênh rạch đã được thay thế bằng đường bêtông.

Bên cạnh đó, do thiếu quy hoạch hiệu quả, sự tăng trưởng mật độ cao trong nội thành còn làm giảm đi không gian xanh - những không gian mở có thể bảo vệ thành phố chống lại nhiệt độ khắc nghiệt và ngập lụt.

Nếu các bạn không hành động và việc đô thị hóa vẫn tiếp tục như hiện tại, hai phần ba thành phố sẽ rơi vào tình trạng ngập thường xuyên vào năm 2025, và các chi phí kinh tế để giải quyết chuyện đó có thể là rất lớn.

Việt Nam và Hà Lan đều bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, có kinh nghiệm nào của Hà Lan mà Việt Nam có thể học hỏi?

- Việt Nam có đường bờ biển gấp khoảng 10 lần Hà Lan, với hàng ngàn cây số bờ biển và sông, việc xây dựng đê điều là không thể tưởng tượng được. ĐBSCL cũng ngập úng nhiều hơn ở Hà Lan với lượng mưa gấp hai lần.

Một nguyên nhân khác là có nhiều tuyến đường thủy, thậm chí tổng độ dài có thể bằng cả hệ thống ở châu Âu và lưu lượng nước chảy qua sông Cửu Long cũng nhiều hơn so với sông Rhine... Bên cạnh đó, một khu vực lớn ở ĐBSCL còn có lũ về hằng năm, trong khi đó ở Hà Lan xác suất có lũ là 0,01% trong một năm.

Hà Lan là một quốc gia đồng bằng nhỏ, gần như có cùng kích thước và dân số như ĐBSCL, hơn một phần tư đất nước là dưới mực nước biển và 60% dân cư sống trong vùng ngập lũ. Chúng tôi đã trải qua nhiều bài học đắt giá từ những trận lũ chết người trong quá khứ.

Tôi nghĩ rằng thành công của Hà Lan và kinh nghiệm mà chúng tôi đúc kết được là dựa trên ba trụ cột: sự hợp tác, kế hoạch dài hạn và xây dựng năng lực.

Nhân tố thứ nhất làm nên thành công liên quan đến văn hóa: chúng tôi tin tưởng vào sự hợp tác, bao gồm tất cả mọi người chứ không riêng gì các chuyên gia, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được các mối nguy từ lũ lụt và nhận thức được mình phải hành động.

Điều này có thể thấy được thông qua dự án “TP.HCM phát triển hướng ra biển thích ứng với biến đổi khí hậu” trên cơ sở hợp tác giữa Rotterdam và TP.HCM năm 2013. Để thực hiện dự án này, Chính phủ Hà Lan đã kết hợp chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia thiết kế cảnh quan và các công ty kỹ thuật.

Thứ hai, xây dựng năng lực - giáo dục và đổi mới là rất quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tìm ra những cách sáng tạo để bảo vệ người dân khỏi lũ lụt. Cho đến những năm 1990, chúng tôi tập trung rất nhiều vào các cấu trúc “nặng” như đê điều và cửa biển, sau đó chúng tôi thay đổi suy nghĩ của mình và tìm thấy các giải pháp “mềm” để sống với nước chứ không phải chống lại nó.

Theo tôi, TP.HCM có thể áp dụng mô hình Room for the river (Không gian thoát lũ cho sông - mở rộng các vùng ngập và di dời người dân các khu vực dễ bị ảnh hưởng nhằm cho phép một lượng nước lớn chảy ra biển) mà Hà Lan đã áp dụng.

Các bạn cần phải kết nối cư dân thành phố với nước. Điều đó có thể gặp khó khăn, bởi vì ngày nay mọi người bỏ qua sông ngòi vì tình trạng xấu đi của nó. Nước hiện đang là sân sau của TP.HCM, nhưng nó phải là sân trước. Thứ ba, chúng tôi quy hoạch tổng hợp dài hạn và để tạo ra nhiều lợi ích. Tôi cũng biết là sẽ khó khăn cho TP.HCM để thực hiện một kế hoạch dài hạn trên hơn 20 quận, huyện khác nhau.

Xin cảm ơn anh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận