ODA sẽ thay đổi như thế nào?

CHIÊU VĂN 07/04/2016 02:04 GMT+7

TTCT - Ngoài việc viện trợ không hẳn là viện trợ mà thật ra là những khoản nợ phải trả, việc ngửa tay nhận tiền đầu tư nước ngoài ngày càng bị nhìn như điều lợi bất cập hại với các nước đang phát triển.

ODA có thể trở thành lợi bất cập hại với các nước nghèo                 -spectator.co.vik
ODA có thể trở thành lợi bất cập hại với các nước nghèo -spectator.co.vik

Việc đo lường hiệu quả của viện trợ nước ngoài là đề tài của rất nhiều nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhưng chủ yếu dựa vào các chỉ số tổng quát như GDP và vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Dẫu vậy, chỉ một số ít nghiên cứu cho rằng viện trợ, dù là không hoàn lại hay có lãi từ nước ngoài, có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế. Phần lớn nói không có mối tương quan giữa hai điều này ở các nước đang phát triển.

Thất bại của viện trợ

“Giải pháp dài hạn chắc chắn không phải là viện trợ. Nghe thì có vẻ tàn nhẫn về việc các nước châu Phi cần phải ngưng ngửa tay xin tiền, nhưng đúng là như thế - Rasna Warah, tổng biên tập tập san Missionaries, Mercenaries and Misfits, viết trên tạp chí Time - Vấn đề là chúng ta không biết nói không”.

Warah chỉ ra hàng loạt “thất bại” của viện trợ phát triển ở những nước nghèo: chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng đầu tư xã hội, gây ra sự phụ thuộc vào viện trợ, mất chủ quyền kinh tế, tạo điều kiện cho tham nhũng và sử dụng vốn sai mục đích khiến sự lãng phí còn gây ra nhiều tác hại hơn cho xã hội. Tất nhiên, cả gánh nặng nợ.

Các nước giàu đã cho, tặng và cho các nước nghèo vay tiền trong nhiều thập kỷ vì nhiều lý do: từ mục tiêu chính trị tới sự ân hận vì quá khứ thuộc địa.

Phần lớn những khoản tiền đó nhắm vào các mục tiêu phát triển: xây trường học, bệnh viện, đường sá...”. Viện trợ phát triển chính thức” (ODA) đôi khi được chuyển trực tiếp và những trường hợp khác qua các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới.

Nhiều khoản là cho tặng và với lãi suất ưu đãi, hoặc sau này sẽ được xóa nợ. Và khoản tiền đã bỏ ra không hề nhỏ: trong 50 năm qua, ODA thuần đã tăng lên mức khoảng 3,5 nghìn tỉ USD theo thời giá 2011. Để so sánh, khoản tiền đó lớn hơn gấp ba lần toàn bộ nền kinh tế của khu vực châu Phi hạ Sahara, cũng là vùng nhận nhiều ODA nhất thế giới.

Tới ngày nay, dòng ODA, chủ yếu chảy từ các nước giàu sang nước nghèo, được ước tính vào khoảng 120 tỉ USD mỗi năm.

Nhưng với ODA, câu nói “tiền chưa chắc mang lại hạnh phúc” thật đúng. Các khoản tiền viện trợ đó giúp củng cố các chế độ độc tài bỏ nó vào túi riêng. Chúng có thể là các khoản “cho vay giả vờ”, khi mà các hợp đồng kèm theo được chỉ định cho công ty hay các hãng tư vấn từ những nước ban phát viện trợ.

Trong những trường hợp khác, ODA kèm theo các điều kiện ngặt nghèo không tính gì tới những ưu tiên của địa phương. Danh sách những bất lợi rất dài.

Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Trong thập kỷ qua, những nhà tài trợ lớn bắt đầu gắn ODA nhiều hơn với các mục tiêu dân sinh, bao gồm “Những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” do Liên Hiệp Quốc đặt ra năm 2000 với hàng loạt tiêu chí được lượng hóa cho tình trạng nghèo đói cùng cực, giáo dục tiểu học, sức khỏe bà mẹ trẻ em...

Từ năm 2005 tới nay, các nhà tài trợ đã nỗ lực thật sự để hòa hợp quy trình giải ngân của họ với các chiến lược của những nước nhận ODA, thay vì áp đặt chính sách từ bên ngoài như trước. Tiền giờ rót ít hơn cho các dự án xây dựng và nhiều hơn vào những cải cách chính sách. Họ cũng sẽ đổi việc xóa những khoản nợ lớn lấy các cam kết chi tiêu nhiều hơn cho xã hội và giảm tham nhũng.

Sự cáo chung của ODA thuần túy

Tuy nhiên, thay đổi thật sự - điều sẽ là tương lai của viện trợ phát triển nói chung và ODA nói riêng - không tới từ các nhà tài trợ, mà từ những nước nhận.

Một số nước nhận đã đủ phát triển để trở thành nhà tài trợ như Trung Quốc, Brazil hay Ấn Độ. Có hi vọng họ, với tư cách những nước nhận viện trợ trong quá khứ, sẽ rút ra được bài học và tự coi mình là đối tác nhiều hơn là nước ban phát.

Dòng viện trợ giờ cũng không có vai trò lớn như trước nữa khi nhiều nước đang phát triển có những nguồn thu nhập khác, hoặc từ tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khoáng sản, hoặc từ kiều hối. Còn rất ít quốc gia trên thế giới vẫn chỉ phụ thuộc vào viện trợ phát triển để trả lương cho đội ngũ công chức hay xây nhà máy điện.

Và ngày nay, mọi nước đang phát triển bình thường đều có thể tiếp cận những nguồn quỹ tư nhân khác. Một phần đáng kể trong đó là từ những ngân hàng đầu tư quan tâm tới lợi nhuận và không đòi hỏi gì khác ngoài việc quốc gia vay nợ phải quản trị tốt về kinh tế và tăng trưởng ổn định (để có tiền trả), không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào khác.

Nhưng về cơ bản, không chính phủ nào từ chối một khoản vay rẻ hay miễn phí. Câu hỏi thật sự nằm ở chỗ viện trợ có còn quan trọng hay không. Chính quyền của các nước đang phát triển sẽ chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ cho những vấn đề mà họ không tự giải quyết được.

Họ đã biết cách xây trường học, bệnh viện, bến cảng, đường cao tốc, có thể trả tiền cho điều đó không phụ thuộc vào ODA nhiều nữa. Nhưng họ sẽ cần vốn, tiền bạc, kinh nghiệm lẫn vốn con người cho việc cải cách chương trình giáo dục, thiết kế hệ thống bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay xây dựng những bộ luật hữu ích.

Các nước nhận ODA của tương lai sẽ muốn tránh những sai lầm trong quá khứ. Họ có thể vẫn cần tiền cho các dự án cụ thể với quá nhiều rủi ro hay tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, ô nhiễm môi trường hay xáo trộn sinh hoạt quá nhiều người dân, nhưng điều họ cần hơn từ dòng viện trợ tương lai sẽ là tri thức chứ không phải những tờ đôla.

Vì thế, họ sẽ phải đi tìm kiếm những nhà tài trợ thay vì chấp nhận bất cứ ai cho tiền như hiện giờ. Chỉ những đồng tiền đi cùng với các ý tưởng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, dữ liệu... giờ mới giá trị, còn thời của ODA thuần túy đã sắp kết thúc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận