Ông Sutopo - chuyện về một con người luôn đối mặt thảm họa trong điềm tĩnh và vui vẻ 

BÌNH MINH 01/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Bài tưởng nhớ một người bất ngờ nổi tiếng này của The Economist, với giọng viết dí dỏm, đã khắc họa một cách cảm động về cuộc đời một con người đã tận hiến cho dân tộc ông, thông qua công việc của một chuyên gia quản lý thảm họa... Sutopo Purwo Nugroho, người chuyển tải thông tin về thảm họa của Indonesia cho công chúng, qua đời ngày 7-7-2019 khi mới 49 tuổi.

Ông Sutopo Purwo Nugroho. Ảnh: NYT
Ông Sutopo Purwo Nugroho. Ảnh: NYT

Bị ép nhận việc và bất ngờ nổi tiếng

Ba lần chính phủ đề nghị Sutopo nhận công việc, ông đều từ chối, không muốn trở thành người phát ngôn của họ. Cuối cùng, chính phủ ép ông, và vào năm 2010, Sutopo Purwo Nugroho trở thành người phát ngôn cho Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB).

Công việc đầu tiên của ông là thuyết phục 350.000 người rời khỏi núi Merapi trên đảo Java. Ngọn núi lửa khổng lồ, trang nghiêm, vẫn đang hoạt động, đã được giám sát trong suốt thời gian dài.

Mọi người tin rằng núi lửa Merapi là nơi ngự trị của những linh hồn dễ cáu giận cần phải được xoa dịu mỗi khi giận dữ, thay vì bỏ mặc. Công việc của Sutopo là thuyết phục người dân địa phương quên điều đó và rời đi.

Ông đưa ra lời cảnh báo cuối vào ngày 24-10. Đến tối 25-10, khi đỉnh núi lửa phun trào, BNPB đã giám sát được cuộc di tản của hầu như tất cả mọi người. (Khoảng thời gian sít sao như thế là lý tưởng bởi nếu Sutopo chờ lâu hơn, những người di tản đã có thể bắt đầu lang thang trở lại làng).

Ông ở đó khi tro bụi xám bắt đầu rơi trên đầu của những người già trong làng mà ông dẫn ra. Cảnh tượng khiến ông bật khóc. Mọi việc còn tệ hơn khi hơn 350 người bỏ qua lời cảnh báo của ông, chọn cách ở lại cùng những linh hồn.

Trước khi Sutopo được điều động về làm tại BNPB, việc dự báo thảm họa thiên nhiên diễn ra một cách ngẫu nhiên. Thông thường các thảm họa này bị bỏ sót hoặc chính phủ hoảng hốt vô cớ, kéo theo sự hoảng loạn của công chúng do những trò lừa bịp đăng tải trên mạng.

Indonesia là quốc gia với 17.000 hòn đảo, nằm trên “Vành đai lửa” ở rìa Thái Bình Dương với 127 núi lửa đang hoạt động. Chúng có thể phun trào bất cứ lúc nào, dẫn đến hàng loạt thảm họa khác như động đất, lở đất và sóng thần, gây ra hơn 2.300 trường hợp khẩn cấp mỗi năm.

Khi công việc của Sutopo tiếp tục, con số trở nên tồi tệ hơn: 2018 là năm có những thảm họa thiên tai chết chóc nhiều nhất trong hơn một thập kỷ, khiến hơn 4.600 người thiệt mạng. Tuy vậy, người Indonesia hầu như không biết những gì họ phải đối mặt.

Một cuộc thăm dò ý kiến của những người theo dõi trang Twitter của ông Sutopo cho thấy 86% trong số đó chưa bao giờ được huấn luyện kỹ năng ứng phó với thảm họa. (Sutopo Purwo Nugroho bắt đầu dùng Twitter từ tháng 9-2011. Cho tới khi qua đời, ông đã post 13.700 tweet và có 228.282 người theo dõi. Dòng tweet cuối cùng của ông là ngày 15-6-2019, với tấm bản đồ cảnh báo các điểm nóng do cháy rừng trên khắp Indonesia - BTV).

Nghịch ngợm và đầy trách nhiệm

Vì vậy, trước hết ông cung cấp sự rõ ràng, biến dữ liệu từ màn hình thành những tuyên bố rõ ràng cho báo chí. Chỉ riêng trong năm 2018, Sutopo đã gửi đi 500 thông cáo báo chí. Sau đó, ông thực hiện vài biện pháp giáo dục.

Sutopo lấp đầy tòa nhà BNPB bằng các sa bàn, những di vật dính đầy bùn từ các trận lở đất, những biển chỉ dẫn và phông nền với cảnh tàn phá, nơi khách tham quan có thể đóng vai người cứu hộ để chụp ảnh. (Điều này nghe có vẻ ngốc nghếch nhưng Sutopo thích đứng vào đó để chụp hình, mỉm cười một cách ngại ngùng; mọi thứ đều nhằm giúp các học sinh thấy việc bị cuốn vào một thảm họa sẽ ra sao).

Sutopo bỏ qua những lời phàn nàn thỉnh thoảng của chính phủ về việc ông “quá nghịch ngợm”. Sau tất cả, trước khi nhận công việc là người phát ngôn, ông từng công bố sự thật rằng những vết nứt ở đập là do sự tắc trách của chính quyền. Họ vốn đã biết rằng Sutopo là người khó có thể quản lý hay kiểm soát.

Phương tiện truyền thông xã hội, tuy vậy, là con át chủ bài của ông Sutopo. Hầu như tất cả người Indonesia hiện nay đã có điện thoại di động.

Sutopo điều hành 7 nhóm trên WhatsApp để trao đổi dữ liệu với các nhà giám sát và phóng viên, những người luôn tìm được “Ngài Topo” khi họ cần ông, và dùng Twitter để cập nhật thông tin cho công chúng.

Giữa những lần tweet về các bữa ăn ngon, những buổi gặp gỡ, chú mèo ngỗ nghịch Mozza và một con tắc kè đang liếm bàn chải đánh răng của ông, Sutopo “tweet” những bài cảnh báo. “Dòng nham tầng từ núi Karangetang... có thể đạt 700-1.200 độ C. Hãy tin tôi khi tôi nói, đừng chạm vào nó”. “Ăn mừng lễ hội Eid trên núi Bromo an toàn. Miễn là bạn không ở trong vòng 1km gần miệng núi lửa... Sự quyến rũ của nó đang chờ đợi bạn”.

Ngoài ra, ông kêu gọi mọi người dọn dẹp đường thoát nước, kèm theo bức ảnh một con trăn được kéo ra từ dưới cống: “Đừng chỉ viết “Cấm rắn”. Rắn không biết đọc”. Ông Sutopo cũng nói với những thanh niên hãy học hành siêng năng ở trường như ông đã từng, vượt qua cảm giác khó chịu vì nghèo và xấu bằng sự siêng năng.

 Cuộc sống không được xác định bằng việc chúng ta sống bao lâu, mà là chúng ta hữu ích với mọi người ra sao. Dù các bác sĩ nói rằng tôi không còn nhiều thời gian nhưng ở những ngày cuối cùng của mình, tôi muốn làm những điều tốt và sống có ích.

Sutopo Purwo Nugroho

Trên trang Twitter, Sutopo còn đăng tải những thông tin khoa học đầy thử thách: sa bàn của những núi lửa thay đổi hình dáng trước khi phun trào, và một chuỗi bài về bùn núi lửa.

Ông không phải là nhà nghiên cứu núi lửa, ông để dành công việc đó cho những người giám sát làm việc trong các nhà kho thiếu không khí dưới chân của những ngọn núi bất an; Sutopo được đào tạo trong ngành thủy văn, và ông đã lãng phí nhiều năm ở một cơ quan khác để tìm cách tạo ra mưa.

Nhưng ông đã dành phần lớn thời gian tại BNPB để nhìn vào các màn hình trên tường, nơi những ngọn đèn trắng chiếu vào hàng chục ngọn núi lửa đang hoạt động hoặc có thể hoạt động (Một bài kiểm tra thích hợp cho các ứng cử viên tổng thống, ông Sutopo từng suy nghĩ, có thể là thử gọi tên của tất cả các ngọn núi này) và nhanh chóng trả lời trên chiếc điện thoại luôn ồn ào của mình.

Ông cần xem cả hình ảnh của Trái đất đang chuyển động lẫn những tin tức giả đang dần tăng, như hơi nước, trong thế giới Twitter.

Tại đây, ông Sutopo làm việc nhanh chóng. Những cơn hoảng loạn mới chớm nở bị lờ đi: “Không có sóng thần ở Banggai. Vui lòng đừng lan truyền những điều bịa đặt”. Những bức ảnh giả bị vạch trần: “Vụ phun trào này xảy ra ở Nam Mỹ. Hãy bỏ qua và không lan truyền”.

Những cuộc trò chuyện về “điềm báo” bị dập tắt một cách kiên quyết: “Đỉnh núi bị che khuất bởi đám mây dạng thấu kính... do một cơn lốc trên đỉnh... Không liên quan gì đến chủ nghĩa thần bí hay chính trị trước cuộc bầu cử”...

Trang Twitter của ông Sutopo Purwo Nugroho
Trang Twitter của ông Sutopo Purwo Nugroho

Nụ cười còn ở lại

Kết quả, ông Sutopo giúp người dân Indonesia cảm thấy an toàn hơn. Tổng thống Jokowi công khai ca ngợi ông Sutopo, một khoảnh khắc cũng tuyệt vời gần bằng với lúc ông được gặp ca sĩ Raisa - người ông hâm mộ đến mức nhắc đến tên cô trong hơn 90 bài đăng về các thảm họa.

Ông khẳng định rằng động cơ duy nhất chính là để các bài đăng này được chia sẻ lại cho 8 triệu người đang theo dõi nữ ca sĩ. Dĩ nhiên!

Với tất cả những điều đang xoay vần quanh mình, Sutopo vẫn vui vẻ đối mặt thảm họa ở một dạng khác. Năm 2018, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4 dù ông chưa bao giờ hút thuốc.

Ông không thể nhìn thấy trước điều này, thiên nhiên thật khó dự đoán. Khoa học giúp ông hiểu về căn bệnh nhưng không thể chữa khỏi. Thánh Allah đã lên kế hoạch cho việc này, cũng giống như Người đã lên kế hoạch rằng những người khác nên chết trong các trận động đất và sóng thần.

Rất nhiều người Indonesia, Sutopo phát hiện ra, cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ theo cách đó. Vì vậy, sau cú sốc tàn nhẫn đầu tiên, ông cũng suy nghĩ như vậy. Các bài đăng trên Twitter về những địa điểm bị tàn phá giờ đây còn có thêm hình chụp MRI phổi của ông.

Trong số 350 người ông không thể cứu được ở Merapi có cả người bảo vệ ngọn núi. Chầm chậm, căn nhà của anh ta bị tro xám lấp đầy. Trước khi những người dân cuối cùng trong làng tìm được đường đến nơi an toàn, anh chỉ đơn giản nói với họ rằng thời khắc của anh đã đến.■

(*) Dịch theo The Economist và tổng hợp từ nhiều nguồn.

Sau gần hai năm chống chọi với bệnh tật, sự ra đi của người phát ngôn đầy trách nhiệm được BNPB thông báo trên trang Twitter chính thức: “Ngài Sutopo Purwo Nugroho đã qua đời vào chủ nhật, ngày 7-7-2019, hồi 1h sáng giờ Indonesia. Chúng tôi mong các bạn hãy cầu nguyện cho ông ấy”.

Trong đám tang của cha mình, Ivanka nói rằng anh đã mất đi một hình mẫu tuyệt vời, và anh tự hào về cha mình khi ông chưa hề than vãn về căn bệnh. Giữa cuộc chiến với ung thư, ông Sutopo vẫn cố gắng dành thời gian cho gia đình bên cạnh công việc.

Đối với hàng triệu người Indonesia, “Ngài Topo” là nguồn cảm hứng, đại diện cho sự can đảm và sức mạnh đạo đức phi thường khi ông vật lộn với những cơn đau khủng khiếp do căn bệnh ung thư gây ra để làm việc và phục vụ cho đất nước, cho dân chúng.

Sau cái chết của người phát ngôn, BNPB đã lấy tên ông Sutopo đặt cho hội trường đa năng mới tại trụ sở ở Jakarta như một cách để tôn vinh ông. Người đứng đầu BNPB, ông Doni Monardo, đồng thời công bố giải thưởng truy tặng cho ông Sutopo mang tên Dharma Widya Argya.

Giải thưởng này dành cho những người dành cuộc đời mình để giảm nhẹ thiên tai ở Indonesia. Ngoài ra, gia đình ông Sutopo cũng nhận thêm 200 triệu rupiah (khoảng 331 triệu đồng) từ Ngân hàng Rakyat Indonesia để giúp các con ông học hành.

Sutopo từng nhận giải thưởng Người vận động công chúng vào năm 2014. Báo The Straits Times công nhận ông là một trong những Người châu Á của năm 2018.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận