Pakistan: Bài thực hành dân chủ giữa các lằn đạn

DANH ĐỨC 16/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Vụ Hạ viện Pakistan bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Imran Khan khỏi chức thủ tướng hôm chủ nhật vừa qua 10-4 vừa có thể xem là một bài thực hành dân chủ nữa ở đất nước mới chớm thoát khỏi quyền lực của quân đội, vừa là hậu quả của sự cân nhắc “chọn phe” vào lúc thế giới đang phân cực hơn bao giờ hết bởi cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Thiệt ra, không dễ gì truất phế ông Thủ tướng Imran Khan, người từng được báo chí trầm trồ gốc gác ngôi sao môn thể thao “quốc giáo” của Pakistan: cricket, khi nhậm chức vào năm 2018. 

Trước đó một tuần, chủ nhật 3-4, Hạ viện nước này từng muốn bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Khan, song Phó chủ tịch Hạ viện Qasim Khan Suri đã bác bỏ, cho rằng yêu cầu đấy trái với điều 5 hiến pháp, theo Thông tấn xã DAWN của Pakistan 3-4.

 
 Dân Pakistan biểu tình ủng hộ ông Imran Khan. Ảnh: AS

Điều 5 mà Phó chủ tịch Suri viện dẫn ấn định: “(a) Trung thành với nhà nước là nghĩa vụ cơ bản của mọi công dân; (b) Tuân theo hiến pháp và luật pháp là nghĩa vụ [bất khả xâm phạm] của mọi công dân”. 

Điều 5 này được nêu ra là do theo ông Khan và ông Suri, đang có một âm mưu do ngoại nhân đỡ đầu ủng hộ phe đối lập nhằm lật đổ ông Khan (Foreign Policy 7-4).

Bài thực hành dân chủ

Hôm đó, Phó chủ tịch Suri đã thay Chủ tịch Hạ viện Asad Qaiser cầm trịch cuộc họp của Hạ viện do chính ông chủ tịch cũng đang bị các đảng đối lập đòi bất tín nhiệm. Phe đối lập cũng giương hiến pháp ra đối phó. 

Truyền hình Geo TV 3-4 thuật lại rằng hơn 100 dân biểu Hạ viện đã trình dự thảo nghị quyết giải nhiệm Chủ tịch Hạ viện Qaiser, chiếu đoạn c, khoản 7, điều 53 Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Pakitan.

Geo TV cũng cho biết phe đối lập đã bắt đầu ý định giải nhiệm cả hai ông Qaiser và Suri từ tháng 3 sau khi cáo buộc họ đã thiên lệch trong vai trò lãnh đạo quốc hội: lẽ ra ở các chức vụ này, họ không thể chỉ nói tiếng nói của đảng cầm quyền mà phải trung lập. 

“Bộ đôi này đã điều hành Hạ viện theo chỉ đạo từ đảng của họ và thay vì giữ thái độ trung lập, họ đã thể hiện thái độ thiên vị... Hai ông Qaiser và Suri đã tham dự các cuộc họp của đảng được tổ chức với sự chủ tọa của Thủ tướng Imran Khan. Phe đối lập cho rằng chủ tịch Hạ viện không thể đưa ra các tuyên bố mang tính đảng phái”, Geo TV thuật lại.

Trở lại với sự kiện ngày 3-4, việc ông Surin bác bỏ yêu cầu bất tín nhiệm Thủ tướng Khan không phải là bất ngờ duy nhất trong ngày với phe đối lập. 

Thủ tướng Khan còn thông báo ông đã khuyến cáo Tổng thống Arif Alvi tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn, chiếu điều 58 hiến pháp, và yêu cầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới. 

Tổng thống Alvi đã làm theo yêu cầu của Thủ tướng Khan: giải tán quốc hội, ra lệnh tổ chức bầu cử và bổ nhiệm ông Khan làm thủ tướng tạm quyền tới khi có kết quả bầu cử mới.

Đến tối 3-4, các thẩm phán Tòa tối cao Pakistan nắm lấy sự chủ động với tình hình, họp và đưa ra thông báo cho chính phủ và tất cả các đảng phái chính trị trong cuộc xung đột hiến pháp, ấn định ngày thứ hai 4-4 bắt đầu các phiên điều trần để các đảng trình bày lập luận. 

Nói chung, có hai phe chính trong cuộc đụng độ đảng phái này: đảng cầm quyền Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) và các đảng đối lập vốn đang dứt khoát cáo buộc PTI vi hiến và đòi truất phế cả thủ tướng lẫn lãnh đạo Hạ viện.

Đến thứ năm 7-4, Tòa tối cao phán quyết việc Thủ tướng Khan ngăn chặn tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm với bản thân ông và việc Tổng thống Alvi giải tán Hạ viện theo đề xuất của ông Khan là hoàn toàn vi hiến, do đó khôi phục lại Hạ viện đã bị giải tán. 

Để kết thúc cuộc khủng hoảng hiến pháp, chủ nhật 10-4, 174 dân biểu đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Khan trong một cuộc bỏ phiếu đòi hỏi phải hội đủ tối thiểu 172/342 phiếu ở Hạ viện.

Dòng họ Sharif trở lại

8 giờ tối thứ hai 11-4, có tin ông Shehbaz Sharif, chủ tịch Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz (PML-N), được bầu làm thủ tướng mới của quốc gia Nam Á 220 triệu dân này. Ông Sharif đã được phe đối lập thống nhất đề cử làm ứng viên chung của họ cho cuộc bầu cử thủ tướng. 

Trước cuộc bầu cử, thủ tướng bị giải nhiệm Imran Khan đã từ chức thành viên Quốc hội, và đảng của ông PTI đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu rồi bước ra khỏi tòa nhà quốc hội.

Tối 9-4, lãnh đạo đối lập Sharif tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không trả thù bất cứ ai, chúng tôi sẽ không làm điều gì bất công với bất kỳ ai và sẽ không đưa bất kỳ ai vào tù, luật pháp sẽ đi theo con đường riêng của nó. Công lý sẽ được thượng tôn ở Pakistan”. 

Tối thứ hai 11-4, người vừa được bầu lên làm thủ tướng còn tuyên bố “đóng đinh” người tiền nhiệm vừa bị truất phế: “Đây là chiến thắng của cái Thiện trước cái Ác” (Le Monde 12-4).

Ông Shehbaz Sharif - em trai cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif - được cho là đã chỉ huy những cáo buộc chống lại ông Imran Khan vài tuần qua. Ông Shehbaz Sharif được bầu vào quốc hội năm 1990. 

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999, cả hai anh em ông phải chạy sang Saudi Arabia sống đời lưu vong vài năm. Giống như anh trai, ông Shehbaz Sharif cũng bị cáo buộc tham nhũng.

Ông trở lại Pakistan vào năm 2007, được đề cử vào chức chủ tịch PML-N năm 2017, khi anh trai ông bị kết tội che giấu tài sản liên quan đến vụ Hồ sơ Panama, và do đó, bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ. 

Bên cạnh những tai tiếng, ông Shehbaz Sharif cũng có chút tiếng tốt: Reuters từng khen ông là “được biết đến với phong cách “dám làm” và có quan hệ thân thiện với quân đội Pakistan, lực lượng kiểm soát các chính sách quốc phòng và đối ngoại của đất nước”.

Với sự trở lại cầm quyền của ông Shahbaz Sharif, chính trường Pakistan rơi trở lại vòng luẩn quẩn chính trị mang tên hai dòng họ Sharif và Bhutto. Gia tộc Sharif là một gia đình công nghiệp giàu có xuất thân từ tỉnh Punjab, nơi hai anh em Sharif lần lượt giữ các chức thủ hiến. 

Còn gia tộc Bhutto thuộc tầng lớp phong kiến quý tộc xa xưa của tỉnh Sind. Hai gia tộc cùng đảng của họ thay nhau nắm quyền ở Pakistan trong những năm 1990. Ông anh Nawaz Sharif làm thủ tướng lần cuối cùng từ 2013 đến 2017, trước khi bị truất quyền bởi Tòa án tối cao về tội tham nhũng. 

Còn ông Asif Ali Zardari, góa phu của bà Bhutto, từng phải ngồi tù nhiều năm vì nhiều tội danh khác nhau trước khi lên làm tổng thống từ 2008 đến 2013.

Từng tranh chấp ngôi bá dai dẳng như thế, song lần này Đảng PPP (Nhân dân Pakistan), đang trong tay chồng và con trai Bilawal của bà cố thủ tướng bị ám sát Benazir Bhutto (làm thủ tướng hai nhiệm kỳ, 1988-1990 và 1993-1996), đã hậu thuẫn ông Shehbaz Sharif trong trận chiến chống ông Imran Khan. 

Là người thừa kế sự nghiệp chính trị của mẹ và đương kim chủ tịch PPP, ông Bilawal Bhutto Zardari hạ quyết tâm: “Chúng ta cần thực hiện ước mơ của Benzair Bhutto và hồi sinh đảng này trên khắp đất nước để khôi phục sự cai trị của các lực lượng dân chủ thực sự”.

Giữa các làn đạn

Có một chi tiết “là lạ” về cuộc lật đổ dựa trên hiến pháp ở Pakistan: Tuần rồi, người bị lật đổ, ông Imran Khan, cáo buộc vụ việc đã có sự can dự của “bàn tay ngoại nhân”. 

Cụ thể, trong diễn văn trước toàn dân hôm 8-4, ông nói chính sách đối ngoại độc lập của ông đã làm “các cường quốc nước ngoài” khó chịu, và do dó các nước này đã tài trợ phe đối lập chống lại ông. Ông cũng quả quyết rằng một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ từng đe dọa thay đổi chế độ ở Pakistan.

Trong một phát biểu khác hôm 10-4, ông Khan còn nói chi tiết hơn nữa khi nêu đích danh ông Donald Lu, trợ lý bộ trưởng, Vụ các vấn đề Nam và Trung Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, là người đã đe dọa thay đổi chế độ ở Pakistan trong cuộc gặp với đại sứ Pakistan Asad Majeed Khan cách đây một tháng.

Trong cuộc họp báo hôm 8-4 tại Washington, trả lời câu hỏi của một nhà báo về nội dung ông Khan tố cáo, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter bác bỏ: 

“Tôi xin nói thẳng rằng hoàn toàn không có chút sự thật nào trong những cáo buộc này. Tất nhiên chúng tôi tiếp tục theo dõi các diễn biến, đồng thời chúng tôi tôn trọng và ủng hộ quy trình lập hiến và pháp quyền của Pakistan. Nhưng một lần nữa, những cáo buộc này hoàn toàn không đúng sự thật”.

Trả lời của Bộ Ngoại giao Mỹ quá khuôn sáo, nên bài báo của Michael Kugelman trên Foreign Policy hôm 8-4 có thể là một bổ sung cần thiết. 

Theo tác giả, quan hệ Mỹ - Pakistan đang ở trong giai đoạn “hậu Afghanistan”: cần tìm một cái neo mới vào lúc mỗi bên đang có những nhu cầu phân kỳ khỏi mối quan hệ chung: Mỹ muốn lôi kéo Ấn Độ, còn Pakistan gắn bó hơn với Trung Quốc, nên giữa ông Imran Khan với Mỹ có chút trục trặc, chớ Mỹ thiệt ra cũng mong hòa hoãn với Islamabad.

Trên thực tế, ông Khan đã có những bước đi “rất xa” trong thời gian trước đó. Cụ thể là chuyến dự khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đầu tháng 2: ngoài tăng cường quan hệ song phương, ông còn gặp cùng lúc cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ 10 ngày trước khi chiến tranh Ukraine bùng nổ.

Pakistan Today 4-2 cho biết thêm ít nhất 12 công ty Trung Quốc đang tính đầu tư 21,52 tỉ USD vào các đặc khu kinh tế và đặc khu du lịch ở Pakistan. 

Ông Khan cũng đã ngỏ lời vay tín dụng cho các dự án năng lượng trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc (CPEC), nhằm giải quyết vấn đề hoàn vốn của các nhà sản xuất năng lượng độc lập.

Ông Khan không chỉ gặp ông Putin tại Bắc Kinh, mà còn họp chung với 5 nước Trung Á và ông này. Rồi chưa đầy 3 tuần sau cuộc gặp ở Bắc Kinh, ông Khan sang thăm Nga hôm 24-2, ngay trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. 

Chuyến thăm được quảng bá là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế sau khi Pakistan đã giải quyết tranh chấp thương mại kéo dài 40 năm qua với Nga bằng cách thanh toán 93,5 triệu USD cho Nga. 

Thiệt ra, các dữ kiện của Cơ quan thương mại Liên Hiệp Quốc (COMTRADE) cho thấy trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Pakistan sang Nga tổng cộng chỉ có 175,2 triệu USD. Con số cho thấy khó thể nghĩ chuyến thăm Nga của ông Khan chỉ là để thúc đẩy trao đổi kinh tế.

Ngay lúc đó, tờ báo địa phương Pakistan Daily đã khuyến cáo: 

“Điều còn phải theo dõi là cách ông Khan xử lý để duy trì chính sách không liên kết. Trong khi phát triển quan hệ với Trung Quốc và Nga, Pakistan cũng cần duy trì mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ và châu Âu, vốn là những điểm đến lớn nhất của hàng xuất khẩu Pakistan". 

"Ông Khan đã chọn thăm Nga vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang về vấn đề Ukraine. Ông ấy phải đảm bảo rằng chuyến thăm không bị hiểu sai... Pakistan được yêu cầu duy trì một vị trí cân bằng... Pakistan phải giành được nhiều bạn hơn mà không để mất những người bạn cũ”.

Thế nhưng, nhân vật vừa thay ông Khan làm thủ tướng lại được xem là “người bạn lâu đời của Trung Quốc”, được phía Trung Quốc gọi là “Shehbaz tốc độ” do đã hoàn thành các hạng mục Hành lanh kinh tế Pakistan - Trung Quốc ở bang Punjab trước thời hạn (The Quint 11-4)! ■

Có thể thấy qua câu chuyện Pakistan: 

(1) Đây là cuộc chiến bằng hiến pháp, chớ không còn tình trạng chơi “luật rừng” bằng súng ống nữa: quân đội đã đứng ngoài cuộc. 

(2) Tòa tối cao vẫn có tiếng nói chung cuộc. 

(3) Không có một khuôn mẫu luật hiến pháp cho mọi nước mà là căn cứ theo tính chất cùng nhu cầu cụ thể. Ở Pakistan, yêu cầu là làm sao cân bằng được các đảng “thái cực” trong quốc hội, thể hiện qua vai trò trung gian của các vị trí lãnh đạo: chủ tịch và phó chủ tịch quốc hội. Ở một nơi khác như Hoa Kỳ, nếu áp dụng hiến pháp này thì bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chắc ngày nào cũng bị... cách chức. 

(4) Ở giai đoạn đầu của các nền chính trị dân chủ, luôn có “rắc rối” trong quan hệ giữa quốc hội (lập pháp) với chính phủ (hành pháp), có khi kéo dài cả thế kỷ như lịch sử đệ tam, đệ tứ cộng hòa Pháp, mãi đến đệ ngũ cộng hòa mới trơn tru. 

(5) Quá trình dân chủ hóa là cả một sự tập tành lâu dài và gian nan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận