Phá thế độc quyền sách giáo khoa

TTCT - Câu chuyện “một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” từ năm năm trước vừa được xới lại khi Bộ GD-ĐT công bố những nghiên cứu về việc biên soạn chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015.

Trao đổi với TTCT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết dù chọn lựa là gì thì cũng đều cần xây dựng một quy trình chặt chẽ, khoa học hơn để đảm bảo đạt chuẩn mực nhất định.

Phóng to
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: T.V.H.

* Với đề xuất “một chương trình, nhiều bộ SGK”, quan điểm chính thức hiện nay của lãnh đạo Bộ GD-ĐT ra sao? Điều này có được thực hiện đối với chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 và có ưu điểm gì so với cách biên soạn SGK hiện nay?

- Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu biên soạn chương trình theo hướng có nhiều bộ SGK. Dù SGK do tổ chức hay cá nhân biên soạn đều phải được bộ thẩm định, phê duyệt mới được sử dụng. Không thể có một bộ SGK nào đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu sử dụng, nếu có nhiều bộ SGK thì chúng bổ sung ưu điểm lẫn nhau, người sử dụng có thể lựa chọn SGK phù hợp nhất và tham khảo SGK khác. Việc có nhiều bộ SGK khác nhau có thể chỉ xảy ra với một môn, một lớp nào đó hoặc với tất cả các lớp, môn học ở bậc giáo dục phổ thông.

Dự kiến thử nghiệm chương trình - SGK từ năm 2016-2017

* Năm 2016-2017 sẽ thử nghiệm (vòng 1) chương trình - SGK lớp 1, 6 và 10.

* Năm 2018 - 2022 sẽ lần lượt thử nghiệm vòng 1 các lớp 2-12 và thử nghiệm vòng 2 theo hình thức cuốn chiếu.

* Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022 sẽ triển khai đại trà chương trình - SGK lớp 1-4 (tiểu học); lớp 6-9 (THCS); lớp 10, 11, 12 (THPT).

* Sẽ thử nghiệm 8-10% tổng số học sinh mỗi tỉnh, đại diện cho tám vùng kinh tế và khu vực thành thị, nông thôn, vùng khó khăn. Việc đánh giá chương trình - SGK được tiến hành đồng thời.

* Chương trình SGK cũ có sự chồng chéo kiến thức giữa các môn học, thiếu nhất quán, liên thông giữa các cấp học ở cùng một môn học, một số môn dung lượng kiến thức quá nặng, hàn lâm... Khi xây dựng quy trình biên soạn SGK mới, việc này có được khắc phục?

- Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu nhóm biên soạn bộ SGK của cả chương trình phải có một người tổng chủ biên từng môn từ lớp 1 đến lớp 12. Nếu tổng chủ biên từng môn, từng lớp, cấp học chỉ kiểm soát việc biên soạn trong phạm vi được phân công thì tổng chủ biên từ lớp 1 đến lớp 12 phải kiểm soát tất cả các cuốn sách của môn đó trong 12 lớp. Như vậy sẽ đảm bảo tính liên thông, cấu trúc chặt chẽ, nhất quán và khoa học, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Bên cạnh việc kiểm soát chiều dọc như thế còn có một hội đồng kiểm soát chiều ngang ở mỗi lớp học: ví dụ ở bậc THCS có bốn lớp thì sẽ có bốn hội đồng ngồi với nhau để xem xét, cân nhắc ở tất cả các môn của mỗi lớp, khắc phục ngay những bất cập. Các nhóm biên soạn từng môn, lớp học cũng phải bám sát quy định về cấu trúc, nội dung chương trình, đảm bảo tính chính xác, phổ thông, thực tiễn, hiện đại và liên môn...

* Khi có nhiều bộ SGK thì nội dung đề thi, kiểm tra sẽ ra căn cứ vào nội dung, yêu cầu nào để đảm bảo thống nhất?

- Dù có nhiều bộ SGK nhưng đều phục vụ và đáp ứng một chương trình thống nhất. Hiện chỉ có một bộ SGK nên người dạy chỉ tập trung quan tâm đến SGK, không quan tâm đến chương trình. Khi có nhiều bộ SGK thì giáo viên buộc phải quan tâm đến chương trình để lựa chọn SGK làm phương tiện hỗ trợ triển khai nội dung và phương pháp dạy học. Nội dung thi sẽ căn cứ vào chương trình. Mặt khác, khi đề thi tập trung vào yêu cầu hiểu và vận dụng kiến thức, không yêu cầu nhớ máy móc nội dung thì sẽ không còn lo ngại đó nữa.

* Nếu có nhiều bộ SGK thì cấp nào, ai có quyền chọn SGK cho học sinh? Việc sử dụng một bộ SGK được thống nhất trên phạm vi lớp, trường, tỉnh, thành phố, hay tùy thuộc vào mỗi giáo viên, học sinh? Làm thế nào để hạn chế tiêu cực trong việc chọn SGK như từng xảy ra khi Bộ GD-ĐT giao chủ động lựa chọn thiết bị giáo dục, tránh gây lãng phí?

- Tinh thần chung là giao quyền chủ động cho giáo viên, học sinh và nhà trường, có sự góp ý đề xuất của phụ huynh học sinh. Việc gì cũng có mặt trái của nó nên cần có quy định, hướng dẫn và kiểm soát nhằm hạn chế, khắc phục trong quá trình thực hiện.

____________

“Nhiều bộ SGK sẽ tạo ra sự đa dạng và phong phú trong dạy và học” - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, tác giả chương trình và SGK ngữ văn phổ thông, nói về chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK”.

Phóng to
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Ảnh: Việt Dũng

Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, đây là một chủ trương đúng, phù hợp với xu thế quốc tế. “Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chủ trương đúng này thì chương trình giáo dục phải là một chương trình mở về nội dung, không quy định quá chặt chẽ, chi tiết, đồng thời phải có một chuẩn chương trình rất khoa học và chuẩn xác, làm cơ sở quan trọng cho việc biên soạn sách, chỉ đạo dạy học và kiểm tra đánh giá, thi cử. Nghĩa là phải cải tiến theo hướng thi theo chuẩn, còn dạy và học theo sách nào cũng được.

Học cách thức và phương pháp, vì thế thi là đánh giá sự vận dụng cái đã học vào giải quyết các vấn đề tương tự, chứ không phải là để hỏi và nhắc lại bài đã học” - ông Thống cho biết.

* Nhiều phụ huynh lo rằng nếu con họ chuyển trường sẽ phải thay đổi bộ SGK theo trường mới. Kinh nghiệm của thế giới trước những băn khoăn thực tế này ra sao, thưa ông?

- Khi đã học và thi theo chuẩn thì quan trọng là “chuẩn chương trình” chứ không phải học sách nào. Khi biên soạn, các tác giả phải căn cứ vào chuẩn chương trình nên có thể bài học cụ thể khác nhau nhưng kiến thức và kỹ năng cần đạt thì phải như chuẩn yêu cầu, nên không có gì phức tạp cả. Ở các nước phát triển, họ có hàng chục bộ SGK khác nhau, cô giáo và học sinh có thể dùng Internet tự khai thác tài liệu học tập khác, miễn là có ích và bám sát chuẩn chương trình. Nhiều bộ sách ngay phần đầu họ in luôn chuẩn cần đạt của lớp đó. Có thể VN cũng sẽ làm thế.

* Với chủ trương này, ông có lo rằng đội ngũ biên soạn, viết sách hiện nay chưa đáp ứng được ngay?

- Có khá nhiều khó khăn. Trước hết, thiết kế được chương trình và chuẩn chương trình đúng nghĩa là một thử thách lớn, vì số người nghiên cứu, biên soạn chương trình và chuẩn chương trình ở ta rất ít, phần lớn là làm kết hợp, không chuyên nghiệp, thường gọi là “tay trái”. Lần làm chương trình và SGK vừa qua, một số môn mới chỉ có hai bộ SGK mà đã thiếu rất nhiều. Tiếp đó là quản lý và chỉ đạo dạy học quen lối cũ, chỉ một bộ sách “rất tiện lợi”, dễ dàng; ra đề, thi cử cũng không phức tạp. Cuối cùng là công tác quản lý và phát hành sách: ai sẽ thẩm định để cho in và phát hành SGK?

Tất nhiên là Bộ GD-ĐT, nhưng tôi muốn nói tới những con người cụ thể, nhất là ai sẽ định hướng và quyết định cho học sinh dùng bộ sách nào? Các nước có cơ quan tư vấn giáo dục, nhưng ở ta do nhiều nguyên nhân, nhất là tình trạng nể nang và vì “lợi ích nhóm”, chủ trương đúng này sẽ rất dễ bị lợi dụng. Hệ quả là sách tốt chưa chắc đến tay người học.

* Theo ông, tác giả của những bộ SGK mới tới đây phải đạt được những tiêu chuẩn nào?

- Tác giả sách trước hết phải có năng lực chuyên môn, bao gồm năng lực khoa học cơ bản và năng lực sư phạm, biết sáng tạo trong cách thức biên soạn nội dung và hình thức, sao cho phù hợp với đối tượng người học. Tức là phải biết triển khai yêu cầu của chuẩn chương trình theo cách riêng. Phải coi đó là một nghề - nghề viết SGK và phải tâm huyết, dồn hết sức mình vào công việc. Ngoài ra cũng phải “lì đòn”.

Như tôi đã nói từ lâu, viết SGK là “làm dâu trăm họ”, rất khó chiều lòng tất cả và vì vậy sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tác giả phải vừa có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, vừa luôn bình tĩnh tiếp thu “không nóng vội” những ý kiến đóng góp hợp tình, hợp lý.

Phóng to
Ông Ngô Trần Ái - Ảnh: Ngọc Hà

“Chúng tôi mong mỏi việc triển khai nhiều bộ sách từ lâu, chứ không phải khư khư giữ độc quyền như nhiều người nghĩ. Độc quyền về SGK là do lịch sử để lại, không phải mong muốn của người làm sách. Nhiều bộ sách mới có thể tạo được cạnh tranh tích cực giữa các tác giả để họ viết hay hơn và các nhà xuất bản phải in đẹp hơn, khâu phát hành phục vụ tốt hơn.

NXB Giáo Dục VN đã chuẩn bị hai nhóm biên tập sách, tập hợp hai nhóm tác giả sách để chuẩn bị cho hai bộ sách khác nhau ở mỗi cấp học. Cách đây mấy năm, khi triển khai kế hoạch này, chúng tôi đã dịch bộ sách tự nhiên của chương trình phổ thông Pháp, Mỹ, Singapore và đã có cảm giác rất muộn rồi. Nhưng khi hoàn thành bộ sách thì câu chuyện nhiều bộ SGK vẫn còn ở phía trước. Bộ GD-ĐT nói sau năm 2015 nghĩa là 2016, 2018 hay xa hơn nữa? Ngay chuyện xác định bậc phổ thông 11 hay 12 năm, bậc tiểu học 5 hay 6 năm còn chưa thống nhất thì kế hoạch nhiều bộ sách có lẽ còn dài hạn.

Bộ SGK hiện nay có nhiều hạn chế: kiến thức trong sách nặng nề vì trùng lắp nhiều. Một tác phẩm văn học có khi được nhắc đi nhắc lại trong cả môn văn lẫn môn lịch sử vì tác giả nào cũng sợ mình viết chưa đủ. Trong khi bộ SGK của Pháp mà chúng tôi dịch, môn toán có dạy cách làm bánh, dạy về tín hiệu giao thông, học sinh lớp 5-6 đã làm quen khái niệm lỗ lãi, hoa hồng... Ở VN thì muốn đưa cả kiến thức về giao thông, về HIV thành những môn học riêng, rất quá tải.

Cải tiến SGK kiểu gì, làm bao nhiêu bộ đi chăng nữa cũng vẫn phải đầu tư mạnh cho cải tổ giáo viên, cải tiến nội dung học trong trường sư phạm vì vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng trong đổi mới toàn diện nền giáo dục. Nhiều bộ sách, giáo viên có thể tích hợp nội dung từ các bộ sách khác nhau, biến thành cái của mình, chuyển tải đến học sinh, không phải lo chọn dạy theo một bộ sách nào. Phải thế mới là thầy chứ không thì là thợ dạy...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận