Phụ nữ và 12,5 tỉ giờ làm mỗi ngày không được trả lương

HỒNG VÂN 09/03/2020 01:03 GMT+7

TTCT - Đã năm 2020 rồi nhưng chuyện phụ nữ trở thành người giúp việc không lương trong nhà vẫn không phải là chuyện hiếm, và Tổ chức Oxfam đã kêu gọi ngưng thờ ơ trước tình trạng này trong báo cáo mới nhất về bất bình đẳng.

Ảnh: Green European Journal
Ảnh: Green European Journal

Tôi có một người đồng nghiệp tên T. ở Nha Trang. Nhà có sáu người con, trừ người chị bị tâm thần và một người em trai đi du học ở xa, ba người con trai còn lại (chưa kể con dâu, cháu nội ngoại) nhưng không ai mó tay vào việc nhà, việc chăm sóc cha mẹ, lúc khỏe cũng như lúc ốm đau. Chỉ có T. là người con duy nhất có mặt 24/7 khi cha mẹ đau ốm. Nhiều lần T. cầu xin cha mẹ giữ sức khỏe, đừng ốm đau để cô còn sức mà đi làm, giữ được công việc ở một cơ quan tử tế nhưng nói bữa trước, bữa sau ông bà vẫn kiểu thích làm gì thì làm, lúc ốm đau lại gọi T. ơi.

Câu chuyện của chị Buchhu Devi ở Ấn Độ còn thảm hơn. Devi phải dậy từ 3h sáng để nấu ăn, dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn sáng và trưa cho gia đình. Gần nhà có giếng nước, nhưng vì thuộc tầng lớp Dalit dưới đáy xã hội, chị không được phép dùng nó mà phải đi 3km để lấy nước, mỗi ngày 3 lần. Chị làm ở công trường làm đường từ 8h-17h, tối về phải xách nước, giặt giũ, nấu ăn, dọn nhà và dạy con.

Một ngày của chị kết thúc lúc nửa đêm. Nếu không kiếm được củi, cả nhà sẽ chẳng có gì ăn, và chị bị chồng đánh.

Màu nâu tím: nữ giới; màu cam: nam giới. Nguồn: Oxfam
Màu nâu tím: nữ giới; màu cam: nam giới. Nguồn: Oxfam

Đã đến lúc phải quan tâm

Báo cáo Ngừng thờ ơ - Công việc chăm sóc không lương hoặc lương thấp và cuộc khủng hoảng bất bình đẳng trên toàn cầu công bố hồi tháng 1 của Tổ chức Oxfam một lần nữa nhắc lại một chủ đề đã được Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức tiến bộ khác kiên cường tranh đấu trong nhiều năm qua: chuyện không được trả lương của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình khi làm các công việc chăm sóc.

Công việc chăm sóc bao gồm việc chăm sóc người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, người bệnh, cũng như các việc nhà hằng ngày như nấu nướng, giặt giũ, sửa chữa, gánh nước, kiếm củi...

Theo Oxfam, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những người nghèo hoặc thuộc các nhóm dân số dễ bị tổn thương và bị phân biệt đối xử, mất 12,5 tỉ giờ mỗi ngày để làm các công việc chăm sóc không được trả lương.

Gánh nặng chăm sóc cản trở phụ nữ tham chính, làm việc

Một phần lý do tại sao những vấn đề này tồn tại dai dẳng là do thế giới vẫn ưu tiên nam. Tại 149 quốc gia được đánh giá trong báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ có 17 phụ nữ là người lãnh đạo quốc gia, tỉ lệ trung bình là có 18% nữ bộ trưởng, 24% nữ nghị sĩ và 34% nữ quản lý.

Gánh nặng chăm sóc nặng nề và bất công đã khắc sâu thêm tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế. Nó là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc hạn chế phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị. Ở Bolivia, 42% phụ nữ thừa nhận việc chăm sóc là rào cản lớn nhất đối với sự tham gia chính trị của họ. Chúng ta không thể giải quyết bất bình đẳng kinh tế hoặc đạt đến công bằng giới trừ khi giải quyết rốt ráo sự bất bình đẳng trong việc chăm sóc.

 

Việc chăm sóc là những công việc giản dị thường nhật nhưng lại không thể thiếu đối với sự thịnh vượng của các xã hội, cộng đồng và sự vận hành của nền kinh tế. Hình dung từ trong gia đình ra đến toàn bộ cộng đồng, nếu không có người đầu tư thời gian, công sức cho những công việc chăm sóc thiết yếu hằng ngày này thì các cộng đồng, công sở và toàn bộ nền kinh tế sẽ bị trục trặc.

Oxfam ước tính chỉ riêng công việc chăm sóc của phụ nữ có giá trị kinh tế ít nhất 10,8 ngàn tỉ USD mỗi năm, cao gấp 3 lần giá trị của ngành công nghệ. Con số này dù lớn nhưng Oxfam cho rằng vẫn chưa đầy đủ và con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Theo số liệu ở Anh năm 2015, những người phải chăm sóc người bệnh, già hay khuyết tật mà không được trả công (đa số là phụ nữ) ước tính đóng góp cho nền kinh tế 132 tỉ bảng mỗi năm, gần bằng chi tiêu của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Ở Mỹ, 16,1 triệu người (cũng đa số là phụ nữ) chăm sóc không lương cho người bị sa sút trí tuệ với tổng thời gian 18,4 tỉ giờ mỗi năm. Nếu được chính phủ chi trả, ngân sách chi cho khối lượng công việc này lên đến 232 tỉ USD.

Nhận định này không có gì bất ngờ, chỉ bất ngờ là năm 2020 rồi mà nhìn lên các thế hệ trước hay nhìn xuống những thế hệ sau, chúng ta cũng vẫn còn thấy xung quanh mình vô vàn những phụ nữ, bé gái như T..

Ảnh: Guardian
Ảnh: Guardian

Ai chăm sóc phụ nữ?

Chăm sóc người khác như con cái, người thân đau ốm, làm việc nhà khiến phụ nữ không còn thời gian chăm sóc cho bản thân.

Mặc dù đặt nền móng cho sự phát triển của xã hội, nhưng công việc chăm sóc không lương hoặc lương thấp về cơ bản là vô hình. Nó vừa là hệ quả vừa là tác nhân kéo dài tình trạng bất bình đẳng giới và kinh tế.

Công việc chăm sóc bị các chính phủ và doanh nghiệp đánh giá rất thấp và cho là điều hiển nhiên. Nó thường không được coi là một công việc. Việc chăm sóc không hề được tính đến trong các đánh giá tăng trưởng kinh tế và trong các đường lối chính sách.

Trên toàn thế giới, 42% phụ nữ trong độ tuổi lao động không nằm trong lực lượng lao động được trả lương. Trong khi đó, tỉ lệ này ở nam giới là 6%. Nguyên do là phụ nữ phải gánh trách nhiệm chăm sóc không được trả lương, nói cách khác là ở nhà làm nội trợ.

Oxfam kêu gọi chính phủ trên khắp thế giới cần hành động ngay để xây dựng một nền kinh tế nhân văn, tôn trọng nữ quyền và những giá trị thực sự quan trọng đối với xã hội, thay vì thúc đẩy cuộc tìm kiếm của cải và lợi nhuận vốn không có điểm dừng.

Đầu tư cho hệ thống chăm sóc quốc gia để giải quyết tình trạng mất cân bằng trong công việc chăm sóc do phụ nữ và trẻ em gái đảm nhiệm, áp dụng thuế lũy tiến, thuế tài sản, xây dựng các điều luật để bảo vệ những người thực hiện trách nhiệm chăm sóc là những việc đầu tiên cần làm.

Tổ chức này khẳng định nếu không hành động quyết liệt, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Những thách thức như dân số già hóa, chính sách cắt giảm chi tiêu công và biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế, tạo ra một vòng xoáy khủng hoảng đối với những người làm công việc chăm sóc.

Trong một thế giới bấp bênh, người nghèo là những người sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Trong số đó, phần đông là phụ nữ và trẻ em gái có xuất phát điểm thấp hơn các bé trai. ■

Hàng thập kỷ qua, các nhà kinh tế học nữ quyền, các nhà vận động trong lĩnh vực chăm sóc đã đề xuất một bộ giải pháp gọi là nguyên tắc 4R về những việc cần làm để đưa việc chăm sóc trở thành lĩnh vực được ưu tiên căn bản:

Công nhận (Recognize) việc chăm sóc không lương và lương thấp (chủ yếu do phụ nữ và trẻ em gái đảm nhận) như một loại hình công việc hoặc sản xuất có giá trị thực sự.

Giảm bớt (Reduce) số giờ dành cho việc chăm sóc không lương bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận với các loại máy móc chất lượng tốt và mức giá vừa phải giúp tiết kiệm thời gian, cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc chăm sóc.

Tái phân bổ (Redistribute) việc chăm sóc không lương một cách công bằng hơn trong mỗi gia đình, chuyển trách nhiệm chăm sóc không lương sang cho Nhà nước và khu vực tư nhân vì nữ giới đang giúp đỡ Nhà nước bằng cách làm những công việc chăm sóc lẽ ra phải được cung cấp từ dịch vụ công.

Đại diện (Represent) cho những người chăm sóc bị gạt ra bên lề nhiều nhất và bảo đảm họ có tiếng nói trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách, dịch vụ và hệ thống ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.


Báo cáo của Oxfam không chỉ gồm những dự báo u tối, mà còn có những điểm sáng - những ví dụ cho thấy mọi thứ có thể tốt đẹp hơn thế nào nếu phụ nữ được chia sẻ, giảm bớt chuyện chăm sóc không lương. 

Chẳng hạn cô Rowena, một bảo mẫu ở thị trấn Salcedo (Philippines). Ngoài công việc ở trường, Rowena phải làm rất nhiều việc nhà, vất vả nhất là lấy nước. “Trước đây, chồng tôi không mó tay vào việc nhà cho đến khi chúng tôi biết về việc chăm sóc không được trả lương” - cô nói. Được thay đổi nhận thức, chồng Rowena giờ đây chia sẻ việc nhà với cô, cùng nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, nhất là khi cô đi làm.

Từ khi không phải làm mọi việc nhà, Rowena có thêm thời gian gia nhập nhóm tự lực của phụ nữ, tham gia công tác cộng đồng và kiếm thêm thu nhập để trả học phí cho con và tiết kiệm. “Tôi rất mừng vì ở nơi tôi sống, giờ đây phụ nữ và nam giới được bình đẳng. Phụ nữ có nhiều sức mạnh hơn. Hi vọng điều này không chỉ diễn ra ở Salcedo” - Rowena nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận