Putin còn ngồi lại bao lâu?

TƯỜNG ANH 18/03/2020 07:03 GMT+7

TTCT - Ngày 14-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký dự luật sửa đổi Hiến pháp Nga “Hoàn thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền”. Hai tháng kể từ khi thông điệp liên bang được ông Putin phát đi hôm 15-1, ẩn số về người lãnh đạo nước Nga sau năm 2024 đã trở nên sáng tỏ hơn.

Trong thông điệp liên bang đầu năm nay, ông Putin đã đề nghị sửa đổi một số điểm quan trọng trong Hiến pháp. Ngay sau đó, một nhóm 75 chuyên gia được thành lập để xem xét các đề xuất sửa đổi Hiến pháp của tổng thống lẫn của các chuyên gia và thường dân. Đuma (Hạ viện) Nga sau đó đã họp xem xét những đề xuất sửa đổi này.

Ngày 11-3, Đuma thông qua văn kiện sửa đổi nêu trên (383 phiếu thuận, 43 phiếu trắng, 24 đại biểu vắng mặt, không có phiếu chống), rồi Hội đồng liên bang (Thượng viện) thông qua (160 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống, 3 phiếu trắng) cùng ngày. Sau đó, 85 đơn vị hành chính địa phương lần lượt thông qua văn kiện sửa đổi. 

Ngày 16-3, Tòa án Hiến pháp Nga sau khi xem xét đã xác định các sửa đổi là hợp hiến. Giờ người Nga sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 22-4 để bày tỏ ý kiến. Nếu hơn một nửa số người Nga tham gia bỏ phiếu đồng thuận với văn kiện sửa đổi, Hiến pháp mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày Ủy ban bầu cử trung ương công bố kết quả kiểm phiếu.

“Chuyến bay” phút 89

Một trong những bổ sung quan trọng nhất trong Hiến pháp sửa đổi là khả năng tái tranh cử của Tổng thống Putin, mà trên chính trường Nga vẫn được gọi là “câu hỏi 2024”. Đó là năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin kết thúc. Câu hỏi đặt ra suốt thời gian qua đến phiên điều trần tại Đuma ngày 10-3 là ai sẽ thay ông Putin tiếp tục lèo lái nước Nga? 

Gần đây nhất, suốt hai tháng qua, khi được hỏi về khả năng có ra tái tranh cử tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2024 không, ông Putin vẫn chưa nói rõ. Ông cũng đề xuất trong Hiến pháp mới quy chế Hội đồng quốc gia và tăng quyền hạn cho Đuma, khiến hai tháng qua dấy lên những giả thiết khác nhau về vai trò tương lai của ông. 

Liệu ông sẽ là chủ tịch Hội đồng nhà nước (một định chế đang tồn tại, được ông Putin đánh giá cao hiệu quả hoạt động và đề nghị biến thành một cơ quan hiến định bên cạnh Quốc hội, khiến có nhiều đồn đoán ông mở đường để lãnh đạo hội đồng này sau năm 2024)? Hay lãnh đạo Hội đồng an ninh? Chủ tịch Hội đồng liên bang? Lãnh đạo Đảng Nước Nga thống nhất? 

Cũng có đồn đoán nói ông sẽ không có một thẩm quyền cụ thể nào, nhưng vẫn giữ ảnh hưởng rộng lớn của một nhà lãnh đạo quốc gia? Thậm chí có đề nghị bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ tổng thống để ông Putin có thể tái tranh cử.

Ảnh: The Economist

Thế nhưng ông Putin đã không đồng tình với đề nghị nào cả. Ông khẳng định với người dân về sự cần thiết có một định chế tổng thống mạnh và quyền lực quá lớn, dù với ý định tốt, cũng không được phép.

Trong lúc dân tình còn đang hoang mang thì ngày 10-3, đại biểu kỳ cựu của Đuma Nga, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, bà Valentina Tereshkova, vào cuối buổi điều trần bất ngờ đưa ra giải pháp cho “vấn đề 2024”. Nói là bất ngờ, vì ý kiến của bà không được đưa ra trước cho nhóm làm việc về sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, mà được trình thẳng tại cuộc điều trần.

 Đề xuất như sau: “Cần làm sao để ông Putin, như người ta thường nói, vẫn ở quanh đây. Nếu bỗng dưng xảy ra sự cố gì đó, ông ấy có thể hỗ trợ, giúp đỡ, bảo đảm. Vì thế mà có rất nhiều thảo luận về Hội đồng quốc gia, Hội đồng an ninh và Tòa án hiến pháp, Hội đồng liên bang. Rõ ràng ở đây không chỉ nói về vai trò và chức năng của các cơ quan này, mà còn về việc ông Putin có về các nơi này hay không. Vấn đề không phải là về ông ấy, mà là về chúng ta - các công dân Nga. Mà nếu thế, việc gì chúng ta phải vòng vèo, tại sao phải rào chắn bằng những cấu trúc nhân tạo? Cần loại bỏ hạn chế về nhiệm kỳ tổng thống nói chung, hoặc tạo cơ hội cho tổng thống đương nhiệm được bầu lại vị trí này lần nữa phù hợp với bản Hiến pháp đã được đổi mới”.

Sau khi bà Tereshkova nêu ý kiến, Chủ tịch Đuma Vyacheslav Volodin tuyên bố cần nghỉ giải lao, vì những đề xuất liên quan tới tổng thống cần phải thảo luận trực tiếp với ông.

Một tiếng rưỡi sau, ông Putin “bất ngờ” xuất hiện trong cuộc họp Đuma để nêu ý kiến trước các đề nghị của những đại biểu dân cử. Tổng thống Putin không đồng ý với đề nghị loại bỏ khỏi Hiến pháp hạn chế về số nhiệm kỳ tổng thống, nhưng đồng tình với đề nghị rằng các hạn chế hai nhiệm kỳ sẽ không áp dụng với tổng thống đương nhiệm, với điều kiện, như ông Putin nói rõ: Tòa án hiến pháp công nhận điều khoản này là hợp hiến. Chỉ sau phán quyết đồng thuận của Tòa án hiến pháp, toàn bộ gói sửa đổi này mới được đưa ra toàn dân bỏ phiếu.

Chính vì thế mà truyền thông Nga mới gọi đề xuất của bà Tereshkova là “chuyến bay phút 89”.

“Quyền được bầu không có nghĩa là sẽ được bầu”

Sửa đổi Hiến pháp này, nếu được đa số dân Nga thông qua, sẽ mở đường cho ông Putin tái cử sau năm 2024. Bước ngoặt đột ngột của ông Putin không khỏi dấy lên những ý kiến trái chiều. 

Bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Hội đồng liên bang, giải thích thêm: “Tôi có cảm tưởng đề xuất của bà Tereshkova đã trấn an tất cả chúng ta…” bởi không thể phủ nhận nước Nga - “cường quốc hạt nhân, là một nhân tố nghiêm túc trên thế giới” và hiện đang có những “mưu toan làm nó suy yếu, thực thi chính sách ngăn chặn”. 

Bà Matviyenko nói: “Nhiều kẻ vẫn được gọi là đối tác của chúng ta đang xoa tay chờ xem họ sẽ làm gì với nước Nga không còn Putin”. Thế nên “nếu ông tái tranh cử, đó sẽ là sự bảo đảm rằng đường lối củng cố nhà nước xã hội sẽ được tiếp tục, bảo đảm vị thế của Nga và việc thực hiện các giao ước mà Vladimir Putin đã trao cho nhân dân. Đó là một gói các biện pháp xã hội được tổng thống đề xuất trong thông điệp liên bang về việc hỗ trợ các gia đình, trẻ em”.

Cũng có những nhắc nhở rằng việc “mở đường” cho đương kim tổng thống Nga tái tranh cử không đồng nghĩa với việc ông Putin sẽ lại làm tổng thống sau năm 2024. 

Chủ tịch Viện các nghiên cứu chính trị, kinh tế - xã hội Dmitry Badovsky bình luận: “Quyền được bầu không có nghĩa là sẽ được bầu - nó còn phụ thuộc vào tình hình thế giới, tình hình nước Nga và vào việc hệ thống các nhánh quyền lực sẽ hoạt động thế nào trong thời gian tới. Nhưng việc tồn tại quyền hạn này sẽ là một cơ chế ổn định và bảo đảm cho hệ thống trong điều kiện các chức năng được đổi mới của nó”.

Đi xa hơn, nhà khoa học chính trị Nikolai Petrov nhận định với các sửa đổi Hiến pháp, ông Putin “không còn bị giới hạn bởi bất cứ điều gì”, ông không cần gửi tín hiệu cho giới tinh hoa chính trị Nga rằng “ông vẫn nắm quyền, để giới tinh hoa không tìm kiếm và suy đoán ai sẽ là tổng thống tiếp theo”… Việc sửa đổi Hiến pháp trên thực tế đang củng cố quyền lực của một “tổng thống lớn”, người “quyết định trao cho ai và phần nào của quyền lực sẽ được chuyển giao”.

Từ góc nhìn của người dân

57% người Nga được hỏi, nếu Tòa án Hiến pháp cho phép và nếu ông Putin đồng ý ra tranh cử lần nữa vào năm 2024, đã đáp sẽ bỏ phiếu cho ông, theo cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Viện tiếp thị xã hội (Insomar) đăng trên trang tin doanh thương RBC 16-3. 

Tổng cộng có 2.000 người được khảo sát qua điện thoại vào ngày 12-3, với sai số thống kê không quá 2,2%. Các nhà khảo sát cũng yêu cầu những người được hỏi cho biết họ có biết về "sáng kiến" của bà Tereshkova không, 44% người được hỏi trả lời khẳng định, trong khi 31% “có nghe, nhưng không rõ chi tiết”, và 25% “mới nghe nói lần đầu”. 

Được biết, những người nắm thông tin rõ nhất về đề xuất của bà Tereshkova thuộc nhóm từ 60 tuổi trở lên (chiếm 90% số người độ tuổi này), trong khi giới trẻ từ 18 đến 24 tuổi lại ít thông tin hơn.

Trong khi đó, theo đài phát thanh đối lập Nga “Tiếng vọng Moskva”, 357 nhân vật, trong số đó có các luật sư, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn… đã gởi thư ngỏ tới các đại biểu, các nhà hoạt động xã hội và các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, phản đối các sửa đổi Hiến pháp. 

Trong số này có những nhân vật nổi tiếng như Giám đốc Trung tâm thăm dò dư luận Levada Lev Gudkov, người dẫn chương trình truyền hình Tatyana Lazareva, nhà báo Leonid Parfyonov, nhà văn Lev Rubinstein… Các nhân vật này cho rằng Nga đang đứng trước “nguy cơ một cuộc khủng hoảng Hiến pháp sâu sắc và một cuộc đảo chính chống Hiến pháp…”. 

Tuy nhiên, khi được hỏi về thư ngỏ này, thư ký báo chí của tổng thống Nga Peskov đáp: “Đây là vấn đề tỉ lệ: ai đó ủng hộ và ai đó không. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề tỉ lệ này khi có kết quả của cuộc bỏ phiếu”.Vẫn theo ông, “văn phòng tổng thống mỗi ngày cũng nhận được nhiều thư ủng hộ”!■

Một số nội dung chính của Hiến pháp sửa đổi

Theo dự thảo văn kiện sửa đổi Hiến pháp, Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm mức lương tối thiểu không được ít hơn chi phí sinh hoạt tối thiểu và phải điều chỉnh lương hưu căn cứ vào chỉ số giá sinh hoạt ít nhất một lần mỗi năm. Nhà nước cũng đảm bảo ưu tiên giáo dục gia đình và đảm nhận trách nhiệm cha mẹ đối với trẻ em không người chăm sóc.

Liên bang Nga được công nhận là thực thể thừa kế của Liên Xô trên lãnh thổ của mình cũng như trong tư cách thành viên các tổ chức quốc tế, được quy định bởi các điều ước quốc tế về nghĩa vụ và tài sản bên ngoài quốc gia.

Ngoài ra, có thêm các bổ sung liên quan đến chức vụ nguyên thủ quốc gia. Bổ sung nêu rõ: Một người không thể giữ một chức vụ tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Đồng thời, nếu dự luật này được thông qua, nguyên thủ quốc gia hiện tại sẽ có thể ra tranh cử tổng thống một lần nữa, không tính các nhiệm kỳ lãnh đạo trước đây của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận