​Quản con cá, nhìn từ quy luật thị trường

NGUYỄN THỊ HỒNG MINH (*) 18/08/2014 17:08 GMT+7

TTCT - Nghị định 36 quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực ngày 20-6, thông tư hướng dẫn ban hành ngày 29-7 có hiệu lực thi hành từ ngày 12-9.

Xuất khẩu cá tra đã thu về hàng tỉ đôla nhưng số phận con cá này vẫn cứ lênh đênh - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Xuất khẩu cá tra đã thu về hàng tỉ đôla nhưng số phận con cá này vẫn cứ lênh đênh - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Khung pháp lý này nhằm lập lại trật tự quản lý con cá tra xuất khẩu, một sản phẩm được xác định là sản phẩm quốc gia của Việt Nam. Nhưng quy định chưa thực thi đã vấp phải phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp.

Hãy nhìn những điểm mấu chốt của nghị định này qua lăng kính cung cầu thị trường và trên cơ sở những bài học quản lý sản xuất sản phẩm nông nghiệp của một số nước có ngành sản xuất tương tự Việt Nam. 

Chưa bao giờ nắm được con số thực

Quy định yêu cầu nộp bản đăng ký hợp đồng xuất khẩu trong một năm. Không biết có bao nhiêu doanh nghiệp ký được hợp đồng trong một năm? Và có cản trở xuất khẩu không khi khoản 2 điều 7 quy định doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với hội cá tra và hải quan chỉ thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu cá tra khi có xác nhận của hội này.

Để quản lý hoạt động sản xuất thương mại cá tra, một vấn đề luôn làm đau đầu nhà quản lý là làm sao nắm được con số thực về sản lượng và diện tích nuôi hằng năm. Con số này có ý nghĩa quan trọng, vì đó là căn cứ để cơ quan quản lý, các hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa ra định hướng đầu tư, chính sách giá và chính sách thị trường.

Thị trường như một sân chơi với rất nhiều người chơi, thêm một người chơi mới hoặc người đang chơi tung ra lượng sản phẩm lớn hơn so với lượng sản phẩm họ đưa ra năm trước là sân chơi có biến động.

Từ nhiều năm nay, từ cơ quan quản lý đến các hiệp hội ngành hàng, không một ai nắm được số liệu chính xác. Nghị định mới giao trách nhiệm cho cơ quan nuôi trồng thủy sản địa phương xác nhận việc đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá tra thương phẩm. Cơ quan được giao trách nhiệm này có từ lâu với năng lực về nhân sự và tài chính hạn chế.

Nay được giao thêm trách nhiệm, người ta có cơ sở để nghi ngờ về khả năng và sự chính xác của số liệu. Có một cách mà nhiều nước đã áp dụng: đối với sản phẩm chủ lực, đặc biệt là nông sản, các trang trại, doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin về sản lượng sản xuất hằng năm, cũng như dự kiến xây mới, mở rộng sản xuất để tăng sản lượng.

Thông tin này phải được chia sẻ một cách bắt buộc và trung thực trong hiệp hội ngành hàng. Quy định chia sẻ trong hiệp hội là vì hiệp hội ngành hàng có trách nhiệm phát triển sản phẩm theo chiến lược chung, do liên quan đến lợi ích nên chắc chắn hội viên sẽ theo dõi, thẩm định số liệu của đối tác kỹ và tốt hơn cơ quan nhà nước.

Rất tiếc là nghị định 36 đã không có quy định này.

Chơi theo luật của ai?

Chất lượng và yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên số một nhưng phải theo “luật chơi” của thế giới. Nghị định quy định phải áp dụng VietGap hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận trên thương trường là các nhà nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu để đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ lớn như Walmart, Costco..., luôn đòi hỏi nhà xuất khẩu phải có các chứng chỉ chứng nhận của một bên thứ ba, đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ cho là cần thiết.

Xin nhấn mạnh là tiêu chuẩn của một bên thứ ba, không phải của Nhà nước. Không đáp ứng tiêu chuẩn này thì không mua. Mà tiêu chuẩn thì rất nhiều và được cập nhật thường xuyên. Mỹ yêu cầu BAP, châu Âu yêu cầu ASC, tiêu chuẩn Halai áp dụng trong cộng đồng Hồi giáo...

Để chọn lựa nhà cung cấp và đảm bảo sản phẩm đúng yêu cầu, nhiều nhà bán lẻ lớn đã cử đội ngũ kỹ thuật viên đến thẩm định từng doanh nghiệp. Walmart và nhiều nhà bán lẻ khác đã và đang thực hiện việc này tại Việt Nam.

Vấn đề là dù cơ quan quản lý có công nhận hay không thì người bán vẫn phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mà nhà bán lẻ công nhận nếu muốn bán được hàng. Từ xưa đến nay luật của thị trường là vậy. 

Thật sự cơ quan quản lý phải cân nhắc trước quy định chi tiết về tỉ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước không quá 83%. Đây là hai tiêu chí thuộc về chất lượng sản phẩm. Đúng là doanh nghiệp chế biến là tác giả chính trong việc làm cho sản phẩm cá tra bị mất điểm nghiêm trọng về chất lượng trên thị trường và cần phải lập lại trật tự trong vấn đề này.

Nhưng thị trường có luật chơi của nó. Đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh là yêu cầu mà pháp luật các nước bắt buộc đối với thực phẩm đưa ra tiêu dùng trên thị trường. Nhưng với chất lượng, vai trò nhà nước là làm trọng tài để phân xử khi có sự dối trá, gian lận còn nhìn chung là tôn trọng quy luật cung cầu.

Người xưa đã tổng kết “Tiền nào của nấy”. Độ ẩm cao, mạ băng nhiều thì vẫn có thể bán cho một số đối tượng tiêu dùng ở một phân khúc hẹp. Kiểu như giá và chất lượng của ly cà phê có thương hiệu khác với ly cà phê trong quán bình dân.

Vấn đề là phải công bố thông tin minh bạch. Có nên đóng cửa với nhu cầu rất đa dạng này để khoanh lại chỉ phục vụ cho một nhu cầu mà chắc chắn là sẽ nhỏ hơn sự đa dạng? 

Giá, phải để thị trường quyết

Với quy định giá sàn cá tra nguyên liệu, lại một lần nữa chúng ta cần quay lại quy luật cung cầu của thị trường. Giá cả là do thị trường quy định, không áp đặt nào có thể làm thay đổi quy luật này. Bằng không, một là sẽ cản trở sự phát triển, hai là sẽ tạo nên sự dối trá để lách quy định.

Ai dám chắc sẽ kiểm soát tốt để bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu không làm giả với sự đồng thuận của hai bên, một khi quy định không phù hợp? Cơ quan quản lý với bộ máy mạnh và công cụ hỗ trợ “tận răng” như hải quan đôi khi vẫn để lọt thì bộ máy của một hiệp hội làm sao đủ khả năng ngăn chặn và phát hiện hợp đồng giả mạo?

Giá sàn có được quy định thế nào đi nữa, nhà kinh doanh chỉ trung thành với lợi ích của mình. Và tại sao chỉ quy định giá sàn nguyên liệu? Khi một mắt xích bị phá vỡ vì không có hiệu quả thì chuỗi sản xuất có tồn tại và phát triển không?

Mấy năm nay giá cá tra giảm một phần là do chúng ta tự làm xấu đi hình ảnh của mình, nhưng nguyên nhân chính là cá minh thái (loại cá tuyết, thịt trắng) phục hồi tốt sản lượng và các nhà sản xuất châu Âu đã giương cao khẩu hiệu: “Chỉ nên tiêu thụ sản phẩm ở vùng địa lý gần”. Và cá minh thái đã quay lại thay thế cho cá tra.

Chúng ta có muốn áp giá thế nào thì cũng không thể thoát khỏi thực tế là đang mất thị trường, trừ khi cộng đồng được sự hỗ trợ, bảo trợ của Nhà nước lập lại trật tự và tiến hành những chiến dịch marketing, quảng bá mạnh mẽ dòng sản phẩm cá tra sạch.

Giá sàn không thể định lượng một cách chủ quan, chỉ có thể áp cho sản phẩm đồng nhất về chất lượng. Hơn bao giờ hết, để thay đổi hình ảnh và khôi phục thị trường, cần một sự tập trung hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của các bên để xây dựng một dòng sản phẩm cá tra philê khác biệt những sản phẩm hiện nay, với tiêu chuẩn tiên tiến và một thương hiệu mới cùng chiến lược quảng bá hữu hiệu.

Chỉ khi có sản phẩm tốt, tạo được cầu mạnh trên thị trường thì mới có thể nói chuyện giá sàn cả cho nguyên liệu lẫn cho xuất khẩu. Đi cùng vấn đề giá sàn là quy định về cơ quan thẩm định, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra. 

Sân chơi cá tra bao gồm nhiều người chơi, mà hai người chơi chính là người nuôi và người chế biến. Nhìn vào cơ cấu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hội viên chủ yếu là người nuôi và không ít quan chức nhà nước đương nhiệm.

Trong hai vụ kiện cá tra và tôm trước đây, cơ quan thẩm quyền Mỹ đã từng đặt câu hỏi về việc này. Họ nhìn vào đó quy kết kinh tế Việt Nam không theo cơ chế thị trường. Chưa kể một hiệp hội như vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng hội viên/quan chức “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Nghị định mới được ban hành, đã xuất hiện câu hỏi tại sao Hiệp hội Cá tra Việt Nam được quyền thẩm định hợp đồng xuất khẩu và xác định giá sàn mà không phải là một tổ chức độc lập dưới sự giám sát của một cơ chế liên hiệp hội? Bởi những doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu con cá này tham gia nhiều hiệp hội khác nhau từ trước khi Hiệp hội Cá tra Việt Nam được thành lập.

Thay vì có cơ chế để liên kết thông qua các hiệp hội tham gia chuỗi sản xuất, cùng nhau tìm các biện pháp tăng năng suất, giảm giá thành, thống nhất các chính sách phát triển và đưa ra chính sách giá tốt nhất, ở đây lại tách vai trò của những người chơi chính, giao quyền cho một bên.

Chúng ta đang chứng kiến sự tương thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng trong thế giới ngày nay, đối thủ cũng là đối tác. 

Rồi quy định thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra. Hội thu phí sử dụng thương hiệu/logo mạnh thì không lạ nhưng giao cho hội thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại thì có đúng chức năng không? 

Ngành thủy sản đã từ lâu chuyển mình theo cơ chế thị trường và hội nhập rất sớm vào kinh tế thế giới, nhờ đó đã có sự phát triển liên tục và mang diện mạo mới. Quản lý sự phát triển theo thị trường rất cần đến sự nhạy bén, tinh tế và thực tiễn, phù hợp với sự chuyển động mới.

Có như vậy mới khuyến khích sự trung thực, kích thích sáng tạo và đổi mới, bằng không sẽ là rào cản cho sự phát triển. 

(*) Tiến sĩ, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận