Quan hệ Mỹ - Ấn sẽ ra sao dưới thời Trump?

DANH ĐỨC 04/07/2017 02:07 GMT+7

TTCT - Những cái ôm siết của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi đi kèm với những lời hứa hẹn gì? Đâu là điều mà hai bên thực sự cần từ nhau?

Những cái ôm Trump - Modi còn bỡ ngỡ và ngượng ngập, nhưng cũng có độ thân tình thắm thiết nhất định -cnn.com
Những cái ôm Trump - Modi còn bỡ ngỡ và ngượng ngập, nhưng cũng có độ thân tình thắm thiết nhất định -cnn.com

 

Truyền thông thế giới đã dõi theo cuộc gặp Modi - Trump rất chi tiết. Thậm chí việc hai ông ôm nhau mấy lần và như thế nào cũng được để ý.

Tờ The Times of India hai ngày sau cuộc gặp còn đăng bài riêng về chủ đề này: “Những cái ôm Modi - Trump đã được báo chí và mạng xã hội thế giới bàn luận rộng rãi. Sau đó, tìm trên Google từ “Modi hugs” (ôm Modi) đã có ngay 883.000 kết quả.

Hôm thứ hai (26-7), ông Modi đã ôm tới ôm lui Tổng thống Mỹ Donald Trump với sự háo hức và thả lỏng của những người anh em được đoàn tụ, không khác gì trong loạt phim Lạc mất và tìm lại được của Bollywood trong thập niên 1970”.

Song, chuyện ôm nhau thật ra cũng không đẹp như phim. Báo này cũng tường thuật: “Khi họ ôm nhau, ông Trump giận dữ vỗ vào lưng ông Modi, sau đó nhìn chằm chằm ông này suốt một lúc. Khi cả hai quay trở về chỗ, Modi nắm lấy tay Trump trong một giây.

Cái ôm thứ hai thoải mái hơn. Cái ôm thứ ba cũng thế khi ông Modi tạm biệt ông Trump và vợ Melania”. Tờ báo còn trích tựa các bài báo chỉ nói chuyện ôm nhau này từ Daily Telegraph (Anh), Wall Street Journal (Mỹ)... để dẫn chứng.

Nhưng tất nhiên, chuyện “cầm nã thủ” và ôm nhau giữa hai ông chỉ là chuyện bên lề, trà dư tửu hậu của cuộc gặp trọng đại này.

Hai nền kinh tế khổng lồ

Một trong những lý do khiến báo giới quan tâm tới cuộc gặp này là vì quy mô của hai quốc gia. Ấn Độ hiện có 1,338 tỉ dân, đông thứ nhì thế giới, chỉ thua Trung Quốc khoảng 50 triệu người (1,386 tỉ dân), Mỹ cũng đông dân thứ ba thế giới - 325 triệu dân, tính đến 22-3-2017.

Đây cũng là điều mà hai nhà lãnh đạo này tự khen nhau: “hai nền dân chủ đông dân nhất thế giới”. Trong bài phát biểu ở Vườn Hồng chiều 26-6 sau cuộc gặp, ông Trump đã nhắc:

Trong chiến dịch tranh cử, tôi đã cam kết rằng nếu tôi được bầu, Ấn Độ sẽ có một người bạn thật sự trong Nhà Trắng. Và đó chính là chính xác những gì ngài có hôm nay - một người bạn thật sự.

Tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ được xây dựng trên các giá trị chia sẻ, bao gồm cam kết chung của chúng ta đối với nền dân chủ. Không nhiều người biết điều đó, nhưng cả hiến pháp Mỹ và Ấn Độ bắt đầu những từ ngữ rất đẹp: Chúng tôi, nhân dân... (We the people)”.

Thực tế hơn, đây còn là cuộc gặp giữa một người vừa lên lãnh đạo đất nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết!”, còn người kia có công đưa nền kinh tế đất nước mình từ hạng 6 lên hạng 5 thế giới vào cuối năm ngoái.

Thật vậy, Thủ tướng Modi có thể tự hào, khi lần đầu tiên trong 150 năm qua, Ấn Độ vượt qua “mẫu quốc” Anh, đạt mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ còn kém Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Đức.

GDP của Ấn Độ hiện đã vào khoảng 2.300 tỉ USD (GDP của Anh là 2.290 tỉ USD), vào tháng 2-2016 vừa rồi, quốc gia này được đánh giá là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Một báo cáo tháng 10-2016 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ danh hiệu này trong tương lai gần và cho biết mức tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ là 7,6%.

Từ những số liệu đó, bài diễn văn của ông Trump đã khen ngợi ông Modi kèm theo một chút dọa ngầm: “Thành tựu của ngài thật to lớn, Ấn Độ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chúng tôi hi vọng sẽ thật sớm bắt kịp ngài về tỉ lệ tăng trưởng này, tôi phải nói với ngài điều đó”.

Liệu hai nền kinh tế này có gì xung đột, nhất là khi khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là giữ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ?

Mới đây, ông Trump vừa ký một sắc lệnh tạo thêm rào cản cho người nhập cư Ấn Độ trong việc xin thị thực H-1B với người lao động nước ngoài, dù kiều hối là một trong những nguồn thu và đóng góp tăng trưởng quan trọng của Ấn Độ.

Ấn Độ hiện là nước dẫn đầu thế giới về nhận kiều hối, chiếm hơn 12% lượng kiều hối trên thế giới vào năm 2015, vào khoảng 68,91 tỉ USD, tức hơn 4% GDP. Kiều hối từ Mỹ đổ về Ấn Độ đứng thứ hai trong các nguồn, 10,96 tỉ USD, chỉ kém từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (12,57 tỉ).

Cả trong phát biểu của ông Trump lẫn trong thông cáo “Mỹ - Ấn: Thịnh vượng qua quan hệ đối tác” do Văn phòng báo chí Nhà Trắng công bố sau cuộc gặp đều không nhắc tới chuyện quy định thị thực mới, mà chỉ gồm ba đoạn ngắn chung chung:

“(1) Ngày nay, gần 4 triệu người Mỹ gốc Ấn đang sinh sống tại Hoa Kỳ và hơn 700.000 công dân Mỹ sống ở Ấn Độ. Năm ngoái, Chính phủ Hoa Kỳ đã cấp gần 1 triệu thị thực cho các công dân Ấn Độ và tạo điều kiện cho 1,7 triệu người Ấn Độ thăm viếng Hoa Kỳ.

(2) Chương trình khách du lịch đáng tin cậy toàn cầu: Hoa Kỳ đã bắt đầu chấp nhận đơn từ Ấn Độ cho chương trình nhập cảnh nhanh chóng, tạo điều kiện cho việc đi lại ở cả hai chiều, điều này sẽ dẫn tới nhiều hoạt động kinh doanh, đầu tư và du lịch hơn.

Năm 2016, du khách Ấn Độ ở Hoa Kỳ đã chi gần 13 tỉ USD, biến Ấn Độ thành thị trường lớn thứ sáu về du lịch của Hoa Kỳ.

(3) Phát triển kỹ năng: hơn 166.000 sinh viên Ấn Độ học tại Hoa Kỳ trong năm 2016, đóng góp 5 tỉ đôla vào hoạt động kinh tế, và hỗ trợ khoảng 64.000 việc làm của người Mỹ. Trong thập kỷ qua, sinh viên Ấn Độ đã đóng góp 31 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ”.

Ông Trump cũng nhắc nhẹ tới những “lăn tăn” thương mại: “Tôi mong muốn được hợp tác với ngài thủ tướng hầu tạo công ăn việc làm ở hai nước chúng ta, phát triển hai nền kinh tế chúng ta, tạo mối quan hệ thương mại công bằng và có tính đối ứng.

Điều quan trọng là phải loại bỏ các rào cản đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ vào thị trường nước ngài, và rồi chúng tôi sẽ giảm thâm hụt thương mại (với Ấn Độ)”.

Ông cũng không quên đề cao việc Ấn Độ đã chi mạnh để mua đồ Mỹ: “Tôi vui mừng được biết một đơn hàng gần đây của hãng hàng không Ấn Độ Indian Airlines đặt mua 100 máy bay mới của Mỹ, một trong những đơn đặt hàng lớn nhất loại này; điều này sẽ hỗ trợ cho hàng ngàn và hàng ngàn công việc của người dân Mỹ.

Chúng tôi cũng mong muốn xuất khẩu nhiều hơn năng lượng của Mỹ sang Ấn Độ khi nền kinh tế nước ngài đang tăng trưởng, bao gồm các hợp đồng dài hạn lớn mua khí đốt tự nhiên của Mỹ; điều hiện đang được đàm phán và chúng ta sẽ ký kết. Ráng để có được mức giá cao hơn một chút”.

Đổi lại, ông Trump hứa hẹn: “Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, tôi vui mừng thông báo rằng ngài thủ tướng đã mời con gái tôi, Ivanka, lãnh đạo phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân toàn cầu ở Ấn Độ vào mùa thu này. Và tôi tin rằng cô ấy đã chấp nhận”.

Ấn Độ cần yên ổn

Cuộc gặp Modi - Trump cho thấy mối quan tâm an ninh trên biển và trên bộ ở vị trí nào. Thông cáo của Văn phòng báo chí Nhà Trắng nói trên có đoạn nêu rõ:

“Các nhà lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do hàng hải, hàng không và thương mại trong toàn khu vực;

kêu gọi tất cả các quốc gia giải quyết tranh chấp lãnh thổ và biển một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế; hỗ trợ tăng cường kết nối kinh tế khu vực thông qua phát triển cơ sở hạ tầng một cách minh bạch và sử dụng các thủ tục cho vay có trách nhiệm, đồng thời đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và môi trường; và kêu gọi các quốc gia khác trong khu vực tuân thủ các nguyên tắc này”.

Tại sao hai ông Trump và Modi phải nhắc lại yêu cầu tôn trọng tự do hàng hải, hàng không cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và đúng luật và tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, luật pháp, môi trường nước khác?

Báo cáo “An ninh hàng hải và tự do hàng hải từ Biển Đông và Ấn Độ Dương tới Địa Trung Hải: Những tiềm năng và giới hạn của quan hệ EU - Ấn Độ” của nhà nghiên cứu người Ý Nicola Casarini tại Đối thoại an ninh EU - Ấn Độ ở Mumbai tháng 11-2016 có thể đưa ra lời giải thích:

“Thách thức an ninh chính ngày nay ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là làm thế nào để thích ứng với khả năng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc...

Tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc. Kể từ đầu thế kỷ, Trung Quốc đã triển khai hơn 30 tàu ngầm thông thường, 14 tàu khu trục, 22 tàu khu trục nhỏ và khoảng 26 tàu hộ tống.

Từ giữa năm 2000, Bắc Kinh phát triển chiến lược địa chính trị “Chuỗi ngọc trai”, bao gồm một loạt cảng căn cứ ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, Seychelles và Maldives nhằm đảm bảo lợi ích hàng hải của Trung Quốc trong khu vực (Ấn Độ Dương)”.

Còn vấn đề “phát triển cơ sở hạ tầng một cách minh bạch và sử dụng các thủ tục cho vay có trách nhiệm thì sao”?

Báo cáo nói trên cũng vạch rõ “Chuỗi ngọc trai” chính là “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 của Bắc Kinh, một sáng kiến vừa để thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước liên quan, song cũng nhằm tìm cách đẩy xa hơn nữa tầm ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc”.

Nôm na mà nói, “có tiền mua tiên cũng được”.

Thế nhưng, để an bình trên biển, cơ bản phải yên ổn trên đất liền đã. Đầu tiên là nạn khủng bố. Ông Trump trấn an ông Modi:

“Quan hệ đối tác an ninh Hoa Kỳ - Ấn Độ là cực kỳ quan trọng. Cả hai nước chúng ta đều là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố kinh hoàng, và cả hai nước đều quyết tâm tiêu diệt các tổ chức khủng bố cùng các hệ tư tưởng cực đoan thúc đẩy chúng. Chúng ta sẽ hủy diệt chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Các quân nhân chúng ta đang làm việc hằng ngày để tăng cường hợp tác giữa các lực lượng quân đội của chúng ta”.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết thêm chi tiết: “Ấn Độ đánh giá cao việc Hoa Kỳ xác định Hizb-ul-Mujahideen (nhóm vũ trang thánh chiến Hồi giáo đòi chia tách vùng Kashmir) là một tổ chức khủng bố toàn cầu, bằng chứng cho thấy cam kết của Hoa Kỳ kết liễu nạn khủng bố dưới mọi hình thức. Với tinh thần này, các nhà lãnh đạo hoan nghênh một cơ chế tham vấn mới về các đề xuất định danh bọn khủng bố trong nước và quốc tế”.

Xem như đây là điều đầu tiên ông Modi nhận được từ chuyến đi này. Câu chuyện tất nhiên không dừng ở đó, khi quan hệ Mỹ - Ấn thật ra luôn là quan hệ tay ba Mỹ - Ấn - Pakistan.

Văn phòng báo chí Nhà Trắng xác nhận điều đó: “Các nhà lãnh đạo kêu gọi Pakistan đảm bảo lãnh thổ của họ không được sử dụng để tấn công khủng bố vào các nước khác.

Họ cũng kêu gọi Pakistan nhanh chóng đưa ra công lý những kẻ tấn công ở Mumbai, Pathankot và các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới khác do các nhóm ở Pakistan thực hiện”.

Nói ít hiểu nhiều, xem ra nhu cầu yên ổn của Ấn Độ rất lớn, và họ cần Mỹ trong cảm giác bị kẹp giữa những địch thủ cực kỳ khó chịu ở châu Á rộng lớn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận