Quan hệ Nga - Mỹ sau cuộc gặp 2+2: vẫn giậm chân tại chỗ

DANH ĐỨC 20/08/2013 09:08 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp 2+2 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Nga cuối tuần trước tại Washington chỉ là “chút mặt trời trên ao nước lạnh” của quan hệ Nga - Mỹ. Dẫu sao, cũng có thể xem đó như một bảo đảm rằng hai bên vẫn không “qua sông, đốt cầu”.

“Không có chiến tranh lạnh Nga - Mỹ”!

Phóng to
Lần gặp gần đây nhất giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin là tại Hội nghị G8 ở Bắc Ailen ngày 17-6-2013. Theo Nhà Trắng, cuộc gặp dự kiến sắp tới tại Matxcơva đã bị phía Mỹ hủy vì vụ Snowden xin tị nạn ở Nga - Ảnh: AFP

Trên trang web RT (Russia Today) sáng thứ ba 13-8, tức ba ngày sau cuộc gặp 2+2, vẫn không khác gì trước đó: cũng với chuyện dài Snowden và bài phỏng vấn một cây bút tự do Mỹ gốc Đức tên William Engdahl thường xuyên góp mặt trên RT... Tất nhiên, RT cũng rào chắn rằng ý kiến của Engdahl là của cá nhân tác giả, song muốn hay không muốn thì nội dung bài phỏng vấn này cũng nói thay cho RT.

Mỹ dấn vào chiến tranh nóng với Nga

Đó là tựa đề bài bình luận của Engdahl. RT chạy lời tòa soạn dẫn cho bài phỏng vấn này như sau: “Việc Obama (thật) “con nít” hủy cuộc gặp với Putin tháng 9 chẳng có mấy ý nghĩa do lẽ tổng thống Mỹ chẳng có mấy để đề xuất với Nga, William Engdahl, một nhà phân tích địa chính trị, nói với RT. Các vấn đề thật sự (là) phòng thủ tên lửa, Syria và Iran vẫn sẽ không được giải quyết do bởi chính sách mà Washington đã đeo đuổi kiểu “kèo trên”, siêu cường duy nhất Mỹ tìm cách áp đặt luật chơi quân sự, kinh tế và tài chính cho cả thế giới, Engdahl nói tiếp” (1).

Trả lời câu hỏi của RT liệu cuộc họp 2+2 có hiệu quả hơn cuộc gặp giữa thứ trưởng ngoại giao Nga trước đó với ngoại trưởng Mỹ ở Brussels, Enghdal lắc đầu: “Tôi nghiêm túc hồ nghi điều đó... Bối cảnh của việc này là giữa hai bên không chỉ có những dị biệt cơ bản, mà do phía Mỹ từ sau chiến tranh lạnh cứ tìm cách “giật sập” nước Nga một cách đơn giản bằng (hệ thống) phòng thủ tên lửa của mình, bằng nền kinh tế “ăn cướp” của họ qua công cụ IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) và liệu pháp kinh tế cú sốc của những năm 1990.

Nay khi Obama bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì, họ nhận ra rằng đối tác thương thuyết (Nga) nay khó tính hơn nhiều. Vụ Snowden, tôi nghĩ chỉ là một cái cớ tiện tay vào lúc này mà thôi”.

Những bất đồng sâu xa mà Enghdal nêu ra chẳng mới mẻ và xa lạ gì. Thậm chí trong cuộc “so găng” tên lửa, căng thẳng đã trở nên nóng bỏng cực kỳ trong thập niên 1980 khi Liên Xô triển khai tên lửa tầm trung SS-20 hướng về Tây Âu, trong lúc Mỹ đáp trả bằng cách triển khai 108 tên lửa Pershing cùng 464 tên lửa hành trình tại Anh, Tây Đức và Ý! Còn chuyện Mỹ “giật sập” kinh tế nước Nga bằng IMF và các liệu pháp kinh tế cú sốc là chuyện của tổng thống Boris Yeltsin trong suốt thập niên 1990 chỉ xin vay IMF và một loạt “liệu pháp cú sốc” chuyển đổi nền kinh tế tập trung qua nền kinh tế thị trường.

Thập niên 1990 đó là bi thảm nhất của nước Nga, cho đến khi ông Putin xuất hiện rồi kế vị ông Yeltsin để có thể bắt đầu một năm mới 2000, một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới cho nước Nga như là một cường quốc ngày nào trong suốt lịch sử Nga.

Vòng luẩn quẩn tên lửa

Từ góc độ rất “hiểu Nga” đó, Enghdal quả quyết kết quả họp 2+2 cụ thể như sau: “Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ sự đồng thuận đạt được giữa Nga và Mỹ về vấn đề phòng thủ tên lửa, bởi Washington quyết tâm bao vây Nga bằng hệ thống phòng thủ tên lửa, vốn là một sách lược tấn công chứ không phải là một sách lược phòng thủ. Đó là sách lược chuẩn bị cho việc (ra tay) tấn công hạt nhân trước”.

Đến đây, có thể thấy cái vòng luẩn quẩn không tài nào thoát ra khỏi. Nga vẫn dẫn đầu với các siêu tên lửa liên lục địa tấn công như Topol mà cho đến năm 2012, Nga đã triển khai 78 cái (Topol-M) và đến hết giai đoạn 2015-2020 sẽ lên đến 450-500 cái (2). Mỹ đối phó bằng hệ thống tên lửa đánh chặn hai lớp: lớp thứ nhất đóng tại Alaska và California, lớp thứ nhì trên các tàu chiến lớp Ticonderoga và Arleigh Burke, đồng thời dự định triển khai ở Ba Lan và Romania nhằm dập tắt mọi tên lửa tấn công của Nga.

Đối với Washington, hệ thống này chỉ là cái khiên phòng thủ; đối với Matxcơva, đây là hệ thống triệt hạ tên lửa Nga ngay từ “trong trứng nước” rồi Mỹ sẽ thản nhiên tấn công Nga. Chẳng bên nào chịu hiểu bên nào, nên dù cho đến nay có đàm phán tiếp tục giảm bớt tên lửa (START) cũng chỉ là giảm bớt tên lửa quá đát, lỗi thời.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp 2+2 ở Bộ Ngoại giao Mỹ (3), một quan chức Mỹ báo tin: “Các bộ trưởng thỏa thuận sẽ tìm kiếm những cách thức làm việc chung với nhau về (vấn đề) phòng thủ tên lửa, hợp tác phòng thủ tên lửa và thăm dò các khả năng giảm bớt vũ khí hạt nhân. Thành ra, tôi nghĩ đây là một kết quả tốt trong góc độ tiến đến những bước tiếp theo và về những gì cần phải làm để đi đến ổn định chiến lược”.

Không khó hiểu nếu nhớ lại rằng Nga - Mỹ đã sát phạt nhau về tên lửa từ đầu những năm 1960 với cuộc khủng hoảng Cuba, sang thập niên 1980 với khủng hoảng tên lửa châu Âu và bây giờ là cuộc khủng hoảng tên lửa phòng thủ. Một bài toán nan giải từ hơn nửa thế kỷ qua đâu thể giải quyết trong vài cuộc họp, huống hồ trong một cuộc họp ngắn ngủi 2+2!

Lừng khừng chuyện SYRIA

RT, mượn lời William Engdahl, để đưa ra ý kiến của Nga về vấn đề Syria: “Vấn đề Syria là không thể thương thuyết được..., trừ khi Washington sẵn lòng rút hết tất cả “các con chó tấn công” của mình bên trong Syria ra khỏi đó... Chừng nào chưa làm được điều đó và mọi phe có yếu tố nước ngoài ra khỏi Syria, để cho người Syria giải quyết chuyện nội bộ của họ với nhau trong cuộc bầu cử năm tới, tôi không nghĩ sẽ có bất cứ một hội nghị hòa bình nào. Phe đối lập ở Syria là một nhánh do tổ chức Anh em Hồi giáo kiểm soát từ bên ngoài, chẳng có gốc rễ gì từ trong xã hội Syria”.

Như vậy, hội nghị Geneva 2 về Syria vẫn chưa biết lúc nào được triệu tập. Trong cuộc họp báo trưa thứ hai 12-8 ở Bộ Ngoại giao Mỹ (4), phát ngôn viên phó Marie Harf cũng gián tiếp xác nhận: “Hai bên đồng ý sẽ gắn bó với việc tổ chức hội nghị Geneva 2 càng sớm nếu có thể được”. Làm sao giải quyết được khi với Mỹ, cũng theo lời phát ngôn viên phó Harf, “lập trường của chúng tôi về ông Assad không thay đổi, ông ta phải ra đi”.

Còn đối với Nga, một căn cứ hải quân Nga nay mở lại ở cảng Tartus (Syria), sau khi từng là căn cứ trong chiến tranh lạnh cho hạm đội Địa Trung Hải của Nga đã giải thể, là một nhu cầu sinh tử. Hôm 27-6, Bộ Quốc phòng Nga loan báo “Tartus là căn cứ chính thức của tàu Nga trên Địa Trung Hải và sẽ vẫn tiếp tục thực thi nhiệm vụ đó” (nguồn: telesurtv.net - 2013-06-27).

Đừng thắc mắc tại sao Nga chở tới Syria tên lửa phòng không S-300 và tên lửa chống hạm Yakhont, mà đầu tháng 7, theo tình báo Mỹ, Israel đã tìm cách tấn công song không trúng đích vì Syria đã di chuyển các tên lửa này ra chỗ khác (5), và gần đây là tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion.

Giậm châm tại chỗ, thậm chí có bên đã gọi là chiến tranh nóng. Dẫu sao cũng có một thỏa thuận “màu mè”: phía Nga mời Mỹ quan sát cuộc tập trận Zapad 2013 giữa Nga và Belarus, đông đến 13.000 quân. Dẫu sao, thế kỷ 21 không ưa nhau cứ việc, song ai lại đóng cửa vào mặt nhau!

____________

(1): http://rt.com/op-edge/us-russia-proxy-war-364/
(2): http://www.deagel.com/Ballistic-Missiles/Topol-M_a001014001.aspx
(3): Background Briefing on U.S.- Russia 2+ 2 Meeting Via Teleconference
(4): Daily Press Briefing, Washington, DC, August 12, 2013
(5):
http://www.israelnationalnews.com/News/News.aspx/170478#.UgmmpdI3CSo

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận