Quan hệ tay ba Mỹ - Nga - Trung Quốc: “Long Trung quyết kế...”

HỮU NGHỊ 20/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ quan hệ Trung - Nga lại gắn bó và làm Mỹ căng thẳng như bây giờ, vào lúc cuộc chiến ở Ukraine đang thách đố Washington vô cùng. Chính vì thế mà hôm thứ hai 14-3, hai bên Mỹ - Trung đã gặp nhau suốt 7 tiếng tại Rome để trút bầu tâm sự. Các cuộc họp báo chiều thứ hai 14-3 ở Washington cũng như ở Bắc Kinh chiều thứ ba 15-3 phản ánh cuộc gặp gỡ hiếm có này.

Không giấu giếm, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price đã tỏ rõ Mỹ quan ngại Trung Quốc những gì: “Chúng tôi đã nhìn thấy mối quan hệ giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Nga ngày càng gần gũi. 

Đây không phải là hiện tượng mới gần đây… Đây là mối quan hệ đã trở nên thân thiết hơn suốt nhiều năm, và tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy sự tích tụ của quan hệ đó với thông cáo 5.000 từ mà hai nước đưa ra cách đây vài tuần lễ”.

 
 Tranh của Craig Stephens cho scmp.com. Ảnh: scmp.com

“Quan ngại” mấy chục lần

Thông cáo mà ông Price nhắc chính là Tuyên bố chung Trung - Nga ngày 4-2 sau cuộc gặp Tập Cận Bình - Vladimir Putin (xin xem bài “Nga - Trung: Đối tác tất yếu?”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 9-2022). Tuyên bố chung đó cho thấy hai nước đồng lòng “hướng đến tái phân bổ quyền lực trên thế giới”. 

Giữa lúc Nga đã mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhắm vào Ukraine nhằm buộc nước ngày ngưng đeo đuổi gia nhập NATO, thì Trung Quốc lại cùng Nga “phản đối việc mở rộng hơn nữa NATO và kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ bỏ cách tiếp cận ý thức hệ của chiến tranh lạnh, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia khác”. Mỹ quan ngại là phải.

Thứ hai 14-3 khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 19, câu hỏi mà Mỹ muốn nêu ra là: Trung Quốc đồng lòng với Nga tới đâu, và có thể tới tận đâu?

Matt Lee của thông tấn xã Mỹ AP, như mọi ngày, mở màn cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ bằng thắc mắc với người phát ngôn Price: “Ông nêu ra những quan ngại về sự hỗ trợ của Trung Quốc, phải chăng điều đó có nghĩa là ông nghĩ họ đã đang ủng hộ (Nga)?... Ông có nhận được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người Trung Quốc đã đáp ứng (mối quan ngại của chúng ta), bất kể là tích cực hay tiêu cực?”.

Hai chữ “quan ngại” này trong các cuộc họp báo ngoại giao hay bị chê sáo rỗng, nhưng nay đang trở nên thịnh hành. Chiều hôm đó, trong 50 phút của cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cả các nhà báo và người phát ngôn đã dùng chữ “quan ngại” (concerns) những 23 lần! 

Riêng về vấn đề quan hệ Nga - Trung Quốc, người ta đã 11 lần “quan ngại”. Như vậy, chắc là đáng quan ngại thật.

Trả lời câu hỏi trên, ông Price cho biết - và ông không chỉ nhắn nhủ Trung Quốc: “Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ mức độ mà CHND Trung Hoa, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ nào - dù là vật chất, kinh tế, hay tài chính, cho Nga. Bất kỳ sự hỗ trợ nào như vậy từ bất kỳ nơi nào trên thế giới sẽ là một mối quan ngại lớn đối với chúng tôi”.

Nhưng tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc: “Tất nhiên, đó sẽ là mối quan tâm lớn nhất nếu một quốc gia như CHND Trung Hoa làm như vậy - họ là một nước có ảnh hưởng lớn với Nga, có mối quan hệ với Nga khác hẳn mối quan hệ mà chúng ta hay bất kỳ quốc gia nào khác trên hành tinh này có với Nga". 

"Trong suy nghĩ đó, Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nhiều quốc gia khác để chấm dứt tình trạng bạo lực vô nghĩa, tàn bạo này. Chúng tôi đã thông báo rất rõ ràng với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không ngồi yên, không cho phép bất kỳ quốc gia nào giúp Nga bù đắp cho những tổn thất [vì cuộc chiến]”.

Cuộc họp báo một tiếng rưỡi sau đó của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng lại đầy rẫy những “quan ngại” như thế: tổng cộng 9 lần, cùng các nhắn nhủ, cảnh cáo chung và riêng na ná những gì ở Bộ Ngoại giao.

 
 Cuộc gặp Dương - Sullivan có vẻ đã không đi tới kết quả gì. Ảnh: CGTN

Sullivan - Dương: Chỉ là một cuộc cãi cọ?

Tin tức do Nhà Trắng tiết lộ cho biết cuộc họp Trung - Mỹ ở Rome kéo dài tới 7 tiếng đã khiến rất nhiều nhà báo thắc mắc. 

Theo lời các quan chức Nhà Trắng ẩn danh, ông Sullivan đã dành thời giờ để tỏ rõ cho ông Dương rằng Mỹ và châu Âu đang rất đoàn kết, rằng cả các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng hậu thuẫn sự đoàn kết này, và họ đang có “sự phối hợp chưa từng thấy”, cũng như “sẵn sàng dấn thân để gây tổn thất cho Nga”.

Thế còn vấn đề hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác, bao gồm vũ khí, giữa Nga và Trung Quốc thì như thế nào? Nguồn tin từ Nhà Trắng đã lờ đi không trả lời chuyện này, mà chỉ cho biết ông Sullivan bảo Trung Quốc nên cân nhắc trong chuyện hỗ trợ Nga. 

Về cơ bản, cuộc gặp là để nói ra những mối quan ngại, chớ “không phải để đàm phán gì hết, mà chỉ để trao đổi thẳng thắn với nhau, cốt yếu là giữ cho những tuyến liên lạc vẫn mở giữa hai bên, đặc biệt trong những lĩnh vực mà hai bên bất đồng”, một quan chức kết luận.

Có thể hiểu thêm cách mà Mỹ đang muốn thuyết phục Trung Quốc hay bất cứ nước nào muốn “xé rào” các lệnh trừng phạt kinh tế Nga qua lời giải thích về cán cân kinh tế Mỹ + EU với Trung Quốc + Nga trong các cuộc họp báo nói trên. 

Ông Price trưng ra một bài toán số học: “GDP kết hợp của Nga và Trung Quốc đâu đó khoảng 25% GDP toàn cầu. Còn GDP của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, cùng các đồng minh của chúng tôi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, các đồng minh và đối tác khác đã tham gia với chúng tôi, là hơn 50%”.

Có vẻ như Mỹ vẫn đang muốn “đấu văn” chớ không “đấu võ”, dù vẫn muốn khuất phục người khác. Bà Psaki nói rõ: “Khởi sự Thế chiến III chắc chắn không có lợi cho an ninh quốc gia của chúng ta. Việc đưa quân đội Mỹ đến Ukraine để gây chiến với Nga không nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta”.

Tường thuật phía Trung Quốc

Nếu như trong họp báo của các quan chức Chính phủ Mỹ, vấn đề Đài Loan chỉ được nhắc lại một cách vắn tắt, thì trong họp báo thường kỳ chiều thứ ba 15-3 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây lại là vấn đề hàng đầu. Đơn giản thôi, mỗi phía có những “quan ngại” riêng. 

Đếm được trong cuộc họp báo 15-3 ở Bắc Kinh là 23 lần sử dụng chữ “quan ngại”, về đủ thứ chuyện, từ nước thải hạt nhân của Nhật Bản tới bạo lực của cảnh sát Mỹ.

Song, quan ngại hàng đầu vẫn là chuyện Đài Loan. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên thuật lại ông Dương đã nhấn mạnh với ông Sullivan rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. 

Trong ba bản Thông cáo chung Hoa - Trung, Hoa Kỳ công nhận rõ ràng rằng chỉ có một Trung Quốc. Rằng “Nguyên tắc một Trung Quốc” là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, và là nền tảng chính trị cho quan hệ Trung - Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ chính quyền hiện tại của Hoa Kỳ, tuy đã cam kết tuân thủ “Chính sách Một Trung Quốc” và không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, song hành động gần đây của Washington lại không phù hợp với các tuyên bố. 

Ông Triệu cảnh cáo: “Bất kỳ nỗ lực nào để ngầm cho phép hoặc hỗ trợ lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập”, và chơi “lá bài Đài Loan” nhằm “sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” sẽ chẳng đi đến đâu”.

Một câu hỏi khác mà nhiều nhà báo liên tiếp thắc mắc là có phải Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự hay không, cụ thể là cung cấp tên lửa đối không. Bao nhiêu lần hỏi, thì bấy nhiêu lần ông Triệu nổi đóa: “Hôm qua tôi đã trả lời những câu hỏi tương tự. Tôi đã nói là đủ rồi. Hành động của Hoa Kỳ là gieo rắc thông tin sai lạc (trả lời thông tấn xã AFP)”.

Cùng ngày 15-3, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng xã luận: “Mỹ muốn Trung Quốc nhảy theo nhạc của họ. Điều mà Mỹ hy vọng là dệt nên một mạng lưới toàn cầu không có kẽ hở để bóp nghẹt Nga, biến tất cả các quốc gia trở thành một phần của mạng lưới này". 

"Mỹ là kẻ chủ mưu cuộc khủng hoảng Ukraine, song lại muốn khai thác cả thế giới để mở rộng lợi ích chiến lược của riêng mình. Điều này khiến người ta tự hỏi: Mỹ lấy lòng tin từ đâu? Có phải do Mỹ đã thống trị thế giới lâu đến mức nghĩ rằng Mỹ thậm chí điều khiển cả đòn bẩy của vòng quay của Trái đất?" 

"Nếu Washington muốn buộc chặt quan hệ Trung - Mỹ vào cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, thì họ đang đi sai hướng và chắc chắn sẽ rất thất vọng”.

Xem ra 7 tiếng đồng hồ ở Rome chỉ là chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” mà thôi!

Qua thái độ và kiểu cách ăn nói của ông Price, có thể đoán được phần nào kết quả không lấy gì làm khả quan của cuộc gặp Dương - Sullivan ở Rome: “Các nước như CHND Trung Hoa nhiều năm qua đã vung vẩy khái niệm chủ quyền, họ thường lôi vấn đề chủ quyền ra trong mọi chuyện, mọi vấn đề chính sách đối ngoại và ngoại giao". 

"Nếu khái niệm chủ quyền chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế với một quốc gia như CHND Trung Hoa, thì chúng tôi mong muốn các quốc gia đứng lên, lên tiếng, tỏ rõ rằng một hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia, hành vi mà chúng ta chưa từng thấy trong thế kỷ này, là không thể chấp nhận được”. 

Một mũi tên bắn cả Trung Quốc lẫn Nga: Trung Quốc can dự vào chủ quyền nước khác bằng cách đặc thù, Nga giờ đây can dự một cách thô bạo; thảy đều “không thể chấp nhận được”!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận