Quy hoạch hơn 7.000 lễ hội, nên không?

HÀ HƯƠNG THỰC HIỆN 24/02/2013 18:02 GMT+7

TTCT - “Tôi thất vọng” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy (ủy viên Hội đồng di sản quốc gia) - nói với TTCT sau khi đọc đề án quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 (đang được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch lấy ý kiến góp ý).


Bài chòi cổ dân gian đã được bảo tồn trên đất Bình Định nhiều năm qua - Ảnh: Hoàng Văn


Ông Nguyễn Văn Huy phân tích:

Thứ nhất là việc khoanh vùng hơn 7.000 lễ hội dân gian để quy hoạch, xây dựng ra các cấp lễ hội khác nhau, cấp quốc gia, tỉnh, huyện đến xã phường, trong khi những lễ hội mới hao tiền, tốn của cần điều chỉnh thì không được nhắc đến.

Đã là lễ hội dân gian thì chẳng có lễ hội nào là cấp tỉnh, cấp huyện cả. Đó là câu chuyện truyền thống của làng xã, làng nào làm làng ấy, hoặc vài ba làng xã cùng tổ chức một hội. Một khi quy hoạch, nâng tầm lễ hội dân gian chủ yếu vì mục đích chính trị hoặc kinh tế, du lịch sẽ dẫn đến câu chuyện bị nhà nước hóa, mất thiêng.

Tại sao không để lễ hội dân gian ở cấp cơ sở như vốn có, Nhà nước có thể tài trợ thêm kinh phí trong những trường hợp cần thiết nhưng không phải vì phân cấp mà tài trợ, nhất là đừng can thiệp vào lễ hội đó. Đẩy lên đến một lúc nào đó sẽ quá tải với địa phương. Ví dụ hội đền Trần ở Nam Định là quá tải, ngày xưa thường làm chỉ ở vài ba làng quanh đền thôi.

* Theo ông, nếu không quy hoạch, việc Nhà nước cần làm đối với một lễ hội dân gian là gì? 

 

 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Nhân vật cung cấp

- Các hội dân gian không cần làm cho hoành tráng hơn, to hơn, đông người đến xem hơn. Cái chính là tiếp tục duy trì sinh hoạt cộng đồng cho người dân, đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ, cầu mong cho làng mình, xã mình mùa màng tươi tốt, an lành, sức khỏe... Lễ hội nào thì để chính đơn vị cơ sở ấy quản lý là tốt nhất.

Cần xem xét lại việc chia làm bốn cấp như thế này là nên hay không. Cấp quốc gia hiện nay chỉ có lễ hội đền Hùng, cũng mới được nâng cấp khoảng 20 năm nay. Cho nên với kiểu quy hoạch này chắc nhiều lễ hội khác sẽ “bị” hay “được” nâng cấp theo quan niệm từng người. 

Rồi sẽ có tình trạng các lễ hội dân gian vào cuộc chạy đua nâng cấp, chạy đua để được Unesco công nhận là di sản thế giới, đua để được xếp hạng di tích ở các cấp khác nhau vì đẩy lên mới có tiền, có dự án... 

Những lễ hội như lễ hội Bà Chúa Xứ (tỉnh An Giang) là của cộng đồng ở đó, kéo hàng vạn người đến nhưng vẫn quản lý được tốt. Lễ hội Nguyễn Trung Trực (tỉnh Kiên Giang) cũng thế. 

Có ý kiến đề xuất đưa lễ hội lớn như vậy thành lễ hội khu vực, nhưng như thế sẽ trở nên nguy hiểm, hoặc “cha chung không ai khóc”, hoặc biến thành lễ hội của Nhà nước, tính thiêng sẽ mất dần. 

Với việc này cần phải xem xét rất kỹ lưỡng sự vận hành của lễ hội xưa kia như thế nào, vì sao nó có sức sống như thế, tồn tại lâu dài như thế.

* Theo những người soạn thảo, phân cấp lễ hội sẽ giúp quản lý thuận lợi hơn, nhà quản lý cũng thấy được lễ hội nào cần ưu tiên đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tiêu chuẩn nào ưu tiên và không ưu tiên? Một cộng đồng thôn làng làm lễ hội như cách gọi hiện nay thực chất có thể là tổ chức lễ cúng làng, cúng xóm rất có ý nghĩa tuy quy mô nhỏ. 

Một làng khác lại làm hội to hơn nhưng không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào, cái nào thiêng hơn cái nào mà xét ưu tiên. Các lễ hội bình đẳng nhau về tính thiêng, về ý nghĩa với mỗi cộng đồng, vậy ưu tiên cái nào? Tất cả những kiểu tư duy ưu tiên này sẽ trở nên giả tạo và tạo ra tiêu cực.

Ngoài ra còn có chuyện phục dựng lễ hội trong đề án quy hoạch nữa. Phục dựng thế nào, tất cả lễ hội đang làm hay chỉ một số lễ hội đang mai một? Vấn đề không phải phục dựng mà cái cần hơn là phải đầu tư cho nghiên cứu cơ bản từng lễ hội dân gian.

* Với những tính toán này, có vẻ quan điểm của đề án trùng với những quan điểm rất thịnh hành hiện nay là tổ chức lễ hội phải giống như tổ chức sự kiện?

- Không được. Tổ chức sự kiện để quảng bá, tuyên truyền. Trong khi cái chính của lễ hội dân gian là tâm linh, đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng. 

Cho nên mấu chốt là duy trì tác động của lễ hội đến cộng đồng đó. Khi lễ hội hay, có chất lượng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, người ta sẽ đến dự. 

Nhiều lễ hội cũng chỉ nên ở quy mô cộng đồng của nó. Bây giờ nhiều khi người ta cứ tuyên truyền muốn cho đông người đến xem, kích thích du lịch.

* Với kiểu quy hoạch này, có vẻ như Nhà nước đang can thiệp rất sâu vào lễ hội trong khi vẫn luôn khẳng định trả lễ hội về cho nhân dân?

- Cái quan trọng nhất mà người ta không làm là nghiên cứu cơ bản từng lễ hội. 

Cả nước có hơn 7.000 lễ hội dân gian, vậy các nhà nghiên cứu hãy làm một bản khảo tả tỉ mỉ chi tiết lễ hội từ xưa đến nay thay đổi thế nào, diễn ra ra sao. Phải ghi chép lại để giúp những người làm chính sách văn hóa nhìn thấy được cái gì đáng đầu tư, khích lệ.

Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên từng có hai công trình nghiên cứu rất tỉ mỉ về hội Gióng ở Gia Lâm (Hà Nội) và hội Giá ở Yên Sở (thuộc Hà Tây cũ) năm 1937. Hai công trình này ghi chép rất tỉ mỉ, giúp các nhà quản lý tổ chức lễ hội rất nhiều. 

Vừa rồi làm hồ sơ đề cử hội Gióng (là di sản văn hóa đại diện của nhân loại) lên UNESCO về cơ bản không có tài liệu cụ thể, vẫn phải dựa vào bản ghi chép về lễ hội Phù Đổng của ông. 

Nhiều người chỉ quan tâm đến quy hoạch và phục dựng lễ hội, trong khi đó lại có nhiều lễ hội mà ngành văn hóa địa phương cho rằng mê tín, không đáng để phục hồi.

Tại sao lại quan niệm vậy với những lễ hội đã có từ ngàn đời của dân?

Khi làm hồ sơ về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, nhiều nhà nghiên cứu phát hiện mọi sự đầu tư chỉ tập trung vào không gian đền Hùng, những khu vực lân cận còn rất nhiều lễ hội, đình chùa... không được phục hồi. 

Vì không nghiên cứu cơ bản nên đánh giá của cơ quan quản lý địa phương rất cảm tính, khiến nhiều người dân bức xúc. Ưu tiên cấp quốc gia, còn nhiều sinh hoạt tâm linh của cộng đồng thể hiện ở lễ hội thôn làng lại không được quan tâm đúng mức.

* Vậy theo ông, có nên quy hoạch hơn 7.000 lễ hội dân gian?

- Cái quan trọng nhất là phải điều tra cơ bản. Chỉ nên có định hướng phát triển chứ không nên quy hoạch lễ hội dân gian. Lễ hội dân gian Nhà nước không đầu tư. Lễ hội là của dân và do dân.

Chúng ta không nên sợ lễ hội dân gian nhiều hay ít. Lễ hội mà xuất phát từ tập quán sinh sống của cộng đồng, được gìn giữ nhiều đời thì rất đáng hoan nghênh. 

7.000 chứ nhiều hơn nữa cũng chẳng có vấn đề gì, Nhà nước chẳng phải đầu tư gì cả, toàn bộ do dân đóng góp. Dân được tham gia, đóng góp lễ hội một cách sung sướng vì thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tính thiêng lễ hội. Người ta nhiều khi tổ chức lễ hội quá thiên đến việc vui chơi giải trí thì sẽ không còn lễ hội đúng nghĩa.

Cái sai là khi nghiên cứu lễ hội lại chia ra phần lễ và phần hội, xong phần lễ thì đến phần hội là vui chơi giải trí. Người dân xưa nói đi trẩy hội là hòa quyện tất cả. Ngày xưa không có khái niệm lễ hội, chỉ có hội và hội làng. 30-40 năm gần đây, các nhà nghiên cứu văn hóa mới bắt đầu tạo ra khái niệm lễ hội.

___________

Khai thác lễ hội ra sao trong một không gian du lịch lấy cơ hội giao lưu và tăng thu nhập làm trọng luôn cần được cân nhắc cẩn thận, bởi có thể làm suy vi chính lễ hội truyền thống và mất du khách ngay năm kế tiếp.


Hội phết Thiền Quang (Phú Thọ) - Ảnh: Mạnh Cường


Lễ hội là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống, vốn chưa được tính đến sẽ như thế nào trong thời đại mới của du lịch với những cơ hội giao lưu và tăng thu nhập. Du lịch ở nhiều nước đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế trong xã hội hiện đại, đặc biệt nhờ sự quan tâm đến lễ hội địa phương của khách du lịch.

Việc khai thác lễ hội cho du lịch đã được thực hiện ở nước ta, tuy nhiên tổ chức lễ hội như thế nào khiến du khách cả trong lẫn ngoài nước hiểu biết, yêu thích thêm nền văn hóa dân tộc, lôi kéo họ đến nhiều lần hơn thì chưa có một phương châm có tính nghiên cứu nào.

Nhiều nơi tổ chức lễ hội mong muốn tăng thu nhập nhưng lại không tăng được tinh thần văn hóa lễ hội, chưa kể làm ngược lại. Ngành du lịch khai thác lễ hội nhưng lại không đóng góp được gì cho các di sản và hội lễ ngoài thuế kinh doanh theo quy định. 

Cũng không có những nghiên cứu cụ thể, chân xác về các lễ hội trong toàn quốc và khả năng cải biên chúng cho phù hợp với thời đại du lịch. Cũng không có nơi nào tài trợ cho những nhà nghiên cứu viết sách về lễ hội.

Đó chính là những bất cập trong tương quan hoạt động lễ hội và du khách hiện nay...

HÀ HƯƠNG (thực hiện)


Vấn đề của lễ hội hôm nay

“Lập những hồ sơ lễ hội và hồ sơ di tích ở mức độ chân bản, đến mức cứ căn cứ vào đó mà tiến hành lễ hội và tu sửa là việc nên làm ngay”

Trong nền văn hóa truyền thống, ở cấp quốc gia, lễ tế đàn Nam giao và đàn Xã tắc được coi là lễ quan trọng nhất do chính nhà vua chủ trì. Nhưng lễ này không có phần hội mà nghiêm trang trọng thể. 

Lễ Tịch điền, cày ruộng đầu xuân cho vụ mùa mới cũng có khi nhà vua đích thân cầm cày, có khi cho người đóng tượng trưng, trong ý nghĩa hướng về thời vụ nông nghiệp. 

Còn hầu hết lễ - hội trong dân gian, tùy nơi tùy lúc mà phần lễ hay phần hội là quan trọng, hoặc phối hợp cả hai.

Đối với người dân, sùng bái tín ngưỡng là đương nhiên, nhưng phần vui chơi không kém quan trọng. 

Nhưng không một lễ hội nào được tổ chức thời xưa có mục đích kiếm lời, thậm chí mọi du khách đến dự còn được mời ăn nghỉ, tất nhiên còn vì quy mô lễ hội xưa thường nhỏ, giao thông khó khăn, người đi dự lễ hội không đông như bây giờ. 

Lễ hội lớn chùa Hương, người trẩy hội suốt mùa xuân cũng với số lượng vừa phải, hành lễ thong thả.

Thương mại hóa lễ hội luôn cần được cân nhắc cẩn thận, bởi nó có thể làm suy vi chính lễ hội truyền thống và mất du khách ngay năm kế tiếp. 

Đó chính là vấn đề của lễ hội hôm nay, nó vẫn đông hơn bởi tính dị đoan được nhiều thành phần xã hội chấp nhận rộng hơn, nhưng đồng thời gia tăng sự hủy hoại di tích, các hoạt động cờ bạc, mê tín và sự xuống cấp của môi trường.

Cần hồ sơ chân bản

Nếu đọc các tài liệu về lễ hội do các nhà nghiên cứu viết, mức độ sâu sắc và chính xác khác nhau, nhưng đều thấy hầu như không có tài liệu nào có thể dùng như là giáo khoa thư cho lễ hội đó. Điều đó chứng tỏ nó không được đặt hàng và kiểm nghiệm bởi chính địa phương lễ hội. 

Các địa phương vẫn tổ chức lễ hội theo thói quen nhưng mỗi lần lại biến thái, thêm thắt, thậm chí cách biệt khá xa với truyền thống mà chính họ cũng không ý thức.

Lập những hồ sơ lễ hội và hồ sơ di tích ở mức độ chân bản, đến mức cứ căn cứ vào đó mà tiến hành lễ hội và tu sửa là việc nên làm ngay, nhất thiết phải đặt hàng các nhà nghiên cứu. 

Mà muốn làm được điều này thì không phải cứ dựa trên các vị giáo sư, tiến sĩ và chế độ nhuận bút hiện hành, mà kết quả nhận được rất thường là một tập giấy dày có vẻ hay ho nhưng lại vô tác dụng.

Phần hoạt động văn hóa trong lễ hội chính là bản sắc văn hóa dân tộc, những cái đặc thù chỉ ở đó mới có và được thực hiện bởi những người bản địa, chứ không phải là diễn viên của các trường nghệ thuật. 

Đây chính là vấn nạn của các lễ hội văn hóa được tổ chức nhằm báo cáo thành tích và thực chất rất xa lạ với truyền thống. Sự lôi kéo du khách chính là ở phần này, như lễ hội carnaval ở Brazil chẳng hạn.

Những bộ quần áo, trang sức đặc biệt và lâu đời, nhưng điệu nhảy nhuần nhuyễn và những con người tham gia lễ hội như chính họ sinh ra từ đó. 

Những điều đó đưa du khách tham dự như thể họ là một thành phần của lễ hội và học hỏi nghiên cứu được nhiều điều. Chỉ trên cơ sở đó, những hình thức hiện đại mới đưa vào như là phần phát triển.

Ở nước ta chỉ còn lễ hội Trò Xuân Phả (làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) giữ được bản sắc, ý tưởng và sự hấp dẫn của các vũ điệu trong trò, mọi ý định chuyển thể nó sang múa hiện đại dường như đều thất bại bởi vũ công mới không phải là người được chọn lựa và tích hợp của một truyền thống rất xa xưa. 

Nhưng đó cũng là nỗi lo của Xuân Phả khi hiện nay một làng xã rất khó đào tạo được người kế nghiệp.

Liên hoan văn hóa Huế thường niên cũng là một ví dụ lớn thường được tổ chức quy mô, song khuynh hướng sân khấu bán chuyên nghiệp được chú trọng hơn là các chiều sâu văn hóa có thể nghiên cứu. 

Du khách, người xem nói chung không nhất thiết phải tìm hiểu cặn kẽ văn hóa, nhưng chỉ có những gì nguyên bản hoặc tiệm cận nguyên bản mới thuyết phục hoàn toàn được tâm lý thưởng ngoạn và muốn quay lại nhiều lần cũng như giới thiệu cho bạn bè khác, thay vì chỉ cần quay phim xem lại là coi như đã đến đó.

Điều này cho thấy liên hoan văn hóa Huế cần dựa vào chính các bối cảnh di tích, chứ không nhất thiết dựng sân khấu hiện đại, trừ phần văn hóa hiện đại phải có những bộ phục trang chuyên nghiệp nguyên bản, thay cho những bộ quần áo nhất thời rẻ tiền và biến tấu lôi thôi, cần có lễ nhạc đúng như tinh thần của nó là giao hòa với trời đất, chính định âm dương chứ không phải là biểu diễn. 

Còn lại, văn hóa hiện đại thì cần thật hiện đại với những gì mà các nghệ sĩ đương đại đang làm.

Trong một lễ hội, văn hóa truyền thống và đương đại hoàn toàn có thể chạy song song với nhau mà hoàn toàn không nên vay mượn của nhau theo tinh thần kế thừa. Kế thừa nên để chỗ khác. 

Bên cạnh lễ hội sôi động, những bảo tàng văn hóa - nghệ thuật của vùng miền là không thể thiếu, làm nền tảng cho lễ hội và phải được nghiên cứu thường xuyên. Tiếc rằng đây lại đang là khâu yếu nhất của tất cả các tỉnh và khu vực.

Một khía cạnh không kém quan trọng là khu vực dịch vụ của các vùng lễ hội hiện nay còn quá nhiều kém cỏi. 

Trong khi giao thông, khách sạn ngày càng được cải thiện thì cách phục vụ, lối phân chia nhiều loại giá tiền tiêu dùng (giá cho dân bản địa, giá cho người Việt từ xa đến, giá cho người nước ngoài) ngày càng gây nhiều khó chịu, ác cảm, bởi bát phở, tô cơm hay phòng ốc vẫn thế. Kiểu kinh doanh một lần ấy hầu như chắc chắn khiến không một du khách nào muốn quay lại.

Ngay cả những thứ đơn giản nhất (mà cũng thiết yếu nhất) như một khu vực vệ sinh hợp lý và sạch sẽ cho hàng nghìn, hàng vạn người cũng chưa được chú trọng thì những điều lớn hơn, như thái độ với môi trường đáng phàn nàn của người Việt hiện nay (vứt rác và phóng uế ngay trong khu lễ hội) sẽ còn mất rất nhiều thời gian và công sức để sửa chữa.

Lễ hội và du lịch có thể đem lại lợi nhuận kinh tế hơn nhiều các nhà máy công xưởng, một loại kinh doanh xanh sạch, hoàn toàn có thể thực hiện được, với điều kiện các công việc văn hóa có chiều sâu nói trên được hoàn thiện với thái độ văn hóa của người địa phương.

PHAN CẨM THƯỢNG

___________

Lễ hội là điểm chung cho những cộng đồng người, là một sự cộng cảm và là không gian chuyển động để các biểu tượng chuyển tiếp từ quá khứ qua hiện tại vào tương lai. Con người tham gia lễ hội là để tiếp nhận một phần nội dung biểu tượng đó khi còn trẻ, và phát tán phần nội dung đã tích lũy từ quá khứ khi về già.


Trời ấm lên, tết nhất xong xuôi cũng là lúc dân tình bắt đầu bàn đến “sắm sửa bộ hành chơi xuân”, trẩy hội. “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên lễ hội ở Việt Nam nối tiếp nhau từ làng này sang xã khác, từ Bắc vào Nam, vừa xong hội Chèo lại đến ngay lễ Gióng, vừa kết lễ hội Ông lại tới ngày vía Bà.

Nơi tôi đang sống là phường Roehamton (nước Anh), trước kia vốn là một ngôi làng ven khu rừng hoàng gia mà nay là Richmond Park với hàng trăm con hươu và nai được nuôi để vua đi săn. Nhà cao tầng và bệnh viện, trường đại học hay siêu thị mới chỉ được xây dựng vài chục năm trở lại đây.

Một sáng chủ nhật, ngồi chờ tới phiên trong tiệm cắt tóc bỗng thấy hàng chục người đàn ông mặc trang phục kiểu cổ xưa kéo tới khu đất trống trước mặt, tập luyện nhảy múa say mê. Họ tập dượt cho lễ hội mùa xuân truyền thống của làng này, dù nay đã là một phường đô thị đông đúc trong nhịp sống gấp gáp của London.

Và rồi tôi cũng chứng kiến ở thành phố này, nơi cuộc sống của thời hiện đại tạo ra những lễ hội kiểu mới, lấy mua sắm làm nghi lễ, còn thương xá (shopping mall) chính là nơi thờ cúng. 

Lễ hội là điểm chung cho tất cả cộng đồng người trên thế gian này, trong đó khi người ta cùng nhau tham gia vào những lớp lang của nó, lễ hội trở thành một cộng đồng phù du, một sự cộng cảm (communitas) như luận điểm của chuyên gia nhân học người Anh Victor Turner.

Những điều tạo nên lễ hội

Lễ hội có thể được định nghĩa đơn giản như là một tập hợp các hoạt động (nghi lễ) cùng thể hiện một biểu tượng nào đó. 

Tùy điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội mà người ta có thể thêm vào nhiều thành phần mới, như cách mà chính quyền thuộc địa Pháp từng tổ chức thêm các cuộc thi trèo cột mỡ lấy tiền trong lễ hội dân gian, hay ngày nay ta dàn dựng thêm các tiết mục cho lễ hội cung đình Huế.

Trải theo thời gian, có những lễ hội bị cấm hoặc biến mất như hội pháo làng Bình Đà, cũng có những lễ hội được tạo dựng mới hoàn toàn hoặc kết hợp từ những lễ hội truyền thống nhỏ lẻ có liên quan như lễ hội lúa gạo luân phiên ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. 

Sử gia người Anh gốc Do Thái Đức nổi tiếng thế giới Eric Hobsbawm ghi nhận rất nhiều lễ hội đã được tạo dựng (invented) trong quá trình xây dựng nhà nước dân tộc ở châu Âu và trên thế giới.

Lễ hội đền Hùng là ví dụ đặc sắc cho quy luật đó, khi trong nội dung có cả nghi lễ người đứng đầu quốc gia thắp nén nhang nơi điện thờ thời hiện đại, lẫn tập tục nõ nường đậm nét phồn thực cổ truyền trong đêm hội ở trong làng. 

Lễ hội là không gian chuyển động để cho biểu tượng chuyển tiếp từ quá khứ qua hiện tại vào tương lai. Con người tham gia lễ hội là để tiếp nhận một phần nội dung biểu tượng đó khi còn trẻ, và phát tán phần nội dung đã tích lũy từ quá khứ khi về già.

Chịu ảnh hưởng từ nghi lễ diễu hành thời La Mã và sau này là giáo hội Công giáo mà rất nhiều lễ hội trên thế giới được tổ chức giống như một đám rước với nhiều sự kiện nối tiếp nhau. 

Từ lễ làng truyền thống ở lâu đài Warwick với các hiệp sĩ đi bộ múa kiếm cho đến carnival hiện đại ở London với các vũ công nhảy múa trên xe tải, chính quyền Anh rất dễ tổ chức và quản lý bằng cách đóng cửa một số con đường, vẽ sơ đồ hướng dẫn cùng thời gian biểu rõ ràng cho người dân đổ về tham gia.

Nhưng cũng có những lễ hội không có điểm đầu và điểm kết thúc kiểu như vậy, chỉ đơn giản là tập hợp của nhiều sự kiện diễn ra cùng lúc. Nhiều nơi kết hợp “hội” với “chợ”, tạo điều kiện cho người dân vừa vui chơi vừa mua sắm. 

Hai kiểu tổ chức đó cũng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, như hội làng giới thiệu nông sản ở Pháp, hội bia ở Đức và loại hình funfair ở Mỹ - một khu giải trí với các trò chơi cảm giác mạnh cho dân cư địa phương kéo ra thưởng thức.

Cả hai loại hình này cũng có ở Việt Nam, khi vừa có đám rước múa lân lẫn hội chợ xuân để chơi lô tô, quay số và mua hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Với nhiều miền quê và cá nhân, đây là cơ hội duy nhất để giải trí suốt một năm lao động cực nhọc. Các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cũng thường tổ chức hội chợ tết để gặp gỡ, chung vui và cùng gìn giữ nguồn cội.

Ở miền Tây Nam bộ còn một loại hình lễ hội rất đậm đà bản sắc dân tộc, ở quy mô nhỏ, là đám giỗ. Tới ngày giỗ chạp ở trong quê, con cháu trong gia đình tự động biết đến và nhớ tới đặng tìm về. 

Thời nay còn có thêm các cơ quan đoàn thể tới góp mặt và không ít doanh nghiệp tận dụng những ngày này để đem hiện vật vào đóng góp tạo quan hệ.

Đám giỗ ở vùng sâu tại Vĩnh Kim, Tiền Giang không có ngày giờ chính xác, có thể bắt đầu từ vài ngày trước khi có người về sớm và sẵn đồ ăn thức uống. 

Thực khách lai rai đến đêm thì đờn ca tài tử và bàn chuyện thời thế. Lề lối tổ chức lễ hội kiểu này cũng giống tập hợp hàng trăm lễ hội nhỏ quanh hội đền Hùng “mùng mười tháng ba” ở Phú Thọ và các vùng lân cận. Đám lễ ở miền Trung cũng bao gồm nhiều sự kiện kéo dài trong nhiều ngày với nhiều thể loại hát đặc sắc.

Ngày tết trong mỗi gia đình cũng chính là cấu trúc lễ hội đặc trưng hồn Việt này. Cách tổ chức đó cho phép mỗi người không chỉ tham dự mà còn tự quyết định sẽ góp mặt bao nhiêu phần của lễ hội, và kể cả tham gia ngay vào quá trình hoạt động chứ không đơn thuần là người ngồi xem bên ngoài. 

Ban nhạc tài tử không diễn trên sân khấu phân biệt với khán giả mà ngồi xen lẫn để mọi người đều có cơ hội học hỏi rồi tham gia.

Hát ghẹo đối đáp cũng tạo ra không khí thi đua mà mỗi thành viên của một bên đều cố gắng, khi mà tất cả đàn ông bỗng dưng bị “lùa” vào một đội, còn phụ nữ thì bên kia, chẳng hạn. Mối dây liên kết ấy còn mở rộng ra ngoài phạm vi làng xã...

Tiếp biến trong văn hóa

Văn hóa thường được coi là đạo hàm của xã hội, nên lễ hội cũng luôn phản ánh những chuyển biến trong cuộc sống kinh tế và tinh thần hằng ngày. Thời hiện đại, nhờ phát hiện chức năng của lễ hội mà người ta cũng có thể tạo dựng ra lễ hội để thay đổi xã hội. 

Cuộc sống hiện đại ở nước Anh khiến trẻ con ích kỷ và lười giao tiếp với cộng đồng, nên mùa Giáng sinh vừa rồi các nhóm dân ở khu tôi ở vận động tổ chức một sự kiện giúp nâng cao ý thức cộng đồng. 

Tâm điểm của lễ hội là đám rước đèn lồng của trẻ em có bố mẹ đi theo, từ các trường tiểu học trong phường đổ về thư viện công cộng.

Trước đó nhiều ngày, các em đã cùng cô giáo thiết kế và cắt dán đèn lồng, rồi chia nhóm để tập hát các bài nhạc Giáng sinh. 

Xin được tài trợ từ nguồn ngân sách của quận cho nghệ thuật, đám rước có đèn chạy bằng pin thắp sáng biểu tượng. Ca đoàn trong phường cũng đến cùng góp giọng, tạo ra một đêm hội ấm cúng, một sự kiện đáng nhớ cho các em bé, liên kết người lớn, giúp xây dựng cộng đồng an ninh hòa thuận.

Nếu năm sau có thể tiếp tục hoạt động này và năm sau nữa có thể duy trì giống như vậy thì biết đâu vài chục năm nữa đám rước lại trở thành sự kiện du lịch thu hút khách quốc tế đến xem.

Đó cũng là một dạng biến hóa của lễ hội, mà động lực tạo ra thay đổi chính là con người, những chủ nhân đã tạo ra văn hóa. 

Nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi một tiếp biến để phát triển lễ hội trong một không gian sống mới, nhịp sống mới phải khởi nguồn từ những giao cảm chân thành của cộng đồng, từ sự hiểu biết và chắt chiu, tôn trọng văn hóa, truyền thống.


Khi lễ hội được giao thoa với một nền văn hóa khác là lúc ta có thể nhận dạng ngay đâu là cốt lõi và thành phần cơ bản nhất trong đó. 

Trước Tết Quý Tỵ, trẻ em Việt Nam ở khu Raszyn, phía nam thủ đô Warsaw (Ba Lan) được tham gia lễ hội tết do nhà văn hóa địa phương cùng các hội đoàn người Việt ở đây tổ chức. 

Lấy chủ đề là rắn, những quả bóng được kết thành chuỗi chạy dài uốn khúc, còn hãng điện thoại tài trợ những chiếc mặt nạ hình con rắn.

Không gian lễ hội chuyển động không ngừng, hết trên sân khấu lại xuống nền gỗ của phòng tập thể thao rộng lớn. Nối tiếp hết múa lân là các bước nhảy thể dục dụng cụ, khiêu vũ và cả điệu nhảy Gangnam style. 

Các quán ăn Việt Nam trong khu đem tặng bánh chưng và thịt kho, xôi, chả và đặc biệt là không thể thiếu món nem đã được chế biến theo khẩu vị của người Ba Lan, với cái tên nay đã Ba Lan hóa là Saigonki.

Thời gian được thể hiện xuyên suốt từ những bộ áo dài truyền thống, băng ngang qua những chiếc máy quay phim một thời, và bây giờ là đám trẻ chụp ảnh bằng tablet cho ngay lên Facebook khoe nhau. 

Đông - Tây, kim - cổ, già - trẻ, lớn - bé, cá nhân - hội đoàn, tất cả những cực trái ngược nối kết lại với nhau trong không gian lễ hội. Tất cả ở trong một trạng thái chuyển hóa (rite de passage).

Những gì sau 4.000 năm qua đã được tích tụ lại thành bản sắc của ngày tết Việt Nam nay gieo mạ trên mảnh đất này. Và cứ bền bỉ như vậy sau nhiều năm sẽ phát triển thành một cây văn hóa mới trong khu rừng văn minh đa sắc tộc.


KHÁNH NAM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận