Sơ kết hai tháng chiến cuộc

DANH ĐỨC 05/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến tranh lớn đầu tiên của thế kỷ 21 ở Ukraine có gì khác trước đây? Hai tháng sau khi cuộc chiến bùng nổ, đã có một số dấu hiệu cho thấy chưa hẳn đông hơn, mạnh hơn, tối tân hơn đã dễ dàng chiến thắng.

Hãng tin Vox 22-4 chạy tít: “Cuộc tấn công của Nga vào Donbass không thể che đậy thất bại của Nga ở Kiev”. Ngược lại, báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sáng 21-4 với Tổng thống Vladimir Putin lại báo tin thắng lợi. Ai đúng, ai sai?

Ưu thế ban đầu của Nga

Trước cuộc chiến, lực lượng quân sự của Nga và Ukraine trên lý thuyết rất chênh lệch. Phía quân đội Nga được đánh giá có hỏa lực và binh lực vượt trội. Nhờ đó, Nga đã mở một cuộc tấn công đa hướng trên khắp lãnh thổ Ukraine. 

 
 Ảnh: ft.com

Quân đội Nga đã sử dụng một loạt công nghệ vũ khí để vươn tới gần như toàn bộ lãnh thổ Ukraine, dẫn đến số lượng thương vong lớn. Nga còn sử dụng máy bay cường kích cùng tên lửa hành trình Kalibr để tấn công khắp Ukraine. 

Để tấn công các mục tiêu quan trọng, quân đội Nga cũng sử dụng tên lửa Iskander có tầm bắn lên tới 500km và mang đầu đạn mạnh hơn nhiều, có thể phá hủy các tòa nhà lớn và một số cơ sở kiên cố. 

Một số tên lửa Iskander được cho là đã bắn đi từ lãnh thổ đồng minh của Nga, Belarus, mà trước chiến tranh cũng là địa điểm tập kết của quân đội Nga chuẩn bị cho cuộc tấn công vào miền bắc Ukraine. 

Nhiều bệ phóng tên lửa Grad (Mưa đá), Smerch (Lốc xoáy) và Uragan (Bão tố) từ thời Liên Xô được thiết kế để bắn hàng loạt tên lửa cực mạnh nhằm tiêu diệt các khu vực tập trung binh lính hoặc thiết bị quân sự đối phương. 

Quân đội Nga cũng có một loạt các đơn vị pháo mạnh do Liên Xô thiết kế như pháo tự hành 203mm Peony, pháo 152mm Hyacinth và Acacia. Matxcơva tuyên bố họ chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng, nhưng AP ghi nhận thiệt hại lớn đối cơ sở hạ tầng dân sự và các khu dân cư ở Kiev, Kharkiv, cùng nhiều thành phố khác khắp Ukraine.

Phía Nga cáo buộc lực lượng Ukraine đã triển khai vũ khí hạng nặng trên diện rộng trong các khu dân cư, sử dụng dân thường làm lá chắn - một tuyên bố chưa thể xác minh độc lập. 

Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, Michelle Bachelet, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho biết “hầu hết thương vong dân sự là do sử dụng pháo hạng nặng, hệ thống tên lửa phản lực và các không kích vào các khu vực đông dân cư”. 

Bà Bachelet không nói rõ bên nào có thể đã sử dụng các vũ khí đó.

Cuối cùng phải nói tới vũ khí đáng sợ nhất của Nga là tên lửa nhiệt áp có thể phá hủy một khối nhà trong thành phố chỉ bằng một phát duy nhất. 

Vũ khí nhiệt áp bao gồm một thùng chứa nhiên liệu và hai bộ tích điện nổ riêng biệt, với lần kích nổ đầu tiên để phân tán các hạt nhiên liệu và lần thứ hai đốt cháy nhiên liệu và oxy phân tán trong không khí, làn sóng nổ có áp suất và nhiệt cực lớn tạo ra chân không một phần trong một không gian kín. 

Điều đó khiến loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm với những người ở trong không gian kín.

Các lá bài của Ukraine

Xuất thân từ Liên Xô, quân đội Ukraine cũng thừa kế cùng kiểu hệ thống phóng tên lửa và pháo phản lực do Liên Xô chế tạo như quân đội Nga. Tuy nhiên, Ukraine không sở hữu vũ khí chính xác tầm xa phức tạp như tên lửa đạn đạo Iskander và tên lửa hành trình Kalibr. 

Bù lại, quân đội Ukraine được thừa kế tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Tochka-U của Liên Xô cũ, có đầu đạn cực mạnh, nhưng độ chính xác kém so với vũ khí sau này của Nga.

Chính sự trùng dụng này đã khiến hai bên tố cáo nhau sử dụng Tochka-U để tấn công thường dân. Hôm 14-3, một tên lửa loại này mang bom chùm rơi xuống Donestk. Phía Nga đổ riệt cho phía Ukraine, nhưng Kiev cũng bác bỏ kịch liệt không kém.

Thế nhưng, bên cạnh các vũ khí cũ thời Liên Xô, Ukraine nay còn nhận được các lô hàng lớn vũ khí của phương Tây, chẳng hạn tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất, NLAW của Anh, Milan của Pháp, tên lửa phòng không vác vai Stinger..., mà quân đội nước này đã sử dụng và gây thương vong nặng nề cho lực lượng Nga. 

Quân đội Ukraine cũng sử dụng máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Bộ ba vũ khí thế hệ mới này giúp quân đội Kiev cản được bước tiến của quân Nga ở miền bắc Ukraine, đáng kể nhất là xe tăng và chiến xa các loại.

Tuy nhiên, khó có thể nói rằng vũ khí đã làm nên chiến thắng cho quân đội Ukraine. Ở đây không thể không nói tới hiệu quả của hoạt động tình báo. Trong cuộc chiến tranh này, Ukraine có lợi thế liên thông tình báo với Mỹ qua mấy lần nâng cấp độ. 

Từ ngày 3-3, Ukraine được Mỹ chia sẻ gói thông tin tình báo “thời gian thực” căn bản. Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách tình báo và an ninh Mỹ Ronald Moultrie tuyên bố trong một điều trần trước Quốc hội rằng sự chia sẻ này tạo ra sự “khác biệt giữa Ukraine với Nga” (Business Standard 18-3).

Đây cũng là sự chia sẻ hai chiều: 10 ngày sau, tướng Scott Berrier, giám đốc Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), tuyên bố: “Chúng tôi đã đóng góp nhiều trong việc phá vỡ các chiến thuật và tính toán của Nga” (Business Insider 29-3). 

Thành ra, đừng thắc mắc tại sao tuần rồi có tin một chiếc thám thính cơ hạng nặng Poseidon của Mỹ đã bay qua đầu soái hạm Moskva của Nga trước khi soái hạm này chìm; và rằng tại sao tên lửa Neptune của Ukraine lại “hay” vậy, nếu quả thực là do tên lửa Neptune!

Cũng là dễ hiểu khi có tin ông Putin nổi đóa bắt bớ nhiều sĩ quan tình báo Nga cấp cao, bao gồm một vị giám đốc tình báo đối ngoại. Cũng đừng thắc mắc tại sao nhiều sĩ quan cấp cao Nga đã bỏ mạng ở Ukraine: nghe, nhìn từ vệ tinh với độ nét dưới 10m là “nghề” của Mỹ. 

Nói thêm, chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ còn góp phần giúp không quân Ukraine, mà số máy bay chiến đấu chưa đầy 100 chiếc, nhiều phen thoát nạn.

Một tháng sau cuộc chiến

Thật nhanh chóng, chiến sự đã cho phép các nhà quan sát có được những nhận định đầu tiên về thực lực hai bên. Financial Times 17-3 giật tít: “Sai lầm của Nga và sự chống trả của Ukraine đã làm thay đổi cuộc chiến tranh của Putin ra sao”. 

Theo đó, chiến dịch của Nga đã diễn ra không như kế hoạch, nhưng vẫn giành được một vùng lãnh thổ rộng lớn, đặc biệt là ở miền nam Ukraine, nơi các lực lượng Nga được cho là đã tạo ra một hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với vùng Donbass.

Tại sao từ một cuộc tấn công tứ phía (chính xác là trên ba mặt trận chính, chỉ trừ vùng tây Ukraine, vốn giáp các nước EU) mà chỉ 3 tuần sau lại chỉ còn một hướng? FT trả lời: 

“Các chuyên gia quân sự cho rằng vấn đề của Nga bắt nguồn từ sự thiếu tổ chức, kém hiệu quả và tự tin thái quá; và sự chuẩn bị sẵn sàng của quân đội Ukraine, được hỗ trợ bởi vũ khí và lời khuyên từ các thành viên của liên minh quân sự NATO”.

Cách tiếp cận của Nga trong 48 giờ đầu tiên của cuộc chiến ngụ ý họ cho rằng đây là một kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, tiến lập tức vào các trung tâm đô thị trọng điểm. 

Nhưng ở nhiều nơi, đặc biệt là miền bắc Ukraine, các đơn vị cơ động tiền phong đã bỏ xa tuyến tiếp vận của họ quá nhanh. “Việc Nga bỏ lại các đơn vị hậu cần phía sau và không bảo vệ hiệu quả các đơn vị này tạo cơ hội cho Ukraine hạ gục và cắt đứt các đơn vị phía trước”, FT nhận định.

Trên thực tế, các clip phóng sự chiến trường đã xác minh cho thấy xe tăng, thiết giáp Nga chạy phom phom trên đường mà không có bộ binh đi theo đúng bài bản “bộ binh tùng thiết” để rồi nhiều lần trúng tên lửa Javelin hay đạn pháo kích. 

Nhà nghiên cứu tên tuổi của Viện Nghiên cứu Trung Đông Philip Breedlove, nguyên đại tướng không quân Mỹ và từng giữ chức tư lệnh lực lượng NATO 2013 - 2016, nhận xét với FT: “Ukraine đã gây ấn tượng đáng kinh ngạc khi sử dụng một lực lượng ít hơn hẳn về số lượng và kỹ thuật, để tận dụng được điểm mạnh của họ trước điểm yếu của Nga”.

Sự khác biệt không chỉ là tên lửa hay máy bay không người lái đã ít nhiều gây bất ngờ cho quân Nga, mà cả cơ cấu của quân Ukraine nữa. FT dẫn lời Liam Collins, cựu đại tá Hoa Kỳ, cho biết quân đội Ukraine đã được hỗ trợ cải cách toàn diện văn hóa quân sự từ năm 2014. 

Từ hệ thống nhất nhất đợi và tuân lệnh từ trên xuống theo kiểu Liên Xô, nay các chỉ huy cấp dưới được trao quyền quyết định trên thực địa.

“Sau 8 năm chiến đấu ở Donbass, các chỉ huy cấp dưới của họ nhận ra rằng: “Chúng tôi không thể đợi các vị tướng ra lệnh mọi thứ, chúng tôi phải tự mình làm lấy””. 

Chính ông Collins từng tham gia lực lượng đặc nhiệm quốc tế được cử đến giúp huấn luyện quân đội Ukraine sau khi mất Crimea. Cuộc chiến nay đã bước vào một giai đoạn mới, như chính phía Nga loan báo hôm 25-3, tập trung ở miền đông Ukraine.

Hai tháng sau cuộc chiến

Báo cáo với ông Putin ngày 21-4, Bộ trưởng Shoigu cho biết: 

“Lực lượng vũ trang của Liên bang Nga và dân quân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk đã giải phóng Mariupol... Khi thành phố bị bao vây vào ngày 11-3, có hơn 8.100 quân của lực lượng vũ trang Ukraine và các đơn vị quốc gia chủ nghĩa trong thành phố, cũng như lính đánh thuê nước ngoài... Hơn 4.000 đã bị vô hiệu hóa, 1.478 đầu hàng, và hơn 2.000 còn lại bị phong tỏa trong nhà máy Azovstal”.

Hãng tin Vox 22-4 bình luận rằng trong khi cuộc chiến trước đó mở ra khắp đất nước Ukraine, bao gồm việc Nga đe dọa thủ đô Kiev, thì cuộc tấn công hiện giờ chỉ tập trung vào một khu vực trải dài vài trăm kilômet phía đông Ukraine, giáp biên giới Nga. 

Vox cho rằng từ góc độ nhất định, đây là bước đi khôn ngoan của Nga sau khi nỗ lực chiếm Kiev đã bị đẩy lùi. Địa hình ở Donbass, vốn trống trải hơn, cũng khiến quân phòng thủ ít lợi thế hơn.

Ở phía đông, Nga có thể tập trung lực lượng và tìm kiếm các trận chiến mà pháo binh và không quân vượt trội của họ có thể gây hiệu ứng tàn phá. 

Những thành công trên lãnh thổ ở Donbass có thể mang lại cho Điện Kremlin một biện bạch chính đáng hơn rằng cuộc chiến của họ đã đạt được điều gì đó có thật, Vox kết luận.

Người Mỹ trở lại Kiev

Hôm thứ hai 25-4, cùng lúc hai bộ trưởng Mỹ Antony Blinken (Ngoại giao) và Lloyd Austin (Quốc phòng) đã “yên ổn” đến thủ đô Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay trong dinh tổng thống. 

Tuy tới Kiev bằng xe lửa, giống như các lãnh đạo châu Âu trước đó, chớ chưa bằng máy bay, song riêng việc họ “được duyệt” tới Ukraine và ra về an toàn cũng là một dấu chỉ cho thấy gió có thể đã đổi chiều.

Chuyến đi của hai ông Blinken và Austin kèm theo một món quà: gói quân viện mới trị giá 800 triệu USD. Trong số vũ khí viện trợ kỳ này có các lựu pháo 155mm M777 Howitzer, đủ để thành lập 5 tiểu đoàn pháo Howitzer. 

50 pháo thủ Ukraine đang tập sử dụng loại lựu pháo mới này tại một nước láng giềng trong một tuần lễ, sau đó trở về nước đào tạo đồng đội để sử dụng loại lựu pháo mới có tầm bắn là 29km, sử dụng các loại đạn không dẫn đường lẫn có dẫn đường chính xác, nổ cao và chiếu sáng.

Cũng trong hạng mục pháo binh và đạn pháo, Mỹ cung cấp tới 165 triệu USD để cung ứng đạn dược không phải tiêu chuẩn NATO cho quân đội Ukraine. 

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 24-4 giải thích: quân đội Ukraine sử dụng pháo 152mm, còn NATO là pháo 155mm, nên đạn của Ukraine phải mua riêng. 

Thí dụ này cho thấy việc Mỹ cung cấp máy bay hay vũ khí hạng nặng hệ Mỹ hay NATO cho Ukraine, ngoài vấn đề chính trị, còn yếu tố kỹ thuật là Ukraine vẫn còn sử dụng hệ vũ khí cũ, mà để chuyển hệ hàng loạt sẽ rất mất thì giờ.

Cũng trong các cuộc gặp đó, hai bên đã bàn bạc về những yêu cầu mà phía Ukraine cho là cần thiết. Từ đầu cuộc chiến tới nay, viện trợ Mỹ cho Ukraine đã lên tới 3,7 tỉ USD, còn tính từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden là 4,3 tỉ USD. 

Và không chỉ có Mỹ. Hôm 26-4, tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, khoảng 40 quốc gia đã tham dự một hội nghị trợ giúp Ukraine. Có thể thấy qua hội nghị này là thời gian không đứng về phía Nga. Càng kéo dài, họ sẽ càng bất lợi.■

Trong gói quân viện mới của Mỹ cho Ukraine còn có hai hệ thống rađa AN/MPQ-64 Sentinel cảnh báo phòng không trị giá 70 triệu USD mỗi bộ; 120 máy bay không người lái Phoenix Ghost có khả năng vừa không thám vừa triệt hạ mục tiêu, thời gian hoạt động tới 6 giờ, kể cả ban đêm. 

Các rađa Sentinel được cho là có khả năng chống áp chế điện tử và nhận dạng bạn hoặc thù, kể cả nhận dạng các mục tiêu bất hợp tác.

Cũng từ tuần này, các nhà ngoại giao Mỹ trước đây đóng tại Ukraine, vốn đã được lệnh di tản hôm 12-2, nay được lệnh trở lại Kiev cùng một nữ đại sứ mới được bổ nhiệm. Bà Bridget Brink hiện là đại sứ tại Slovakia và từng là phụ tá vụ trưởng Vụ châu Âu và Âu-Á, phó đại sứ tại Uzbekistan, Gruzia... 

Với nhà ngoại giao lão luyện này, Mỹ muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại “trống đại sứ” tại Ukraine mà cựu tổng thống Donald Trump gây ra vào năm 2019 khi triệu hồi đại sứ tại Ukraine, cùng lúc quyết định đóng băng 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine do Chính phủ Zelensky không chịu cung cấp hồ sơ tố con trai ông Biden. 

Trong gói 400 triệu USD quân viện ách lại đó có cả tên lửa chống tăng Javelin (CNN 26-3).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận