Sự sai lạc của thuyết “Phúc lợi nhỏ giọt”

HỮU NGHỊ 12/03/2018 20:03 GMT+7

TTCT - Không phải vô cớ mà từ Ngân hàng Thế giới (WB) tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức khác đã từ lâu cùng cảnh báo về sự sai lạc của huyền thoại “phúc lợi nhỏ giọt”.

MH

Vấn đề không phải là vì người giàu làm giàu, mà là làm giàu bằng cách nào và xã hội có thực sự được hưởng thứ “phúc lợi nhỏ giọt” ấy hay không.

Tờ The Pioneer của Ấn Độ hôm 20-2 đăng bài xã luận tựa đề “Sự giàu có rò rỉ” cảnh báo: “Để giải quyết sự chênh lệch về kinh tế với sự sụp đổ của bảy thập kỷ nghèo đói cần có ý chí chính trị, bằng không không thể thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Một nghiên cứu của Ngân hàng Kotak Wealth Management đã chỉ ra rằng số người giàu có ở Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh hơn so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này”.

Những phát hiện này khẳng định một bài viết về bất bình đẳng năm 2017 của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty cũng như báo cáo của Oxfam.

Những “triệu phú Ấn Độ” có giá trị tài sản cực kỳ cao, được phân loại là những người có của cải với trị giá ròng trên 25 triệu rupee, đã tăng vốn của họ lên 12% vào năm 2017 và con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới - 25 triệu rupee, tương đương 3,845 triệu USD.

Đây là điều mà báo cáo của Bloomberg đưa ra với chỉ số Robinhood. Một năm kể từ sau cuộc tổng tuyển cử, báo cáo này là cách mà Chính phủ Ấn Độ muốn thay đổi cảm nhận rằng chính phủ đang thiên về giới thượng lưu trong các chính sách của mình, khi “1% người giàu nhất ở Ấn Độ chiếm 73% của cải được tạo ra trong năm 2017”.

Mặc dù người dân bình thường chẳng hiểu mấy về kinh tế, về GDP..., nhưng khi sự phân cực xã hội nay đang bị phe đối lập khai thác thì đó là một lời nhắc nhở đến những lo lắng kinh tế của người dân.

Làm giàu như thế nào ?

Mỗi nước, mỗi “đặc sắc”. Vấn đề không phải là do người giàu làm giàu, mà là làm giàu như thế nào? Trường hợp Ấn Độ như sau, cũng theo bài báo trên: “Những dữ kiện của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho thấy các ngân hàng quốc doanh đã báo cáo 9,38 tỉ USD gian lận tín dụng trong vòng 5 năm, mức độ rủi ro lớn nhất đối với khu vực tài chính của Ấn Độ.

Chính vì vậy, một phần tiền đóng thuế của người dân đã được sử dụng trong tất cả công ty tư bản đó để giải cứu các khoản nợ xấu, để cung ứng cho người giàu phung phí, trong khi đó những người bán lẻ lại bị phạt bởi các ngân hàng khi họ không trả được các khoản nợ hằng tháng”.

Chuyện chiếm dụng tín dụng ở Ấn Độ cũng đã và đang là một bài toán đặt ra ở Việt Nam dưới tên gọi “nợ xấu”, mà từ mấy năm qua Ngân hàng Nhà nước loay hoay giải quyết và phải đi đến quyết định cho “các ngân hàng phá sản”, và rằng “từ ngày 5-8-2017 nếu tổ chức tín dụng bị phá sản, người gửi tiền tiết kiệm sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng”...

Một báo cáo của Oxfam có tựa là “Even it up” (“Bình đẳng cho tất cả”) đã mô tả hiện trạng “làm giàu” như sau: “Giới “thượng lưu”, ở nước giàu hay nước nghèo cũng như nhau cả, sử dụng ảnh hưởng chính trị cao vòi vọi của họ để mê hoặc các chính phủ nhằm gặt hái những đặc ân bao gồm miễn trừ thuế, những hợp đồng “cánh hẩu”, những nhượng quyền đất đai cùng các trợ cấp, trong khi đó lại ngăn chặn những chính sách có thể làm tăng quyền lợi cho nhiều người...

Sức mạnh hùng hậu của bộ máy “vận động cửa sau” của các tập đoàn giàu có nhằm uốn cong các quy tắc về phía các tập đoàn này đã gia tăng quyền lực và tiền bạc trong tay của một thiểu số. Nhiều người giàu nhất đã làm giàu nhờ vào sự độc quyền các nhượng quyền của chính phủ và cuộc tư nhân (cổ phần) hóa đi kèm chủ nghĩa thị trường cơ bản. Tư nhân hóa ở Nga và Ukraine đã biến những “tay trong” trong hệ thống chính trị thành những tỉ phú qua đêm”.

Báo cáo này cũng nói thêm về Ấn Độ: “Dù là một quốc gia mà nạn đói nghèo hoành hành, số lượng tỉ phú ở Ấn Độ đã tăng vọt. Một số đáng kể tỉ phú của Ấn Độ đã làm giàu trong các ngành có tỉ lệ phụ thuộc cao vào các hợp đồng và giấy phép độc quyền của chính phủ, chẳng hạn như bất động sản, xây dựng, khai khoáng, viễn thông và truyền thông”.

Vấn đề, theo Oxfam, đáng ngại hơn ở chỗ “sự bất bình đẳng kinh tế này còn dẫn tới sự tác động thái quá của các chính sách, các định chế cùng các tranh luận công cộng mà giới thượng lưu thừa khả năng đảm bảo kết luận phản ánh lợi ích hẹp hòi của họ, thay vì lợi ích của quảng đại quần chúng”.

Đến đây, sự cấu kết lồ lộ: “Các tầng lớp phi kinh tế khác, chẳng hạn các chính trị gia hoặc công chức cấp cao, sử dụng quyền lực và ảnh hưởng để tự làm giàu và bảo vệ quyền lợi của mình. Ở nhiều quốc gia, không hiếm việc các nhà chính trị khi rời khỏi chính phủ có được sự giàu có cá nhân tuyệt vời.

Các tầng lớp tinh hoa chính trị đôi khi sử dụng nhà nước để làm giàu cho mình, để nắm giữ quyền lực và tạo ra những vận may to lớn trong khi họ cai trị. Họ sử dụng ngân sách quốc gia như thể nó là của riêng mình để làm lợi cá nhân. Các tầng lớp phi kinh tế cũng thường xuyên thông đồng với giới tinh hoa khác để làm giàu cho cả hai bên”.

Không nói đâu xa, ở Việt Nam, những kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ cổ phần hóa Công ty Điện Quang là một ví dụ gần gũi. Và cũng thế, bờ sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn tới hết Ba Son, rồi từ cảng Sài Gòn tới cầu Tân Thuận) đã giải tỏa có đem lại phúc lợi gì cho đa số người dân Sài Gòn? Mở rộng ra, mỗi bờ sông, mỗi bờ biển... nay hóa thành đô thị mới... đã được cấp quyền sử dụng đất như thế nào, có được “bán đấu giá” hay không?

 



Nước lên, thuyền lên ?

Báo cáo trên là báo cáo mà Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhắc tới trong phát biểu ở Viện Hòa bình (Hoa Kỳ), trước thềm cuộc họp hằng năm của WB và IMF tổ chức đầu tháng 10-2015 tại Lima (Peru). Lần đó, ông Jim Yong Kim nói: “Năm ngoái, trong báo cáo mang tên “Even it up” của mình, Oxfam đã nêu vấn đề thách thức một cách gay gắt.

Bản báo cáo cho biết rằng 85 người giàu nhất trên thế giới nắm giữ số của cải bằng số của cải của 50% số người nghèo nhất thế giới, tức là khoảng 3,5 tỉ người. Khi đưa ra thực tế phũ phàng rằng nhiều người trên thế giới hầu như không có phần trong tổng số của cải của nhân loại, Oxfam đã làm lương tâm chúng ta phải lay động”.

Chủ tịch WB kêu gọi chính phủ các nước quan tâm giải quyết vấn đề bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng và tăng cường “chia sẻ thịnh vượng”, trong đó tập trung nâng cao mức sống cho nhóm 40% dân số dưới đáy tại các nước đang phát triển.

“Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng như thế nào? Nhóm WB áp dụng một thuật ngữ mà bản thân nó đã khơi gợi hướng giải quyết: đó là chia sẻ thịnh vượng (Shared Prosperity)” - ông Jim Yong Kim tuyên bố. “Khi làm việc với các chính phủ, chúng tôi luôn ủng hộ những nỗ lực nhằm đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng, chứ không phải chỉ những người đã nắm quyền kiểm soát hay tiếp cận được nguồn vốn”.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim cũng thách thức những người tin rằng chỉ cần tăng trưởng và coi nó như con nước là có thể nâng mọi con thuyền lên: “Chúng tôi phản đối cung cách tiếp cận theo học thuyết “Phúc lợi nhỏ xuống” này.

Theo chủ thuyết này thì bất cứ sự tăng trưởng nào, không đếm xỉa đến các khía cạnh khác nhau, sẽ làm đất đai màu mỡ và mọi hoa trái sẽ đâm chồi cho cả người nghèo. Cái mà ta cần là tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế bao trùm (mọi thành phần), giúp cải thiện cuộc sống cho những người nghèo nhất, chứ không phải để duy trì địa vị cho những người ở trên đỉnh”.

Không chỉ WB phản bác, mà ngay cả IMF cũng đả kích. CNN khi đưa tin về phản ứng này của IMF đã chạy tít: “Lý thuyết “Phúc lợi nhỏ xuống” sai lầm chết người” và giải thích: “Đây là kết luận từ nghiên cứu mới của IMF.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện khi những người thụ đắc tiền bạc hàng đầu càng hái ra tiền thì càng làm tăng trưởng chậm lại. Còn ngược lại, khi người nghèo hơn kiếm được nhiều hơn thì xã hội cùng hưởng lợi! Các nhà nghiên cứu, khi phân tích hơn 150 nước, đã tính ra rằng khi nhóm 20% người giàu nhất xã hội tăng thu nhập của họ 1% thì tăng trưởng hằng năm sụt đi gần 0,1% trong vòng 5 năm, tức lợi ích từ sự làm giàu của họ đã chẳng chảy xuống.

Ngược lại, khi số 20% người có thu nhập ít nhất tăng trưởng được 1% thì tỉ lệ tăng trưởng tăng gần đến 0,4% trong cùng kỳ”. CNN còn nhấn mạnh nghiên cứu này được hậu thuẫn bởi nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz. Cần nhớ rằng CNN vốn là một cơ quan truyền thông rất cổ xúy “kinh tế thị trường”.

Báo cáo này của IMF, “Nguyên nhân và hậu quả của bất bình đẳng thu nhập: Một nhãn quan toàn cầu” (Causes and Consequences of Income Inequality: A Global Perspective), dễ dàng đọc trên mạng. Các tác giả giải thích nghịch lý này là do khi thu nhập bất công thì “điều đó dẫn tới sự thiếu đầu tư cho giáo dục, khiến trẻ em nghèo phải kết thúc việc học trong những trường học chất lượng kém và rồi ít có khả năng theo học tiếp ở đại học. Hậu quả là năng suất lao động có thể thấp hơn so với trong một thế giới công bằng hơn”.

Tháng 7-2014, WB Việt Nam trong “Các phát hiện chính của báo cáo điểm lại: Trọng tâm đặc biệt về bất bình đẳng ở Việt Nam” đã đánh dấu:

• Những quan ngại về bất bình đẳng vẫn phát sinh dù Việt Nam đạt thành tích về tăng trưởng đồng đều. Những quan ngại đó phần nào phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo nhóm dân tộc và vùng miền. Bên cạnh đó là khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người Việt Nam, cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội.

• Quan ngại chung và nhu cầu về phản ứng chính sách đối với bất bình đẳng có xu hướng tăng lên theo thời gian, khi ngày càng nhiều người dân Việt Nam chuyển đến các thành phố và các khu vực có thể được chứng kiến sự khác biệt dễ thấy về phúc lợi.

• Hầu hết những quan ngại về tăng bất bình đẳng tập trung vào khoảng cách giữa những người rất giàu với số đông người dân Việt Nam. ■

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu

Nguồn gốc cụm từ “trickle down theory” (lý thuyết “Phúc lợi nhỏ giọt” hay lý thuyết “Dòng chảy xuống”) được hiểu là từ cụm từ “horse and sparrows theory” (lý thuyết “Con ngựa và chim sẻ”) với ý nghĩa: nếu bạn cho con ngựa ăn đủ yến mạch, một số sẽ đi rơi xuống đường cho chim sẻ ăn. Nhưng cả trăm năm trước, cụ Trần Tế Xương đã ngạo nghễ nhạo báng lý thuyết này như thế rồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận