Sửa sai gian lận tuyển sinh đại học thế nào?

TRẦN TRỌNG 22/03/2019 20:03 GMT+7

TTCT - Chế độ tuyển lựa dựa vào tài năng (meritocracy - nhiệm nhân duy hiền, dùng người dựa vào hiền tài), một trong những nền tảng quan trọng nhất ở xã hội Mỹ vốn coi trọng tự do và nỗ lực cá nhân, đã lung lay dữ dội vì vụ bê bối chạy trường ở nhiều ĐH hàng đầu.

Ảnh: npr.org

Tính tới đầu tuần này, các công tố viên liên bang ở Mỹ đã truy tố 33 phụ huynh, bao gồm một số lãnh đạo công ty lớn và các diễn viên nổi tiếng, 9 HLV thể thao ĐH và những người khác trong điệp vụ “Varsity Blues”.

Đường dây chạy trường này bao gồm việc các bậc phụ huynh làm giả điểm SAT và ACT (các kỳ thi chuẩn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển sinh ĐH ở Mỹ) và trả cho các HLV thể thao ĐH “những khoản tiền cực lớn” nhằm đưa con cái họ vào các trường danh giá.

Hiện số phận của nhiều sinh viên được nhận vào các trường với hồ sơ giả mạo vẫn chưa rõ - chưa ai bị truy tố hình sự, nhưng ít nhất 6 ứng viên đang nộp hồ sơ đã bị từ chối. Công tố Mỹ phụ trách Massachusetts Andrew Lelling nói trong một cuộc họp báo tuần trước rằng việc xử lý các sinh viên một phần sẽ do nhà trường tự quyết, theo CNN.

“Chúng tôi để việc đó cho các trường - Lelling nói - Các bậc phụ huynh, các bị cáo khác là những tác nhân chính yếu trong vụ này. Còn chưa biết chúng tôi có truy tố sinh viên nào không”.

Một người phát ngôn của ĐH South California (USC) thông báo 6 ứng viên nộp hồ sơ cho năm học này có liên quan tới vụ việc đã bị từ chối. “Chúng tôi sẽ đánh giá từng trường hợp một với các sinh viên và những người đã tốt nghiệp có thể liên quan tới chương trình lừa đảo theo cáo buộc từ chính quyền” - thông báo của USC.

Chênh lệch nối dài

Theo Washington Post, thu nhập hằng năm trung bình của một cử nhân thuộc nhóm trường Ivy League 10 năm sau khi tốt nghiệp là hơn 70.000 USD/năm, trong khi mức trung bình của cử nhân ĐH trên toàn nước Mỹ là 34.000 USD/năm, 10 năm sau khi tốt nghiệp.

Với 10% những cử nhân tốt nghiệp với thành tích cao nhất của Ivy League, mức thu nhập này tăng lên tới 200.000 USD/năm. Hầu hết các trường dính líu trong vụ chạy trường đều đòi hỏi sự cạnh tranh gắt gao: ĐH Texas ở Austin nhận 4/10 ứng viên, Trường Yale chỉ 7%, trong khi ĐH trung bình ở Mỹ nhận 2/3 ứng viên đăng ký.

Các trường khác cũng nói họ sẽ có hành động. “Những ứng viên vào Stanford ký một tuyên bố xác nhận rằng thông tin họ cung cấp là chính xác - ĐH Stanford cho biết - Nếu thông tin đó bị phát hiện là không chính xác, họ có thể bị cho thôi học và việc nhập học bị hủy bỏ, điều thật đáng tiếc từng xảy ra trong quá khứ”.

“Dù tôi không bình luận về những hành động kỷ luật cụ thể với một cá nhân sinh viên, chính sách bấy lâu nay của chúng tôi là hủy bỏ việc chấp nhận nhập học với những sinh viên giả mạo hồ sơ nhập học vào ĐH Yale” - hiệu trưởng Trường Yale Peter Salovey viết trong một lá thư công khai cuối tuần trước.

ĐH California ở Los Angeles cũng nói họ sẽ có hành động kỷ luật “tới mức đuổi học” nếu “phát hiện bất kỳ sinh viên sắp được nhận, đã được nhận hay đang theo học nào làm giả bất kỳ giấy tờ nào trong hồ sơ nhập học”.

“Nếu bạn không biết có người làm chuyện đó (giả mạo hồ sơ), dù bạn hưởng lợi từ đó - những lợi ích bạn được hưởng có thể bị lấy đi, nhưng bạn chắc chắn không đối mặt với hành động hình sự - Gerry Leone, luật sư của hệ thống ĐH ở Massachusetts, nói - Cách làm có thể là trả các sinh viên đó về lại với vị trí của họ trước vụ giả mạo giấy tờ. Nếu họ qua được kỳ tuyển sinh thì họ có quyền cạnh tranh, nếu không thì họ phải chấp nhận thôi học.

Trên một số phương diện thì chuyện này phức tạp. Trên một số phương diện khác, nó lại rất đơn giản. Không ai nên hưởng lợi từ sự lừa gạt đặt họ vào vị thế được hưởng lợi, với những đặc quyền mà người khác không có”.

Điều nghiệt ngã với những đứa trẻ nhà giàu đó là biến cố này nhiều khả năng sẽ định nghĩa cuộc đời họ khi họ còn quá trẻ và thực ra chưa được lựa chọn gì.

“Trong dài hạn, chính những đứa trẻ sẽ phải trả giá cho tất cả chuyện này - William M. Moran, luật sư chuyên về các tình huống khủng hoảng, nói với Vanity Fair - Nhiều năm sau, khi chúng đi tìm việc làm (nếu chúng quả có phải tìm việc) và người sử dụng lao động hỏi chuyện gì đã xảy ra - và họ sẽ hỏi, vì vụ bê bối này sẽ không biến mất trong thời Internet, họ sẽ nói sao?”.■

 

Trừng phạt của xã hội

Olivia Jade, con gái của nữ diễn viên Lori Loughlin và nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, hiện là sinh viên USC đồng thời là một ngôi sao YouTube về hướng dẫn trang điểm với 2 triệu người theo dõi, và mẹ Jade được xác định là nghi phạm trong đường dây chạy trường. Jade từng gây tranh cãi vào năm ngoái sau khi vào USC với một tuyên bố trên kênh YouTube của cô: “Tôi không biết là tôi sẽ đi học bao nhiêu... Tôi thật sự không quan tâm tới trường lớp, như các bạn đều đã biết”.

Giữa tuần trước, các nhà quảng cáo trên kênh YouTube của cô và những người ủng hộ trên Instagram đã bắt đầu nhận được kêu gọi chấm dứt hợp đồng và sự ủng hộ với Jade. Cô gái 19 tuổi có các thỏa thuận nhận tiền tài trợ với những thương hiệu Marc Jacobs Beauty, TRESemmé, Calvin Klein, Lulus, Amazon, SmileDirectClub, WindsorStore.com... “Xin đăng một đoạn video hướng dẫn thi SAT đi” - một bình luận trên trang Instagram của cô viết. “Đừng uống bia rượu nhé! Có thể mất học bổng thể thao đấy! Cẩn thận!” - một bình luận khác. Sau vụ bê bối, Loughlin - ngôi sao trong loạt phim truyền hình Mỹ Desperate Housewives - đã xóa mọi tài khoản xã hội, nhưng Jade vẫn giữ, bao gồm một dòng Twitter cô nhắn năm 2017: “Thật khó mà cố gắng học ở trường khi ta chẳng quan tâm gì tới những thứ ta học”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận