Suy xét thêm về "Cấm dạy chữ" và cuộc đua "chạy trường"

TRẦN ĐÔNG HẢI 14/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Sau tuyên bố của Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh tại cuộc họp tổ chức tổng kết năm học 2012-2013, bàn phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013-2014 của Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), vấn đề dạy gì cho trẻ trước khi vào lớp 1 có dịp được xới lên và trở thành một điểm nóng của công luận.


Phụ huynh và thí sinh xem danh sách thi tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM


Nhưng tuyên bố của ông Minh thật ra chỉ là nói lại những gì Bộ GD-ĐT đã quy định trong chỉ thị 2325/CT-BGDĐT ban hành từ ngày 28-6 vừa qua. Hồi chỉ thị này ra đời thì không mấy ai để ý, cho đến khi có tuyên bố của ông Minh vào nửa cuối tháng 8.

Vấn đề là nhiều cơ quan truyền thông khi đăng tải thông tin này đã, không rõ do vô tình hay cố ý, diễn giải không hoàn toàn chính xác tuyên bố của ông Minh. Ông Minh chỉ nói: “Các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ”, nhưng nhiều báo giật tít là “nghiêm cấm các trường mầm non dạy chữ cho trẻ”.

Cấm dạy tập viết chứ không phải cấm dạy chữ

Trong một bài trả lời phỏng vấn cuối tháng 8 ông Minh đã khẳng định rõ lại là Bộ GD-ĐT chỉ cấm dạy viết chữ và dạy trước chương trình lớp 1 chứ không phải là cấm dạy chữ.

Theo ông Minh, trong chương trình giáo dục mầm non hiện nay có nội dung giúp trẻ hình thành những thành tố cơ sở cho viết chữ và đọc như nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết. Ông cũng nhắc lại tinh thần của chỉ thị 2325: bậc học nào thì học đúng bậc học đó và không thi tuyển vào lớp 1.

 Kết quả một khảo sát của Trường ĐH Mở TP.HCM thực hiện năm 2012 cho thấy trong số 150 phụ huynh được hỏi ý kiến, có tới 45,3% có con học trái tuyến. Cũng trong số này, có 54,4% phụ huynh thừa nhận đã “chạy trường” cho con và 64,9% cho rằng việc “chạy trường” là bình thường.

Lập luận của ông Minh (và của Bộ GD-ĐT) là sự phát triển về tâm lý và thể trạng của trẻ mầm non không thích hợp với việc dạy chương trình lớp 1, đặc biệt là việc tập viết chữ. Thật ra, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non từ rất lâu cũng không dạy trẻ tập viết trước khi vào lớp 1.

Thí dụ, chương trình đào tạo của Fairfax County, địa phương dẫn đầu toàn bang Virginia (Hoa Kỳ) về chất lượng giáo dục, cũng quy định trẻ mầm non chỉ học bốn môn (toán, khoa học, xã hội và tập đọc). Môn tập viết được đưa vào chương trình giảng dạy từ lớp 1.

Việt Nam cũng đang thực hiện chủ trương phổ cập mầm non theo quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ. Năm học 2012-2013 là năm thứ ba cả nước thực hiện đề án này và tỉ lệ trẻ mầm non 5 tuổi đến trường đạt 99,7%, theo Bộ GD-ĐT. Bộ cũng đã ban hành chương trình giáo dục mầm non từ năm 2009 (kèm thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT).

Theo chương trình này, ở bậc mầm non (5-6 tuổi), ngoài giáo dục thể chất, giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, giáo dục phát triển thẩm mỹ, còn có giáo dục nhận thức (bao gồm cả khám phá khoa học, khám phá xã hội và toán) và giáo dục ngôn ngữ (bao gồm cả làm quen với đọc, viết).

Vì mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non cho trẻ 5-6 tuổi rộng như vậy, phần liên quan đến đọc và viết chỉ là nhận dạng các chữ cái, sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình, làm quen với cách đọc sách (chứ chưa phải thật sự biết đọc), tập tô, tập đồ các nét chữ (chứ chưa phải là viết chữ). So với mục tiêu của môn tập đọc cho bậc mầm non tại Fairfax County ở trên, chương trình của Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu thấp hơn.

Ngoài các yêu cầu giống như của Bộ GD-ĐT Việt Nam, Fairfax County còn yêu cầu học sinh mầm non phải đọc được các từ thông dụng (high frequency sight words).

Xét tuyển đầu vào hay không?

Bản chất của giáo dục là nhằm chuẩn bị tri thức và kỹ năng cho người trẻ để phục vụ cuộc sống tự lập sau này của họ. Sự thành công trên học đường của trẻ có quan hệ chặt chẽ với thành công về nghề nghiệp và sự nghiệp về sau, mặc dù có những trường hợp ngoại lệ.

Chính vì lý do này, các bậc phụ huynh luôn muốn tạo cơ hội để con cái mình được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Vì thế không phải chỉ riêng tại Việt Nam, mà ở bất kỳ đâu trên thế giới, các trường học tốt luôn là mục tiêu được phụ huynh và học sinh lựa chọn.

Thế nhưng các trường học tốt nhất, theo định nghĩa của từ này, là số ít, trong khi nhu cầu của phụ huynh thì lớn. Vậy cách thức để phân bổ trẻ vào các trường như thế nào trên thực tế?

Trước hết là trường tư. Ở Việt Nam, cũng giống như ở bất kỳ đâu, các trường tư tốt nhất thường dựa vào việc xét duyệt hồ sơ để tìm ra các học sinh giỏi nhất. Lý do rất dễ hiểu là học sinh giỏi sẽ củng cố uy tín sư phạm cho nhà trường. Cách thức xét duyệt ở nhiều nơi thường dựa vào việc phỏng vấn, giới thiệu và dựa trên điểm khảo thí.

Thí dụ ở New York (Mỹ), trẻ em bắt đầu vào mầm non (năm đầu tiên của phổ cập giáo dục) muốn xin vào các trường tư tốt nhất phải nộp hồ sơ từ rất sớm ngay khi trường niêm yết tuyển sinh.

Hồ sơ xin học muốn được nhận cũng phải bao gồm kết quả tốt từ các kỳ thi như kỳ thi khảo thí đầu vào dành cho trẻ nhỏ (Early Childhood Admissions Assessment - ECAA) của ERB (Educational Records Bureau). Ngoài ra, các trường này sẽ dựa vào giới thiệu (đánh giá) của hiệu trưởng các trường mẫu giáo, nơi các trẻ vừa “tốt nghiệp”.

Các hiệu trưởng mẫu giáo này cũng không thể giới thiệu bừa bãi vì như thế sẽ ảnh hưởng tới uy tín và khả năng giới thiệu học sinh tốt nghiệp mẫu giáo của họ vào các trường mầm non và cấp I danh tiếng.

Đối với các trường công lập của Mỹ, việc xét duyệt hồ sơ của học sinh dựa trên cơ chế phân vùng (zoning). Mỗi bang ở Mỹ được chia thành nhiều “county” (tương tự một tỉnh ở Việt Nam). Mỗi county lại có nhiều district (tương tự huyện, quận ở Việt Nam). Mỗi district có nhiều trường tiểu học - mầm non (mầm non được coi là một bậc học gắn liền với tiểu học).

Mỗi trường tiểu học - mầm non như vậy sẽ được xác định một vùng (zone) là các khu dân cư liền kề. Học sinh là cư dân (resident) của zone nào thì được ưu tiên vào trường của zone đó. Nếu còn thừa chỗ mới dành cho học sinh của cùng district nhưng không cùng zone. Cuối cùng, nếu còn thừa chỗ mới dành cho học sinh ngoài district.

Cơ chế này ít nhiều có nét tương đồng với cơ chế xét theo tuyến (quận/huyện) ở Việt Nam. Học sinh có hộ khẩu ở quận huyện nào được coi là đúng tuyến nếu học các trường trong quận/huyện đó. Các trường phải ưu tiên cho học sinh học đúng tuyến trước khi tuyển học sinh trái tuyến.

Vì sao, “chạy trường”?

Đứng về phía quản lý hành chính, việc chia theo tuyến (Việt Nam) hay zone (Mỹ) như vậy nhằm giảm áp lực của các trường tốt nhất và tạo điều kiện cho các trường bình thường có thể tuyển sinh.

Ở Mỹ, vì học trường tư phải đóng học phí cao (thường trên 20.000 USD mỗi năm) trong khi học trường công lập hoàn toàn miễn phí, các trường công lập tốt nhất thường rất khó xin vào, thậm chí khó hơn trường dân lập tốt. Vì lý do này, phụ huynh buộc phải “đối phó” bằng cách mua nhà trong zone của các trường công lập tốt nhất nếu có điều kiện. Giá nhà trong vùng của các trường tốt nhất vì thế luôn cao hơn hẳn các vùng khác và ổn định chứ không dễ gặp tình trạng “xì” hay “vỡ bong bóng bất động sản”.

Ở Việt Nam, cơ chế phân tuyến chưa dẫn đến tình trạng giá nhà gắn liền với uy tín của trường học trong vùng như tại Mỹ. Trái lại, phụ huynh Việt Nam thường phải tốn phí để “chạy” cho con mình vào trường công tốt. Thường việc này diễn ra dưới hai hình thức “chạy tuyến” (nhập hộ khẩu về nơi có trường tốt mặc dù không ở đó) hoặc chạy cho con học trái tuyến.

Cách làm ở Mỹ cũng dẫn tới việc gia đình giàu có thể mua được nhà trong các khu vực có trường tốt. Bố mẹ nghèo sẽ không có điều kiện mua hoặc thuê nhà trong khu vực có trường tốt, vì vậy con cái buộc phải học trường bình thường. Các trường tư tốt nhất thì vừa tốn kém do học phí cao, vừa khó xin vào vì điều kiện tuyển sinh ngặt nghèo.

Theo tạp chí New York, nếu như trung bình hồi năm 2000 mỗi gia đình phải nộp hồ sơ tới khoảng năm hoặc sáu trường cho một học sinh xin vào lớp mầm non, thì ngày nay họ phải nộp tới mười trường mới hi vọng con mình được nhận vào một trường ưng ý.

Nhà nước và phụ huynh nên làm gì?

Đứng về phía nhà nước, nhà nước không thể và không nên gánh nhiệm vụ đảm bảo công bằng cho học sinh khi xin vào các trường công lập tốt nhất. Việc của nhà nước là đầu tư và nâng cao chất lượng của cả hệ thống trường công, trong đó đặc biệt là các trường công có chất lượng chưa thật sự tốt. Nhà nước cũng không nên áp đặt các trường tư về quy cách xét tuyển đầu vào của họ, bao gồm cả việc thi tuyển đầu vào.

Đối với trường tư thục vì lợi nhuận, uy tín của trường, sự thành công của học sinh khi tốt nghiệp ra trường chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của họ, vì thế việc xét tuyển đầu vào chính là quyền lợi chính đáng mà họ phải có.

Đứng về phía phụ huynh, cho con học ở các trường tốt nhất là một nguyện vọng đáng trân trọng. Tuy nhiên, nói như Andrew Marks, phóng viên tạp chí New York, “sự hoảng loạn và phấn khích của việc xin học mầm non cho con cũng tựa như việc một nửa thành phố New York cố chen chân vào một nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố vào tối thứ bảy.

Đương nhiên là bạn muốn đến đó và muốn khoe với bạn bè rằng mình được ngồi ngay cạnh Michael Douglas hay Catherine Zeta-Jones, nhưng liệu bạn sẽ có một bữa ăn tồi hay sao nếu bạn không đến đó?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận