Tầm cao mới của quan hệ Việt - Nhật

DANH ĐỨC 05/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa rồi là một bước phát triển hơn nữa của mối quan hệ sắp đầy 50 năm, mà trong thập niên vừa rồi đã chuyển biến thật nhanh và sâu rộng.

8h23 tối 26-11, Cổng thông tin Chính phủ đăng một thông tin thú vị: “Trong số các bộ trưởng, bí thư Tỉnh ủy hiện nay, có 20 người từng được tham gia các khóa đào tạo của Nhật Bản”. 

Câu chuyện như sau: “Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shinichi Kitaoka cho biết trong số các bộ trưởng hiện nay của Chính phủ VN, có tới 10 vị từng tham gia các khóa đào tạo tại Nhật Bản”. Đến đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ sung, còn 10 bí thư Tỉnh ủy của VN từng được đào tạo tại Nhật nữa.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. -Ảnh: Bloomberg

 

Đào tạo nhân lực: Nền tảng của hợp tác

Trên cương vị trưởng Ban tổ chức Trung ương nhiệm kỳ trước, ông Phạm Minh Chính hẳn hiểu và nhớ hơn ai hết quy mô hợp tác nhân lực Nhật - Việt trong lĩnh vực nhà nước. Chính vì vậy mà trong chuyến thăm vừa rồi, tại tất cả các cuộc gặp, vấn đề đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đều được ông đề cập. 

Đặc biệt, ông nói rõ mong muốn phía Nhật hỗ trợ để VN có được nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức đẳng cấp quốc tế, đáp ứng được môi trường làm việc toàn cầu. 

Điều này phản ánh ở khoản 15 của thông cáo chung: “Hai Thủ tướng khẳng định nỗ lực thúc đẩy hợp tác cải cách hành chính ở VN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động đào tạo dành cho cán bộ cấp cao và chủ chốt của Đảng và Chính phủ”.

Nếu như ông Phạm Minh Chính từng là trưởng Ban tổ chức Trung ương của VN, thì Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng là bộ trưởng ngoại giao dưới trào Thủ tướng Abe Shinzo, cơ quan “chủ xị” chương trình đào tạo nhân lực cho VN. 

Ông Kishida, khi còn làm bộ trưởng, chính là người khởi xướng chương trình hỗ trợ 30 cán bộ hành chính của VN sang học tập tại Nhật Bản thông qua viện trợ không hoàn lại trị giá 350 triệu yen (3,1 triệu đôla) để phát triển nguồn nhân lực, cũng như hợp tác thành lập Đại học Việt - Nhật.

Trong chuyến thăm chính thức VN năm 2014, khi bàn về việc giúp VN cải thiện năng lực thực thi pháp luật trên biển qua việc cung cấp một gói trị giá 500 triệu yen tàu đã qua sử dụng, các thiết bị liên quan, và tàu tuần tra mới, theo yêu cầu của VN, bao gồm cả việc cử một nhóm chuyên gia sang VN, ông Kishida đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, tức không chỉ giúp tàu tuần tra mà còn giúp đào tạo nhân lực thực thi pháp luật trên biển.

Một chi tiết nhiều ý nghĩa: ông Kishida, nay là thủ tướng, sang thăm VN vào cuối tháng 7-2014, chỉ hai tháng sau vụ giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc.

Ngoại giao tuần duyên

Hợp tác bảo đảm an ninh biển đã là chủ trương nhất quán và lâu dài của Nhật Bản. Dưới thời Shinzo Abe, báo cáo thường niên 2016 của Cảnh sát biển Nhật Bản cho thấy quy mô của công tác này: 

“Trong nhiều năm, lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) đã hỗ trợ các cơ quan tuần duyên [VN gọi là Cảnh sát biển, CSB] chủ yếu ở Đông Nam Á trong việc nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển bằng cách nhận học viên hoặc cử sĩ quan JCG đến 79 quốc gia và ba khu vực trên thế giới”.

Năm 2017, Hội nghị Thượng đỉnh tuần duyên khu vực do Nhật khởi xướng đã được mở rộng để bao gồm lãnh đạo các lực lượng bảo vệ bờ biển từ 38 quốc gia. 

Trong phát biểu chào mừng, Chủ tịch Quỹ Nhật Bản (Nippon Foundation) Yohei Sasakawa, đồng tổ chức hội nghị với JCG, giải thích: “Cuộc khủng hoảng của các đại dương đang âm thầm trở nên tồi tệ hơn, và không thể giải quyết được bởi bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào”.

Tiếp đó, Hội nghị Thượng đỉnh tuần duyên toàn cầu lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 11-2019, lần này có sự tham gia của đại biểu từ 75 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế với việc ban hành bản tóm tắt của chủ tịch hội nghị, có thể bước đầu xem như dự thảo một hiến chương CSB thế giới. 

Trong đó, các đại biểu tái khẳng định an toàn, an ninh hàng hải và môi trường biển trong sạch là nền tảng quan trọng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của toàn thể cộng đồng quốc tế. Lần đó, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển VN Bùi Trung Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu VN tham dự.

The Diplomat nêu bật ý nghĩa của chính sách kết nối với Đông Nam Á bằng lực lượng tuần duyên của Thủ tướng Abe: 

“JCG đã trở thành trung tâm của khuôn khổ an ninh Đông Nam Á, và sự lãnh đạo này được các nước láng giềng Đông Á hoan nghênh và công chúng Nhật Bản chấp nhận. Lực lượng bảo vệ bờ biển có thể nắm giữ chìa khóa thành lập mạng lưới hợp tác hàng hải khu vực được các nước nhạy cảm về chủ quyền ở Đông Nam Á chấp nhận”.

Bối cảnh “nhạy cảm” đó, việc Nhật Bản đứng ra như một đầu tàu trong thành lập hiệp hội các lực lượng CSB, hỗ trợ vật chất và đào tạo nhân sự, là một hành động hợp lý trên tinh thần hợp tác, thượng tôn luật pháp.

Những hợp tác sâu rộng hơn

Tất nhiên, hợp tác về biển không chỉ gồm lĩnh vực tuần duyên. Tuyên bố chung của hai Thủ tướng nhân kết thúc chuyến thăm Nhật Bản của ông Phạm Minh chính nhắc lại quyết tâm hợp tác sâu rộng hơn: 

“Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, trong đó có việc xây dựng năng lực cho các cơ quan liên quan của VN, phát triển kinh tế biển, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển”. 

Cả Nhật Bản và VN đều là những quốc gia biển, sống dựa vào biển, và không thể thiếu biển. Sự hợp tác như thế càng là tất yếu.

Từ hợp tác tuần duyên, Tuyên bố chung chuyển sang hợp tác quốc phòng ở khoản 9: 

“Hai bên hoan nghênh những nỗ lực của cơ quan quốc phòng hai nước nhằm đẩy mạnh tham vấn về việc chuyển giao các trang thiết bị cụ thể, bao gồm tàu hải quân và các trang thiết bị liên quan theo Thỏa thuận Hợp tác chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa hai nước. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc các cơ quan quốc phòng hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và quân y”.

Dù cả ông Phạm Minh Chính (nhậm chức tháng 4-2021) và ông Fumio Kishida (vừa nhậm chức hôm 4-10) đều là những thủ tướng mới, quan hệ quốc phòng song phương đã được thai nghén và chuẩn bị từ lâu. 

Điều đó được thể hiện qua chuyến thăm VN của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi hồi tháng 9 vừa rồi. Trong diễn văn đọc tại Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng VN, ông Kishi nhận xét rằng hợp tác quốc phòng Việt - Nhật nay đạt “cấp độ mới” và nhấn mạnh đây là “mối quan hệ đối tác có tính toàn cầu”.

Cấp độ mới đó cụ thể là gì? Ông Kishi giải thích: 

“Giờ đây, chúng ta có một công cụ mới cho quan hệ song phương. Đó là Thỏa thuận Chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng Nhật - Việt được ký ngày hôm qua. Trong tương lai, theo thỏa thuận này, chúng ta sẽ đẩy nhanh các thảo luận hướng tới hiện thực hóa việc chuyển giao thiết bị cụ thể, chẳng hạn như hợp tác trong lĩnh vực tàu thuyền đóng góp vào an ninh hàng hải khu vực”.

Ông còn nhắc lại rằng tháng 12-2020, ông từng loan báo sẽ hợp tác như thế nào trong lĩnh vực an ninh mạng với các nước ASEAN và giờ muốn sự hợp tác với VN “trở thành mẫu mực” trong hợp tác quốc phòng ASEAN. 

Một lĩnh vực mới khác mà sự hợp tác là tối cần thiết vào lúc này là năng lực kiểm soát bệnh truyền nhiễm cũng được đề cập.

Có thể có ai đó ngờ rằng sự hợp tác này chẳng qua do tình thế, “gian nan thì giúp nhau” như cách nói của người Nhật. Nhưng có thể tin rằng sự tương đồng Việt - Nhật là xa hơn những hoàn cảnh nhất thời, như chính Bộ trưởng Kishi mô tả: 

“Đặc biệt là trên vùng biển và vùng trời của Biển Hoa Đông và Biển Đông, có những trường hợp mà các hành động được đưa ra dựa trên những khẳng định phiến diện, không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có. Quyền tự do hàng hải và tự do hàng không bị vi phạm quá mức”. 

Và như theo lời ông Kishi, VN sẽ không một thân, một mình: “Các nước đối tác chính của Nhật Bản cũng quan tâm nhiều tới VN”.

Một sự kế thừa liên tục

Không có gì là đột biến trong sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt - Nhật. Đó là kết quả của hai quá trình: sự kế thừa các quan hệ đã có từ các thế hệ lãnh đạo trước ở VN và sự biến chuyển ngày càng xấu đi của môi trường xung quanh.

Tất cả bắt đầu năm 1973, sau hai tháng đàm phán, vào ngày 21-9-1973 tại văn phòng đại sứ quán thường trực VN ở Paris, đại diện Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Công hàm trao đổi thiết lập quan hệ ngoại giao. Một tuyên bố chung được đưa ra, bắt đầu quan hệ ngoại giao.

Khoản cho vay bằng đồng yen đầu tiên của Nhật Bản với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vào năm 1978. 

Sau một thập niên vướng bận, Nhật Bản nối lại các khoản cho vay vào tháng 11-1992, một năm sau khi Hiệp định Hòa bình Paris (về Campuchia) có hiệu lực vào tháng 10-1991. Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho VN.

Trong thế kỷ 21, quan hệ song phương giữa hai quốc gia ngày càng phát triển. Tháng 12-2003, Sáng kiến chung VN - Nhật Bản được đưa ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại VN. 

Tháng 10-2006, Tuyên bố chung “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” được công bố. Tháng 12-2008, Hiệp định Đối tác kinh tế song phương hoàn tất. 

Tháng 3-2014, các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ và sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, văn hóa và giao lưu con người.

Các chuyến thăm cấp cao nhất cũng lần lượt được khởi động. Bắt đầu là chuyến thăm của Thủ tướng VN Võ Văn Kiệt đến Nhật Bản vào tháng 3-1993. 

Thủ tướng chủ nhà Kiichi Miyazawa khi đó đã chào mừng ông Võ Văn Kiệt bằng tuyên bố chuyến thăm là “khởi đầu của một kỷ nguyên mới của Nhật Bản và VN”.

Một năm sau, Thủ tướng Tomiichi Murayama thăm bốn nước Đông Nam Á và là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Việt Nam. Qua năm sau, 1995, đáp lời mời của Thủ tướng Murayama, Tổng bí thư Đỗ Mười thăm chính thức Nhật Bản, nơi ông đã gặp Nhật Hoàng.

Ba năm sau, giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), các cuộc họp thượng đỉnh liên quan đến ASEAN đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-1998. 

Thủ tướng Keizo Obuchi đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh ASEAN+3 (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) và ở lại để tiến hành chuyến thăm chính thức VN, rồi vào thăm TP.HCM với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên làm việc này sau khi VN thống nhất.

Năm 2014, Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản và cùng Thủ tướng Shinzo Abe ra “Tuyên bố chung Nhật Bản - VN về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. 

Gần đây nhất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức VN năm 2017, theo lời mời của người đồng cấp VN Nguyễn Xuân Phúc.

(Theo Thư khố kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt - Nhật: http://www.archives.go.jp/event/jp_vn45/english/index.html)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận