Tân tổng thống Ukraine - cuộc chạy đua với thời gian

NGUYỄN ĐĂNG PHÁT 17/06/2014 07:06 GMT+7

TTCT - Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Petro Poroshenko ngày 7-6 không dài, chỉ gồm 1.919 từ, trong đó 54 lần nhắc đến “Ukraine”, 26 lần xuất hiện từ “hòa bình” và 18 lần nói đến “châu Âu”...

4 thách thức với tân tổng thống Ukraine Poroshenko
Tân tổng thống Ukraine: "Kẻ mang gươm tới đây sẽ chết vì gươm"

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc gặp “hậu trường” 15 phút nhân dịp cùng đến Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Normandie - Ảnh: Independent

Thật ra, chương trình hành động của tân tổng thống Ukraine từng được công bố trước và sau lễ nhậm chức: tại Brussels ngày 6-6, khi ông Poroshenko gặp các nhà lãnh đạo G-7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Kiev ngày 8-6, trong cuộc họp ba bên (Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE).

Trong các phát biểu của nhà lãnh đạo mới Ukraine, điều làm người ta chú ý nhiều là những mốc thời gian được ông vạch ra khá rõ ràng, mạnh mẽ. Sau những cân nhắc và phát biểu công khai không thật nhất quán, trong diễn văn nhậm chức ông Poroshenko tuyên bố sẽ ký kết các chương về kinh tế của hiệp định liên kết với EU trước ngày 27-6.

Và khi chủ trì phiên họp ba bên đầu tiên gồm đại sứ Nga tại Ukraine M. Zurabov, đại sứ Ukraine tại Đức P. Klimkin và đại sứ Thụy Sĩ, đại diện tổng thư ký OSCE Heidi Tagliavini, Tổng thống Petro Poroshenko nhấn mạnh “phải chấm dứt chiến sự trong tuần này” ở vùng miền đông.

Đó là hai phương hướng triển khai chính sách, hai “hồ sơ” quan trọng bậc nhất trong chương trình nghị sự của ông Petro Poroshenko khi ngồi vào chiếc ghế điều hành quốc gia đang trong cơn khủng hoảng sâu sắc này.

Gốc gác của cuộc khủng hoảng là do Ukraine không dàn xếp được hài hòa mối quan hệ lâu dài với hai đối tác ở hai ngả - một châu Âu phía tây hứa hẹn nhiều giá trị dân chủ, những lợi ích mới và một nước Nga láng giềng ở phía đông mà Ukraine có chi chít quan hệ khăng khít, lâu đời về mọi mặt. Cả hai vấn đề này đều hết sức nhạy cảm với Matxcơva.

Miền Đông: ai nói, ai nghe?

Nóng bỏng nhất ở Ukraine hiện nay là tình trạng căng thẳng ở miền đông. Những đòi hỏi có thêm quyền tự chủ, quyền độc lập, thậm chí ly khai, sáp nhập với Nga của các địa phương miền đông đang gây nên tình trạng hỗn loạn. “Chiến dịch chống khủng bố” sử dụng quân đội và lực lượng an ninh để “dẹp loạn” mà chính quyền Kiev tiến hành không đem lại kết quả mong muốn.

Trước ngày nhậm chức, ông Petro Poroshenko một mặt ủng hộ chiến dịch này, mặt khác tuyên bố chuyến công du trong nước đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông là đến Donbas, trung tâm của miền đông, để đối thoại. Ông Poroshenko đã đề ra “kế hoạch hòa bình” bao gồm việc mở rộng quyền tự chủ cho các địa phương miền đông, phi tập trung hóa quá mức ở trung ương, cho tự do sử dụng tiếng Nga, hứa hẹn ân xá những người đòi ly khai...

Nhưng mục tiêu chấm dứt chiến sự ở miền đông “trong tuần này” (từ ngày 9 đến 15-6) mà ông đặt ra đang gây hoài nghi cả trong dư luận cũng như trong Chính phủ Ukraine. Theo Hãng tin Ukraine UNIAN, Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 9-6 cho biết các đơn vị đang làm nhiệm vụ “chống khủng bố” ở miền đông từ tuần này sẽ được bổ sung mũ, áo chống đạn và những quân trang quân dụng cần thiết để tiếp tục chiến dịch.

Tờ Sự Thật Ukraine cũng tiết lộ tiền lương, tiền thưởng cho những quân nhân tham gia chiến dịch quân sự ở miền đông sẽ được chi trả từ giữa tháng 6. Ngày 9-6, Tổng thống Poroshenko ra lệnh mở một “hành lang nhân đạo” để những người dân thường có thể chạy nạn ra khỏi vùng chiến sự. Thực tế, nếu chưa có quyết định ngưng bắn thì đây cũng chỉ là một dấu hiệu về việc các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục.

Trong khi đó, Phó thủ tướng thứ nhất Cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng A. Purgin cho rằng muốn chấm dứt chiến sự thì “ông Poroshenko phải ra lệnh rút quân” khỏi miền đông. Ông Purgin cho biết phe của ông vẫn tiếp tục động viên lực lượng, huấn luyện quân tình nguyện để phòng thủ Donetsk.

Tổng thống Petro Poroshenko đề xuất tổ chức hằng ngày các cuộc họp cơ chế ba bên để nỗ lực thực hiện “kế hoạch giải quyết hòa bình tình hình miền đông”. Nhưng các nhà quan sát cho rằng kế hoạch này cũng như các tuyên bố của ông Petro Poroshenko chưa chạm vào những vấn đề cốt lõi mà các địa phương miền đông thật sự quan tâm.

Cân đong được, mất

Hiệp định liên kết với EU là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc chính biến ở Ukraine hồi tháng 2-2014 phế truất tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovich, người đã quyết định trì hoãn việc ký văn bản này. Chính quyền mới ở Kiev đã ký phần chính trị của hiệp định liên kết vào ngày 21-3. Phần nội dung kinh tế nhạy cảm hơn, có thể làm rung chuyển cả nền kinh tế và hàng chục triệu người dân Ukraine vẫn gác lại đến nay.

Trong vận động tranh cử, đã có lúc ông Petro Poroshenko tuyên bố sẽ “chưa vội” ký kết để tránh những “cú sốc” đối với nền kinh tế Ukraine. Nhưng ngày 7-6 ông đã nói đến “thời hạn chót” để ký kết là ngày 27-6. Phía lãnh đạo EU đã khẳng định việc này.

Về phía Nga, Tổng thống V. Putin đã công khai tuyên bố Matxcơva sẽ buộc phải ra tay khi Ukraine chính thức liên kết kinh tế với EU. Hiện Nga là bạn hàng rất lớn của Ukraine, năm 2013 Nga chiếm 23,8% (15,1 tỉ USD) tổng kim ngạch xuất khẩu của Ukraine sang các nước thuộc Liên minh Hải quan, còn tất cả các nước EU chiếm 26,5% xuất khẩu của Ukraine.

Hàng hóa Ukraine xuất sang Nga chủ yếu là kim loại, những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, phần lớn là hàng chế tạo máy. Nhiều ngành kỹ thuật của Ukraine, trước hết là chế tạo máy, có quan hệ hợp tác sản xuất chặt chẽ với Nga.

Tuy nhiên, cũng có những ngành thu được lợi thế khi liên kết với EU, chẳng hạn gần 80% sản phẩm của ngành luyện kim, than đá Ukraine xuất sang thị trường châu Âu. Chính vì thế, các thế lực chính trị và tập đoàn kinh tế gắn chặt lợi ích với những ngành sản xuất này đã ra sức vận động để Kiev “chuyển hướng” sang EU.

Trong trường hợp Kiev và EU ký kết hiệp định liên kết kinh tế, Nga sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp về thuế quan và kỹ thuật để ngăn chặn luồng hàng hóa từ EU được tự do vào Ukraine có thể tràn sang Nga và thị trường Cộng đồng các quốc gia độc lập nhằm bảo hộ các nhà sản xuất trong nước.

Ông Yaroslav Lisovolik, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đức Deutsche Bank tại Nga, cho rằng việc Kiev liên kết kinh tế với EU tất yếu sẽ vấp phải những biện pháp đáp trả tương xứng từ phía Matxcơva, đồng thời Nga sẽ đẩy mạnh hơn nữa chiến lược tự sản xuất thay thế hàng nhập khẩu thiếu hụt đã được coi là ưu tiên hàng đầu của kinh tế Nga.

Do những mối quan hệ kinh tế chằng chịt nhiều năm qua với Nga, nên Ukraine sẽ bị thiệt hại lớn khi “bắt tay” với EU và bị Nga “cắt cầu”. Nhiều ngành sản xuất bị đình đốn vì mất thị trường Nga, số người thất nghiệp sẽ gia tăng nhanh.

Thủ tướng dưới thời tổng thống Yanukovich, ông Nikolai Azarov, từng đánh giá rằng chỉ riêng việc áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ của EU cũng buộc Kiev phải chi 100-160 tỉ euro trong vòng 10 năm. Tân Tổng thống Petro Poroshenko và êkip của ông hẳn đã tính toán hết mọi khía cạnh này.

Trung tâm toàn Nga nghiên cứu dư luận xã hội ngày 9-6 công bố kết quả thăm dò dư luận người Nga về tổng thống mới của Ukraine. Theo đó, hơn 40% người Nga cho rằng ông Petro Poroshenko đại diện cho lợi ích của Mỹ và Liên minh châu Âu, chỉ có 2% nói ông Petro Poroshenko bảo vệ quyền lợi của những người dân ở miền đông - nam Ukraine.

Có 29% số người Nga được hỏi ý kiến tỏ ra không tin ông Poroshenko, chỉ có 2% tin ông, 22% cho biết hoàn toàn không quan tâm đến tân tổng thống của nước láng giềng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận