Tất cả xoay quanh một siêu cường

HẢI MINH 27/12/2016 21:12 GMT+7

TTCT - Dù đó là con đường tơ lụa mới, những sáng kiến tự do thương mại với Trung Quốc là trọng tâm, các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, mối quan hệ với Mỹ của từng nước trong khu vực, hay cả tương lai của khối ASEAN..., cái bóng Trung Quốc phủ lên gần như mọi vấn đề lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2016.

Trung Quốc đang mưu toan và thật sự đang làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương -blogspot.com
Trung Quốc đang mưu toan và thật sự đang làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương -blogspot.com

 

Đâu là Vấn đề lớn nhất của châu Á?

Đó là quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, theo nhận định của Kerry Brown - giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc và giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc Lau ở King’s College, London (Anh), trên Japan Times hồi tháng 9.

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, mối căng thẳng lâu đời nhất ở châu Á là trong quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản - Brown viết - Chính mối quan hệ này nêu ra những vấn đề đáng lo ngại nhất cho tương lai”.

Những giằng co đầy nguy hiểm giữa hai nước trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa có dấu hiệu xuống thang. Mới nhất, hôm 11-12, máy bay chiến đấu của hai nước đã ở thế đối đầu trên vùng trời quần đảo này.

Đó là cả một cuộc biểu dương lực lượng có lẽ chưa từng thấy kể từ tranh chấp bùng lên sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo vào tháng 9-2012. Bên phía Trung Quốc là máy bay chiến đấu Su-30, hai máy bay ném bom H-6, hai máy bay trinh sát Tu-154 và Y-8, còn bên phía Nhật Bản là hai máy bay chiến đấu F-15.

Một sự cố hay hiểu lầm nhỏ thôi cũng có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường với quá đông đúc những con chim sắt bay lượn quá gần nhau trên vùng trời như thế.

Nhìn nhận lại việc hai nước đã không thể sống chung hòa hợp trong một thiên niên kỷ qua, liệu chúng ta có thể thực sự nhìn thấy những cách thức mà một Trung Quốc hùng mạnh và một Nhật Bản cũng hùng mạnh tồn tại cạnh nhau mà không xung đột trong thế kỷ 21? - Brown đặt câu hỏi - Nếu họ làm được điều đó, họ sẽ làm được điều chưa từng có trong lịch sử”.

Vấn đề Trung - Nhật không chỉ là của năm 2016. Học giả người Mỹ June Teufel Dreyer, trong một cuốn sách vừa xuất bản với tựa đề Middle Kingdom and Empire of the Rising Sun (tạm dịch: Vương quốc ở Trung Nguyên và đế quốc Mặt trời mọc), chỉ ra rằng sự cạnh tranh giành quyền bá chủ khu vực của hai nước này đã kéo dài 1.500 năm.

Các triều đại Trung Quốc luôn tìm cách giáng cấp Nhật Bản xuống địa vị một nước chư hầu, và Nhật Bản luôn bác bỏ điều đó ngay từ khi lập quốc. Những cuộc xung đột thật sự bắt đầu nổ ra khi Nhật Bản hiện đại hóa cực nhanh và cực ấn tượng vào cuối thế kỷ 19, để rồi đánh bại không chỉ đế quốc Mãn Thanh mà còn trở thành bá chủ khu vực châu Á trong giai đoạn trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuốn sách cũng chỉ ra hình mẫu lặp đi lặp lại trong quan hệ hai nước: những thời kỳ tồi tệ tiếp nối bằng sự ấm lên miễn cưỡng, rồi lại trở nên tồi tệ hơn. Hiện giờ, khá chắc chắn là mối quan hệ đó đang ở trong một nốt trầm đáng ngại cho cả khu vực.

Sự căng thẳng không chỉ ở việc cả hai nước đều đang có những chính quyền với lập trường cứng rắn. Một cuộc thăm dò dư luận của Pew tháng 9-2016 cho thấy 86% người Nhật không có cảm tình (unfavorable) với Trung Quốc, và ngược lại, 81% người Trung Quốc không thiện cảm với láng giềng của họ.

Ở Nhật Bản, tâm lý chung hiện giờ là việc tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc là một sai lầm, bởi Bắc Kinh đã không thay đổi về mặt chính trị, cũng như không hề phát triển một tình cảm thân thiện và tin tưởng với Nhật Bản, mà ngày càng trở nên giống với cơn ác mộng lớn nhất cho người Nhật: một quốc gia toàn trị hùng mạnh, đầy xung đột quá khứ và đang rất giận dữ.

Việc chi tiêu ngày càng mạnh tay cho quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt là hải quân, được đáp trả bằng việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp hòa bình.

Ngay sau vụ đối đầu ngày 11-12, báo Trung Quốc Global Times đã đăng một bài xã luận cảnh báo Nhật Bản sẽ hứng chịu hậu quả tai hại nếu một sự cố không thể kiểm soát xảy ra.

Căng thẳng ở biển Hoa Đông làm tất cả chúng ta phải lo ngại. Có vẻ như Bắc Kinh và Tokyo chỉ còn cách việc nổ súng trên không trung một bước nữa. 

Tokyo đã tăng cường lực lượng quân sự ở cả hai bờ eo biển Miyako, bao gồm việc triển khai tên lửa nhắm vào tàu chiến của Trung Quốc đi lại qua eo biển này - bài báo viết, và đe dọa thẳng thừng - Bởi sức mạnh không quân của Trung Quốc vượt trội so với Nhật Bản, Tokyo sẽ chẳng được gì từ những xung đột thế này. Xét về cơ chế kiểm soát và ngăn ngừa khủng hoảng, thì cơ chế giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện giờ tệ hơn nhiều so với giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Biển Đông

Nhưng xem ra các cơ chế ngăn ngừa tương tự của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực cũng không tốt hơn gì.

Mới đây nhất, Bắc Kinh đã có một động thái đầy hăm dọa khi thu giữ một tàu lặn thăm dò không người lái của Mỹ ở vùng biển quốc tế, thậm chí nằm ngoài cả đường chín đoạn vô lý mà họ đã công bố trên Biển Đông!

Động thái này là một thông điệp chắc chắn không chỉ cho riêng Washington, dù ngày 17-12, một người phát ngôn Lầu Năm Góc đã thông báo Trung Quốc đồng ý trả lại chiếc tàu này cho Mỹ.

Sự cố chỉ là một trong rất nhiều động thái mà Trung Quốc đã thực hiện suốt một thời gian dài để khẳng định sự áp đảo của họ ở Biển Đông, nhất là từ sau phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng 7 chính thức vô hiệu hóa đường chín đoạn.

Philippines, nguyên đơn của vụ kiện, từ đó tới nay đã hạ giọng và tìm cách sửa chữa quan hệ với Trung Quốc qua các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Rodrigo Duterte, bao gồm việc chỉ định một cựu tổng thống thân Trung Quốc làm trưởng phái đoàn đàm phán song phương đặc biệt và một chuyến thăm thượng đỉnh của chính ông Duterte.

Tình hình nguội bớt trên Biển Đông vào nửa sau năm 2016 so với một giai đoạn căng thẳng liên tục gần 2 năm trước đó. Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Vientiane (Lào) vào cuối tháng 7 cũng ra một thông cáo với những kêu gọi kiềm chế và không nhắc gì tới phán quyết của Tòa trọng tài trong thông cáo chung.

Việc xung đột lắng xuống “có lẽ khiến các nhà phân tích dự báo (Biển Đông) là một điểm bất ổn nghiêm trọng trên thế giới lấy làm ngạc nhiên” - National Interest bình luận. Thỉnh thoảng vẫn tiếp tục xuất hiện tin tức về việc bồi đắp và lấn biển, nhưng các vụ va chạm hàng hải, bắt bớ ngư dân đã giảm, những tuyên bố cứng rắn cũng đã xuống tông.

Về cơ bản, giọng điệu và hành động khiêu khích sẽ chẳng dẫn tới đâu với các bên liên quan. Về phần Trung Quốc, dù họ áp đảo về nguồn lực và lực lượng ở Biển Đông, vấn đề này đã gây rất nhiều tổn hại về hình ảnh và ngoại giao với Trung Quốc trên trường quốc tế, làm suy giảm nghiêm trọng những thiện chí mà nước này cố gắng xây dựng ở khu vực Đông Nam Á trong thập niên đầu thế kỷ 21.

Tương tự, các nước ASEAN cũng không lợi lộc gì nếu tiếp tục giọng điệu cứng rắn và đối đầu.

Thứ hai, “các cuộc thương lượng song phương đang ngày càng trở nên là một lựa chọn khả thi”, theo National Interest, dù những tiếng nói phản đối vẫn còn mạnh mẽ.

“Câu chuyện bó đũa” hay được dẫn ra để nêu quan ngại về việc Trung Quốc dùng uy thế nước lớn áp đặt mong muốn của họ trong những cuộc thương lượng song phương.

Một cuộc đàm phán đa phương sẽ cần tìm được đường đi mới để tránh đi vào bế tắc, trong đó các nền tảng đa phương như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC, đang thương lượng) vẫn sẽ là các cơ chế chính yếu để ngăn ngừa vấn đề Biển Đông leo thang.

Đây đã là nguyên tắc chung được nhất trí ở cấp cao nhất giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tất cả đều liên quan tới Trung Quốc

Tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc đã khiến năm 2016 có thể được các sách giáo khoa lịch sử trong tương lai coi là năm bản lề về sự thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính sách xoay trục châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama giờ coi như đã phá sản sau khi Đảng Dân chủ thất cử. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông cổ xúy mạnh mẽ, với sự tham gia của Úc, Brunei, Malaysia, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, giờ cũng trở nên bất định.

Trung Quốc đã ngay lập tức nhảy vào lấp chỗ với hai sáng kiến thương mại tự do của riêng họ. Vào tháng 10, Bộ Ngoại giao nước này công bố đã hoàn tất việc nghiên cứu khả thi cho Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và đại diện của 16 nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán về một Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), dựa trên các thỏa thuận thương mại tự do đã có giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. FTAAP dự kiến sẽ bao gồm toàn bộ 12 thành viên của TPP, cộng thêm Nga và Đài Loan, và RCEP là tất cả các nước được nêu tên, trừ Ấn Độ.

Với hệ thống chính trị một đảng ra quyết định cực nhanh của Trung Quốc, nếu đàm phán thống nhất, việc thông qua chắc chắn sẽ không gặp vấn đề về chính trị và thay đổi chính quyền như ở Mỹ.

Cùng lúc, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sáng kiến Con đường tơ lụa mới (hay Một con đường - một vành đai), với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại nối liền Á - Âu với rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ do Trung Quốc tài trợ kèm mục tiêu nâng giá trị thương mại của Trung Quốc với các nước trên tuyến đường này lên thêm 2,5 nghìn tỉ USD trong vòng chỉ một thập niên tới, theo Diễn đàn kinh tế thế giới.

Được công bố từ năm 2013, nhưng năm 2016 chứng kiến dự án này được đầu tư mạnh tay nhất với hàng loạt công trình do Trung Quốc hỗ trợ tài chính mọc lên ở các nước. “Đó không phải là một dự án kinh tế, đó còn là một dự án địa chính trị” - Nadège Rolland, nhà phân tích của Cục Nghiên cứu châu Á (Mỹ), nói với Foreign Policy.

Nhìn lại năm 2016, điều không thể phủ nhận là Trung Quốc đang ngày càng phủ cái bóng khổng lồ của nước này lên mọi vấn đề trong khu vực, từ thương mại, kinh tế, tới chính trị, ở gần như mọi điểm nóng: bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, eo biển Đài Loan... Đó cũng sẽ là xu hướng không thể tránh khỏi của năm 2017, và mọi quốc gia sẽ phải sẵn sàng cho cuộc chung sống này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận