Tây Vực và Trung Nguyên

DANH ĐỨC 12/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Những cuộc gặp liên tiếp gần đây giữa đại diện của Trung Quốc và phe Taliban cho thấy “ai là ai?” hiện giờ ở vùng đất mà khi xưa người Hán gọi là Tây Vực. Nội dung các cuộc họp, qua thuật lại của Global Times, có nhắc tới tình hình giữa hai lãnh thổ và dân tộc này trước đây.

Bìa 1 của quyển World Order (Trật tự thế giới) của nhân vật phương Tây ái mộ và quảng bá cho Trung Quốc vào loại nhiệt thành nhất 50 năm qua Henry Kissinger phản ánh vị thế xưa nay của đất nước này: Một vòng tròn ở trung tâm bình đồ Trái đất thời con người còn chưa biết Trái đất hình cầu. 

Tất nhiên đó một cái bình đồ thời xưa, thời mà các đế quốc Hy - La gọi những nhóm dân chung quanh là “barbaros” - man di - y hệt nhà Tần, Hán... gọi các dân tộc chung quanh. 

Ông Vương Nghị chào đón thủ lĩnh Taliban ở Bắc Kinh. Ảnh: Twitter

 

Một trật tự mới

Bìa quyển sách của Kissinger, xuất bản năm 2014, cũng phản ánh một trật tự mới, mà giờ đây hiển hiện hằng ngày trên Global Times, tỉ như khẳng định vị thế mới của Trung Quốc tại Afghanistan: “Trung Quốc, Nga cùng chung lợi ích khi tạo điều kiện cho vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Afghanistan” (Global Times 26-7), hay để đóng vai nhà bảo trợ tại đấy với những hứa hẹn “Trung Quốc có thể tạo thuận lợi cho sự tái thiết kinh tế của Afghanistan” (29-7)...

Vị thế đó thể hiện trong chính sách, hành vi, ngôn từ... trong tin tức về các cuộc gặp tuần rồi giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và một đồng chủ soái sáng lập phe Taliban là giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, phụ trách chính trị phe này. 

Ông Vương Nghị đoan chắc với ông Baradar rằng Trung Quốc xem Afghanistan là “nước láng giềng lớn nhất của Trung Quốc”, và nhấn mạnh “số phận của đất nước này nên nằm trong tay người dân Afghanistan”.

Một cuộc đón tiếp và những tuyên bố như thế không khác gì một tiếp xúc giữa đại diện một nhà nước lớn và một “chuẩn-nhà nước”, mà trong đó Baradar được xem như lãnh tụ trên thực tế. 

Được biết, nhân vật Baradar này từng chiến đấu chống Liên Xô những năm 1990, rồi chống Mỹ, từng bị đặc vụ của tình báo Pakistan ISI và CIA bắt sống vào tháng 2-2010, bị nhốt cho tới tháng 10-2018 thì được thả ra theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ.

Vấn đề là Baradar phải thế nào thì Mỹ mới yêu cầu Pakistan thả ra để rồi sau đó ông đóng vai trò thương thuyết gia của Taliban. 

Đỉnh cao của Baradar là việc nhân danh Taliban, vào tháng 2-2020, ký thỏa thuận với Mỹ về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Đài RFE/RL của Mỹ loan tin: “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với một thủ lĩnh Taliban sau khi hai bên ký thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 19 năm ở Afghanistan. “Tôi đã nói chuyện với thủ lĩnh của Taliban hôm nay. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tốt”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào ngày 3-3.

Giờ thì quân Mỹ đã rút gần hết, hạn chót là cuối tháng 8 này, còn ông Baradar, “xong việc” với Mỹ, quay qua giao hảo với Bắc Kinh. 

Hôm 28-7 ông đứng đầu phái đoàn gồm một số lãnh đạo tôn giáo và tổ chức quần chúng đến Thiên Tân gặp ông Vương Nghị, để nhận những lời cam kết: “Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan”, và “Trung Quốc luôn khẳng định không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan”.

Sau những “mỹ từ” giao hảo, ông Vương đi vào trọng tâm, đề cập đến Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) ở Tân Cương mà ông gọi là “tổ chức khủng bố quốc tế”, và khuyến cáo Taliban nên “cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ” với nhóm này để thúc đẩy ổn định khu vực. 

Đây mới là nội dung chính của cuộc gặp: Điều kiện dứt khoát, không thương lượng, là Taliban phải đoạn tuyệt với ETIM.

Đây không phải lần đầu ông Vương đưa ra yêu cầu này. Trước đó nửa tháng, hôm 13-7 cũng chính ông khuyến cáo Taliban nên nhận ra trách nhiệm của lực lượng này với đất nước, đoạn tuyệt với tất cả các lực lượng khủng bố và trở lại dòng chính của chính trường Afghanistan. 

Thế nào là “nhận ra trách nhiệm đối với đất nước”, là “trở lại với dòng chính”? Liệu khuyến cáo này có được phe Taliban hiểu hết khi mà họ đang ngày càng tiến gần thủ đô Kabul?

Tân thiên hạ

Ông Vương đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Tajikistan Sirojiddin Muhriddin ở thủ đô Dushanbe của nước này. 

Lúc đó ông đang đi một vòng ba nước Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan, trước khi dự hội nghị các bộ trưởng ngoại giao của nhóm tiếp xúc SCO - Afghanistan vào ngày 15-7. 

Nhóm này đã được thành lập từ năm 2005 ở cấp đại sứ; đến năm nay nâng lên họp cấp bộ trưởng ngoại giao. Sự nâng cấp này là đương nhiên khi nay Mỹ đã rút ra, chỉ còn lại hai ông lớn là Trung Quốc, Nga và có vẻ cờ đã tới tay Trung Quốc.

Taliban, trong khi đó, đã kiểm soát đến 85% diện tích Afghanistan, và đang làm rã ngũ từng bước quân đội chính phủ. Hồi đầu tháng 7, khi Mỹ đã rút khoảng 90% quân, khoảng 1.000 quân chính phủ đã tháo chạy sang Tajikistan! 

Từ ngày 20-7, các đơn vị thiết giáp Nga tại Tajikistan và Uzbekistan đã được điều động ra biên giới các nước này với Afghanistan để chuẩn bị cho các cuộc tập trận vào đầu tháng 8.

Thông tấn xã TASS cho biết trên đường di chuyển dài 200km, các xe tăng T-72 đã tập bảo vệ đoàn công-voa và đánh trả hỏa lực đối phương. 

Các cuộc tập trận hỗn hợp Nga, Tajik và Uzbek sẽ diễn ra gần biên giới Afghanistan và Tajikistan từ ngày 5 tới 10-8. Song song, từ ngày 30-7 tới 10-8, quân Nga cũng sẽ tập trận với quân Uzbek tại miền nam Uzbekistan với sự tham gia của khoảng 1.500 binh sĩ và 200 xe cơ giới cùng máy bay. 

Chưa hết, quân Nga cũng sẽ tập chống khủng bố với Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan trong cuộc tập trận lớn nhất của SCO mang tên “Sứ mệnh hòa bình 2021”.

Trong khi Nga “dấn thân” quân sự vì nhiều mối lo, Trung Quốc chỉ có mối lo an ninh chính là ETIM sẽ hợp lực với Taliban rồi hè nhau tràn vô Tân Cương. 

Trong chuyến công du vào tháng 7 tại khu vực này trước cuộc họp Nhóm tiếp xúc SCO - Afghanistan, ông Vương Nghị đã kêu gọi tái khởi động các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan nhằm “đạt được hòa giải chính trị”. Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đưa ra các đề xuất tương tự.

Những tuyên ngôn đó cho thấy tất nhiên, vẫn không thể loại bỏ sự tham gia của Mỹ hay Ấn Độ vào quá trình này, song chủ chốt bây giờ là Nga - Trung. Có thể thấy cả Trung Quốc lẫn Nga đều cùng đặt cược vào một phe Taliban “dễ bảo” hơn.

Con ngựa bất kham

Trở lại với chuyến đi Thiên Tân của ông Baradar, liệu đó có phải là chỉ dấu của sự thuận tình từ Taliban? Tờ Bưu Điện Hoa Nam thuật lại rằng người phát ngôn Taliban gọi Trung Quốc là “bạn của Afghanistan” và nói họ sẽ không để bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ báo này tỏ ra dè dặt khi trích lời các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng “lập trường của Taliban nghe có vẻ tích cực, nhưng vấn đề Taliban có thể thực hiện lời hứa này ở mức độ nào là một câu hỏi, vì vậy Trung Quốc nên thận trọng”.

Bên cạnh việc loan tin đón tiếp đoàn Taliban, tờ Bưu Điện Hoa Nam cũng cân bằng với bài phỏng vấn đại sứ Afghanistan tại Bắc Kinh, Javid Ahmad Qaem. 

Ông này nhắc lại rằng Afghanistan quan tâm đến việc trở thành thành viên đầy đủ của SCO và hy vọng Trung Quốc đóng vai trò chủ động hơn trong việc xây dựng niềm tin giữa Afghanistan và Pakistan. Dù gì đi nữa, một nhà nước Afghanistan thế tục vẫn “dễ chịu” hơn là Taliban Hồi giáo cực đoan.

Chỉ có điều trên thực địa, Taliban vẫn không ngừng mở rộng lãnh thổ. Hôm thứ hai đầu tuần, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tiếp tục đổ lỗi cho quyết định rút quân “đột ngột” của Hoa Kỳ khiến an ninh nước này sụp đổ nhanh chóng, và Taliban đã áp sát ba thành phố lớn Herat, Lashkar Gah và Kandahar trong khi chính phủ tiếp tục rút lực lượng để tăng cường phòng thủ cho Kabul.

Các cuộc giao tranh trong những ngày qua đặc biệt dữ dội, theo Fox News. Phe Taliban đã giết hại dân thường ở các khu vực bị chiếm đóng khác nhau của thành phố Kandahar. Tuy nhiên, vào cuối tuần, không quân Mỹ vẫn đã không kích các vị trí được cho là của Taliban...

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc làm gì với Taliban ở Afghanistan vẫn còn quá nhiều dấu hỏi. Liệu Taliban sẽ cộng tác và dễ bảo? Hay họ có thể làm gì ở Afgfhanistan cũng được nếu không thò tay vào Tân Cương? Hay họ sẽ lại “quậy” một khi chắc chân ở Kabul rồi? Một tình cảnh thật déjà vu.■

Danil Bochkov, một chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (IAC), đưa ra một nhận xét khá lạ lùng với những ai không quen thuộc tình hình khu vực này: “Mối quan tâm hàng đầu của Nga hiện nay, bên cạnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan và các hoạt động gây mất ổn định xuyên biên giới, là việc Mỹ có thể chuyển quân sang các nước láng giềng Afghanistan, điều mà Matxcơva cho là “không thể chấp nhận được” và đã đặt vấn đề này lên bàn đàm phán Putin - Biden đầu tiên ở Geneva”.

Ông Bochkov nhắc lại “giới răn” của Nga với mọi “người ngoài”: Bất kỳ hoạt động triển khai quân đội nước ngoài nào ở Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đều phải được thông qua Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể mà ba quốc gia là thành viên. Tổ chức này được thành lập trên cơ sở Hiệp ước An ninh tập thể ký tại Tashkent (Uzbekistan) ngày 15-5-1992 giữa Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Sau đó, vào năm 1993 ký thêm Azerbaijan, Belarus và Gruzia.

Điều quan trọng nhất của hiệp ước là điều 4, theo đó “nếu một trong các quốc gia tham gia bị bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào gây hấn, thì hành động đó sẽ bị coi là gây hấn với tất cả các quốc gia thành viên của hiệp ước”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận