Tế bào gốc và những hi vọng đã gieo

THẠC SĨ PHAN KIM NGỌC 15/03/2010 07:03 GMT+7

TTCT - Ứng dụng đầu tiên về ghép TBG ở Việt Nam được coi là bắt đầu từ Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM.


Phóng to
Một ca ghép tế bào gốc máu ngoại vi điều trị bệnh lý ung thư máu cho bệnh nhi tại Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Những bệnh nhân đầu tiên

Năm 1995, ca ghép tủy xương đầu tiên ở Việt Nam đã được bệnh viện này thực hiện cho bệnh nhân D.L.B. (Đồng Nai) bị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy. Đến nay, sau 15 năm, bệnh nhân này vẫn sống khỏe mạnh, lấy vợ và có hai con.

Năm 2001, bệnh viện đã ghép ca máu cuống rốn (MCR) đầu tiên thành công từ một bé cho người chị của bé bị ung thư máu dòng limphô. Sau ca này, một êkip bác sĩ, kỹ thuật viên được GS Trần Văn Bé (lúc đó là giám đốc Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM) gửi sang Nhật đào tạo và xây dựng quy trình ghép tế bào gốc MCR.

Trong tổng số 87 ca ghép từ đó đến nay mà BV đã thực hiện, 8/9 ca ghép MCR (từ 2001-2009) thành công và một ca thất bại (bệnh nhân tử vong do suy gan cấp nặng). 

Bốn ca ghép sử dụng mẫu MCR của Ngân hàng MCR Nhật tặng (do yêu cầu điều trị cấp bách nhưng không tìm được mẫu MCR phù hợp), năm ca khác lấy mẫu MCR của Ngân hàng MCR TP.HCM.

TS Huỳnh Nghĩa, người tham gia thực hiện nhiều ca ghép ở Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM, cho biết các ca thành công đều mọc mảnh ghép khá ngoạn mục và hồi phục các tế bào. 

Tuy vậy, mảnh ghép sống được bao lâu, thời gian sống và chất lượng sống của bệnh nhân lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó nhóm bệnh lý máu ác tính kéo dài thời gian sống tối đa từ 18-24 tháng. “Bài toán giải quyết bệnh lý ác tính rất khó” - TS Nghĩa nói. Nhóm bệnh lý di truyền (Thalassemia thể nặng) được điều trị bằng phương pháp này có kết quả khả quan hơn, có những trẻ được ghép MCR năm 2002, 2005 nay còn sống.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 8-3-2010, PGS.TS Nguyễn Đình San, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong sáu bệnh nhân tham gia điều trị chống suy tim sau nhồi máu cơ tim bằng TBG, trông rất khỏe mạnh. Cuối tháng 12-2007, ông San bị nhồi máu cơ tim cấp và được các bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia chỉ định đặt stent. Chỉ số tống máu (EF) chỉ đạt 27 khiến các bác sĩ rất e ngại với khả năng tiến triển của bệnh nhân và quyết định điều trị bổ sung bằng... tiêm TBG.

TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Tim mạch quốc gia), người chủ trì dự án điều trị này, cho hay phương pháp điều trị cho bệnh nhân San là lấy 200ml tủy, nhờ tách chiết tại Bệnh viện 108 được 10ml TBG rồi đem tiêm vào động mạch vành. Hơn hai năm sau điều trị, “một tuần tôi dạy từ 8-12 tiết, tham gia hướng dẫn làm luận văn, dạy kèm con cháu luyện thi ĐH... bình thường” - PGS San cho hay.

Ông San là bệnh nhân có kết quả điều trị tốt nhất trong số sáu bệnh nhân được tiêm TBG điều trị chống suy tim sau nhồi máu cơ tim, được đặt stent mà chức năng cơ tim vẫn rất tồi. Theo TS Hùng, không chỉ ông San mà sau một năm điều trị, cả sáu bệnh nhân đều có kết quả điều trị cải thiện rõ ràng hơn so với nhóm sáu bệnh nhân khác cũng bị nhồi máu cơ tim mà không điều trị bằng tiêm TBG. Tuy vậy, TS Hùng cũng lưu ý con số sáu bệnh nhân chưa có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng, thành công này mới chỉ là ban đầu.

 “Phải khẳng định là TBG nói chung, TBG MCR nói riêng không phải là “thần thánh”. Đến nay chưa có nghiên cứu nào và chưa có ai khẳng định TBG chữa được tất cả các loại bệnh. Có thể mất vài chục năm nữa, thậm chí hàng trăm năm sau mới có thể khẳng định TBG chữa được bệnh đến đâu, ở mức độ nào

Thao tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tế bào gốc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Và những nhóm nghiên cứu đầu tiên

Ở tuổi 75, GS Trần Văn Bé - hiện là chủ tịch Hội Truyền máu - huyết học Việt Nam, chủ nhiệm bộ môn huyết học ĐH y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - vẫn rất sôi nổi khi nói về nghiên cứu TBG. Là giám đốc Trung tâm Truyền máu và huyết học TP.HCM từ năm 1975 (nay là Bệnh viện Truyền máu và huyết học), ông là chủ nhiệm nhiều đề tài về huyết học, truyền máu, ghép TBG tạo máu (ghép tủy, ghép TBG máu ngoại vi, ghép MCR...). 

Từ băn khoăn đầu tiên về việc có thể sử dụng tế bào MCR của sản phụ để ghép hay không, một đề tài nghiên cứu được triển khai từ năm 1997-2000 đã mang lại câu trả lời: có. Những nghiên cứu hiện nay tại Bệnh viện Truyền máu và huyết học đã bắt đầu từ câu trả lời này.

Dù đã nghỉ hưu, GS Trần Văn Bé vẫn cùng các cộng sự tìm câu trả lời cho một vấn đề hóc búa khác: làm cách nào để nhân số lượng tế bào gốc MCR lên, vì số lượng lấy được hiện nay trên mỗi mẫu máu chỉ ghép được cho người dưới 50kg. 
“Có nước đã tận dụng bằng cách lấy 2, 3 mẫu MCR có cùng một loại HLA (yếu tố hòa hợp tổ chức) để ghép cho một người. Trong khi chưa tìm ra nhiều người có cùng HLA, chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu nhân lên, nhưng lo nhất là nhiễm trùng tiềm ẩn, có thể gây biến dị di truyền về sau” - ông nói.

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - nay là giám đốc Bệnh viện Truyền máu và huyết học, hiệu trưởng Trường ĐH y Phạm Ngọc Thạch - cũng đã tham gia thực hiện những ca ghép TBG đầu tiên cùng GS Bé. 

Mới đây, Ngân hàng MCR đã đi vào hoạt động tại Bệnh viện Truyền máu và huyết học, có khả năng lưu trữ trên 10.000 mẫu MCR và hiện đang lưu trữ MCR của những bà mẹ tự nguyện hiến để ghép cho cộng đồng.

“Chúng tôi đã có đủ điều kiện từ thiết bị đến con người để làm một labo tham chiếu (chuẩn mực) về huyết học và miễn dịch trong ghép” - ông Bỉnh cho biết. Cùng GS Bé, nhóm của ông đang tập trung nghiên cứu biệt hóa tế bào gốc MCR thành các tế bào, cơ quan tổ chức khác như da, sụn, mô xương, mô cơ tim, tế bào tuyến tụy...

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc - trưởng phòng thí nghiệm TBG ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết nhóm của ông bắt đầu nghiên cứu TBG từ năm 1999 chỉ với vài người. Nay họ đã thành một nhóm gần 60 người. “Chúng tôi chưa có nghiên cứu riêng gì mới, tất cả còn đang học những quy trình mà thế giới đã làm và xem mình có thực hiện được hay không” - ông Ngọc nói.

Năm 2002, nhóm của ông Ngọc loan báo lấy được TBG từ tủy xương chuột bạch, và năm 2003 lấy được TBG từ các mô da của phụ nữ. “Từ TBG phôi chuột, chúng tôi đã biệt hóa được tế bào cơ tim, tế bào giống tế bào thần kinh, tế bào cơ, xương, mỡ, tế bào tiết insulin. 

Từ TBG MCR, đã biệt hóa được tế bào giống tế bào xương và tế bào giống tế bào mỡ” - ông Ngọc khẳng định. Đến nay, phòng thí nghiệm này được biết đến nhiều hơn qua những nghiên cứu như tạo cá ngựa vằn phát sáng bằng công nghệ chuyển gen, tạo ra tinh trùng chuột từ tế bào mầm sinh dục, tạo ra bò con từ tế bào trứng đông lạnh...

PGS.TS Trần Công Toại, phó trưởng bộ môn mô - phôi - di truyền học ĐH y Phạm Ngọc Thạch, cho biết ông bắt đầu nghiên cứu phương pháp thu nhận, phân lập và biệt hóa những TBG từ MCR thành nguyên bào xương, tế bào sừng để ứng dụng trong công nghệ mô ghép xương, ghép thay da (nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Cell and Tissue Banking ngày 30-6-2009). 

Một nghiên cứu khác của ông về biệt hóa TBG rìa giác mạc và TBG niêm mạc má, nuôi cấy thành những tấm biểu mô của giác mạc đã được thử nghiệm ở Bệnh viện Mắt TP.HCM để điều trị cho khoảng 30 ca mắc hội chứng Steven Johnson, mộng thịt... “Những nghiên cứu này vẫn đang được thực hiện và theo dõi, sắp tới sẽ có tổng kết, đánh giá cụ thể” - ông Toại cho biết.

PGS Trần Công Toại cũng đang cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy nghiên cứu về cấy tế bào sừng ứng dụng điều trị ghép da cho người bệnh bị mất da do tai nạn, phỏng... 

Mười ca đầu tiên đã được ghép tự thân bằng cách lấy TBG từ một mẩu da nhỏ của bệnh nhân chiết tách và nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt khoảng 3-4 tuần, từ 1cm2 da sẽ phát triển thành 50cm2. “Chúng tôi mới thực hiện những nghiên cứu cơ bản ban đầu và chứng minh được là Việt Nam có thể nghiên cứu, nuôi cấy, biệt hóa TBG và bước đầu ứng dụng vào lâm sàng” - ông Toại nói.

Gần đây, một chuyên gia Việt Nam hiện đang làm việc tại Singapore, PGS.TS Phan Toàn Thắng đã mang về Việt Nam công nghệ “Phân lập và tách chiết TBG từ màng dây rốn”. Mua lại công nghệ này, Công ty dược Mekophar đã xây dựng nên Ngân hàng TBG (MekoStem).

 Việt Nam hiện có hàng chục đơn vị với nhiều nhà khoa học chuyên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ TBG ở người và động vật như Viện Bỏng quốc gia, Học viện Quân y, ĐH y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm Khoa học và công nghệ quốc gia, Mekophar, Bệnh viện Mắt TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM, Viện Truyền máu và huyết học trung ương, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Quân Y viện 103...

“Bảo hiểm sinh học”

Tuy đã có những thành quả đầu tiên, “thế giới vẫn đang dừng lại trước câu hỏi: công nghệ này tốt nhất cho bệnh gì, chủng loại TBG, số lượng bao nhiêu, đường tiếp cận bệnh nhân như thế nào là tốt nhất?”- TS Phạm Mạnh Hùng băn khoăn. 

Trong năm 2010, Viện Tim mạch quốc gia sẽ tìm các nguồn kinh phí với hi vọng mở rộng đề tài điều trị chống suy tim sau nhồi máu cơ tim cho khoảng 30 bệnh nhân để có thể có kết luận sơ bộ về hiệu quả áp dụng kỹ thuật này.

TS Hùng cũng cho rằng với một số chứng bệnh tim mạch khác như căn bệnh tắc nghẽn mãn tính động mạch ngoại vi, việc áp dụng công nghệ TBG vẫn còn mờ mịt, chưa thể ứng dụng được.

“Về nguyên tắc, chỉ 5-6% TBG được tiêm vào chỗ cần điều trị, số còn lại sẽ theo máu tỏa đi khắp nơi và nếu đến chỗ không cần thiết, nó sẽ tự thoái hóa. Có những ý kiến cho rằng TBG đi lung tung có thể có nguy cơ xấu. Điều này chưa ai kiểm chứng được” - TS Hùng nói.

Ở MekoStem, tuy quảng bá rất nhiều cho những ứng dụng tương lai của TBG song lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận việc thiếu vắng các công trình áp dụng TBG vào điều trị trên lâm sàng sẽ khiến sự ra đời của MekoStem là “không trọn vẹn”. 

Đề tài cấp nhà nước (ĐTĐL 2007/03) về “Nghiên cứu xây dựng ngân hàng TBG dây rốn khu vực miền Nam và ứng dụng điều trị bệnh ở người” mà Mekophar chủ trì (MekoStem là thành quả đầu tiên) hiện cũng phải xin hoãn thời gian bảo vệ do “kẹt ở phần điều trị” - dược sĩ Đặng Thị Kim Lan, giám đốc MekoStem, cho biết.

Như vậy, khi lưu trữ mẫu TBG trong ngân hàng này, khách hàng thực chất đã ký một dạng “bảo hiểm sinh học” mà khả năng ứng dụng của nó hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực điều trị lâm sàng của các bệnh viện tại Việt Nam trong tương lai. 

Đến nay, chưa có bất cứ mẫu tế bào nào được lấy ra từ MekoStem để phục vụ cho việc điều trị và những ca thử nghiệm đầu tiên mới được dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2010. MekoStem cũng cho biết họ mới chỉ có một đề tài nhánh phối hợp với Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM để áp dụng điều trị bằng TBG.

Trong khi đó, PGS.TS Phan Toàn Thắng cho biết ông sẽ có nhiều hợp tác với các bệnh viện trong nước như Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Bỏng quốc gia, ĐH Y dược TP.HCM. “Một số kỹ thuật mới như ghép giác mạc mắt, xương sụn từ công nghệ TBG có cơ hội tương đối rõ ràng, chỉ chờ kỹ thuật hoàn chỉnh. Các ứng dụng khác như điều trị bệnh tim mạch, thần kinh, đái tháo đường thì chưa hoàn chỉnh, cần có thêm nhiều thời gian” - ông nói. 

Tuy vậy, theo ông, nên coi kỹ thuật này như một phương pháp điều trị có thể tốt hơn các phương pháp khác ở một số lĩnh vực, như làm liền vết loét lâu ngày. “Không phải cứ tiêm TBG là khỏi bệnh như trong nhiều quảng cáo”.

Nguồn của tế bào gốc

* Phân lập trực tiếp từ khối nội bào của phôi ở giai đoạn túi phôi. Nghiên cứu TBG phôi chuột tiến hành 20 năm trước song nghiên cứu các TBG phôi con người chỉ mới khởi đầu từ năm 1998, qua phát hiện của hai nhóm nghiên cứu bên Mỹ.

* Phân lập được TBG đa năng từ mô của bào thai trong những phụ nữ mang thai có chỉ định đình chỉ thai nghén.

* Phân lập được TBG đa năng là chuyển nhân của tế bào cơ thể (SCNT). Con cừu nổi tiếng Dolly được sản sinh bằng phương pháp này.

* Các TBG bội năng chiết xuất từ máu dây rốn (unbilical cord blood) của trẻ lúc mới sinh.

* TBG bội năng chiết xuất từ trẻ em và người lớn song không hiện diện ở tất cả các loại mô trong cơ thể ở người lớn. Nghiên cứu thực nghiệm trên người còn hạn chế


Phóng to

Lịch sử nghiên cứu tế bào gốc

* Năm 1963: Hai nhà nghiên cứu Canada Ernest McCulloch và James Till lầnđầu tiên chứng minh sự tồn tại của tế bào gốc trong máu.

* Năm 1998: James Thomson lần đầu tiên cô lập được tế bào gốc từ phôi người tại phòng thí nghiệm của Đại học Wisconsin (Hoa Kỳ). Giới chuyên môn bắt đầu hình dung việc thay thế tế bào hỏng hoặc bị tàn phá do bệnh bằng tế bào khỏe mới.

* Năm 2004: Nhà nghiên cứu Hàn Quốc Hwang Woo Suk cho biết ông tìm được cách sản sinh tế bào gốc từ phôi người đầu tiên, lấy từ tế bào gốc của người bệnh bằng phương pháp cloning. Hai năm sau, Hwang thú nhận đã ngụy tạo kết quả nghiên cứu.

* Giải thưởng Nobel năm 2007 được trao cho ba nhà khoa học: Mario Capecchi, Martin Evans và Oliver Smithies, những người có liên quan mật thiết với lĩnh vực tế bào gốc.

* Tháng 3-2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho phép đầu tư quỹ liên bang vào các hoạt động nghiên cứu tế bào gốc, trái ngược với chính sách hạn chế của cựu tổng thống George Bush.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận