TTCT - Vốn đã tồn tại chật vật trong một thị trường mỹ phẩm cạnh tranh khốc liệt dù có không ít lợi thế và tiềm năng, mỹ phẩm Việt Nam lại đối diện nhiều thử thách mới. Các tiêu chuẩn, quy định mới về sản xuất mỹ phẩm (áp dụng từ ngày 1-4-2011) sẽ là cơ hội để những giá trị riêng của mỹ phẩm Việt tỏa sáng hay sẽ “xóa sổ” nó?

Gian hàng mỹ phẩm tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Có đến bảy năm chuẩn bị sau khi VN tham gia Hiệp định hệ thống hòa hợp của các nước ASEAN trong quản lý mỹ phẩm (năm 2003), từ 1-4-2011, các doanh nghiệp mỹ phẩm VN sẽ phải triển khai áp dụng và đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Good Manufacturing Practice - GMP). Mỹ phẩm Việt đang đứng trước những lựa chọn sống còn…

“Hiếm” mà lại “không quý”

Chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) có hơn chục sạp kinh doanh hóa mỹ phẩm, sạp nào cũng đầy ắp chủng loại mỹ phẩm, từ phấn nền, kem dưỡng da đến sữa rửa mặt, kem chăm sóc da, sữa tắm…  song phần lớn là hàng ngoại. 

Kinh doanh mỹ phẩm hơn 20 năm, bà Linh - một tiểu thương ở đây - cho biết sạp chỉ bán khoảng năm sản phẩm của các thương hiệu trong nước, khoảng 50% là sản phẩm của công ty liên doanh, còn lại là hàng xách tay hoặc hàng nhập khẩu. 

Chủ cửa hàng Mỹ Uyên (chợ Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mỹ phẩm rất đa dạng, riêng sữa tắm có hơn 50 loại khác nhau, nhưng hàng trong nước bán chạy tại đây chỉ có kem nghệ Thorakao hộp 7g, nước rửa mặt có hạt (scrub) nghệ, kem lột mụn và nước hoa hồng Lana. 

Ở kênh phân phối siêu thị, mỹ phẩm nội hiện diện phong phú hơn. Nhưng trên hai hàng kệ trong gian hàng mỹ phẩm siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), những nhãn hàng “made in VN” nằm khiêm tốn ở một góc riêng, chiếm chưa đến 1/4 diện tích kệ.

Nhân viên tiếp thị ở đây cho biết chỉ có chừng chục nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước chen chân được vào đây, chủ yếu là các thương hiệu Thorakao, Lana, E100, sữa tắm Fion của Công ty Dương Thành, sữa Rojzy Jiali của Công ty Tân Minh Phong…

Ở Hà Nội, mỹ phẩm nội hầu như…vắng bóng. Cửa hàng mỹ phẩm LT nằm trên phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) khá nổi tiếng vì hàng hóa phong phú, giá cả mềm hơn so với mặt bằng giá bán lẻ. Nhưng tìm khắp cửa hàng, trừ một số loại dầu gội, kem đánh răng, Vaseline, nước rửa tay… do các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại VN, không thể tìm ra một loại mỹ phẩm 100% trong nước.

Ghé một cửa hàng dược phẩm trên phố Thụy Khuê, chúng tôi hỏi mua loại dầu gội, sữa tắm Thái Dương do Công ty Thái Dương sản xuất - vốn đang được quảng cáo rất đều mỗi sáng trên tivi. Cô bán hàng lôi từ ngăn cuối cùng của kệ đựng hàng ra hai chai dầu gội, một loại hương hoa, một loại hương lá hơi hăng hắc với giá 32.000đ/chai giới thiệu. Vỏ chai nhựa đơn giản màu xanh và đỏ, chữ in trên nhãn không sắc nét khiến tôi ngần ngại dù người bán hàng cam kết đây là loại dầu gội thảo dược, giúp tóc đen mượt, sạch gàu…

Có đặt mỹ phẩm Việt bên cạnh hằng hà sa số các dòng mỹ phẩm nhập ngoại mới hiểu vì sao nhiều khách hàng chọn hàng ngoại. Là sản phẩm để làm đẹp, nhưng mẫu mã nhiều nhãn mỹ phẩm nội vẫn rất đơn điệu, thậm chí có thể nói là xấu. 

Nguồn lực nhỏ khiến doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nội khó đầu tư tốt cho chiến lược quảng cáo, do vậy dù có không ít dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên với chất lượng rất tốt, nhưng hầu hết mỹ phẩm Việt vẫn chỉ âm thầm hi vọng “hữu xạ tự nhiên hương”.

Nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long kể công việc ca hát đòi hỏi anh phải trang điểm hằng ngày, dùng bao nhiêu mỹ phẩm ngoại nổi tiếng mà da mặt vẫn bị tổn thương. Sau một lần được bạn bè giới thiệu kem nghệ Thorakao, Kim Tử Long mạnh dạn xài, kết quả làn da khả quan hơn rất nhiều.

Thế nhưng ngại tiếng tài tử cải lương nổi tiếng lại đi xài hàng nội (?!), anh đã giấu “bí kíp” này. “Nhưng rồi nhận ra hàng Việt tốt như vậy tại sao không giới thiệu với đồng nghiệp, bạn bè? Thay đổi suy nghĩ này không hề dễ dàng” - Kim Tử Long chia sẻ.

Người dân vùng biên huyện Tân Châu, Tây Ninh chọn mua mỹ phẩm thương hiệu Việt. Theo các doanh nghiệp, nông thôn là thị trường tương lai của ngành hàng này - Ảnh: Như Bình

Nỗ lực để phát triểnNhững nhãn hàng như Xmen, Dr.Men, Hattrick, Teen X... hay L’Ovite Paris, Q’Girl New York (Công ty ICP), Daily Care (Công ty Nhật Vy), Essy (Mỹ phẩm Sài Gòn) đã thành công với cái tên rất “Tây” dù 100% là do các công ty VN sản xuất.Không có công nghệ cao, nguồn vốn lớn, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp… ngành mỹ phẩm trong nước đã phải chật vật vào thị trường bằng những cái tên “ngoại” nhằm đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng.

Lý giải điều này, giám đốc một công ty mỹ phẩm cho biết doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm VN “chỉ có lợi thế về giá rẻ và linh hoạt trong sản xuất”, trong khi số đông người tiêu dùng lại chuộng hàng ngoại, chưa kể những định kiến rằng “hàng Việt là hàng cấp thấp, chất lượng không ổn định”. 

Sử dụng một cái tên ngoại hay na ná tiếng nước ngoài trong nhiều năm qua là một cách mà nhiều doanh nghiệp đã chọn để xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bao gồm cả kế hoạch xuất khẩu.

Khảo sát một số sản phẩm mỹ phẩm sản xuất sau tháng 4-2011 tại các chợ và siêu thị, trong đó nhiều loại ghi rõ sản xuất sau thời điểm 1-4-2011 song chúng tôi vẫn thấy trên nhãn hàng chỉ ghi chung chung “sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định”, kỹ hơn thì có thêm thông tin “số hiệu công bố chất lượng sản phẩm…”, chưa hề thấy thông tin về GMP.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - giám đốc điều hành kinh doanh Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), việc xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn GMP đòi hỏi cả thời gian, tài chính và nhân sự.

“Chúng tôi đã hoàn tất quy trình và nhà máy sản xuất đang áp dụng tiêu chuẩn GMP, nhưng vẫn đang đợi cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Chỉ khi có được chứng nhận này chúng tôi mới có thể đưa thông tin GMP lên nhãn sản phẩm” - đại diện SCC cho hay.

Chờ được chứng nhận GMP mất không ít thời gian, trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự hiểu rõ GMP là gì, muốn có GMP phải bắt đầu từ đâu.

Ông Huỳnh Kiến Nam - giám đốc Công ty TNHH mỹ phẩm Gia Đình (thương hiệu Familiar) - cho biết số doanh nghiệp đủ khả năng tài chính để thực hiện được GMP chỉ đếm trên đầu ngón tay vì chi phí cao, có thể lên đến hàng tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ vài trăm triệu đồng, phần lớn vẫn sản xuất theo mô hình gia đình, tận dụng mặt bằng tại chỗ và nguồn lực “người nhà”, nhân viên không có bằng cấp.

Một số doanh nghiệp khác lại sử dụng “bí quyết gia truyền” với nguyên liệu thiên nhiên mua từ đủ nguồn nên không thể kiểm soát nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc hay có hồ sơ theo dõi, kiểm soát chất lượng - những tiêu chí quan trọng mà GMP đòi hỏi.

Bà Trần Bạch Mai, giám đốc Công ty TNHH Dương Thành sản xuất sữa tắm Fion, cho hay cách đây hơn một năm, để nâng cấp nhà máy bà Mai đi tìm nhà tư vấn thực hiện GMP. Chi phí tư vấn ban đầu đã ngốn của công ty hơn 4.500 USD, nhưng khó khăn về thời gian khiến ban giám đốc không thể tham gia hết các lớp đào tạo, những đòi hỏi khắt khe về công nghệ, nguồn nhân lực… đã khiến họ bỏ cuộc.

Trong những mảnh văn hóa cung đình Huế còn lại có cả một dòng mỹ phẩm truyền thống với những “tuyệt chiêu” về tuyển lựa nguyên liệu, chế biến và sử dụng trong trang điểm…

 “Năm 2009, doanh thu của nhóm mỹ phẩm cao cấp tại thị trường VN đạt hơn 556 tỉ đồng, nhóm sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cơ thể đạt hơn 10.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, hơn 90% thị phần mỹ phẩm và chăm sóc làm đẹp tại VN rơi vào tay các công ty đa quốc gia, thương hiệu quốc tế. Đứng đầu về giá trị bán lẻ là Tập đoàn Unilever, chiếm 31,8% thị phần cả nước. Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn chỉ chiếm 0,6%”.

Phơi khô phấn nụ tại cơ sở Bà Tùng, TP Huế - Ảnh: Thuận Thắng

Những “tuyệt chiêu” ấy chúng tôi nghe từ một cung nữ, bà Lê Thị Dinh, thường được gọi là cô Dinh - nay đã ngoài 90 tuổi - đang sống cùng con cháu trong phủ Kiên Thái Vương cạnh cung An Định, đường Phan Đình Phùng (TP Huế). Cô Dinh vốn là cháu ngoại của Kiên quận công (anh ruột vua Hàm Nghi), năm 7 tuổi được tuyển làm cung nữ hầu bà Thánh cung (mẹ vua Khải Định).

Phấn nụ từ cung cấm...

Cụ bà ngoài 90 tuổi này còn nhớ rất rõ những cách thức chế biến mỹ phẩm trong cung cấm triều Nguyễn ngày xưa. Theo lời bà, người trong cung dưỡng da bằng phấn nụ, loại phấn được làm từ cao lanh (còn gọi là bạch đôn tử) loại thượng thặng nhập. Cao lanh nguyên chất này có màu phớt hồng, nướng chín trên lửa than không khói thành màu trắng.

Người ta nạo cao lanh thành bột hòa với nước mưa trong theo công thức một phần bột năm phần nước, khuấy kỹ, để bột lắng xuống, gạn bỏ nước, tiếp tục hòa với nước mưa và gạn lọc như vậy 14-15 lần qua mấy lần vải sa nõn, cuối cùng mới lấy thìa múc thứ bột sền sệt ấy đổ lên lớp vải hoặc giấy thấm theo hình xoắn ốc như nụ hoa (nên gọi là phấn nụ), đem phơi chỗ thoáng mát. Muốn làm phấn nụ hồng thì lấy phẩm màu cánh sen (từ một số loại cỏ họa hoặc bột lá móng) cho vào lần khuấy phấn cuối cùng.

... Ra chợ bình dân

Những “tuyệt chiêu” cho nhan sắc ấy của người xưa nay được giữ ở chừng chục cơ sở làm phấn nụ ở Huế, tiếp nối làm ra một mặt hàng gần như độc quyền của đất cố đô. Cơ sở Bà Tùng trên đường Tô Hiến Thành là một trong những hiệu phấn nụ không chỉ nức tiếng ở Huế mà còn ở nhiều nơi trong nước, thậm chí cả ở nước ngoài.

Cô Lê Thùy Nhi - người được truyền nghề trực tiếp của cơ sở Bà Tùng - kể nghề phấn nụ gia truyền được truyền từ bà cố ngoại cô - bà Trần Thị Thiện - một cung nữ được giao phụ trách việc làm phấn nụ trong cung triều Nguyễn. Sau khi triều Nguyễn suy tàn, bà về lập gia đình, sản xuất phấn nụ tại gia để bán và từng bước truyền nghề cho con gái Trần Thị Thiểu.

Bà Tùng (gọi theo tên chồng - tên thật là Trần Thị Hiếu) là thế hệ thứ ba được truyền các bí quyết nghề đã lập nên cơ sở phấn nụ mang tên bà từ mấy mươi năm trước. Một thời gian sau, bà Tùng sang Hoa Kỳ sinh sống, nghề làm phấn nụ được truyền lại em gái út Trần Thị Ái Thu. Lê Thùy Nhi trở thành người nữ thế hệ thứ tư được truyền nghề dù năm nay cô chỉ vừa sang tuổi 25.

Trước làn sóng của mỹ phẩm hiện đại, từ một vài loại phấn nụ dưỡng da và làm đẹp ban đầu, cơ sở này đã phải tìm nhiều cách để cải tiến kỹ thuật, thêm bớt các thành phần và đổi mới mẫu mã để cho ra các sản phẩm mới. Có đủ loại từ phấn ngừa mụn, chống lão hóa da đến phấn dành cho trẻ em... mỗi loại được làm từ thứ dược liệu khác nhau, đến nay có đến 22 loại sản phẩm phấn nụ, 4 loại phấn nước nằm trong 11 bộ sản phẩm khác nhau. Nhiều nơi trong cả nước đã đăng ký làm đại lý phấn nụ cho cơ sở này, từ TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu sang tận California (Hoa Kỳ).

Việc làm phấn nụ chủ yếu chỉ thực hiện được trong mùa nắng. “Nguồn cao lanh nguyên chất hiện rất khan hiếm, tất cả các công đoạn sản xuất phải được tuân thủ mất rất nhiều thời gian mà thời tiết của Huế thì rất “đỏng đảnh”. Số lượng sản phẩm hạn chế nên phương án mở rộng quy mô sản xuất vẫn còn bỏ ngỏ” - cô Thùy Nhi cho biết.

Xà bông Cô Ba - sản phẩm được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Xà bông Cô Ba xưa và nay

Một lần tình cờ vô siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm (TP.HCM), chúng tôi rất bất ngờ khi nhận ra hộp xà bông Cô Ba trưng trên kệ, bên cạnh những sản phẩm nổi tiếng nhập ngoại như Lux, Camay, Enchanteur… Cầm lên một hộp, chùng lòng khi thấy hương thơm chân chất ngọt ngào của nó vẫn y như mấy chục năm về trước.

Tưởng đã mất hẳn, hóa ra giờ người ta vẫn còn làm xà bông Cô Ba. Lần theo địa chỉ ghi trên nhãn hộp, tôi tìm đến số 40 Kim Biên, quận 5 (TP.HCM), dãy nhà lớn bên hông chợ Kim Biên ngày nay. Mặt trước dãy nhà vẫn còn nguyên logo nổi hình người phụ nữ đầu búi tóc, vẻ mặt dịu dàng thanh thoát, chính là Cô Ba - biểu tượng của người phụ nữ Nam bộ một thời. Chỉ có điều phía dưới logo trước kia có hàng chữ “Công ty Trương Văn Bền và các con”, nay lại thấy ghi là “Công ty Phương Đông”.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, phó giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông, xác nhận: “Cơ sở này trước kia chính là của ông Trương Văn Bền, chuyên sản xuất xà bông cục 72% (dầu dừa) mang nhãn hiệu “xà bông Việt Nam” mà sản phẩm độc đáo nhất chính là cục xà bông thơm mang nhãn hiệu “xà bông Cô Ba” nức tiếng một thời.

Năm 1977, người con út của ông là Trương Khắc Cẩn vẫn còn làm phó giám đốc, năm 1995 được cổ phần hóa do Nhà nước quản lý. Công ty vẫn tiếp tục làm xà bông Cô Ba bởi nhiều người lớn tuổi vẫn còn ưa dùng, trên hết là để bảo tồn một thương hiệu truyền thống đã khắc sâu lòng người hơn 80 năm qua”.

Công thức sản xuất xà bông của ông Bền khi đó chỉ là “dầu dừa, xút kết hợp vài phụ gia khác ”. Năm 1930, ông thành lập hãng và cho ra đời sản phẩm “xà bông Việt Nam” 72% dầu, loại xà bông cục (còn gọi xà bông đá) dùng để giặt quần áo, rửa chén và cả tắm rửa cho người bình dân.

Ông Hồ Vĩnh Sang - chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre - bảo: “Dân Bến Tre đã làm dầu dừa bán cho Hoa kiều từ những năm đầu thế kỷ 20, bán cả cho ông Trương Văn Bền theo hai dạng: cơm dừa và dầu dừa thô. Rồi chủ hãng mới chế thành dầu ăn, xà bông… Tôi nhớ lúc đầu có xà bông đá giặt còn nghe mùi dầu dừa. Sau ra loại xà bông thơm Cô Ba thì ai cũng chịu bởi nó thơm lâu. Dân miền Nam mình hồi đó toàn xài xà bông Cô Ba chớ đâu có hàng ngoại nhập gì vô được”.

Tới giờ, vẫn chưa ai biết ông Bền có bí quyết nào chế ra được loại xà bông có mùi thơm vừa chân chất, gần gũi lại vừa kiêu sa, đài các mang tên “Cô Ba” ấy. Bánh xà bông nhỏ mịn màng ấy chẳng những đánh bật được những loại xà bông ngoại lúc bấy giờ mà còn được xuất ra nước ngoài rất nhiều. Ông Trương Văn Bền viết trong hồi ký của mình về việc khuếch trương sản phẩm xà bông như vầy: “…Tôi huy động một tốp người cứ lần lượt hằng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không...

Trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều. Thế rồi chủ tiệm cũng phải để ý, lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông Việt Nam, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu xà bông Việt Nam. Nói tóm lại, tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm…”.

Ngay cái tên xà bông “Cô Ba” cũng tốn bao giấy mực của văn nhân, để lại bao phỏng đoán, tranh luận cho hậu thế về thân thế người con gái đẹp được in hình trên nhãn hiệu. Rằng “Cô Ba” là vợ ông Bền, ông thương vợ lắm nên in hình bà vô sản phẩm. Nhà thơ Lê Minh Quốc trong bộ sách Những người Việt Nam đi tiên phong cũng viết: “… với mục tiêu phục vụ đại chúng, ông Trương Văn Bền đưa ra sản phẩm lấy tên Cô Ba, lý do thứ nhất là vợ ông được mọi người quen gọi cô Ba…”.

Nhưng học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa lại nói rằng “Cô Ba” chính là cô Ba hoa khôi Nam kỳ lúc bấy giờ: “…cô Ba con thầy Thông Chánh là đẹp không ai bì. Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt mà thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây Thép (bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép làm mẫu rao hàng: xà bông Cô Ba”.

Hương thơm danh tiếng ấy có cách nào để tỏa đi xa hơn nữa không?

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang - Ảnh: Lan Anh

“Tiềm năng của mỹ phẩm nội địa là rất lớn nhưng rất yếu về khả năng cạnh tranh” - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trao đổi với TTCT về việc cần có những chính sách nâng đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Việt.

* Từ 2008 đã có quy định doanh nghiệp đạt GMP mới được sản xuất mỹ phẩm, nhưng nay vẫn thấy mỹ phẩm nội chưa có nhiều đầu ra, đầu tư cho GMP liệu có quá sức, thưa ông?

- Hiện phần lớn các đơn vị sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trừ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm chủ yếu đặt tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Tuy nhiên, trừ các công ty đa quốc gia đầu tư sản xuất tại Việt Nam, số doanh nghiệp mỹ phẩm nội đạt GMP mới đếm trên đầu ngón tay. Họ cho rằng đầu tư lớn mà bán hàng thì khó, nhưng thật ra nếu không đầu tư sẽ khó cạnh tranh, đó là một vòng luẩn quẩn.

* Theo ông, vì sao mỹ phẩm Việt Nam chưa phát triển trong khi ta có nhiều loại thảo dược rất tốt để sản xuất mỹ phẩm?

- Tôi cho rằng cũng như nhiều ngành hàng khác, một trong những điểm yếu của ngành hàng mỹ phẩm là công tác quảng bá thương hiệu chưa được chú trọng. Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm của Việt Nam chỉ chú trọng sản xuất, chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp và chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, không tạo được thói quen thị hiếu mà ta thường thấy ở các hãng mỹ phẩm đa quốc gia.

Nguyên nhân thứ hai là các công ty sản xuất kinh doanh mỹ phẩm chưa thật sự xây dựng một cơ chế liên kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu phát triển, sản xuất đến quảng bá thương hiệu, xây dựng mạng lưới theo mô hình chuỗi phân phối để tạo sức mạnh tổng thể về việc tập trung nguồn lực trong nước (như việc xây dựng theo mô hình tập đoàn). Ngược lại, các doanh nghiệp có xu thế phát triển nhỏ lẻ, tự phát và tạo ra một thế cạnh tranh cục bộ với nhau, điều này thật sự làm suy yếu nội lực của chính mình.

 “Phát triển sản xuất mỹ phẩm ở Việt Nam còn manh mún, tự phát, không liên kết. Thử nhìn vào một sản phẩm như dầu gội đầu nội địa đã thấy rất nhiều loại sản phẩm của các hộ sản xuất cá thể, tổ hợp cạnh tranh lẫn nhau, trong khi lẽ ra phải liên kết thành tập đoàn lớn mới phát triển được. Thị trường phân khúc tương đối rõ ràng, tôi cho rằng mỹ phẩm trong nước nên hướng đến phục vụ thị trường nông thôn là chính vì sản phẩm trong nước có chất lượng tốt, giá cả lại phải chăng”.

(Đánh giá thị trường mỹ phẩm và chăm sóc làm đẹp VN của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor)

* Theo ông, thế mạnh của mỹ phẩm nội và doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nội là gì?

- So với các nước trong khu vực, mỹ phẩm của Việt Nam không thua kém về chất lượng. Từ ngày 1-1-2008, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ hiệp định mỹ phẩm ASEAN, cách thức quản lý mỹ phẩm được thực hiện thống nhất ở tất cả các nước thành viên. Hiện các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần là thảo dược, chất lượng tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mỹ phẩm nội có lợi thế lớn là giá thành thấp (mỹ phẩm nhập ngoại chịu mức thuế suất khá cao). Đối với nhóm hàng mỹ phẩm sản xuất từ thảo mộc, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam còn cao hơn do nguồn nguyên liệu thảo mộc có sẵn trong nước, chi phí nhân công rẻ, giúp hạ giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp trong nước hiểu tâm lý và thị hiếu của người Việt hơn người nước ngoài.

Với những thế mạnh đó, tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, mỹ phẩm Việt sẽ tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

* Theo ông, để hỗ trợ phát triển ngành hàng này cần làm thêm những gì?

- Nếu nhìn vào thị trường còn rất lớn cho mỹ phẩm nội địa (60-70% dân số đang sống ở nông thôn chính là nguồn khách hàng tiềm năng) thì thấy chúng ta cần có thêm chính sách cho doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nội vay vốn, đầu tư cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Điều này sẽ một mặt đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thu hút không chỉ khách hàng có thu nhập thấp mà cả nhóm trung lưu.

Doanh nghiệp cũng phải dám cọ xát, nhanh nhạy hơn trong phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, phải làm mạnh mẽ hơn việc thu hồi ngay các sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận