Thăm đồng, thăm chợ gạo Philippines

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 30/04/2012 20:04 GMT+7

TTCT - Nếu đúng là năm 2013 Philippines sẽ ngừng nhập khẩu gạo từ VN như thông báo của nước này cách đây hai năm thì kế hoạch nhập khẩu năm 2012 của họ thế nào, VN ứng phó ra sao?

Có phải là VN không chịu ảnh hưởng gì vì đã có kế hoạch như lời một quan chức Bộ Công thương tuyên bố gần đây?

Phóng to

Trong lúc bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long không bán được lúa thì câu chuyện thay đổi này của Philippines càng trở nên nóng bỏng hơn.

Chiêu cũ "dương Đông kích Tây"?

Nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy Philippines là thị trường nhập khẩu gạo quan trọng nhất của nước ta, chí ít là trong hơn một thập niên trở lại đây. Sở dĩ như vậy vì hai lẽ chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất, với trên 12 triệu tấn, chiếm tới 24% trong tổng khối lượng trên 50 triệu tấn gạo VN xuất khẩu ra thị trường thế giới trong mười năm trở lại đây, Philippines chính là thị trường xuất khẩu gạo vô cùng quan trọng của VN. Số lượng này vượt qua cả tổng khối lượng xuất khẩu (10,6 triệu tấn) sang hai thị trường thuộc tốp dẫn đầu kế tiếp là Indonesia và Malaysia.

- Thứ hai, tuy năm 2011 vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất đã được chuyển qua thị trường Indonesia, nhưng không thể phủ nhận sức mua thuộc loại rất ổn định của thị trường Philippines.

Rõ ràng, trong điều kiện thị trường nhập khẩu gạo thế giới luôn “biến ảo” hết sức khó lường của không ít quốc gia, trước hết là của những quốc gia nhập khẩu chủ yếu, xuất khẩu gạo của nước ta không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của khách hàng “khủng” như vậy là điều thật đáng kinh ngạc.

Năm 2009 khi cả thế giới “nín thở” trước dự báo Ấn Độ - “người khổng lồ” số 2 thế giới về sản xuất và tiêu thụ gạo - tăng nhập khẩu do bị mất mùa 16,15 triệu tấn gạo, thì Philippines hiên ngang: “Đất nước muốn bảo đảm nguồn cung cấp trước tất cả các quốc gia khác”.

Trong bốn cuộc đấu thầu rất sớm so với thông lệ, Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) nước này đã mua gần 2,2 triệu tấn gạo, trong đó VN trúng thầu tới trên 1,4 triệu tấn. Trong khi đó, hạn ngạch nhập khẩu của các tư nhân nước này chỉ ở mức 200.000 tấn... Thế nhưng trong năm 2011, theo công bố của quốc gia này, trong khi khu vực tư nhân được nhập khẩu 660.000 tấn gạo, thì “phần bánh” của NFA lại chỉ “hẻo” ở mức 200.000 tấn.

Có thể nói, nếu so với những năm trước, hoạt động nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2011 vừa qua thật sự đã có một bước ngoặt. Đó không chỉ là chuyện khối lượng gạo nhập khẩu “rơi tự do” xuống chỉ còn 1,2 triệu tấn so với 2,4 triệu tấn năm 2010, mà còn là sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu.

Tuy nhiên trên thực tế, các số liệu của hải quan VN cho thấy trong năm 2011 các doanh nghiệp của nước ta đã xuất khẩu sang thị trường này 975.000 tấn gạo, tức là vượt con số nước này công khai tuyên bố tới 110.000 tấn. Bên cạnh đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng khác “một trời một vực” so với Philippines đưa ra.

Có thể nói, kịch bản nhập khẩu gạo năm 2012 của Philippines chỉ là “bổn cũ soạn lại”, những thông tin mang tính “dương đông kích tây” liên tục được tung ra. Tới thời điểm này, tổng khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm nay có thể là 500.000-880.000 tấn, hoặc tương tự năm 2011 vẫn còn là “hồi sau sẽ rõ”.

Dự trữ gạo của Philippines đã giảm

Rõ ràng, nếu nhờ một “phép mầu” nào đó mà Philippines không còn nhập khẩu gạo nữa, vấn đề tiên quyết đặt ra đối với ngành nông nghiệp VN là đổi mới cơ cấu sản xuất theo hướng giảm mạnh gạo phẩm cấp thấp và thay vào đó là gạo phẩm cấp cao, gạo đồ và gạo thơm. Bởi lẽ, trong tổng số trên 2,2 triệu tấn gạo 25% tấm của nước ta xuất khẩu ra thị trường thế giới năm 2010, riêng Philippines đã trên 1,5 triệu tấn, chiếm 69,3%.

Tiếp theo, cùng với việc mất tới 21,4-28,2% thị trường như vậy, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực vượt bậc để cạnh tranh và phải “rải” khối lượng gạo không hề nhỏ này ra trên 120 thị trường mà mặt hàng nông sản chiến lược này của nước ta đã có mặt. Bởi lẽ, khi Philippines không còn nhập khẩu nữa, thị trường gạo thế giới hằng năm sẽ bị “co lại” tới 6-8,4%, cạnh tranh chắc chắn sẽ quyết liệt hơn nhiều.

Còn hiện tượng Trung Quốc đột ngột tăng nhập khẩu gạo trong năm nay tuy là cơ may cho chúng ta hiện nay, nhưng những động thái của quốc gia này bao giờ cũng rất khó lường, cần hết sức cẩn trọng.

Trước thông tin Philippines có thể ngưng nhập khẩu gạo, phía VN cũng đã có những tuyên bố phản hồi. Trước hết là chuyện tìm kiếm thị trường thay thế. Nhưng có lẽ những ai quan tâm đến vấn đề thị trường xuất khẩu gạo của nước ta sẽ ngạc nhiên trước thông tin các quan chức Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tìm kiếm, xây dựng thị trường xuất khẩu gạo thay thế thị trường Philippines bằng thị trường Trung Đông, Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong...

Bởi lẽ, những quốc gia và vùng lãnh thổ này và ngay cả một số quốc gia như Iraq, UAE... đã là thị trường xuất khẩu gạo, thậm chí là thị trường rất quan trọng của VN, chí ít là từ hơn mười năm qua. Đó không thể là những thị trường phải tìm, mà là đã có.

Trong khi đó, nếu như việc quốc đảo nơi đầu sóng ngọn gió Philippines quyết tâm tự cung tự cấp gạo vào năm 2013 là sự thật, nhưng việc có thể đạt được mục tiêu này hay không lại là một việc hoàn toàn khác, thì điều này chắc chắn rất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta.

Tuy nhiên, cũng có một số thông tin và phân tích cho thấy Philippines khó đạt mục tiêu như đã tuyên bố. Theo số liệu thống kê và dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho dù cũng có những bước tiến nhất định cả về năng suất lẫn diện tích, nhưng sản lượng lúa của Philippines trong niên vụ hiện nay chỉ nhúc nhích tăng 158.000 tấn (0,9%) so với niên vụ vừa qua, còn niên vụ tới cũng chỉ tăng 256.000 tấn (1,5%).

Do vậy, mặc dù khối lượng gạo tiêu dùng vẫn chỉ quanh quẩn ở mức gần 13 triệu tấn gạo/năm, việc giảm mạnh khối lượng gạo nhập khẩu như vừa qua đã khiến kho dự trữ của quốc đảo này vào cuối niên vụ hiện tại giảm xuống chỉ còn gần 1,8 triệu tấn thay vì 2,4 triệu tấn vào cuối niên vụ vừa qua.

Hơn thế, cũng theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho dù sẽ phải tiếp tục nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo như niên vụ hiện nay, nhưng kho gạo dự trữ của quốc đảo này vào cuối niên vụ sẽ chạm đáy, dự trữ gạo tính bằng ngày tiêu dùng của quốc đảo này sẽ từ 70 ngày lần lượt “rơi tự do” xuống chỉ còn 51 ngày và 35 ngày.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là rất có thể năm nay và cả năm tới, bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của VN trong nhiều năm qua vẫn chưa xoay chuyển được tình thế như đã nhiều lần tuyên bố. Do vậy, bên cạnh việc rà soát lại các thị trường khác, vấn đề đặt ra là các tùy viên nông nghiệp và thương mại của VN cần phải đi “thăm đồng và thăm chợ” Philippines để có những thông tin xác thực.

Điều đó chắc chắn sẽ hữu ích rất nhiều đến việc giải bài toán sản xuất những loại lúa gì và cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của nước ta trong thời gian tới sẽ ra sao.

Trung Quốc đã nhập gấp 5 lần cả năm ngoái

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã mua trên 1,2 triệu tấn gạo của VN bằng con đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Con số này gấp gần 5 lần so với tổng lượng gạo xuất khẩu của VN sang Trung Quốc trong cả năm ngoái. Trong đó, các hợp đồng ký xuất khẩu gạo cho Trung Quốc bằng đường chính ngạch đạt khoảng 700.000 tấn, còn lại trên 500.000 tấn theo đường tiểu ngạch.

Trong những tháng đầu năm nay, VN vẫn là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc do giá cả cạnh tranh hơn nhiều so với gạo của Thái Lan, trong khi các đối thủ chính của VN về gạo giá rẻ như Ấn Độ, Pakistan thì ở thế bất lợi hơn về khoảng cách địa lý. Nếu như trước đây gạo VN xuất khẩu sang Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) chủ yếu là gạo thơm thì đến nay thị trường này mua rất nhiều gạo cấp thấp của VN.

Theo ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch VFA, giá lúa gạo nội địa của Trung Quốc tăng khá nhanh trong thời gian qua vì lạm phát cộng với thời tiết hạn hán nhiều nơi đã ảnh hưởng đến nguồn cung của nước này. Do đó các thương nhân Trung Quốc hướng về VN như một thị trường cung cấp gạo chất lượng và khả năng giao hàng nhanh.

Ngày 19-4, một đoàn doanh nhân của Hiệp hội lương thực và dầu ăn Thượng Hải đã đến TP.HCM làm việc với VFA về các cơ hội hợp tác kinh doanh. Trước đó là một đoàn doanh nhân nhập khẩu gạo từ Hong Kong cũng đã đến VN để tìm kiếm cơ hội mua gạo thơm.

Dù Trung Quốc đang là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhưng theo ông Bảy, không thể quá kỳ vọng vào thị trường này. “Dù có nhập khẩu trên 1 triệu tấn trong những tháng đầu năm nay thì thông tin về nhu cầu của họ không rõ ràng. Họ có thể nhập khẩu của chúng ta rất nhiều nhưng không biết khi nào thì họ ngưng. Do đó, bất kỳ một sự kỳ vọng nào vào thị trường này cũng đều chứa những rủi ro” - ông Phạm Văn Bảy đánh giá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận