Tham nhũng: địa ngục cho các tổng thống

DANH ĐỨC 04/03/2020 03:03 GMT+7

TTCT - Tin cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak bị tuyên án 17 năm tù làm dấy lên nhiều câu hỏi: Tội nghiệt ông có thực đáng như vậy không, hay đây là một màn ân oán chính trị? Làm thế nào mà các tổng thống xứ này cứ thay phiên nhau xộ khám vì tham nhũng sau khi hết nhiệm kỳ? Điều gì khiến tay họ nhúng chàm trong khi số tiền họ tơ hào chỉ khoảng chục triệu USD?

Ông Lee Myung Bak được dìu ra hầu tòa. Ảnh: YouTube
Ông Lee Myung Bak được dìu ra hầu tòa. Ảnh: YouTube

Một hôm, sau khi Tòa hình sự số một của Tòa thượng thẩm Seoul tuyên phạt ông Lee Myung Bak 12 năm tù và phạt tiền 13 tỉ won (10,84 triệu USD) vì tội nhận hối lộ và thêm 5 năm cho các tội khác bao gồm tham ô, nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc hôm 20-2 đăng một bài xã luận có tựa đề rất nghiêm khắc: “17 năm tù đã là đủ cho Lee Myung Bak, người đã dối trá công chúng trong hơn 20 năm, hay chưa?”.

Tờ báo giải thích chi tiết việc ông Lee lại bị bắt giam sau khi đã nhận mức án 17 năm tù trong phiên tòa phúc thẩm: cáo trạng buộc tội ông biển thủ hàng chục tỉ won với tư cách là chủ sở hữu thực tế của Công ty phụ tùng ôtô DAS và nhận 10 tỉ won (8,34 triệu USD) tiền hối lộ. Bản án đã được tăng thêm hai năm kể từ phiên tòa đầu tiên, khi số tiền hối lộ và tham ô được nêu ra tăng thêm khoảng 800 triệu và 600 triệu won.

Ân oán giang hồ?

Bài xã luận của tờ Hankyoreh còn đi xa hơn cả bản án đã được tuyên: “17 năm tù có lẽ là không đủ với một người đã nói dối không ngừng về quyền sở hữu Công ty DAS của ông ta trong hơn 20 năm - thậm chí trong thời gian đó còn đảm nhận chức tổng thống - và chưa bao giờ xin lỗi công chúng vì nhận hối lộ từ các tập đoàn và chính trị gia lớn.

Chúng tôi kêu gọi ông ta thể hiện sự hối hận muộn màng”. Làm thế nào mà tờ báo lớn thứ tư Hàn Quốc với 600.000 độc giả (sau các tờ Chosun Ilbo, JoongAng IlboDong-a Ilbo) lại tuyên một bản án tinh thần còn nặng nề hơn cả bản án của tòa như thế?

Nói cho ngay, tờ Hankyoreh có “dây mơ rễ má” trực tiếp với đương kim Tổng thống Moon Jae In, mà cựu tổng thống Lee tố cáo là người đã lôi ông ra tòa vì tư thù. Đầu năm 2018, khi biết mình sắp bị sờ gáy, ông Lee phản ứng dữ dội. Korea Herald 18-1-2018 đăng một bài cho biết ông Moon đã rất giận dữ trước những cáo buộc của ông Lee rằng ông “trả thù chính trị”.

Ông Lee còn nói chính quyền Moon Jae In đang kiểm soát cuộc điều tra, vốn được khởi động để “hạ gục tôi”, đồng thời kêu gọi các điều tra viên chỉ thẩm vấn ông thôi, chứ đừng quấy rối những người từng làm dưới quyền ông. Tổng thống Moon, qua người phát ngôn của mình, bác bỏ mọi cáo buộc này.

Mối quan hệ giữa tờ Hankyoreh với ông Moon là trực tiếp: ông Moon là một trong những thành viên sáng lập tờ báo theo xu hướng trung tả này vào năm 1988, với tôn chỉ không khác “thế giới quan” của ông Moon: một sự thay thế độc lập, thiên tả và quốc gia chủ nghĩa so với các tờ báo chính thống vốn bị xem là mù quáng ủng hộ giới kinh doanh, thân Mỹ và phản đối sự thống nhất đất nước.

Để đối chiếu, trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc 2017, tờ báo Mỹ The Washington Post 2-5-2017 đã cảnh báo: “Người sắp sửa trở thành tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng nền dân chủ của nước này”.

Còn chủ trương thống nhất thì thực tế hòa giải hai năm qua với Triều Tiên là một minh chứng. Trên bình diện kinh tế, đường lối thiên tả của ông Moon thể hiện qua chính sách động viên các công ty khởi nghiệp, xí nghiệp vừa và nhỏ, tăng thuế đánh lên người giàu và nhất là chiến dịch chống tham nhũng doanh nghiệp quyết liệt liên quan đến nhiều tập đoàn “đại gia” Hàn Quốc (các chaebol). Ông Lee, trong khi đó, là hiện thân của tất cả những điều kể trên.

Nhưng cũng không thể nói đây là chuyện thanh toán chính trị kiểu phe phái. Phải công nhận rằng sau khi lên nắm quyền từ tháng 5-2017, ông Moon đã đơn giản thực hiện ngay các lời hứa tranh cử của mình, mà việc truy tố và xét xử ông Lee cùng cánh hẩu của ông này chỉ là một trong số đó.

Tham nhũng cấp tổng thống

Bảy tháng sau khi ông Moon nhậm chức, các thủ tục điều tra hình sự đầu tiên với ông Lee bắt đầu. Korea Herald 26-12-2017 báo động: “Cựu tổng thống Lee phải đối mặt với sức nóng gia tăng do các cáo buộc kinh doanh bằng chính trị. Quyết định truy tố hôm thứ ba vừa qua đã chính thức khởi động cuộc điều tra xoay quanh DAS, hãng sản xuất phụ tùng ôtô có liên quan đến cựu tổng thống Lee”.

Vấn đề ở chỗ dù ông Lee Sang Eun, anh cả ông Lee Myung Bak, mới là người đứng tên cổ đông lớn nhất của DAS, người ta vẫn tin và cáo buộc ông Lee là chủ sở hữu thực sự của công ty và ban quản trị DAS được cho là đã lập một quỹ đen với số tiền lên tới 12 tỉ won (11 triệu đôla) để trốn thuế.

Ông Lee còn bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng của quyền lực tổng thống để hỗ trợ DAS thu hồi khoản đầu tư 14 tỉ won vào một công ty tư vấn do doanh nhân người Mỹ gốc Hàn Kim Kyoung Joon thành lập. Trước đó, ông Lee từng bị cho là có dính líu tới tay doanh nhân họ Kim trong vụ “làm giá” cổ phiếu bất hợp pháp, khiến ông Kim từng phải hầu tòa.

Đến ngày 22-3-2018, ông Lee bị bắt với các cáo buộc nhận hối lộ, biển thủ và trốn thuế trong thời gian ông làm tổng thống. Ngay trước khi bị bắt, ông Lee đăng một tuyên bố viết tay trên Facebook phủ nhận các cáo buộc.

Vụ bắt giữ ông xảy ra khoảng một năm sau vụ bắt giữ một cựu tổng thống Hàn Quốc khác, bà Park Geun Hye, cũng vì những bê bối chính trị - lạm dụng quyền lực làm rúng động Hàn Quốc năm 2016. 

 Khoảng 40.000 người Hàn Quốc đã đổ xuống đường hồi năm 2016 đòi tổng thống Park Geun-Hye từ chức vì cho rằng bà đã lạm dụng chức vụ và dung dưỡng tham nhũng (Ảnh: PBS)

Ông Lee bị kết án hôm 5-10-2018 trong phiên sơ thẩm và bị tuyên án 15 năm tù. Ông kháng cáo và nay nhận thêm hai năm tù nữa.

Để có một cái nhìn tương đối cụ thể về thu nhập hay những khoản “kiếm chác” của ông Lee, có thể tham khảo trang web therichest.com. Theo trang này, tài sản của ông Lee hiện là khoảng 33,7 triệu đôla, tính tới tháng 4-2018 bao gồm: số tiền biển thủ từ nguồn kinh phí cho cơ quan tình báo: 700.000 đôla; khoản hối lộ nhận từ Tập đoàn Samsung đổi lấy lệnh ân xá của tổng thống cho cựu chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, vốn bị giam vì trốn thuế và gian lận chứng khoán: 6 triệu đôla; và tài sản trong một quỹ đen nguồn tiền bất minh: 33 triệu đôla.

Tổng thống cũng “túng thiếu”?

Sáu ngày sau khi ông Lee bị tuyên án trong phiên sơ thẩm, cây bút chính luận Claire Lee của tờ Korea Herald 11-10-2018 đặt câu hỏi: “Phải chăng cựu tổng thống Hàn Quốc bị chứng “rối loạn… tiền”?”, như kiểu một ám ảnh bệnh lý giống bệnh ăn cắp vặt, rồi tự trả lời: “Ông ta dường như bị tiền ám ảnh”. Tác giả trích cáo trạng của tòa rồi lần lại một thực tế hết sức cay đắng:

“Giá trị tài sản ròng của ông Lee, được báo cáo trong năm đầu tiên làm tổng thống, 2008, là 35,4 tỉ won (33,2 triệu USD) - khiến ông là tổng thống Hàn Quốc có tài sản cá nhân lớn nhất trong lịch sử. Nói cách khác, trước khi nhận hối lộ và biển thủ công quỹ, ông Lee vốn đã là một người rất giàu có - sở hữu ít nhất bốn bất động sản ở quận Gangnam, nam Seoul, và hai câu lạc bộ golf, chưa nói tới các tài sản khác”.

Nghĩa là ông Lee đâu có “khố rách áo ôm” để thèm khát tiền bạc cỡ đó. Từ ông Rhee Syngman (Lý Thừa Vãn) bị lật đổ tới ông Chun Doo Hwan bị tuyên án chung thân, tới Park Chung Hee bị ám sát, hay Roh Tae Woo cũng bị tù giam và người kế nhiệm ông Lee là bà Park Geun Hye bị tuyên 25 năm tù vì tham nhũng, rõ ràng hậu vận của hầu hết tổng thống Hàn Quốc không êm ả chút nào, hầu hết là do tham nhũng.

Phải nói là việc kiểm soát tài sản ở Hàn Quốc rất khắt khe. Đầu tiên, Luật về quỹ chính trị quy định rõ ngân sách quốc gia chỉ thanh toán cho các hoạt động công vụ, chớ không bao gồm chi tiêu cá nhân, cho dù là tổng thống. Định nghĩa “chi tiêu cá nhân” rất rạch ròi: chi cho “công chuyện nhà” của viên chức, các buổi tụ họp hay cho giải trí cá nhân hoặc sinh hoạt lúc rảnh rỗi…

Về cơ bản, luật viết chặt tới mức ngay cả với tổng thống, ăn xài gì cho mình coi như phải tự túc gần như toàn bộ, không có “của chùa”! Khắt khe như vậy, nên những người muốn làm tổng thống để làm giàu hơn như ông Lee khó lòng được dung thứ.■

Các hình thức “đi đêm” ở Hàn Quốc thường qua ngả “đóng góp ủng hộ” cho các đảng phái. Trên nguyên tắc, các đảng phái chính trị Hàn Quốc cũng được ngân sách trợ cấp, nhưng đòi hỏi cực kỳ chi li. Nguồn tiền từ ngân sách còn bị hạn chế theo số cử tri mà đảng chính trị đã giành được trong cuộc bầu cử trước và dự kiến giành được trong cuộc bầu cử sắp tới.

Chương V về “Trợ cấp từ ngân khố quốc gia” của Luật về quỹ chính trị, điều 26 cũng nói rõ số tiền là 100 won cho mỗi cử tri, có điều chỉnh theo trượt giá. Tỉ như bầu cử Quốc hội 2016, tạm lấy hai đảng dẫn đầu là Đảng Dân chủ và Đảng Saenuri lần lượt được 6.069.744 triệu và 7.96.272 triệu phiếu, đại khái sẽ được tài trợ lần lượt 600 triệu won và 790 triệu won (49 triệu và 65 triệu USD).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận