Tham nhũng: Không chỉ là “thụt két”

DANH ĐỨC 17/12/2016 18:12 GMT+7

TTCT - Việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye chừng nào phải ra khỏi dinh “Nhà Xanh” chỉ là “chuyện vặt” bên cạnh câu chuyện làm sao truất phế được một tổng thống đương quyền.

Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi bà Park từ chức -scmp.com
Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi bà Park từ chức -scmp.com


Cũng thế là việc đương kim chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde bị triệu tập ra tòa ở Pháp vì cáo buộc “phạm tội do bất cẩn” khi còn làm bộ trưởng tài chính...

Thật vậy, sự nghiệp của bà Park Geun Hye coi như đã kết thúc từ hôm 29-11 khi bà đọc bài diễn văn “lịch sử”: “Các công dân kính mến. Một lần nữa, tôi cáo lỗi vì đã gây ra cho quý công dân những rắc rối quá lớn do sự bất cẩn của tôi. Nhìn thấy quý công dân đau lòng vì việc này, tôi nghĩ rằng mình phải xin lỗi hàng trăm lần là điều đương nhiên... Một lần nữa, tôi xin lỗi quý công dân...”.

Phản bội tín nhiệm, đánh mất tư cách điều hành quốc gia

Bà Park xin lỗi trực tiếp người dân Hàn Quốc “là điều đương nhiên” khi mà chính nhân dân ấy đã bỏ phiếu chọn bà làm tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 19-12-2012 với 15.773.128 phiếu so với đối thủ Moon Jae In chỉ được 14.692.632 phiếu.

Từ sự ủng hộ đa số cách đây mới chỉ gần tròn ba năm, nay người dân Hàn Quốc lại xuống đường đòi bà từ chức suốt bảy tuần qua. Bà Park đã nhận lỗi và cam kết: “Thật là lỗi rất lớn của tôi khi đã thất bại trong việc quản lý cuộc sống cá nhân của mình và trong việc quan tâm đến những người xung quanh tôi.

Tôi sẽ trình bày tất cả các chi tiết về vụ bê bối chính trị này trong tương lai gần... Tôi đã thức suốt nhiều đêm liền để đến với một quyết định đúng đắn cho đất nước và nhân dân... Tôi sẽ làm theo quyết định của quốc hội liên quan tới tiến trình từ chức tổng thống, bao gồm việc rút ngắn nhiệm kỳ còn lại của mình.

Khi đảng cầm quyền và đảng đối lập đề xuất một kế hoạch chuyển giao quyền lực sao cho có thể giảm thiểu sự hỗn loạn và khoảng trống quyền lực trong công việc nhà nước, tôi sẽ từ chức tổng thống đúng theo các quy định và lịch trình do quốc hội đề xuất”.

Đúng theo loan báo, bà Park Geun Hye tự đặt mình dưới sự quyết định của quốc hội, 10 ngày sau, tức 9-12, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun Hye.

Trong phiên biểu quyết chiều hôm đó, 299/300 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, trong đó có 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 2 phiếu trắng và 7 phiếu không có hiệu lực. Với 234 phiếu thuận, dự thảo luật luận tội để phế truất hội đủ điều kiện để được thông qua là phải được trên 2/3 nghị sĩ tán thành, tương đương hơn 200/300 nghị sĩ hiện nay.

Đạo luật luận tội được thông qua hôm 9-12 quy kết bà Park vi phạm các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp là cơ chế dân chủ đại nghị, đã để cho những người thân cận, trong đó có bà Choi Soon Sil, một người bạn thân từ thiếu thời, can thiệp vào quá trình quyết định các chính sách quốc gia, làm rò rỉ bí mật quốc gia.

Dự thảo cũng cáo buộc tổng thống đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, phản bội sự tín nhiệm của người dân, đánh mất tư cách điều hành quốc gia. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc, quốc hội nước này thông qua dự thảo luật luận tội đối với một tổng thống đương nhiệm: lần đầu tiên là vào năm 2004 với cựu tổng thống Roh Moo Hyun.

Đạo luật luận tội này được chuyển sang Tòa án hiến pháp phê chuẩn, trong khi chờ đợi bà Park rời chức vụ tổng thống, Thủ tướng Hwang Kyo Ahn lên giữ cương vị quyền tổng thống.

Theo Đài KBS của Hàn Quốc, các nghị sĩ đối lập cáo buộc bà Park tội nhận hối lộ qua trung gian và tội gây sức ép buộc các tập đoàn lớn quyên góp cho hai quỹ là Quỹ Mir và Quỹ K-Sports. Phe đối lập cho rằng đây là hành vi xâm hại rõ ràng tới lợi ích quốc gia và người dân, phản bội lại sự tín nhiệm của người dân dành cho tổng thống, làm hỏng hình ảnh và tư cách người lãnh đạo quốc gia.

Phía tán thành truất phế cho rằng những lý do trên là đủ để tiến hành truất phế bà Park. Tuy nhiên, vẫn còn ít nhất một bất ngờ: Viện Kiểm sát vẫn chưa làm rõ về tội nhận hối lộ của bà Park và trong quá trình điều tra tới đây, nhóm công tố viên đặc biệt sẽ phải làm rõ được nghi vấn này. Phán xét của Tòa án hiến pháp trong thời hạn 180 ngày dựa trên kết quả điều tra đó.

Đây cũng chính là lý do bà Park Geun Hye trong diễn văn xin lỗi người dân hôm 29-11 còn “ấp úng” vòng vo: “Không một lúc nào tôi lại chạy theo lợi lộc của riêng tôi, thậm chí chẳng hề nghĩ đến... Tôi sẽ giải thích chi tiết vụ tai tiếng chính trị này trong tương lai gần”.

Đương nhiên bà Park, trong khi chờ Tòa án hiến pháp thông qua các lý lẽ luận tội và phế truất, không vội vã đưa cổ vào tròng!

Cuộc chiến ở cấp cao nhất

Việc Thủ tướng Hwang Kyo Ahn nay lên làm quyền tổng thống là một bất ngờ, giống như việc ông này từ chức vụ bộ trưởng tư pháp được bà Park bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 5-2015 từng là một bất ngờ vậy.

Cả hai lần đều là hậu quả của những vụ tai tiếng với chính quyền đương nhiệm. Lần trước liên quan tới cựu thủ tướng Lee Wan Koo.

Tháng 4-2015, ông Lee Wan Koo phải từ chức thủ tướng sau khi bị nêu tên là “có phần” trong một vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn, trong đó một công ty xây dựng bị cáo buộc là đã trả tiền hối lộ cho một số quan chức chính phủ cấp cao, theo South Korea Corruption Report.

Đau cho Tổng thống Park, người đã đề cử ông Lee vào chức vụ thủ tướng, là ở chỗ ông này vừa nhậm chức hôm 17-2-2015 mà đã phải từ chức hôm 27-4-2015, tức chỉ sau hai tháng 10 ngày ngồi chưa nóng chỗ. Ông Lee còn là thủ tướng thứ hai của bà Park chỉ trong hai năm, kế vị thủ tướng tiên khởi là ông Chung Hong Won, phải từ chức sau vụ chìm phà MV Sewol.

Thủ tướng “ngắn hạn nhất thế giới” Lee mất chức do bị cáo buộc đã nhận 30 triệu won (khoảng 28.000 USD) tiền hối lộ từ một doanh nhân Hàn Quốc tên Sung Wan Jong hồi năm 2013.

Trong khi thủ tướng Lee vẫn đang chối tội thì “khổ chủ” trong nghi án hối lộ này là ông Sung lại tự treo cổ lên cây hôm 9-4, sau khi vừa trả lời phỏng vấn qua điện thoại trước đó có chín tiếng thừa nhận có đưa hối lộ không chỉ cho ông Lee mà còn một số nhân vật khác thân cận Tổng thống Park!

Trên thi hài ông Sung, cảnh sát cũng tìm thấy một bản tường trình đầy đủ chi tiết. Thế là, thủ tướng Lee đâm đơn từ chức ngay cuối tuần đó! Bà Park, vừa công du Nam Mỹ về, đã duyệt ngay đơn từ chức thứ hai tuần sau! Tháng 1 năm nay, ông Lee bị một tòa cấp quận ở Seoul tuyên 8 tháng tù giam song cho hưởng án treo, tái phạm phải thi hành án!

Các vụ tham nhũng liên tiếp bị khui ra như trên vừa cho thấy chính trường xứ này “tham nhũng như rươi”, song cũng vừa cho thấy tham nhũng không “an toàn hạ cánh” như ở nơi khác và rằng luật pháp ngày càng được củng cố cũng như được thực thi.

Theo báo cáo tham nhũng tại Hàn Quốc nêu trên, hiện các bộ luật hình sự và luật phòng - chống tham nhũng đều hình sự hóa các hành vi tham nhũng. Trong cụ thể sinh hoạt hằng ngày của các viên chức, đã có Bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên khu vực công và điều chỉnh các xung đột lợi ích, cùng việc công khai tài sản.

Đạo luật vòi vĩnh và hối lộ năm 2015 đã loại bỏ việc đòi hỏi phải cung cấp được bằng chứng trực tiếp giữa một khoản “trà nước” với một đặc ân nào đó mới có thể xử là tham nhũng...

Đến tháng 9 năm nay, một đạo luật chống tham nhũng mới nghiêm khắc hơn đã khiến báo chí quốc tế cảnh báo giới kinh doanh các nước. CNN ngày 28-9 khuyên nhủ các doanh nhân: “Nếu đi ăn với một viên chức Hàn Quốc, đừng có gọi tôm hùm...

Thịt bò và rượu mạnh thượng hạng cũng không được có trên bàn ăn... Dự luật này, được thiết kế chống tham nhũng tận gốc, cấm việc mời viên chức nhà nước, nhà báo, và giáo viên các món ăn trị giá trên 30.000 won (27 USD), giới hạn quà ở mức 45 USD, tiền “hiếu, hỉ” ở mức 90 USD; ai biếu vượt các mức đã nêu sẽ có thể bị kêu án đến 3 năm tù.

Đạo luật “hắc” đến nỗi các nhà hàng ở Seoul nay phải chuẩn bị riêng một “thực đơn chống tham nhũng”!

Tất nhiên, như có thể thấy qua bảy tuần lễ phản đối Tổng thống Park, vai trò của dân chúng và báo chí trong việc thực thi các đạo luật chống tham nhũng có tính chất quyết định.

Chuyện của chủ tịch IMF

Từ thứ hai tuần này, 12-12, chủ tịch IMF Christine Lagarde được triệu tập ra trước tòa công lý cộng hòa, vốn chuyên xử cấp bộ trưởng trở lên, trong suốt một tuần với tư cách là nguyên bộ trưởng kinh tế, tài chính để trả lời về những sơ suất mà bà bị đổ lỗi trong việc xử lý vụ kiện giữa doanh nhân kiêm chính khách nổi tiếng Bernard Tapie và Ngân hàng công Crédit Lyonnais về việc bán lại hãng dụng cụ thể thao Adidas.

Theo Le Monde ngày 12-12, nguyên nữ bộ trưởng Lagarde là bộ trưởng đầu tiên bị xét xử trong vụ việc đầy nghi vấn về sự câu kết giữa lợi ích công và tư này, cũng như về đạo đức của các quan tòa, vốn đã dẫn đến việc Ngân hàng công Crédit Lyonnais, tức Nhà nước Pháp, phải bồi thường cho doanh nghiệp 405 triệu euro, căn cứ phán quyết của một tòa trọng tài năm 2008.

Bà Lagarde bị quy trách nhiệm vì không phản đối việc mời tòa trọng tài này, thậm chí còn hậu thuẫn cho điều đó qua các chỉ thị viết tay của bà, bất chấp khuyến cáo từ Cơ quan quản lý các vụ góp vốn nhà nước.

Sự “bất cẩn” của bà Lagarde thể hiện qua việc bà đã quyết định và chỉ thị đưa vụ kiện này ra tòa trọng tài mà không tham khảo vụ pháp chế của Bộ Kinh tế, trái lại chỉ tham khảo vài người cùng ý kiến. Phía biện hộ cho bà Lagarde nêu vấn đề có những can thiệp từ cấp trên của bộ trưởng Lagarde.

Trong cả hai trường hợp bà Park và bà Ladarde, pháp luật vẫn “như sơn”, dù với người đương nhiệm hay người đã thôi chức. Quả là “lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt”.■

Vụ triệu tập bà Lagarde hay luận tội bà Park cho thấy tham nhũng là một căn bệnh toàn cầu và ngay cả ở những nước gọi là kha khá “sạch”, cũng có những khả năng “móc ngoặc” vì lý do này hay lý do khác.

Song cho dù có tham nhũng “thành công” ở thời điểm này, thời điểm khác, vẫn luôn có nguy cơ bị phanh phui, nhất là khi báo chí và các công dân cùng chung sức đóng vai trò “tuýt còi” và vai trò đó được thừa nhận. Đây cũng chính là một trong những nội dung của “Tuyên ngôn Panama” kết thúc hội nghị chống tham nhũng tuần qua:

“Tại Panama, chúng tôi đã phản ánh vai trò then chốt của truyền thông nói chung và đặc biệt của các nhà báo điều tra trong năm nay, và rằng vai trò cơ bản này của họ sẽ tiếp tục rọi ánh sáng lên nạn tham nhũng và đòi hỏi để công lý được thực thi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận