Tham nhũng: Phòng và xây để bớt phải chống 

DU LONG 30/06/2018 22:06 GMT+7

TTCT - Hơn 1.000 tỉ đồng là số tiền ngân sách đã chi ra trong 4 năm cho 53.000 cán bộ đi công tác nước ngoài ở… 4 bộ và 6 tỉnh.

“Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Ảnh: intheblack.com
“Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Ảnh: intheblack.com

 Một tờ báo mạng đặt câu hỏi thê lương: “Giá như có ai đó làm một công trình nghiên cứu xem đất nước chúng ta đã thu được những món lợi nào từ những chuyến công tác đó thì tốt quá. Tiếc là cho đến giờ, đó vẫn còn là một điều “bí hiểm” chưa ai khám phá ra!”. Và tác giả đặt vấn đề: “Ai sẽ lo lắng về con số “khủng” này ngoài người dân? Bởi họ đang là người đóng thuế”.

Sức dân có hạn

Những chuyện như trên không mới và đã kéo dài mấy chục năm qua, từ khi đất nước hội nhập và “ăn nên làm ra”, có khả năng dùng ngân sách đài thọ các chuyến công tác nước ngoài. Tất nhiên, cũng có đầy đủ những quy định ngặt nghèo về việc đi công tác, song sự ngặt nghèo đó chỉ trên lý thuyết.

Tôi từng “vinh hạnh” được duyệt một bài “phóng sự” của một quan chức giáo dục cấp tỉnh về một chuyến nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục ở Singapore. Tác giả thành thật tả chặng đầu đến Kuala Lumpur như thế nào, đi đâu, làm gì, tỉ như đi xem tháp đôi, cứ thế mà “dọc đường gió bụi” qua Singapore, mãi đến ngày thứ 5 của chuyến đi mới ghé vào một trường trung học, nghe giới thiệu đôi điều rồi chụp hình, về lại khách sạn, chuẩn bị mai về nước. 

Mới đây, một tác giả cũng vừa kể chuyện đối tác bên Hàn Quốc thắc mắc sao các “bô lão” của ta, sắp lĩnh sổ hưu, cứ lũ lượt sang đấy... học tiếng Hàn!

Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. 5 năm trước đã có những “kêu ca” về chuyện đi nước ngoài rồi: “Báo cáo trước Thủ tướng và các địa phương tại cuộc họp của Chính phủ chiều 24-12-2013, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết:

Hiện nay, chúng ta có quá nhiều đoàn của các bộ, ngành, địa phương liên tiếp đi công tác nước ngoài dẫn tới sự trùng lặp, lãng phí không cần thiết. Một số nước phản hồi, có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự”. Lần đó, Thủ tướng đương chức lúc đó cũng “quạt” dữ lắm: “Đừng để nước bạn sợ tiếp đoàn Việt Nam”.

Những tưởng vấn nạn “đi công tác chùa” sẽ giảm bớt, vậy mà 5 năm sau lại phải nghe lại những điều cũ rích. Đã đến lúc phải trả lời sòng phẳng: (1) Như thế có phải là tham ô không? (2) Nếu là tham ô thì trách nhiệm thuộc về ai? Và (3) làm gì trước mỗi hồ sơ “đi công tác”? Đã đến lúc thẳng thắn nghĩ tới việc chấm dứt các hành vi lạm chi ngân sách kiểu đó.

Thật ra, cũng đã có những phân tích sát sườn cùng những khuyến cáo giải quyết. Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng” do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng đứng tên, công bố tháng 9-2017, đã nêu ra 3 câu hỏi chính, trong đó đáng ngẫm nghĩ và biến thành hành động nhất là hai câu hỏi số 2 và 3:

“2- Làm thế nào để chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia?

3- Làm thế nào nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả, sao cho chi tiêu công đem lại hiệu quả lớn nhất?”.

Báo cáo phân tích: “Việt Nam là quốc gia phân cấp mạnh và có xu hướng ngày càng tăng... Xu hướng tăng phân cấp chi đầu tư là khá rõ, trong khi phân cấp chi thường xuyên lại có xu hướng khá ổn định. Hiện nay chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, là mức rất cao so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Mặc dù mức độ phân cấp chi đầu tư là lựa chọn của mỗi quốc gia tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của mình, nhưng xu hướng này có thể gây một số quan ngại đặc biệt...”.

Lời giải đã rõ! Không thể tiếp tục xu hướng “phân cấp ngân sách mạnh và ngày càng tăng” này, đặc biệt là xu hướng “tăng phân cấp chi đầu tư” cao vòi vọi so với khu vực và thế giới. Phải có một quyết sách dứt khoát hơn là việc nêu ra một trường hợp ra trước Quốc hội, cùng nhau bình phẩm rồi... thôi!

Nếu muốn bảo vệ ngân sách cho đủ chi và bảo vệ thanh danh trước hết với người dân đóng thuế, hãy dứt khoát sửa luật để không còn cơ hội “nở nồi”, cũng như không còn chỗ cho những giải thích biện luận như đùa cợt vậy, từ chuyện ngân sách vi mô cho tới chuyện “lẻ tẻ” từng bộ, từng ngành, từng địa phương như chuyện rủ nhau đi công tác nước ngoài.

Nếu không có cách để hậu kiểm những người ký tên các đề xuất công tác nước ngoài kiểu đó, buộc họ chịu trách nhiệm trước pháp luật, nói chung cho mọi trường hợp tham ô, nếu không thay đổi được luật và hành vi, xin đừng kêu ca than vãn nữa, do lẽ, như Alfred de Vingy đã viết, “khóc lóc, than vãn, nài xin cũng đều là hèn nhát ngang nhau”.

Nếu Bộ Tài chính cứ duyệt chi thì ngân sách cứ vừa cổ võ lòng tham vô tận, vừa trở thành “con thuyền không đáy”, hậu quả là người dân cứ phải đóng thêm phí này, thuế nọ. “Sức dân” có hạn và đã tới hạn: đây là một thực tế hoàn toàn mới, không thể ngó lơ.

Tham nhũng, phải phòng nhiều hơn để ít phải chống. Ảnh: dawn.com
Tham nhũng, phải phòng nhiều hơn để ít phải chống. Ảnh: dawn.com

 Công luận, xã hội đã sẵn sàng

Thật vậy, xã hội hiện đang dễ bức xúc hơn bao giờ hết. Nếu tỉnh táo đủ để nhìn thấy đó là một “sức dân” có khả năng hợp lực với quyết tâm chống tham nhũng thì sẽ là đại phước. Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm nay cho thấy đang có xu hướng cùng chiều với ý thức xã hội khi kêu gọi các học sinh sắp vào đời suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước.

Một đề thi, cũng như một “con én”, không thể hiện “cả mùa xuân”, mà chỉ là khởi đầu của xu thế nhập cuộc với xã hội và cả thân phận của xã hội. Thiết nghĩ, giáo dục chính là nhằm giúp người công dân tương lai ý thức về tình hình xã hội của mình, và rồi về bản thân.

Việc giúp học sinh sắp trưởng thành tập ý thức như thế, tất nhiên không chỉ qua mỗi đề thi mà còn qua các môn khác liên quan, từ văn tới giáo dục công dân, sử, địa..., chính là hướng đến một giải pháp cho vấn nạn mà tới nay vẫn chưa thay đổi: tính vô ý thức hầu như là tuyệt đối trong xã hội.

Một cá nhân vô ý thức đồng nghĩa với vô trách nhiệm, và tính vô ý thức như là một khiếm khuyết đạo đức, mà cội nguồn có thể là do thiếu hiểu biết hoặc không hiểu biết.

Giữa làn sóng thông tin và giải trí tràn ngập chất showbiz và rủ rê “dòm lén” (voyeurism), thanh thiếu niên dễ xa rời thực tế, thậm chí thực tế cơ cực vất vả của chính cha mẹ mình, rồi của xã hội, để chạy theo những vu vơ, phù phiếm cứ tưởng cuộc đời và xã hội là trong phim, mời gọi thí sinh ý thức thực tế về đất nước chính là khởi bắt đầu tìm về “hướng bắc la bàn” trở lại.

Từ một xu hướng giáo dục rèn luyện ý thức xã hội như thế, hi vọng có thể nghĩ đến những công việc “trưởng thành” hơn cho thanh niên. Hãy tập cho họ “nói không với tham nhũng” (khẩu hiệu chính thức từ Công ước Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng 2003) ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi sinh hoạt đoàn thể, đừng để họ vì “vô ý thức” mà cứ thế tiếp nối lối mòn dẫn tới tham ô nay đã trở thành “đường cao tốc” như việc đương nhiên khi mới chỉ được giao những việc “hoa lá cành”!

Rousseau đã chẳng quở trách “con người sinh ra thì tốt lành, chính xã hội làm băng hoại con người”. Hãy gầy dựng cho họ tính “miễn nhiễm” cần thiết với các xung đột lợi ích một cách “đương nhiên”. Hãy gầy dựng một thế hệ trẻ mới biết dị ứng, biết “nói không với tham nhũng”.

Nếu không gầy dựng được một thế hệ trẻ như thế, các thanh niên sẽ cứ thế vào đời, tiếp thu cái nếp xung đột lợi ích sẵn có, nạn tham nhũng sẽ cứ chặt đây lại mọc ở kia. Không thể cứ mãi “điều chuyển cán bộ quản lý có nhiều dư luận, dấu hiệu tham nhũng”.

Có ở đâu đã làm được điều này không? Singapore, chỉ trong một thế hệ, chủ yếu bằng trừng phạt không thương tiếc và bằng giáo dục thế hệ trẻ. Và hãy nhớ rằng sự kiên nhẫn của xã hội hiện đã “tới hạn” rồi.■

Của nhà và của chùa

Tư tưởng “đương nhiên” xem bất cứ gì thuộc nhà nước đều là nguồn lợi ích vô tận, miễn phí, xuất phát từ chính sự “vô ý thức” không phân biệt đâu là của riêng, đâu là của chung. Nghiên cứu “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: quy định và thực tiễn ở Việt Nam” của nhóm Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ, công bố tháng 10-2016, giải thích: “Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số các đối tượng được hỏi còn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng, hiểu chưa đầy đủ về khái niệm xung đột lợi ích (conflict of interest).

Trên 60% các đối tượng cho rằng xung đột lợi ích là nói tới xung đột giữa các bên. Chỉ có khoảng 25% số người được hỏi hiểu xung đột lợi ích theo đúng nghĩa là xung đột giữa lợi ích riêng của cán bộ công chức và lợi ích chung, nảy sinh trong nội tại quyết định của cán bộ công chức”.

Trong xã hội vẫn còn quan niệm cho rằng quà cáp là “đương nhiên”, bởi do là đặc điểm “văn hóa truyền thống” Việt Nam. Nhất thiết phải loại bỏ “tư duy” đó.

Nghiên cứu nêu trên ghi nhận rằng “đa số cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân không đồng ý rằng văn hóa truyền thống là yếu tố khuyến khích cán bộ công chức nhận/tặng quà hay đầu tư chia sẻ lợi ích riêng trong công việc”.

Thế nhưng, tại sao vấn nạn vẫn cứ tồn tại? Nghiên cứu viết: “Gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức có biết rõ việc tặng/nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều có cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”… Như vậy, quy định hiện hành và/hoặc việc thực thi các quy định về báo cáo quà tặng đã chưa đạt được hiệu quả như mong muốn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận