Tháng ba và cuộc đồng hành da cam

MINH THU 20/03/2009 17:03 GMT+7

TTCT - Tháng 3-2009, nhiều bạn bè quốc tế về Sơn Mỹ (Quảng Ngãi, Việt Nam). Họ không chỉ tưởng niệm 41 năm vụ thảm sát 504 nạn nhân Mỹ Lai. Họ còn về thăm các làng quê, chia sẻ nỗi đau cùng nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi.


Takesi (bìa phải) với bố mẹ là các giáo sư Uesugi Shinobu và Uesugi Sayoko, Trường đại học Yokohama (Nhật Bản), cùng các nữ sinh Trường THPT Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nhân tưởng niệm 41 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968 - 16-3-2009)

Bước vào ngôi nhà hiu quạnh của chị Nguyễn Thị Hà ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Noel Yau Kong Chun, một thành viên của Tổ chức xã hội Madison Quakers, Inc (Mỹ) lần đầu tiên sang Việt Nam, rưng rưng nước mắt. Bé Yếu (con chị Hà) đã 17 tuổi mà ngỡ như đứa trẻ mới lên 3, cười nói hồn nhiên trong vô thức. Noel đến gần cầm tay bé Yếu trầm ngâm: “Tận mắt thấy di chứng tàn khốc chiến tranh để lại quá nặng nề trong nhiều gia đình có nạn nhân chất độc da cam, tôi thật sự bàng hoàng...”.

Lần thứ hai trở lại Việt Nam, đi thăm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), phó giáo sư Marjorie E. Nelson cùng bạn là Patricic Dewees, Trường đại học Ohio (Mỹ), đã bật khóc khi chứng kiến cảnh ngộ của vợ chồng anh Trịnh Văn Hải - chị Trần Thị Hoa ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh.

Người Mỹ không được phép quên

Anh Hải kể: Đứa con đầu sinh ra bị đãng trí, liên tiếp đứa con thứ hai, thứ ba vừa sinh ra đều bị chết do dị tật bẩm sinh, còn thằng con trai út này đã 18 tuổi rồi mà cứ ngây dại, nghe có tiếng động lớn là la hét suốt cả ngày đêm.

Vừa khóc, bà Marjorie vừa nói: “Chừng nào tôi còn sống, người Mỹ sẽ không bao giờ được phép quên những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Khi nghe tòa án tối cao của Mỹ bác bỏ đơn kiện đối với nạn nhân chất độc da cam, tôi vô cùng tức giận và xấu hổ. Trong thời gian tới, tôi xin tình nguyện làm cầu nối kêu gọi bạn bè quốc tế lên tiếng đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”. 

 Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó Quảng Ngãi có hơn 17.000 nạn nhân.

Nối đông thêm cuộc đồng hành

Trong những ngày này, anh Phan Văn Đỗ - đại diện Tổ chức Madison Quakers, Inc tại Việt Nam - đang tất bật chuẩn bị chương trình cho “cuộc gặp lịch sử” giữa các đoàn nạn nhân vũ khí hóa học (Iran), đoàn nạn nhân sống sót bom nguyên tử Hibakusha (Nhật Bản) với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Hà Nội vào đầu tháng năm tới. 

Anh Đỗ chia sẻ: Da cam là vấn đề nhân đạo. Cuộc gặp gỡ đặc biệt này sẽ liên kết, kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu di chứng các chất hóa học để tìm cách chữa trị, xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam.

Cùng đi với bố mẹ - hai giáo sư chuyên ngành lịch sử Mỹ là Uesugi Shinobu và Uesugi Sayoko, Trường đại học Yokohama (Nhật Bản) - tới Sơn Mỹ năm nay có anh Takesi, nghiên cứu sinh tiến sĩ. Takesi học chuyên ngành nhân học - xã hội học Đại học Montreal tại Canada. 

Hiện Takesi đang ra sức học tiếng Việt ở Đại học Sư phạm Huế để thực hiện luận án về nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. “Tôi hi vọng qua luận án này, người nước ngoài tại Canada và các nước trên thế giới sẽ đồng cảm với nỗi đau da cam, góp phần giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” - Takesi thổ lộ. 

“Tôi ý thức rằng thực hiện đề tài tiến sĩ về nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN rất khó, nhưng tôi quyết tâm làm đến cùng. Dự kiến luận án dài khoảng 500 trang này sẽ hoàn tất đầu năm 2010. Sau khi hoàn thành, tôi sẽ viết thành sách xuất bản để gửi thông điệp đến bạn bè thế giới, kêu gọi cùng chia sẻ, hành động thiết thực vì nạn nhân chiến tranh nói chung và nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói riêng”. 

Takesi

Ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam trong quá khứ ngoan cường đấu tranh giải phóng dân tộc, vợ chồng giáo sư Uesugi Shinobu đã cảm thấy tự hào khi Takesi thực hiện đề tài vì hòa bình này. 

Họ quyết định mời Roy Mike Boehm - “tiếng vĩ cầm Mỹ Lai” - đầu tháng tư sang Trường đại học Yokohama (Nhật Bản) để nói chuyện với sinh viên về vấn đề Sơn Mỹ và nỗi đau da cam tại Việt Nam.

Đôi vợ chồng giáo sư này hi vọng buổi nói chuyện sẽ nối thêm các sinh viên Nhật vào cuộc đồng hành vì nạn nhân da cam Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận