Thể thao và bài toán "cai sữa" ngân sách 

HUY THỌ 22/07/2016 02:07 GMT+7

TTCT - 25/26 liên đoàn, hiệp hội thể thao phải xin ngân sách để đóng niên liễm (tiền thành viên hằng năm) cho các tổ chức quốc tế, dù số tiền chưa đầy 1.000 USD/năm. Thông tin này từ Tổng cục TDTT.

Diễn đàn của những người yêu bóng bàn mời “Mr Bean” bóng bàn thế giới - tay vợt Adam Bobrow (Mỹ) sang thi đấu trong một giải đấu có trên 700 tay vợt-Tấn Phúc
Diễn đàn của những người yêu bóng bàn mời “Mr Bean” bóng bàn thế giới - tay vợt Adam Bobrow (Mỹ) sang thi đấu trong một giải đấu có trên 700 tay vợt-Tấn Phúc


Nói đến việc tổ chức xã hội xin tiền ngân sách, có lẽ chuyện của thể thao đáng bàn nhất. Đơn giản bởi đây có lẽ là lĩnh vực có điều kiện để “cai sữa” ngân sách nhất vì có nhiều thuận lợi và thế giới đã tận dụng tốt để làm giàu từ lĩnh vực này.

Từ câu chuyện trên sân TP Nice

Cuối tháng 6 vừa qua, tôi cùng hai nhà báo Quang Thông - tổng biên tập báo Thanh Niên (cũng là chủ tịch Liên đoàn Quần vợt TP.HCM), Lê Văn Phú - trưởng phòng thể thao HTV đã có dịp cùng ngồi trên khán đài sân vận động TP Nice (Pháp) xem trận Thụy Điển - Bỉ trong khuôn khổ Euro 2016.

Chúng tôi vào sân từ rất sớm, trong lúc chờ bóng lăn, cả nhóm tán gẫu xung quanh những gì mắt thấy tai nghe ngoài một trận đấu của Euro. Đó là chuyện chủ nhà chăm chút từng li từng tí cho các nhóm khách của những nhà tài trợ; là những màn hát hò, giới thiệu danh sách cầu thủ đầy hoạt náo trên sân...

Ông Lê Văn Phú cho rằng thiên hạ đã biến thể thao thành một show diễn để lôi cuốn khán giả. Rồi ông dẫn luôn cả chuyện Singapore khi tổ chức SEA Games năm rồi đã biến màn giới thiệu VĐV bơi lội khi bước ra thi đấu hấp dẫn không kém gì một màn giới thiệu Oscar!

Thật buồn, nói chuyện thiên hạ để rồi quay lại chuyện nhà mình, khi khán giả đến sân cứ gọi là khổ như đi cày! Khổ từ chuyện nhỏ như nhu cầu “tháo nước trong bụng” với những toilet hôi hám, nhếch nhác đến chuyện lớn hơn là màn tra tấn tinh thần bằng những bài diễn văn lê thê như bất tận, những màn kính thưa kính gửi dông dài...

Thi đấu thể thao thì không giỏi, đối xử với “thượng đế” - khán giả thì tệ, vậy thì làm sao kiếm được tiền? Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái từng băn khoăn về chuyện này và ông cho rằng đội ngũ làm thể thao VN không hề có kỹ năng kiếm tiền.

Vì vậy cách đây vài năm, ông đã tổ chức hai cuộc hội thảo lớn ở hai đầu Hà Nội, TP.HCM với chủ đề xoay quanh chuyện thể thao làm gì để kiếm tiền, bớt đi việc bấu víu ngân sách. Tiếc rằng hai cuộc hội thảo đã như hòn sỏi ném xuống mặt hồ. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn thể thao VN, cười buồn: “Một đứa bé muốn cai sữa, việc trước tiên là phải từ bà mẹ. Cứ dây dưa, không quyết liệt thì làm sao con bỏ vú mẹ được!”.

Bám víu hai chữ "nhiệm vụ"

Một nguồn tin có thẩm quyền từ Tổng cục TDTT cho biết hiện nay VN có 26 liên đoàn, hiệp hội thể thao. Tất cả đều ít nhiều chưa “cai sữa” ngân sách được.

Ngay như Liên đoàn Bóng đá với nguồn vốn khủng là hàng chục triệu người Việt yêu bóng đá, lẽ ra nơi này phải “cai sữa” ngân sách từ lâu, nhưng thực tế đến giờ này vẫn ngửa tay nhận hàng chục tỉ đồng/năm cho các khoản trả lương HLV các đội tuyển, tiền đào tạo trẻ (dù việc này là của các CLB)...

Bóng đá còn như thế thì đương nhiên các liên đoàn khác còn tệ hơn. Chính vì vậy vào năm 2008, Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái (cũng là tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) đã hùng hồn cam kết với Chính phủ rằng đến năm 2013 đảm bảo có ít nhất 5 liên đoàn “dứt sữa” ngân sách là bóng đá, quần vợt, bóng chuyền, cầu lông, xe đạp.

Nhưng đến nay cả 5 ông “thanh niên” to tướng này vẫn còn “ngậm bầu sữa” ngân sách! Tại sao như vậy? Ông Nguyễn Hồng Minh từng phân tích: “Việc gì họ phải dứt sữa, khi còn cung cấp thì cứ nhận. Và giải đấu nào cũng mang ý nghĩa là làm nhiệm vụ chính trị quốc gia, mà đã là nhiệm vụ chính trị quốc gia thì ngân sách phải chi là đúng rồi”!

Trong Luật ngân sách 2015, khoản 8 (điều 8) có ghi: “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ của Nhà nước giao”. Mấy chục năm theo dõi thể thao, điều lệ giải nào chúng tôi cũng thấy “làm nhiệm vụ chính trị” nên ngân sách phải chi là đúng rồi!

Ông Phạm Văn Tuấn - tổng cục phó Tổng cục TDTT (phụ trách theo dõi các liên đoàn) - thừa nhận: “Chúng tôi thấy sự phi lý của việc các liên đoàn, hiệp hội thể thao bám víu vào ngân sách. Đã đến lúc Nhà nước phải tính đến chuyện này. Dĩ nhiên cần có lộ trình, chứ cắt ngang ngay bây giờ thì thể thao chết chắc vì khả năng làm kinh tế của đội ngũ cán bộ thể thao gần như không có!”.■

Chuyện ở liên đoàn lâu đời nhất

Liên đoàn Bóng bàn VN là tổ chức xã hội đầu tiên của thể thao nước ta (ra đời ngày 23-5-1959). Đã 57 tuổi đời nhưng tổ chức này vẫn đặt văn phòng trong trụ sở Tổng cục TDTT, đội ngũ cán bộ cấp cao trực tiếp điều hành liên đoàn này cũng là cán bộ Tổng cục TDTT.

Liên đoàn Bóng bàn VN không đủ khả năng để kiếm tiền tổ chức một giải quốc tế nào. Trong khi đó, Diễn đàn bóng bàn VN là một trang mạng được thành lập bởi những người yêu bóng bàn thật sự. Hiện tại diễn đàn này đã tổ chức được những giải đấu quốc tế, mời được những tay vợt lừng danh thế giới đến VN và kiếm tiền tỉ từ tài trợ rất dễ dàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận