Thép đã tôi trong phòng tắm hơi

LÊ QUANG 20/09/2017 20:09 GMT+7

TTCT - Bà Merkel, đương kiêm Thủ tướng Đức, nhỉnh hơn hẳn về kinh nghiệm chính trường lẫn uy tín quốc tế, thăm dò dư luận sau cuộc tranh luận cho thấy 53% khán giả sẵn sàng muốn bà tiếp tục ngồi ghế thủ tướng... Nhiều người Đức nói hiện tại chưa thấy ai hơn.

Nụ cười này có còn sau cuộc tổng tuyển cử.-Ảnh: AFP
Nụ cười này có còn sau cuộc tổng tuyển cử.-Ảnh: AFP

 

Ngày 9-11-1989, Angela Dorothea Merkel suýt nữa thì bỏ lỡ giây phút hoành tráng nhất của lịch sử Đức cận đại.

Như mọi tối thứ năm, bà xách túi ra khỏi phòng tắm hơi ở Đông Berlin, để lần này vô cùng bối rối bước theo đoàn người tiến về bức tường Berlin đã thủng vài đoạn, để lạc vào một căn hộ lạ hoắc với đám người hồ hởi liên hoan, để uống lon bia tư bản đầu tiên trong đời rồi quay về nhà cho kịp sáng mai đi làm.

Để chung tay xây dựng nước Đức tái thống nhất. Để dường như năm nay sắp thành thủ tướng Đức có nhiệm kỳ dài nhất.

Cuộc “đấu súng” vô dụng

Nói gì đến thủ tướng Đức đương nhiệm cũng phải xét hiện tại, khi cuộc đua lên ghế thủ tướng đang diễn ra ở mấy mét cuối cùng và được thể hiện khá rõ trong vụ tranh luận được truyền hình trực tiếp. Nhưng những ai quen theo dõi các sự kiện tương tự của Hoa Kỳ thì sẽ thất vọng toàn phần.

Cuộc tranh luận giữa bà Merkel, thủ tướng đương nhiệm kiêm lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và ông Martin Schulz, chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), không đem lại gì mới nhưng chính vì thế lại làm cử tri Đức rất hài lòng.

Buổi chạm trán giữa hai người theo hình mẫu Mỹ, nhưng cả “diễn viên” lẫn “khán giả” đều là Đức, và do đó nặng nề như bà già châu Âu chứ không hung hăng kiểu cao bồi Mỹ.

Spiegel, tuần báo chính trị nặng ký nhất trong khối Đức ngữ, thở dài trong bản phân tích hôm 4-9: “Schulz khá hơn mong đợi, Merkel thắng”.

Quả thật, bà thủ tướng giữ được vẻ bình thản suốt tối và nhắc đi nhắc lại chủ đề tị nạn - tuy không hề nhận là mình đã mở biên giới cho ngót 1 triệu người tị nạn ồ ạt tràn vào, mà nhấn mạnh đã sửa luật để siết chặt biên giới.

Người Đức, dù không hề phấn khởi vì nhận gánh nặng lớn nhất ở châu Âu, song cũng thấu hiểu là sự phồn vinh của Đức ít nhiều đạt được trên lưng thế giới thứ ba. Họ chỉ cần luật pháp được (tái) chấp hành nghiêm minh.

Đấm đá dưới thắt lưng kiểu Mỹ sẽ không có cơ may ở đây. Schulz dường như cũng biết thế, ông bỏ hẳn vẻ hừng hực và khẩu khí đanh thép quen thuộc khi còn ngồi ghế chủ tịch Nghị viện châu Âu, để rồi lập tức nhận được bình luận xác đáng của tờ Sueddeutsche cùng ngày: “Schulz hợp với lễ hội bia hơn là lên vô tuyến!”.

97 phút trôi qua, để “đấu súng” là quá dài.

Mặc dù bà Merkel nhỉnh hơn hẳn về kinh nghiệm chính trường lẫn uy tín quốc tế thì thăm dò dư luận sau cuộc tranh luận cho thấy chỉ 53% khán giả sẵn sàng muốn bà tiếp tục ngồi ghế thủ tướng (hai ngày trước đó là 60%), còn ông Schulz nhận được phiếu hờ của 39% thay vì trước đó 33%, theo tạp chí Focus 4-9.

Người Đức là vậy, họ luôn thẳng thừng phê phán các lỗi của chính phủ nhưng không ưa, thậm chí sợ thay đổi cực đoan.

Nên nhớ, chính phủ hiện thời là đại liên minh CDU và SPD, tức là hai bên đang “đấu súng” đấy, nhưng họ vẫn đang chia nhau các ghế trong nội các và đa số áp đảo trong nghị viện, chẳng ai dại vạch áo (của nhau) cho người (cử tri) xem lưng!

Và vì thế bà Merkel có khả năng trụ lại để dẫn đầu chính phủ mới/cũ, vì như nhiều người Đức nói hiện tại chưa thấy ai hơn.

Quan lộ của nhân vật chính

Không rõ tại sao một số tờ báo ưa dùng khái niệm “người đàn bà thép”? Cái tên “The Iron Lady” từng được gán cho Margaret Thatcher, nhưng dù có yêu mến và khâm phục Merkel đến mấy cũng phải biết là không nên gọi bà như thế.

Khác hẳn với một Thatcher đập huỳnh huỵch cái giỏ da Salvatore Ferragamo huyền thoại lên bàn để thị uy (để trong tiếng Anh có thêm một từ xấu xí là “handbagging”, nghĩa là “đập giỏ”), bà Merkel điềm đạm, không có tài hùng biện, nhưng cũng chẳng bao giờ mất bình tĩnh.

Đi thăm trại tị nạn, bà nhẫn nại để từng người đứng cạnh “selfie”. Cũng chưa thấy quan chức nào dưới quyền bà van vỉ thư ký “đặt sẵn xe cấp cứu lúc 3 giờ” như bộ trưởng công nghiệp Keith Joseph khi bị Thatcher gọi lên đối chất.

Bà sẵn sàng để đồng bào mình chất vấn, vì sao Đức góp nhiều tiền nhất vào quỹ EU, chứ không kêu gào giật lại từng bảng của Anh gửi EU như Thatcher.

Là con gái một mục sư Tin Lành, nhưng sau này bà được biết hơn với danh hiệu “con gái đỡ đầu của Helmut Kohl”.

Bà lên chức bộ trưởng dưới sự bảo trợ của Kohl, nên cái biệt danh ấy nghe chừng chính xác. Nhưng cũng không ít người trong CDU cho rằng bà đã ngáng chân người bảo trợ để thành tổng thư ký rồi chủ tịch đảng.

Trong bộ máy chính trị của Đông Đức cũ cũng có Đảng CDU, nhưng chỉ sau năm 1990, bà Merkel mới gia nhập chính đảng này của nước Đức tái thống nhất và được bầu trực tiếp vào nghị viện liên bang Bundestag.

Mất có 15 năm để từ một đảng viên bình thường trở thành thủ tướng thì không thể không có tố chất chính trị kiệt xuất bẩm sinh.

Năng khiếu chính trị của bà được phát lộ hồi năm 1995, khi bà điều khiển Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Berlin và làm các đối tác bất ngờ về tài thương lượng mềm dẻo mà không khoan nhượng.

Bà bền bỉ leo cao dưới quyền chủ tịch đảng mới là Wolfgang Schaeuble. Năm 1999 cả chính trường ngã ngửa khi đọc bài báo của bà trên Frankfurter Allgemeine Zeitung, nhật báo được tiếng nghiêm túc nhất nước Đức.

Ở thời điểm ấy, ông Kohl dính vào vụ nhận tiền ủng hộ đảng của ông tranh cử và nhận hết tội vào cá nhân mình, rồi đem theo bí mật ấy xuống mồ.

Trong khi cả bộ máy CDU kính cẩn ngả mũ trước hành vi “xả thân vì đại nghĩa”, thì bà Merkel lại lên báo kêu gọi đảng thoát khỏi cái bóng quá to của Kohl.

Schaeuble cắn răng từ chức, và từ đó đến nay không ai tranh nổi ghế chủ tịch đảng của bà nữa.

Cú sốc đầu tiên và nặng nhất

Năm 2006, một năm sau khi bà Merkel nhậm chức thủ tướng, tạp chí Forbes bầu bà là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”, và bà giữ vị trí này mấy năm liền sau đó. Nước Đức giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu.

Con đường bằng phẳng của bà Merkel tưởng chừng không gì cản nổi thì chiến sự Trung Đông bùng lên và đến năm 2015 đạt đỉnh điểm, khiến hàng triệu người tị nạn Syria và nhiều nước vượt Địa Trung Hải. Họ cập bờ Hi Lạp và Ý, nhưng chủ yếu đi tìm các miền đất hứa sáng láng hơn như Thụy Điển, Đức...

So với “tai nạn” này, các ổ gà “nho nhỏ” như Grexit của Hi Lạp hay đấu đá nội bộ CDU chỉ là chuyện vặt.

Tự tin vào sức mạnh kinh tế và tình đoàn kết giữa các thành viên EU, nước Đức mở biên giới cho ngót 1 triệu người tị nạn, thực sự hay giả mạo, bao gồm không ít kẻ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trà trộn trong đó, như các vụ tấn công sau này ở Pháp, Anh, Thụy Điển... chứng minh.

Sau khi bị các đồng minh EU quay lưng, bà Merkel quyết định xả cửa biên giới mà chưa thông qua nghị viện, thậm chí lờ đi quy chế Dublin (người tị nạn phải ở lại và đăng ký ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân đến).

Thực sự là một lỗi chiến thuật. Người Đức khâm phục lòng vị tha của bà, nhưng cú sốc văn hóa và những bất an xã hội đã làm dấy lên làn sóng phản đối Merkel.

Tờ Zeit 30-3-2017 thuật lại sự việc tưởng như không thể dễ hiểu hơn: “Giả sử, thủ tướng hỏi dân Đức ngay từ mùa thu 2014, khi tối nào trên tivi cũng có những thước phim về trẻ em khóc lóc trước cảnh bom đạn hoang tàn ở Homs hay Aleppo:

Hàng trăm ngàn người Syria không còn mái nhà trên đầu, trong khi dân ta sống thịnh vượng. Liệu chúng ta có thể đón sang Đức 800.000 người Syria trong một chiến dịch trật tự với mọi phương pháp thẩm tra an ninh và lấy dấu tay...?

Sẽ là một chiến dịch đắt đỏ, khó khăn và đầy rủi ro, nhưng chúng ta sẽ làm được, và nói chung cả hai bên sẽ đều có lợi. Chắc chắn bà sẽ chiếm được một đa số khả quan”.

Sức ì trong vòng hào quang

Phải chăng quán tính của người ngồi mãi trên ghế cao đã lấn át linh tính chính trị sắc bén một thời? Kohl từng phải trả giá rất đắt.

Trong nhiệm kỳ 16 năm của ông, nước Đức tái thống nhất, không ít thì nhiều cái tên Helmut Kohl mãi mãi được nhắc cùng sự kiện lịch sử vĩ đại đó. Chỉ một lỗi vào cuối đời khiến lý lịch công trạng của ông mãi dính một vết nhơ.

Với chút may mắn, bà Merkel sẽ đắc cử trong kỳ tới. Công bằng mà nói, “lỗi” mở cửa biên giới của bà xuất phát từ động cơ nhân đạo, nhưng chính trường vốn tàn nhẫn, và mục đích không phải bao giờ cũng biện minh cho phương tiện.

Bà Merkel không chỉ vấp phải phản ứng của người dân, mà còn ngay trong hàng ngũ của mình. Bi kịch tất yếu của một nhiệm kỳ quá dài?

Tạp chí Spiegel đã tham dự một sinh hoạt của Đảng CDU và nhận thấy giữa chủ tịch đảng và đảng của mình đang có rạn nứt sâu sắc.

Michael Weickert, nhân viên hội đồng thành phố Leipzig nằm trong tay Đảng CDU, nói: “Nhiều đảng viên nói Đảng CDU của bà Merkel không phải là Đảng CDU của chúng tôi nữa rồi”.

Đây đó trong thành phố đã thấy biểu ngữ đòi hạ bệ Merkel, điều chưa từng có trong 12 năm qua. Trong cuộc họp có mặt hơn 1.000 đảng viên, và họ kêu gọi chủ tịch đảng thay đổi chính sách. “Nếu không chặn được quá trình này thì nước Đức sẽ sa vào một thảm họa quốc gia”.

Như đã nói, với chút may mắn, bà Merkel sẽ tái đắc cử, nhưng chỉ vì không có khuôn mặt nào sáng giá hơn. ■

Tổng tuyển cử ở Đức

Có 38 đảng tham gia cuộc tổng tuyển cử liên bang vào ngày 24-9 tới, nhưng chỉ có 7 đảng dự tính sẽ vượt qua được mốc 5% để có đại diện trong Bundestag: CDU, SPD, Die Linke (Cánh tả), Đảng Xanh, CSU (Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo, chỉ tranh cử ở Bavaria và là liên minh truyền thống của CDU), Đảng Dân chủ tự do (FDP), AfD (Alternative für Deutschland: Giải pháp khác cho nước Đức, đảng cực hữu).

Ở Đức rất khó có khả năng một đảng giành được đa số ở Bundestag và ai muốn làm thủ tướng sẽ phải thành lập liên minh.

Hầu hết các đảng lớn đã bác bỏ khả năng liên minh với AfD, CDU-CSU và FDP đã bác bỏ khả năng liên minh với Die Linke. SPD và Đảng Xanh cũng không mặn mà với Die Linke, dù không tuyên bố chính thức.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy một chính quyền đại liên minh, với hai đảng lớn nhất trong quốc hội CDU-CSU và SPD, là khả năng cao nhất, đồng nghĩa với việc bà Merkel sẽ ngồi lại ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận