Thị trường du học: Không còn thích đồng nhân dân tệ ?

PHẠM THỊ LY 06/05/2020 21:05 GMT+7

TTCT - Mối họa đại dịch diễn tiến quá nhanh, quá nguy hiểm, đã đặt tất cả các nước vào vị thế thời chiến với những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Chưa bao giờ trong lịch sử, kể cả trong chiến tranh, học sinh sinh viên toàn quốc nghỉ học ở nhà hàng tháng như ở Việt Nam, và tính đến cuối tháng 3-2020 đã có 138 quốc gia đóng cửa trường học tương tự.

Ảnh: scmp.com
Ảnh: scmp.com

Đó cũng là lúc chúng ta chứng kiến những bất thường nghiêm trọng, những quốc gia phong tỏa, tuyệt đại đa số chuyến bay thương mại quốc tế đều tạm ngừng. Đến nay, trong sự khôi phục cực kỳ dè dặt một số hoạt động, chúng ta vẫn chưa biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu và thế giới hậu đại dịch sẽ thay đổi như thế nào so với những gì chúng ta từng thấy trước đây.

Giáo dục đại học (ĐH) trên thế giới đã và đang đứng trước những tác động trực tiếp và cực kỳ nghiêm trọng mà đại dịch đang đặt ra.

Bức tranh thực tế

Các trường ĐH phương Tây, đặc biệt ở những nước nói tiếng Anh như Vương quốc Anh, Úc và Mỹ, là điểm đến chủ yếu của du học sinh quốc tế từ các nước khác, phần nhiều là các nước đang phát triển và nhiều nhất là từ Trung Quốc, do quy mô dân số quá lớn và do chủ trương của chính phủ nước này.

Một ví dụ là ở Mỹ, sinh viên Trung Quốc chiếm 1/3 tổng số sinh viên quốc tế, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 13 tỉ USD trong năm 2017-2018, bao gồm học phí và tiền ăn ở. Tính trong giai đoạn từ năm 2008 - 2018, số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ tăng liên tục và cực nhanh, từ 100.000 đến khoảng 360.000.

Tháng 11-2019, một báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE) loan báo con số “cao nhất từ trước tới nay” với gần 400.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ (tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ lúc đó là 1.095.299). Nói riêng về học phí thì học phí từ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 28% trong tổng số nguồn thu học phí ở các trường ĐH công của Mỹ.

Tình hình ở Úc còn nghiêm trọng hơn, bởi tỉ lệ sinh viên quốc tế so với số dân ở Úc cao hơn hẳn các nước khác như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Canada (hình 1).

Tính tỉ lệ sinh viên quốc tế trên tổng số sinh viên, con số ở Úc là 11%, cũng vượt xa các nước khác. Đến cuối năm 2019, tổng số sinh viên Trung Quốc học tại Úc là 212.000 người, lớn nhất từ trước tới nay và chỉ thua sút con số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ và Ấn Độ. Nguồn thu từ sinh viên Trung Quốc là 12,1 tỉ đôla Úc (khoảng 8 tỉ USD), trong số 37,6 tỉ đôla thu nhập từ giáo dục của Úc.

Theo hai tác giả Christopher Ziguras và Ly Tran trong một bài báo từ tháng 2-2020, nạn dịch có thể là sự cố lớn nhất và tồi tệ nhất trong lịch sử về dòng chảy sinh viên quốc tế của giáo dục ĐH Úc. Bởi vì Úc chưa từng trải qua việc giảm sút thình lình số sinh viên quốc tế quá nhanh và quá mạnh như thế.

Vấn đề là sinh viên Trung Quốc chiếm tới 46% số sinh viên sau ĐH ở Úc. Nếu họ không đến nữa, nhiều chương trình đào tạo sau ĐH buộc phải hủy bỏ do quy mô lớp quá nhỏ. Các dịch vụ phụ trợ như nhà trọ, hàng hóa tiêu dùng… đương nhiên cũng giảm doanh thu theo.

Đối sách của các trường

Bởi vì nguồn thu đến từ sinh viên Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn và quan trọng như vậy, không có gì lạ khi các trường ĐH Úc đưa ra các gói hỗ trợ hấp dẫn khi đại dịch xảy ra, nhằm duy trì số lượng sinh viên đến từ Trung Quốc hiện đang học ở Úc. Một số trường ĐH ở Úc tài trợ cho sinh viên quốc tế đến 6.000 - 7.000 đôla/người để họ tự cách ly khi trở lại Úc theo đuổi việc học.

Họ đồng thời tiến hành nhiều chiến lược hỗ trợ khác như tổ chức các khóa học trực tuyến, gia hạn các chương trình hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ về visa hay công việc làm.

Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là, không chỉ riêng Úc, mà cả ở Mỹ, Anh, New Zealand, các trường bắt đầu bừng tỉnh, nhận ra rằng họ đã quá lệ thuộc vào nguồn thu của sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc. Lincoln University, trường ĐH nhỏ nhất ở New Zealand chẳng hạn, có đến 35% sinh viên quốc tế, nhiều sinh viên trong số đó là người Trung Quốc.

Họ bắt đầu chú trọng hơn chiến lược đa dạng hóa nguồn sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên Ấn Độ. Thực ra mà nói, điều này đã bắt đầu từ năm 2019, nạn dịch chỉ làm nó nổi bật thêm như một ưu tiên hàng đầu mà các trường bám lấy như tấm phao cứu sinh. Tuy vậy, Ấn Độ còn lâu mới có thể thay thế vai trò “con gà đẻ trứng vàng” của Trung Quốc đối với các trường ĐH phương Tây.

Người ta bắt đầu nói tới việc các trường đã đặt mình vào một vị thế khá rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài chính từ sinh viên quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội ĐH New Zealand Gilchrist thậm chí còn nói rằng các trường và chính phủ nên cân nhắc một mức trần trong việc tiếp nhận sinh viên quốc tế để tránh rủi ro sụp đổ khi không còn nguồn thu ấy.

Triển vọng tương lai

Tuy nhiên, Philip Albach, học giả hàng đầu về giáo dục ĐH quốc tế, trong một bài báo ngày 14-3-2020 đăng trên University World News tỏ ra khá lạc quan. Trước câu hỏi những tác động trung hạn và dài hạn của cuộc khủng hoảng này nên được đánh giá như thế nào, ông cho rằng không có gì đáng ngại.

Một hệ quả hiển nhiên là sự phát triển của dạy học trực tuyến trong thời đại dịch nên được coi là một diễn biến tích cực và đáng mừng. Cho đến nay, hầu hết giảng viên ĐH không được đào tạo để sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật nhằm thực hiện việc dạy trực tuyến sao cho có chất lượng.

Bất thình lình, hầu như tất cả đều phải chuyển sang dạy trực tuyến để thích ứng với tình hình mới. Chất lượng thấp trong giai đoạn này là khó tránh, nhưng nó cũng đẩy mạnh quá trình thích nghi để dạy học trực tuyến có thể phát triển lên một bước mới với tốc độ phi thường.

Việc đa dạng hóa nguồn sinh viên quốc tế thay vì phụ thuộc quá nhiều vào sinh viên quốc tế cũng đang được nhiều nước coi là một tác động tích cực. Trong một vài năm tới, số sinh viên du học và các chương trình trao đổi giao lưu có thể sẽ tạm thời giảm, đặc biệt đối với nguồn sinh viên từ Trung Quốc, dù đây vẫn là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất của thế giới.

Có thể sẽ diễn ra sự tái cấu trúc các mô hình du học và sự thay đổi trong bức tranh chung. Iran từng là nước gửi sinh viên đi du học nhiều nhất, nhưng nay không còn vai trò đó. Brazil và Saudi Arabia đang giảm, còn Việt Nam và Ấn Độ đang tăng.

Philip Albach dự đoán con số sinh viên du học trên thế giới nhìn chung có thể giảm, đặc biệt là sẽ có sự thay đổi về điểm đến. Đang có sự chuyển dịch nhẹ về địa điểm du học từ châu Âu, Bắc Mỹ và Úc sang châu Á và Trung Đông. Nước Mỹ ngày càng trở thành một điểm đến không mấy được hoan nghênh và có lẽ số sinh viên quốc tế sẽ giảm.

Trên toàn cầu, giáo dục quốc tế là ngành kinh tế mang lại ước chừng 300 tỉ USD mỗi năm. Như đã nói trên, nhiều trường dựa vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế để tồn tại, nổi bật nhất là Úc, ít hơn là Anh và đối với một số trường ít đẳng cấp ở Mỹ. Cuộc khủng hoảng này là một dấu hiệu cảnh báo để các trường này xem xét lại chiến lược của họ.

Dù vậy, Philip Albach tin rằng sau khi đại dịch qua đi, giáo dục ĐH quốc tế sẽ nhanh chóng phục hồi. Dạy học trực tuyến sẽ phát triển, nhưng không thể thay thế hoàn toàn việc du học theo lối truyền thống vì sinh viên quốc tế không chỉ muốn tiếp thu kiến thức từ phương Tây mà còn muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài và tìm kiếm cơ hội phát triển việc làm, sự nghiệp. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận