Thiếu tính đa mục tiêu

HẢI MINH THỰC HIỆN 27/10/2010 19:10 GMT+7

TTCT - Liệu có giải pháp nào khác cho tình trạng ngập ở TP.HCM ngoài cuộc đua nâng đường? Nguồn lực giải quyết tình trạng này từ góc độ kinh tế ra sao? TTCT trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chương trình chính sách công Fulbright.

Ngập đô thị - cuộc đua bất tận?


Phóng to
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nâng nhiều lần nhưng vẫn bị ngập thường xuyên sau mỗi trận mưa (ảnh chụp tháng 8-2010) - Ảnh: Vy Khánh


* Thưa ông, tình trạng ngập đô thị ở TP.HCM có thể giải quyết bằng phương án nào ngoài việc nâng đường?

- Ngập trong đô thị của TP.HCM gồm hai vấn đề: sự xuống cấp, quá tải của hệ thống thoát nước hiện hữu và tình trạng triều cường. Với vấn đề thứ nhất, chúng ta có thể giải quyết bằng cách đầu tư cho hệ thống thoát nước, điều mà thành phố đang làm. Tuy nhiên, dự án thoát nước cho thành phố được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ (phê duyệt năm 2001, dự kiến hoàn tất năm 2007) đến nay vẫn chưa xong, đã phải gia hạn nhiều lần, phát sinh thêm chi phí hơn 50% và phải tới cuối năm 2011 mới có thể kết thúc.

Có nhiều nguyên nhân, do dự án chưa hoàn chỉnh, công tác triển khai không được khảo sát kỹ lưỡng cũng như việc chọn nhà thầu thiếu năng lực... đã dẫn đến tình trạng thi công kéo dài.

Theo tôi, điểm thứ nhất cần giải quyết là đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thoát nước, bao gồm cải tạo hệ thống cống, nạo vét các dòng kênh thoát nước chính trong nội ô hiện đã bị ô nhiễm và tắc nghẽn vì sự gia tăng dân số, tách biệt hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt.

Về điểm thứ hai, tình trạng triều cường ngày xưa được giải quyết bằng cách để nước thoát ra các vùng trũng như quận 2, huyện Nhà Bè... Nay những khu vực này đều đã trở thành các khu đô thị, cho thấy quy hoạch thoát nước của chúng ta thiếu tầm nhìn.

Hiện nay các địa phương đều có các phòng chức năng riêng về quản lý đô thị, trên thực tế là hoạt động mang tính địa phương nhiều hơn là sự điều phối ngành dọc của các sở tương ứng thuộc ủy ban thành phố. Hệ quả là cuộc đua nâng đường còn xảy ra giữa chính các địa phương trong thành phố với nhau, điều này không thể nào là giải pháp cho tình trạng ngập trong dài hạn.

* Theo ông, chúng ta có thể thu hút nguồn lực để chống ngập như thế nào từ góc nhìn kinh tế và lộ trình ra sao?

- Theo tôi, đây là vấn đề khó khăn nhất. Nguồn tài chính của thành phố hiện nay không đủ. Ngân sách hoạt động trung ương để lại cho thành phố ít, một phần lại chi tiêu không hiệu quả trong khi các dự án thoát nước đô thị đều có quy mô rất lớn, đòi hỏi sự tập trung nguồn vốn cao độ. Cho tới giờ các dự án chủ yếu là tiền đi vay hoặc tài trợ, và các khoản này thành phố phải tự trả trong khi các địa phương khác được trung ương tài trợ.

WB đã khuyến cáo thành phố cần nâng mức đóng góp của người dân cho việc xử lý nước, đặc biệt là nước thải sinh hoạt. Dễ hiểu là khi dân số tăng nhanh, mật độ người ở TP.HCM ngày càng dày đặc thì sức ép lên cơ sở hạ tầng cũng tăng theo, người dân phải đóng góp nhiều hơn. Tuy nhiên, trong khi người dân có thể sẵn sàng đóng góp, họ có quyền yêu cầu phải được chứng kiến hiệu quả của các dự án.

Đây là điều chính quyền cần cam kết nếu muốn nâng mức đóng góp cho xử lý và thoát nước, hiện được tính vào giá nước hằng tháng của các hộ gia đình.

Các công trình thoát nước hiện nay ở Việt Nam thiếu tính đa mục tiêu, làm công trình thoát nước chỉ là để thoát nước, trong khi lẽ ra phải kết hợp nhiều mục tiêu thì các khoản đầu tư mới hiệu quả. Một công trình nạo vét kênh, làm kè hay lắp cống có thể và nên được tiến hành cùng với việc cải tạo giao thông, cảnh quan, cấp nước, xử lý các đường dây ngầm... thì chi phí thi công cũng như tái lập mặt đường sẽ thấp hơn nhiều.

Nhà nước đã không khai thác được lợi ích giá trị gia tăng của đất đai khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ, nếu xử lý tốt nước thải và tình trạng ô nhiễm ở kênh Nhiêu Lộc, giá trị đất dọc bờ kênh chắc chắn sẽ tăng rất nhiều và Nhà nước lẽ ra có thể sử dụng giá trị gia tăng của quỹ đất đó để đầu tư cho các dự án khác.

* Liệu chúng ta có thể đặt vấn đề nhấn chìm một vùng để cứu những vùng khác?

- Tôi cho rằng khó thực hiện việc này trong bối cảnh hiện nay khi trên thực tế các vùng trũng thoát nước trước kia đều đã là các khu đô thị. Theo tôi, mật độ dân số TP.HCM sẽ còn tiếp tục tăng và chúng ta không thể ngăn cấm điều đó. Như vậy, giải pháp duy nhất là phải tìm cách thích nghi, chứ không thể lại gây xáo trộn bằng cách thay đổi quy hoạch, di dời và nhấn chìm những vùng có dân cư hiện hữu.

Tóm lại, tiếp tục đầu tư hiệu quả cho cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống thoát nước, là giải pháp dài hạn và chủ yếu lúc này.

__________

Vì sao chống ngập úng TP.HCM trong nhiều năm qua tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, thời gian nhưng hiệu quả lại rất hạn chế?

Nhìn vào công tác quản lý, từ góc độ phân tích kinh tế của dự án chống ngập, tôi cho rằng việc cần nhất là phải quản lý tốt dự án để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án một cách đồng bộ. Một dự án tốt phải đủ 4 M: Man power (con người), Money (tiền bạc), Material (cơ sở vật chất) và Management (quản lý) mới có thể thành công.

Thành phố đã nhìn thấy vai trò của “nhạc trưởng” (M power) nên thành lập trung tâm chống ngập - có sáp nhập một số ban của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở GTVT. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều dự án, công trình liên quan chống ngập thuộc Sở NN&PTNT, Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây, dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một số ban quản lý dự án thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, Ban quản lý xây dựng thủy lợi 9 thuộc Bộ NN&PTNT...

Do đó, ai muốn tìm hiểu cặn kẽ cũng rất khó tiếp cận đầy đủ thông tin, số liệu để đánh giá một cách bài bản, chi tiết về số lượng các dự án, tiến độ thực hiện và tổng kinh phí của các dự án.

Dự án chưa triển khai, tiền đã tăng


Bài toán kinh tế đối với các công trình thủy lợi, đặc biệt giải quyết việc chống ngập cho đô thị, chắc còn phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện về phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tốc độ đô thị hóa. Phân tích đầu vào, đầu ra, kết hợp sử dụng mô hình cân bằng tổng hợp (CGE Modeling) để xem tại sao phải có dự án này? Sau khi có dự án đi sâu vào các thể chế kinh tế (hộ gia đình, Nhà nước, doanh nghiệp) được - mất những gì? Nguồn tiền từ đâu?


Chỉ nói riêng việc thực hiện quyết định 1547/TTg ngày 28-10-2008 về quy hoạch chống ngập TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt, gồm một tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, qua Nhà Bè, qua Vàm Cỏ với 12 cống lớn trên đê và một hệ thống cống nhỏ.

Theo quyết định, năm 2012 sẽ hoàn thành với tổng số vốn khoảng 10.080 tỉ đồng. Nhưng hiện nay chưa dự án nào trong quy hoạch này được duyệt vì các dự án có tính tiền đề như tính toán thủy văn, thủy lực mới duyệt vào tháng 6 năm nay, dự án tính toán kinh tế chiến lược, môi trường chiến lược, quy hoạch chi tiết đê bao và hệ thống cống dưới đê vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong 12 cống ngăn triều thì ba dự án cống lớn như Mương Chuối, Kênh Lộ và Thủ Bộ do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đã triển khai hơn một năm nay vẫn chưa được phê duyệt, riêng cống Mương Chuối cơ quan lập dự án thậm chí còn chưa thống nhất được về tuyến với địa phương. Trung tâm chống ngập lập dự án được 4/6 cống song vẫn chưa thẩm định được dự án.

“Có thể nói không ngoa, cho đến nay tất cả chỉ mới bắt đầu, thế mà theo một số dự án tư vấn đã tính toán lại thì tổng mức đầu tư tăng lên 3-4 lần. Nghĩa là con số dự kiến 10.080 tỉ đồng dự trù trong quy hoạch chống ngập cho TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ còn tăng lên rất nhiều!”.

Trong hệ thống công trình chống ngập, tỉnh Long An làm chủ đầu tư ba dự án, cũng chưa đi khảo sát lập dự án. Dự án cống Kinh Lộ theo quy hoạch được duyệt dự kiến cách bờ sông khoảng 2km và không có âu thuyền. Khi nghiên cứu bổ sung âu thuyền (để không ảnh hưởng nhiều đến giao thông) tổng dự toán đã tăng từ 300 tỉ lên 1.068 tỉ đồng.

Bài toán kinh tế chưa hoàn thiện

Khi phân tích kinh tế dự án chống ngập cho TP.HCM (M money và M material), đầu tiên phải xác định mặt bằng giá và đơn vị tiền tệ để phân tích. Chi phí kinh tế là các chi phí phải bỏ ra được tính theo giá kinh tế (gồm các chi phí đầu tư vật chất cho dự án, quản lý vận hành, duy tu hằng năm và các chi phí cơ hội khác như: mất đất và các tác động ngược khác). Giá trị lợi ích kinh tế của dự án bằng giá trị tính thiệt hại về tài sản trong các lĩnh vực kinh tế do ngập gây ra.

Nhờ có dự án, các thiệt hại về tài sản trong các lĩnh vực kinh tế hằng năm do lũ lụt được giảm thiểu. Đây chính là lợi ích chính yếu của dự án. Bên cạnh mục tiêu giảm thiệt hại do ngập lụt thì mục tiêu đáng chú ý là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng dự án. Vì hiện nay úng ngập ở TP.HCM diễn ra thường xuyên, kể cả thời điểm không mưa, không lũ với diện tích ngập nước thường xuyên vào khoảng 265km2 và 35,2% số dân của thành phố bị ảnh hưởng.

Vấn đề ngập lụt khu vực TP.HCM là bài toán hệ thống phải giải quyết tổng hợp, các yếu tố mưa, lũ, triều, cùng với hệ thống kênh mương, cống phải tiêu được nước, hệ thống đê bao... phải được làm đồng bộ. Đồng thời phải có phương án bố trí máy bơm cho các lưu vực cục bộ, nơi dự kiến xây dựng hệ thống công trình thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước, nhất là vào thời điểm xảy ra mưa cùng lúc triều cường.

Ngoài ra, phải tìm giải pháp phân lũ hồ Dầu Tiếng cho sông Sài Gòn để khi Dầu Tiếng xả lũ lớn không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven sông.

Quản lý dự án hiện nay vẫn là “quản lý công việc xây dựng” mà quên việc “quản lý quá trình xây dựng”. Muốn quản lý được quá trình đòi hỏi cán bộ phải am tường chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về dự án.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận