Thổ Nhĩ Kỳ ở "ngã tư quốc tế"

HỮU NGHỊ 05/03/2012 23:03 GMT+7

TTCT - Nằm bắc cầu giữa hai lục địa Á - Âu với tám nước láng giềng bao quanh (trong đó có Iran, Iraq và Syria), Thổ Nhĩ Kỳ vừa minh chứng cho vị trí chiến lược của mình khi tiếp đón Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong giai đoạn khủng hoảng toàn dải Trung Cận Đông hiện nay, từ Syria đến Iran.

Phóng to
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đến Ankara ngày 21-2 như một cử chỉ thừa nhận sức mạnh ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực - Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thành viên NATO đông quân nhất với hơn 1 triệu quân và cũng là một trong năm nước thành viên NATO có chân trong liên minh chia sẻ hạt nhân (cùng với Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan), bên cạnh ba cường quốc hạt nhân của NATO là Mỹ, Anh, Pháp.

Căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ là “tiền đồn” hạt nhân với 90 bom nguyên tử chiến thuật, trong đó 40 quả được dành cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng. Căn cứ radar Kürecik trong tỉnh Malatya, cách biên giới phía tây với Iran 435 dặm, là căn cứ radar tiền phương của hệ thống lá chắn tên lửa của NATO (1).

Vừa cạnh tranh vừa hòa hoãn với Iran

Đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương quan hệ hữu nghị với Iran, dù vẫn là một đồng minh then chốt của NATO

Bởi thế, lâu lâu Iran lại dọa sẽ tấn công “lá chắn” Thổ Nhĩ Kỳ (2) nếu như họ bị tấn công, như vào tháng 11 và 12 năm ngoái, hết thiếu tướng tư lệnh phòng không Iran Amir Ali Hajizadeh đến phó chủ tịch quốc hội Hossein Ebrahimi lên tiếng cảnh cáo. Quá “rành sáu câu” nội bộ những người láng giềng Iran, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bắn tiếng trên nhật báo Zaman rằng chỉ khi nào những nhân vật có thẩm quyền của Iran, như tổng thống hay bộ ngoại giao lên tiếng, thì mới quan tâm.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ớn gì các tên lửa của Iran cho lắm: tên lửa Scud cải biến bất quá bắn vu vơ rơi vào các thành phố chứ không đủ chính xác để hủy diệt được bất cứ mục tiêu cụ thể nào.

Trên một bình diện khác, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rất khác nhau. Với 99,6% dân số theo Hồi giáo dòng Sunni, song đất nước 76 triệu dân này lại có tên thật “đơn giản” là Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, không thêm tính từ Hồi giáo, lại không lấy Hồi giáo làm quốc giáo và cũng không chịu bất cứ tác động nào của giới tăng lữ như Iran và không ít nước láng giềng khác vốn theo dòng Shiite.

Thổ Nhĩ Kỳ theo chế độ nghị viện bầu bán giữa 50 đảng phái, lấy đảng nào có trên 10% số phiếu vào quốc hội, ghế thủ tướng thuộc về đảng nhiều phiếu nhất là Đảng AKP (Công lý và phát triển) dưới sự lãnh đạo của ông Recep Tayyip Erdogan, đã ba lần đắc cử ngày càng đa số hơn (34% năm 2002, 47% năm 2007, 49% năm 2011).

Đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương quan hệ hữu nghị với Iran, dù vẫn là một đồng minh then chốt của NATO. Tổng thống Abdullah Gül đã là một trong những lãnh đạo quốc tế đầu tiên chúc mừng thắng lợi của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2009, và mới tháng 2 năm ngoái còn đi thăm Tehran sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã hữu nghị đến mức bỏ phiếu chống lại nghị quyết trừng phạt Iran ở Hội đồng Bảo an LHQ.

Hôm 19-1, Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tiếp Bộ trưởng ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi tại Ankara và kêu gọi các bên “sớm đàm phán hạt nhân trở lại với Iran”. Một tháng sau, Iran lại lên tiếng chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi đàm phán. Chọn lựa này của Iran có thể sánh với chọn lựa “sân trung lập” quen thuộc thường thấy trong bóng đá. Chưa hết, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vẫn tiếp tục mua dầu hỏa của Iran, bất chấp lệnh trừng phạt của EU và Mỹ (3).

Hữu nghị thì hữu nghị, song không vì thế mà quên đi lợi ích của mình. Vấn đề Syria là một thí dụ cụ thể: Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối Iran quyết liệt. Hôm 5-2 vừa qua, Phó thủ tướng Bulent Arinc đã mạnh mẽ chỉ trích Iran: “Tôi muốn nói với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Quý vị có lên tiếng một chút gì về những việc đang diễn ra tại Syria chưa? Như thế mà gọi là Hồi giáo sao?” (4).

Có thể thấy qua phát biểu trên, luận điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về thái độ của Iran trong vụ việc ở Syria không dựa trên cơ sở nhân quyền hay dân chủ theo kiểu các nước Âu - Mỹ hay Liên đoàn Ả Rập, mà là nhân danh Hồi giáo để “xét giấy” Iran.

Ngoài dị biệt về tín lý tôn giáo như đã nêu ở trên, dị biệt Iran - Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ nét trong lĩnh vực chính trị - tôn giáo: Thổ Nhĩ Kỳ bênh vực phe Iraq theo dòng Sunni chống lại phe Shiite đang cầm quyền ở Iraq được Iran hậu thuẫn, mà hai phe này nay đang đấu đá nhau sinh tử bằng bom! Bởi thế, Chính phủ Iraq của Thủ tướng Maliki lãnh đạo mới lâu lâu lại tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Iraq.

Trung Quốc ve vãn Thổ Nhĩ Kỳ

Trong bối cảnh một EU ngày càng suy yếu, không còn sức hấp dẫn Thổ Nhĩ Kỳ như trước đây khi nước này cứ nộp đơn xin gia nhập EU rồi bị trả lời “khoan đã”, Trung Quốc chen chân vào. Sau khi rời Mỹ và Ireland, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Thổ Nhĩ Kỳ dự một diễn đàn kinh tế Trung - Thổ, chứng kiến ký kết một số dự án.

Song điểm nhấn của ông Tập Cận Bình chính là cuộc gặp Thủ tướng Erdogan hôm 21-2, yêu cầu ông này chống lại phong trào Đông Turkestan đòi độc lập trong tỉnh Tân Cương, nơi có nhóm người Uyghurs (Ngô Duy Nhĩ) vốn là dòng giống Turkic, “bà con xa” với người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan trả lời rằng Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” và không hậu thuẫn bất cứ phong trào ly khai nào ở Trung Quốc (5).

Đổi lại là gì? Báo chí than rằng hai ông kín tiếng không cho biết đã đề cập gì về vấn đề Syria, song rõ ràng họ đã có bàn về vấn đề này và đi đến một kết quả nào đó. Ông Tập Cận Bình rời Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tuần, đến cuối tuần đã có một diễn biến bất ngờ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Trung Quốc muốn đóng một vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề Syria. Trung Quốc hoan nghênh việc bổ nhiệm cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan làm đặc phái viên về vấn đề Syria. Trung Quốc hi vọng rằng diễn biến mới này sẽ dẫn đến đối thoại chính trị và tìm ra một giải pháp hòa bình thích hợp...” (6). Sau Trung Quốc, Nga cũng hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Kofi Annan.

Israel bị cô lập

Tuy ở trong khối NATO vốn hậu thuẫn Israel, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ thái độ y hệt như với Iran. Mới chủ nhật vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ loan báo không cho phép máy bay vận tải của Israel bay qua không phận của mình nếu như họ khám xét có chất nguy hiểm trong hàng hóa, đồng thời buộc các hãng hàng không Israel phải khai báo trước chuyến bay 10 ngày (7). Lệnh “hạn chế” này là một dấu chỉ Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với việc nước nào khác cho Israel bay qua không phận để tấn công Iran.

Trong bối cảnh đó, việc chính phủ ông Netanyahu kêu gào tấn công Iran càng trở nên vô vọng. Hôm thứ sáu tuần trước, một báo cáo của tập thể 16 cơ quan tình báo Mỹ quả quyết “đồng ý rằng việc Iran nghiên cứu hạt nhân có thể dẫn đến mức độ chế tạo một quả bom, song Iran không tìm cách làm điều đó. Cho dù Iran có tiếp tục làm giàu uranium, song Mỹ không thấy có bằng chứng gì buộc phải xét lại nhận định của mình và rằng Israel không tranh luận gì về phân tích tình báo cơ bản này”. Coi như ông Netanyahu “khỏi cần” đến Washington vào tuần tới chi cho mất công.

Cách xử sự cân bằng và tư thế vững vàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động đối ngoại ở một khu vực địa lý “ngã tư quốc tế” quả đáng noi theo.

__________

(1) http://www.guardian.co.uk/world/2011/sep/14/turkey-nato-missile-shield-radar
(2) http://www.reuters.com/article/ 2011/11/26/us-iran-turkey-missiles-idUSTRE7AP0PE20111126
(3)
http://rt.com/news/turkey-iran-oil-import-347/
(4) http://www.eurasianet.org/node/65040
(5) http://www.wantchinatimes.com/news-subclass cnt.aspx?id=20120223000082&cid=1101&MainCatID=11
(6)
http://english.cntv.cn/20120224/118493.shtml
http://www.spacewar.com/reports/China_welcomes_Annan_appointment_as_Syria_envoy_999.html
(7) http://www.haaretz.com/news/diplomacy-defense/turkey-restricts-use-of-airspace-by-israeli-cargo-planes-1.414930

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận