Thời tiết và chi phí

HẢ MINH - HIẾU TRUNG 17/11/2013 02:11 GMT+7

TTCT - Cơ quan khí tượng và đại dương quốc gia (NOAA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, có ngân sách hoạt động hằng năm lên tới 5,6 tỉ USD (2011). Riêng chương trình vệ tinh thời tiết và viễn thám của NOAA dự kiến tiêu tốn 2 tỉ USD từ ngân sách trong năm tài khóa 2013.

Phóng to
GOES-8 - một vệ tinh dự báo thời tiết của Mỹ - Ảnh: Wikipedia.org

Cơ quan khí tượng quốc gia Mỹ (NWS) với ngân sách năm 2013 lên tới 972 triệu USD có rất nhiều chương trình đầu tư nghiên cứu tham vọng, bao gồm cả những hợp tác với tư nhân. NWS tập trung chủ yếu vào sự an toàn cho người dân, dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan và đưa ra cảnh báo sớm.

Cạnh tranh ở tầm mức quốc gia

NWS không phải là ông lớn duy nhất trong cuộc đua về dự báo thời tiết và công nghệ khí tượng ở khu vực Thái Bình Dương, vùng kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi diễn ra những sự kiện thời tiết cực đoan với cường độ và sức tàn phá vào loại lớn nhất. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, Nhật Bản vẫn đầu tư gần 600 triệu USD trong năm tài khóa 2013 cho Cục Khí tượng quốc gia.

Trong khi đó, ngân sách hoạt động của Cục Khí tượng quốc gia Trung Quốc, vừa được công bố theo chương trình minh bạch hóa chính phủ năm 2012, lên tới hơn 4,4 tỉ USD, một phần vì quy mô dân số quá lớn, nhưng phần khác là bởi các hoạt động khí tượng liên quan chặt chẽ tới hoạt động hàng hải, công nghệ vệ tinh viễn thám và cả công nghệ quân sự, mà Trung Quốc đang rất quyết tâm thúc đẩy.

Hơn thế, ngoài việc đáp ứng nhu cầu quốc nội, việc phát triển hệ thống dự báo thời tiết mạnh giúp các nước này có thể cung cấp thông tin thời tiết miễn phí cho nhiều nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không có đủ nguồn lực cho các hạ tầng dự báo thời tiết tốn kém và đòi hỏi công nghệ cao.

Đó đương nhiên là một sự hợp tác đáng hoan nghênh, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự cạnh tranh ảnh hưởng, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ, ở khu vực, kể cả trong cung cấp thông tin thời tiết.

Chỉ trong năm 2013, Trung Quốc đã phóng ba vệ tinh thời tiết thế hệ thứ hai của họ và đang có triển vọng vượt qua Mỹ trong cuộc đua này. Ba báo cáo của cơ quan giúp việc cho Hạ viện Mỹ hồi tháng 9 đã khẳng định sau khi các vệ tinh thời tiết thế hệ mới của Trung Quốc được phóng và đưa vào vận hành đầy đủ từ năm 2014, Trung Quốc sẽ có năng lực dự báo tương đương với Mỹ.

Trung tâm dự báo thời tiết trung hạn châu Âu, hiện là cơ quan có các mô hình dự báo thời tiết chính xác bậc nhất thế giới, đã sử dụng dữ liệu của Trung Quốc ở dạng thử nghiệm và sẽ triển khai thực tế nếu họ thiếu thông tin từ Mỹ, nghiên cứu trên cho biết.

Dù bị nhiều chỉ trích về khả năng gây lãng phí, Mỹ vẫn đang xúc tiến một chương trình rất lớn do NOAA chủ trì - Hệ thống vệ tinh điểm cực (JPSS) - dự kiến tiêu tốn 11,3 tỉ USD và vệ tinh đầu tiên sẽ được đưa lên quỹ đạo sớm nhất là tháng 3-2017.

Đồng tiền “khôn”

Báo cáo do Cơ quan Chiến lược quốc tế LHQ về giảm thảm họa (UNISDR) tháng 5-2013 cho thấy thiệt hại trung bình từ động đất và bão tố trong những năm qua lên tới 180 tỉ USD/năm. Từ năm 2001 đến nay, thiệt hại trực tiếp từ thảm họa tự nhiên lên tới 2.500 tỉ USD. Tuy nhiên, các nước vẫn chưa đầu tư đáng kể vào các nỗ lực chuẩn bị và cảnh báo sớm trước thiên tai. Khảo sát của Viện Phát triển nước ngoài (ODI) cho biết cứ 10 USD tiền chi ra để đối phó với thảm họa, chỉ hơn 1 USD được sử dụng cho các nỗ lực chuẩn bị và cảnh báo sớm.

Trong hai thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế đã cam kết chi hơn 3.000 tỉ USD tiền viện trợ nhân đạo để đối phó với thảm họa. Trong số đó, chỉ 13,5 tỉ USD được đầu tư cho các hoạt động chuẩn bị và cảnh báo sớm.

“Chúng ta cần tư duy lại xem có thực sự hành động đúng đắn khi đối phó với thảm họa - chuyên gia ODI Jan Kellett tuyên bố - Điều chúng ta cần làm là ngăn chặn thảm họa để cứu sinh mạng con người và giảm thiểu thiệt hại vật chất”. UNISDR cũng nhấn mạnh đầu tư vào hoạt động quản lý nguy cơ thảm họa không còn là chi phí, mà là cơ hội thúc đẩy sự mạnh mẽ và bền vững của cộng đồng.

Một số quốc gia thu nhập thấp như Bangladesh hay Cuba cũng đã giảm đáng kể số người chết do thảm họa tự nhiên nhờ thiết lập hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả. Hệ thống cảnh báo sớm bão nhiệt đới (TCEWS) của Cuba đã giúp ngăn chặn thiệt hại từ bão nhiệt đới, lũ quét, sóng lớn...

Năm trận bão liên tiếp trong năm 2008 chỉ cướp đi sinh mạng của 7 người ở Cuba. Bão Gustav, trận bão mạnh nhất đánh vào Cuba trong 50 năm qua, phá hủy hơn 100.000 căn nhà nhưng không làm ai thiệt mạng.

Tương tự, ở Bangladesh bão tố dù vẫn gây thiệt hại vật chất lớn nhưng số người thiệt mạng ngày càng giảm. Tháng 11-2007, nhà chức trách Bangladesh quan sát thấy bão Sidr trước khi nó đổ bộ sáu ngày, nên có đủ thời gian đưa ra cảnh báo, di dời 3 triệu người.

Ngay sau khi bão đánh vào Bangladesh, hoạt động cứu hộ đã diễn ra khẩn trương. Ước tính 4.400 người Bangladesh thiệt mạng hoặc mất tích, thiệt hại kinh tế 1,16 tỉ USD. Nhưng các chuyên gia cho biết nếu không có các biện pháp chuẩn bị sớm, số người thiệt mạng có thể lên đến hàng chục nghìn.

Báo cáo Đánh giá toàn cầu về hoạt động giảm nguy cơ thảm họa năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí của các biện pháp chuẩn bị và cảnh báo sớm, tính cả những trường hợp dự báo sai, vẫn rẻ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả thảm họa. Ví dụ, khảo sát trên toàn quốc ở Mỹ năm 2009 cho thấy chi phí chuẩn bị, cảnh báo sớm để đối phó với thiên tai vào khoảng 5,1 tỉ USD nhưng nhờ đó đã ngăn chặn tổn thất 31,5 tỉ USD.

Trong báo cáo của UNISDR, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon dự báo những năm tới, thế giới sẽ phải đầu tư hàng nghìn tỉ USD vào các vùng dễ bị thiên tai tấn công. “Thách thức của chúng ta là phải đứng ở phía đúng đắn, phía thông minh hơn: đó là phía dự phòng” - ông Ban nhấn mạnh.

Chia sẻ số liệu khí tượng theo nguyên tắc phi vụ lợi

Ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết các nước thuộc tổ chức Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mà Việt Nam là một thành viên chia sẻ thông tin khí tượng theo một nguyên tắc chung: khí quyển là không có biên giới. Rất nhiều loại số liệu được chia sẻ theo nguyên tắc phi vụ lợi, như số liệu quan trắc bề mặt, số liệu quan trắc cao không, số liệu quan trắc vệ tinh…

Việt Nam có khoảng 200 trạm quan trắc bề mặt thì có 25 trạm chỉ để phát báo quốc tế dùng trao đổi thông tin. Các nước khác trong khu vực cũng vậy, chia sẻ cho nhau các số liệu quan trắc hải đảo. Số liệu từ rađa thì thiên về dùng dự báo cho quốc gia vì liên quan đến bí mật lãnh thổ.

Các mô hình dự báo, kết quả mô hình dự báo, bản tin dự báo cũng được chia sẻ cho nhau thông qua hệ thống thông tin toàn cầu để các cơ quan khí tượng thu của nhau và sử dụng.

Ngoài việc chia sẻ dự báo cho các nước khác, Việt Nam cũng nhận được số liệu thô từ các mô hình dự báo toàn cầu của các nước như Mỹ, Nhật Bản… để dự báo, diễn giải theo nhu cầu của mình. Việt Nam còn có các hiệp định song phương với các nước trong khu vực, Trung Quốc, Nhật Bản để chia sẻ số liệu cho nhau.

Hiện chỉ có mô hình dự báo không cung cấp miễn phí là của các nước châu Âu (chỉ sử dụng miễn phí cho các nước thuộc Liên minh châu Âu, các quốc gia khác phải mua). Việt Nam hai năm nay mua với giá khoảng 42.000 euro/năm. Đó cũng là thông tin duy nhất phải mua.

TUẤN PHÙNG (ghi)

__________________

Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn VN:

Mòn mỏi chờ kinh phí

Một lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trung ương cho biết đến thời điểm này chưa có dự án nào trong Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV (giai đoạn 2010-2012) hoàn thành.

Tháng 6-2010, Thủ tướng đã Chính phủ đã phê duyệt Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV (giai đoạn 2010-2012) với mục tiêu gia tăng mật độ và tự động hóa hệ thống quan trắc KTTV nhằm cung cấp số liệu chính xác, kịp thời phục vụ công nghệ dự báo bằng mô hình số, công nghệ dự báo mưa, lũ hiện đại.

Đề án cũng nhằm đổi mới và tăng cường năng lực hệ thống xử lý, lưu trữ, truyền tin phục vụ dự báo KTTV, nâng chất lượng dự báo KTTV dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN...

Theo đề án này, giai đoạn 2010-2012, Nhà nước sẽ cấp 1.391 tỉ đồng để đầu tư lắp đặt 127 trạm khí tượng tự động cho khu vực Bắc bộ; trang bị thiết bị tự động đo mực nước và mưa cho 25 trạm thủy văn hiện có trên hệ thống sông Hồng; lắp đặt 412 điểm đo mưa tự động trên phạm vi toàn quốc; xây dựng bốn trạm rađa thời tiết tại Việt Trì, Vinh, Pleiku, Quy Nhơn; xây dựng mới hai trạm vô tuyến thám không Cam Ranh, Cà Mau và trang bị hệ thống điều hành, quản lý, xử lý kỹ thuật, tổ hợp ảnh rađa trung tâm phục vụ dự báo KTTV...

Vị lãnh đạo Trung tâm KTTV trung ương cho hay tất cả các dự án đều đang làm dở dang do nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn về kinh phí. Do chủ trương cắt giảm đầu tư công nên dù được ưu tiên nhưng mỗi năm chỉ được cấp 200-300 tỉ đồng. Vì vậy, “mỗi dự án cả trăm tỉ đồng mỗi năm chỉ được 20-30 tỉ đồng là ưu tiên lắm rồi”.

Theo một chuyên gia về KTTV, trước đây ngành KTTV tuyển chọn những học sinh giỏi toán, vật lý để vào học chuyên ngành này. Nhiều sinh viên được cử đi đào tạo nước ngoài để phục vụ công tác dự báo KTTV. Nhưng gần đây sinh viên học ngành này rất ít, học xong cũng rất ít người chọn công tác trong lĩnh vực dự báo KTTV mà chuyển làm ngành khác hoặc làm trong lĩnh vực khí tượng hàng không.

Những người được đào tạo bài bản trước đây giảm dần do nghỉ hưu, nguy cơ thiếu hụt nhân lực tốt cho công tác dự báo KTTV là rất lớn.

T.PHÙNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận