​Thu hồi tài sản tham nhũng: Sửa luật và giao quyền

HOÀNG ĐIỆP 12/08/2015 00:08 GMT+7

Thu hồi tài sản cho Nhà nước là mục tiêu chính trong những vụ án tham nhũng. Nhưng mục tiêu này đang ở mức đạt rất èo uột: Năm 2013, thu hồi 11% số tài sản trong các vụ án tham nhũng, năm 2014 nhích lên 23%. “Đó vẫn là con số thấp, không thể tự hào. Bởi vậy, cần có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa trong thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng” - ông Phan Đình Trạc, phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, nói về vấn đề này.

 

Giao nhiệm vụ mới

Ông Trạc cho rằng cần giao Viện KSND tối cao chủ trì việc thu hồi tài sản cho Nhà nước từ các vụ án tham nhũng. Một khi vấn đề xử lý án tham nhũng không chỉ là điều mà các cấp, ngành cùng quan tâm, cả cử tri cũng liên tục yêu cầu công khai các vụ án tham nhũng để họ theo dõi và giám sát thì “án tham nhũng cũng cần công khai với ngành tòa án, chỉ có gì khuất tất mới không công khai” - ông Trạc nói.

Hiệu quả của việc thu hồi tài sản tham nhũng mãi mãi là vô phương nếu không đặt trong việc kiểm soát tài sản của xã hội. Nếu Nhà nước bắt đầu kiểm soát tài sản từ bây giờ bằng việc kiểm soát tài sản toàn dân như một đề án tổng kiểm tra dân số thì mới nói đến việc kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức. Đề án đó ở các nước phải làm trong 20 năm mới thiết lập được việc kiểm soát tài sản công dân.

Việc này tôi đã nói suốt hai nhiệm kỳ Quốc hội, rằng muốn kiểm soát được tham nhũng thì phải kiểm soát được thu nhập của mọi người dân, trong đó kiểm soát tài sản của cán bộ công chức. Việc kiểm soát này còn có nhiều cái lợi: chống trốn thuế, chống rửa tiền, chống gian lận thương mại, chống trốn thi hành án, chống tham nhũng... đấy là lợi ích hiển nhiên của việc kiểm soát tài sản. Nếu bây giờ không làm thì mãi mãi, kể cả đến khi tôi chết đi rồi cũng chẳng ai quan tâm.

Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

Theo đó, ông Trạc cho rằng khi vụ án tham nhũng được điều tra, khởi tố, viện kiểm sát phân công kiểm sát viên theo cùng vụ án thì cơ quan tòa án cũng cần có thẩm phán tham gia ngay từ đầu để nếu xảy ra vướng mắc về quan điểm, tình tiết vụ án thì có thể xử lý ngay lập tức, tránh tình trạng án kéo dài do bất đồng quan điểm giữa tòa và các cơ quan tố tụng còn lại. Bởi nếu xảy ra bất đồng quan điểm, tòa sẽ trả hồ sơ và thậm chí yêu cầu thay đổi tội danh đối với bị cáo. “Đó là cách tốt nhất để tránh việc kéo dài các vụ án, tránh việc trả hồ sơ và thay đổi tội danh đối với tội phạm có chức vụ”. Mặt khác, khi tòa theo sát được vụ án ngay từ đầu thì việc chủ động trong xác minh, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Vì sao khó khăn khi xác định hậu quả?

Cái khó nhất đương nhiên là trình độ ngày càng cao của những quan tham trong việc che giấu hành vi phạm tội, sử dụng hệ thống quan hệ chằng chịt dây mơ rễ má để tiến hành trục lợi và hết sức tinh vi trong tẩu tán tài sản sau khi tham ô. Đặc biệt là việc dùng những người thân để hợp lý hóa tài sản - điều mà pháp luật Việt Nam hiện chưa có điều khoản cụ thể để ngăn chặn.

Cái khó kế tiếp, theo nhiều chuyên gia, việc xác định hậu quả trong những vụ án tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn do phải chờ kết luận giám định (thiệt hại về hậu quả), mà điều này lại không quy định thời gian là bao lâu. Việc không quy định cụ thể về thời gian xác định hậu quả khiến quá trình giám định “bao lâu cũng được” trong khi tố tụng lại có quy định thời gian chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng vi phạm tố tụng trong những vụ án này.

Ông Dương Ngọc Hải, phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM, cho biết trong những vụ án tham nhũng, các kết quả giám định của các cơ quan giám định chênh nhau quá nhiều, gây khó khăn rất lớn cho quá trình tố tụng, nhất là chờ kết quả giám định về tài chính. Ngoài ra, một lý do chủ quan khác trong vấn đề án tham nhũng được ông Hải khẳng định là do “không phải lúc nào cơ quan điều tra cũng thực hiện hết yêu cầu của viện kiểm sát khi trả hồ sơ. Có khi yêu cầu năm việc họ chỉ làm một nửa, viện kiểm sát phải trả yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần làm cho vụ án kéo dài”.

Hiện rõ ràng có tâm lý cứ tham nhũng, đi tù nhưng có được tài sản. Tôi cho rằng không nên quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, bởi khi hết thời hiệu, nhiều người đã “hạ cánh an toàn” và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tịch thu tài sản của người tham nhũng là bắt buộc, các cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh hành vi tham nhũng và có thể buộc tịch thu tài sản để khắc phục hậu quả, không nên chỉ tịch thu những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Tôi sang Nga tháng 12-2014 tìm hiểu thì được biết Nga đã ban hành sắc lệnh về việc khắc phục hậu quả trong những vụ án tham nhũng. Theo đó, nếu người tham nhũng bị phát hiện mà chủ động nộp lại tài sản trước khi bị khởi tố thì có thể không bị khởi tố, còn nếu đã khởi tố rồi mà khắc phục được hết hoặc phần lớn hậu quả thì có thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ. Chúng ta có nên coi đây là một trong những biện pháp để thu hồi tài sản hay không?

Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ (nguyên phó chánh án TAND tối cao)

Từ vụ thu hồi tài sản trong vụ án Giang Kim Đạt, tôi được biết cơ quan điều tra đã lần theo đường đi của tài sản, cụ thể là theo dõi cả ông bố từ đi lại đến chuyển tiền ra nước ngoài... để lần ra manh mối đối tượng. Từ việc này đặt ra một cơ chế hết sức quan trọng là trong quá trình điều tra, với trách nhiệm và thẩm quyền, cơ quan điều tra được phép xem xét tính minh bạch của tài sản. Đây là ý rất quan trọng mà quy định pháp luật chưa có, quy định về thẩm quyền đối với cơ quan điều tra cũng chưa có. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra cơ chế mới để truy tìm xem tài sản ấy đi đâu, nhất là khi nhờ các cơ quan chức năng khác và các cơ quan tổ chức nước ngoài hỗ trợ, đặc biệt đối với các quốc gia mà VN chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp.

Mặt khác, cần tăng cường việc kê khai tài sản của đối tượng tham nhũng: ông A tham nhũng thì vợ con ông ta cũng cần phải kê khai tài sản anh em và bố mẹ, nhất là kiểm tra xem các đối tượng đó có sự tăng bất thường về tài sản và không minh bạch về tài sản hay không. Tố tụng hình sự phải đồng bộ với các luật khác, ngay cả Luật chống tham nhũng cũng phải sửa ngay. Hiện nay việc kê khai tài sản quá hình thức, hình thức đến nỗi cứ kê khai tài sản rồi để đấy mà không ai xác minh điều đó đúng hay sai.

Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG (đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận)

Ông Nguyễn Hòa Bình, viện trưởng Viện KSND tối cao, từng cho biết đã có hướng gỡ rối đối với vấn đề giám định tư pháp, giám định tài chính liên quan đến hậu quả của các hành vi tham nhũng, cụ thể là phải sửa luật. Theo đó, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi đối với tội tham nhũng sẽ không quy định về hậu quả của hành vi, mà chỉ cần xác định hành vi là đủ yếu tố để khởi tố xét xử. Vì vậy, ông Bình khẳng định “việc khởi tố không còn phụ thuộc vào việc giám định nữa”.

Theo đó, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi sẽ phân định tách bạch hành vi tham ô và các hành vi khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tài sản, trong đó xác định gần 20 hành vi khác nhau. Việc phân định rõ ràng, quy định cụ thể của từng hành vi khác nhau như thế sẽ dễ dàng hơn cho quá trình điều tra, truy tố.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an), cho biết vấn đề thu hồi tài sản trong những vụ án chống tham nhũng hiện vẫn do cơ quan điều tra điều tra, phát hiện và kê biên. “Tuy nhiên, do luật pháp VN hiện hành chưa thống nhất với công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng nên phải chờ xem sắp tới sửa luật thì có những kiến nghị cụ thể. Chứ như hiện nay thì còn rất khó” - ông Thịnh nói.

Trong “Cẩm nang chống tham nhũng” (Anti Corruption Handbook) mà Ngân hàng Thế giới đã phổ biến, trong đoạn “Thay lời tựa” có ghi rõ: “Tài liệu này đã được soạn như là một công cụ cụ thể giúp chống tham nhũng tại VN, đặc biệt nhắm đến các quan chức quản lý dự án”. Qua đó, họ vạch rõ đến cả những diễn biến trong tâm tư các quan chức như sau:

- Trong số các viên chức liên quan đến dự án, các viên chức trong các cơ quan thực hiện dự án cần được chú ý nhất. Xem xét lợi lộc của họ là gì và quyền hạn tác động của họ nơi các công đoạn then chốt của dự án đến đâu. Một số lợi ích cá nhân có thể xảy ra trong các trường hợp sau:

+ Viên chức được đánh giá trên cơ sở “biết điều” với cấp trên thay vì trên hiệu quả.

+ Do phải chi trả phí “mua chỗ hái ra tiền” nên phải lo thu hồi vốn bằng các thu chi bất hợp pháp từ ngân sách dự án...

- Quy mô kinh phí dự án càng lớn, quyền lực càng lớn, lợi ích càng béo bở. Các viên chức trong các chức vụ béo bở thường hay phản đối các biện pháp làm tăng tính công khai minh bạch hoặc thụ động trước các biện pháp đó.

- Mỗi cá nhân viên chức có thể không đủ sức hay vị thế để vượt qua những cám dỗ tham nhũng mang tính hệ thống trong cơ quan đó cho dù trong lòng họ không muốn thế”.

Đã 12 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng. Không rõ đã có bao nhiêu người dân, viên chức nắm bắt công ước này? Câu hỏi này là cần thiết vì một khi chưa biết đâu là những cấm kỵ cũng như những rào lưới ngăn chặn, kể cả liên kết bắt giữ và tịch thu tài sản trên toàn cầu, cám dỗ tham ô, tẩu tán sẽ vẫn còn đó. Chính vì thế vẫn sẽ không thừa khi tổ chức công bố rộng rãi, cho công chức nắm rõ Công ước chống tham nhũng cùng các tài liệu thiết thực khác của Ngân hàng Thế giới, OECD, ADB và của các đại sứ quán Anh, Đan Mạch, Thụy Điển..., như điều 5, khoản 1 của công ước đã nhấn mạnh: “... mỗi quốc gia thành viên sẽ xây dựng và thực hiện hoặc duy trì các chính sách chống tham nhũng hiệu quả và đồng bộ, những chính sách thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện các nguyên tắc của chế độ pháp quyền, việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công, sự liêm khiết, tính minh bạch và trách nhiệm”.

THIÊN DI

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận