Thu hút vốn FDI: Làm sao chủ động?

LÊ NGUYÊN MINH 19/09/2010 11:09 GMT+7

TTCT - Kịch bản thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra mới đây khẳng định sẽ “có chọn lọc”, sẽ “đề xuất những biện pháp quản lý FDI hiệu quả hơn” trong năm 2011. Nhưng trong bối cảnh nhiều dự án lớn đang giậm chân tại chỗ, nhiều tiếng nói sốt ruột đã đòi chấm dứt cách làm “sửa chữa vặt” để xây dựng một chiến lược thu hút FDI thật sự chủ động của VN.

 
 

 Câu chuyện thu hút và giải ngân vốn FDI nóng lên thời gian gần đây cho thấy những yêu cầu ngày càng bức bách từ việc tiếp nhận, lựa chọn dự án đến thúc đẩy giải ngân, buộc cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách làm.

Bị động

Ai cũng hiểu vốn FDI đăng ký chỉ là những con số ảo bởi mới chỉ dừng lại ở cam kết của nhà đầu tư, câu chuyện thật nằm ở phần giải ngân. Nhưng vốn FDI giải ngân thực hiện dự án ở VN vẫn là những con số ước tính, bởi chế độ báo cáo hiện nay không được tuân thủ chặt chẽ.

Không chỉ chạy đuổi theo vốn đăng ký do áp lực chỉ tiêu, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang đuối với vốn giải ngân thực hiện dự án. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho hay ông đã nhiều lần “toát mồ hôi” vì phải báo cáo Thủ tướng tình hình giải ngân trong khi các địa phương không gửi báo cáo về. 

Ở các địa phương, tình hình cũng không khác mấy khi sở kế hoạch - đầu tư yêu cầu nhưng doanh nghiệp không báo cáo. “Vì chưa có biện pháp chế tài nên doanh nghiệp không gửi báo cáo, chúng tôi cũng chịu!” - phó giám đốc một sở kế hoạch - đầu tư thừa nhận. 

Vì thế các bản báo cáo đều phần nào phải... “chế biến”, có khi “thêm mắm giặm muối”. 

Hơn nữa, số vốn FDI giải ngân vào lĩnh vực nào, được bao nhiêu hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đối với cơ quan quản lý nhà nước. Ông Đỗ Nhất Hoàng thừa nhận tính chính xác trong thống kê vốn FDI giải ngân hiện “đang có vấn đề”. 

Những khiếm khuyết trong việc thống kê khiến cơ quan quản lý khó xác định thật sự bao nhiêu vốn FDI vào VN mỗi năm. Bằng chứng là năm 2009, Cục Đầu tư nước ngoài đã phải điều chỉnh số vốn FDI đăng ký của năm 2008 thêm đến 7 tỉ USD, từ 64 tỉ lên 71 tỉ USD.

Mặt trái của tấm huy chương FDI đang làm GS.TS Nguyễn Mại, nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư, sốt ruột: “Đất nước chúng ta đã thay đổi nhiều, nền kinh tế bây giờ đã khác nhưng sao vẫn giữ chiến lược thu hút FDI của thập niên 1980? 

Đã qua rồi thời kỳ dự án vốn đầu tư vài chục triệu USD nhưng được cấp đến cả trăm hecta đất”. Ông cũng không tán thành tâm lý đề cao số vốn cam kết của nhà đầu tư hiện nay, bởi giữa cam kết với thực tế triển khai là “một trời một vực”. 

Trong ít nhất một thập niên qua, nhà đầu tư nước ngoài thường đăng ký số vốn đầu tư cực lớn, đồng nghĩa với việc họ được giao diện tích đất khổng lồ. Trong khi đó, nhà quản lý không thể kiểm soát số vốn kia được chuyển vào VN theo lộ trình như thế nào. 

Với đa số dự án, sau khi có được giấy phép trong tay nhà đầu tư mới đi huy động vốn. Gặp thời điểm khó khăn, huy động vốn chật vật, dự án chậm tiến độ là “chuyện cả làng”.

Làm sao chủ động?

“Phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận nguồn vốn FDI, chủ động trong mọi tình huống. Không thể giữ mãi cách làm cũ mà trong nhà đã biết rõ là lạc hậu” - GS Nguyễn Mại nói. 

Theo ông, cần khởi sự bằng việc thay đổi quy trình, đi từ việc giúp nhà đầu tư chuẩn bị các khâu từ thủ tục, giấy tờ đến mặt bằng, đến khi triển khai thực hiện dự án mới cấp giấy phép. Hiện nay đang cấp phép rồi mới tiến hành các bước chuẩn bị.

Theo UNCTAD (tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc Liên Hiệp Quốc), VN tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng lợi thế này phải được sử dụng để lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác một cách chủ động. Cảnh báo việc một số nước đang có chiến lược di chuyển nhà máy ô nhiễm ra khỏi đất nước họ, đồng thời khai thác tài nguyên nơi khác làm nguyên liệu sản xuất... được đưa ra ngày càng nhiều.

Nhưng khi bắt tay vào những việc cụ thể, tỉ như để ngăn chặn được những nhà đầu tư hủy hoại môi trường kiểu Vedan, các chuyên gia cho rằng không phải bằng những báo cáo đánh giá tác động môi trường nộp kèm hồ sơ mà phải bằng giám sát thực tế và độc lập. 

Một cách làm đơn giản đã được áp dụng trên thế giới là niêm yết công khai những tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường khi đo các chỉ tiêu về chất thải rắn, nước thải, khí thải... không đạt thì ngay lập tức lệnh đóng cửa nhà máy sẽ được ban hành.

Ông Đỗ Nhất Hoàng mới đây đã nói đến việc VN cần dựng lên luật chơi mới có lợi cho mình hơn. Luật chơi ấy có bao phủ được những mục tiêu và lợi ích từ việc thu hút vốn FDI kể từ vốn, lao động đến công nghệ, quản lý và ngoại tệ hay không nằm ở một tư duy dài hơi và một chiến lược quốc gia thật sự, thay vì những cách thức kiểu “đang sửa đổi, bổ sung nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư...”.

Kể từ khi có Luật đầu tư nước ngoài đến nay, trên 1.600 dự án với tổng vốn đăng ký 17,6 tỉ USD đã bị rút giấy phép. Con số này rất nhỏ so với tổng vốn đăng ký tính đến thời điểm này là 191 tỉ USD.

Vốn FDI thực hiện năm 2010 ước đạt 11 tỉ USD, tuy nhiên ở con số quan trọng nhất, vốn FDI chuyển thực tế qua cán cân thanh toán chỉ khoảng 8 tỉ USD.

Khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện cũng ngày càng xa:

- Giai đoạn 2006-2010: tổng vốn đăng ký là 147,6 tỉ USD, vốn thực hiện 44,6 tỉ USD, nghĩa là còn 103 tỉ USD vốn chưa triển khai.

- Giai đoạn 2010-2015: VN dự báo mỗi năm thu hút 30 tỉ USD vốn đăng ký, 15 tỉ USD vốn thực hiện. Dự báo đến năm 2015, tổng vốn đăng ký sẽ đạt 350 tỉ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ là 145 tỉ USD. Như vậy chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện sẽ là 205 tỉ USD, gấp đôi giai đoạn trước đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận