​“Thực học và theo đuổi đam mê”

LINH AN (GHI) 13/01/2015 03:01 GMT+7

TTCT - Kỷ niệm Ngày học sinh - sinh viên (9-1-1950 - 9-1-2015), TTCT ghi lại tâm sự của một số sinh viên về những quan tâm của họ hiện nay.

Một hoạt động tình nguyện của sinh viên CLB Tuổi Xanh - ĐH Hoa Sen - Ảnh: CLB Tuổi Xanh

Ngày 9-1 được chọn làm Ngày học sinh - sinh viên toàn quốc sau sự kiện học sinh Trần Văn Ơn bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong phong trào biểu tình của học sinh - sinh viên Sài Gòn đầu năm 1950. 65 năm đã trôi qua. Có đúng không nếu nói học sinh - sinh viên hiện nay yên ổn hơn, hạnh phúc hơn thế hệ cha ông?

Nguyễn Tiến Phát (sinh viên khoa văn học và ngôn ngữ ĐH KHXH&NV TP.HCM): Ở thời bình, tuổi trẻ không phải trải nghiệm cảm giác đứng giữa lằn ranh sống chết. Tuy nhiên, nếu xét về nhiệm vụ mang tầm thế hệ thì tuổi trẻ thời bình cũng có rất nhiều thứ cần phải đối mặt, từ những vấn đề chính trị đến câu chuyện muôn thuở về văn hóa, dân tộc... Điểm khó của thời bình là không có bất kỳ vấn đề nào được đẩy lên đỉnh điểm của sự tập trung. Chính vì thế, nếu như bình yên, hạnh phúc là một lợi thế thì chúng tôi cũng có rất nhiều nghĩa vụ cần phải thực hiện.

Nguyễn Việt Duy (sinh viên khoa quản trị công nghệ truyền thông ĐH Hoa Sen): Tôi nghĩ sinh viên thời nào cũng có vấn đề của thời đó, tất cả đều gắn liền với thời đại. Thời ông bà hay ba mẹ chúng tôi, đất nước ta phải chiến đấu để giành lại chủ quyền, độc lập khỏi thực dân và đế quốc, khỏi những cuộc xâm lấn từ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Thời chúng tôi có thể nói đang sống trong hòa bình, nhưng cũng đang phải đối phó với sóng ngầm ở biển Đông. Vấn đề hiện nay là kẻ thù không đơn giản là kẻ thù. Ai cũng biết câu nói của Winston Churchill: “Không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”, nên giờ đây có thể thấy - như trong một phân tích mới nhất tôi đọc được trên TTCT của TS Nguyễn Ngọc Trường, thế giới hiện nay đang trong bức tranh mà “kết bạn được ở mặt này nhưng phải đấu tranh ở mặt khác”, bức tranh bạn - thù hiện nay không dễ nhận diện.

Trần Ngọc Đan Thanh (sinh viên khoa nghiên cứu truyền thông Shoreline Community College): Chúng tôi không phải trải qua chiến tranh trực tiếp, không phải hi sinh về thể xác, nhưng chúng tôi phải đối diện với các cuộc chiến khác: về kinh tế, văn hóa, các xu hướng chính trị khác nhau. Ngày xưa khi mục đích giải phóng dân tộc rất rõ ràng, cha anh chúng ta chia sẻ với nhau một lý tưởng chung. Còn hiện tại, trong khi khái niệm “bạn bè” hay “kẻ thù” đều quá lửng lơ, cộng thêm lý tưởng sống cá nhân đang là khuynh hướng chính của đời sống thì người ta dễ sống vô hồn, lạc lối, thiếu mục đích. Đó là chưa kể nền tảng văn hóa lịch sử của giới trẻ chúng tôi hiện nay, theo tôi, chưa cao.

Vì sao bạn tự nhận xét nền tảng văn hóa lịch sử chưa cao?

Đan Thanh: Như bản thân tôi, việc học từ thời phổ thông ở những môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý, văn học, giáo dục công dân đa số có yếu tố học thuộc lòng, học theo mẫu, với những chi tiết dài dòng (ví dụ, trong môn lịch sử chúng tôi phải học thuộc lòng những số liệu tiểu tiết rườm rà, thay vì được trao những kiến thức mang tính hệ thống về lịch sử và sự phát triển văn hóa của dân tộc). Trong các loại sách giáo khoa, kiến thức không được tổng quát theo một hệ thống dễ học, dễ nhớ, theo thứ tự từ đơn giản tới nâng cao, mà sắp xếp thiếu tính khoa học. Học sinh cấp III bây giờ phải học rất nhiều môn, thời gian quá ít thì không thể tránh khỏi chuyện học vẹt, học cho xong để thi, chứ không có thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm, để thật sự thấu hiểu những gì mình đã học.

Tôi có người bạn du học ở châu Âu, bạn kể trong một buổi giao lưu văn hóa, những người bạn quốc tế đến hỏi chuyện bạn về lịch sử Việt Nam, cuộc thảo luận khiến bạn tôi nhận ra là họ hiểu biết về lịch sử nước mình còn nhiều hơn cả bạn, kể cả khi họ chưa một lần đặt chân tới Việt Nam. Mặc dù bạn tôi ngày xưa cũng học trường chuyên lớp chọn, điểm thi rất tốt, nhưng bạn kể mỗi khi thi xong là “quên hết những thông tin mà trước đó đã được nhồi hết sức kỹ thuật vào đầu”. Vậy nên nhìn chung tôi thấy nền giáo dục chưa xây dựng được sự hiểu biết thấu suốt về văn hóa cho các bạn trẻ, trong đó có cả tôi.

Theo các bạn, học sinh - sinh viên ngày nay đang đối mặt với những thách thức nào? Thách thức nào là nghiêm trọng nhất, vì sao?

Họ nghĩ gì về trọng trách của học sinh, sinh viên hiện nay

Đan Thanh: Ở thời đại này, chúng ta không thể bỏ qua sự kết nối, hội nhập với các nước, và đối tác cạnh tranh của chúng ta không còn trong “ao nhà” mà là sinh viên của cả thế giới. Khi nền giáo dục hiện nay chưa giúp học sinh - sinh viên phát huy được hết tiềm năng, khả năng tự do sáng tạo và tinh thần tự học, tôi nghĩ học sinh - sinh viên nên tìm ra con đường thực học của mình, theo đuổi đam mê của mình.

Nguyễn Việt Duy: Có lẽ quan trọng nhất là chúng tôi nên biết cách tự học. Muốn xây dựng đất nước, đóng góp cho xã hội thì sinh viên phải có kiến thức cần thiết, tư duy sáng suốt. Chỉ khi mỗi người ý thức như thế, dân trí của xã hội mới có thể nâng cao. Mỗi người nên tự hoàn thiện, tự trau dồi kỹ năng để giúp ích cho xã hội. Có lẽ chỉ nên nói thế thôi.

Nguyễn Đức Thuận: Tự học, thực học và theo đuổi đam mê.

Nguyễn Tiến Phát:Theo tôi, phải làm được một điều cơ bản nhất: có khả năng chịu trách nhiệm với chính bản thân mình.

 

Nguyễn Đức Thuận (sinh viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch): Theo tôi, thách thức nghiêm trọng nhất cho giới trẻ ngày nay chính là sự “ngộ độc thông tin”. Trong một thời đại mà công nghệ phát triển và thông tin đến ồ ạt từ rất nhiều kênh, nguồn khác nhau thì nền giáo dục chưa trang bị được cho giới trẻ cách tiếp nhận và chọn lọc thông tin thích hợp, đáng tin cậy. Các bạn dễ bị cuốn vào những dạng thông tin “mì ăn liền”, gây sốc. Sẽ luôn có những người lợi dụng thị hiếu dễ dãi của đám đông để tìm sự nổi tiếng bằng mọi chiêu thức. Thách thức với giới trẻ ngày nay là phải có bản lĩnh để tránh trở thành nạn nhân của những thông tin tưởng là nóng nhưng nhảm này.

Một thách thức khác gắn liền với thách thức “ngộ độc thông tin” chính là tâm lý sống bầy đàn, hùa theo số đông, không còn chính kiến. Hai điều này gắn liền với nhau vì muốn có chính kiến phải có tư duy chọn lọc thông tin. Khi bạn không có được điều này thì khó phát triển được một suy nghĩ riêng có thể đứng vững giữa quá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Điều này dẫn tới hiện tượng sống ảo với những bạn trẻ dành quá nhiều tâm trí vào việc câu view, câu like trên các mạng xã hội, câu sự ủng hộ của đám đông mà không thật sự có chính kiến, suy nghĩ của mình. Thật ra họ cũng là nạn nhân của lối sống thiếu mục đích và phải đi tìm giá trị bản thân từ những vấn đề bề nổi, phù phiếm.

Nguyễn Tiến Phát: Theo tôi, thách thức nghiêm trọng nhất vẫn là vấn đề đào tạo toàn diện đối với cả một thế hệ sinh viên. Nếu việc đào tạo đúng đắn, cởi mở, tự nguyện, trách nhiệm và đặc biệt là khoa học, không khuôn sáo, gượng ép thì mỗi sinh viên sẽ tự biết cách làm chủ chính mình. Đến khi đó, những thách thức còn lại chỉ đóng vai trò thứ yếu. Với tôi, giáo dục là cốt lõi.

Đan Thanh: Một thách thức khác là sự suy thoái đạo đức xã hội. Chúng ta được học trong trường về đạo đức, về lòng tự trọng và sự dũng cảm, nhưng chúng ta ít thấy những giá trị đó ở đời sống xung quanh, thậm chí thấy những điều ngược lại. Hiện tượng mua điểm, đổi tiền lấy điểm xuất hiện trong nhà trường, nơi mà lẽ ra giá trị về sự trung thực phải được tôn trọng và đề cao. Trong đời sống xã hội, chúng ta nói chống tham nhũng nhưng nhiều quan chức đưa ra gương xấu. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể thấy hiện tượng hôi của, gặp chuyện bất bình thì tránh để không bị vạ lây...

Dù sao cũng không thể phủ nhận học sinh - sinh viên hiện nay am hiểu công nghệ hơn, giỏi giang hơn và không kém năng động, xông xáo. Các bạn có những phong trào thiện nguyện rất hay như một đóng góp nhỏ bé của mỗi người cho xã hội.

Nguyễn Việt Duy: Chúng tôi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, đi thăm các mái ấm, quyên góp cho trẻ em nghèo... Ở trường, chúng tôi có câu lạc bộ Tuổi Xanh với nhiều hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực môi trường, từ thiện...

Nguyễn Đức Thuận: Am hiểu công nghệ hơn cũng có mặt trái của nó: quá sa đà vào Internet đến độ nghiện chẳng hạn. Nghiện ở đây còn nên hiểu theo nghĩa rộng hơn: tìm lối thoát khỏi những vấn đề phải đối mặt bằng cách đắm chìm trong thế giới ảo. Hiện tại tôi đã đóng Facebook vì cảm thấy nó chi phối đời sống của mình một cách tiêu cực, nhưng tôi biết về lâu dài vẫn phải sử dụng lại như một cách để tiện kết nối, giữ liên lạc. Nó đã là một guồng quay và mình không hoàn toàn có lựa chọn dùng hay không dùng. Điều quan trọng là phải biết tìm được ranh giới thích hợp để không biến Internet từ một phương tiện, công cụ liên lạc thành một cuộc sống thứ hai. Ngày xưa có một thời điểm tôi gần như nghiện Facebook, ngày nào cũng phải lướt và cập nhật trạng thái, nhưng giờ nhìn lại thấy đó là thời điểm mà mình cô đơn và mất phương hướng nhất. Vì vậy tôi nghĩ để tìm được sự cân bằng giữa Internet và đời sống thực thì mình phải tìm ra mục đích sống, khao khát của đời mình.

Nguyễn Tiến Phát: Trong thời bình, khi yêu cầu hi sinh cái tôi cho cái ta rộng lớn không còn cấp thiết nữa thì công bằng mà nói, việc tự gánh vác chính bản thân mình, chăm chút cho cá nhân là một điều tất yếu. Bởi chỉ cần mỗi người trẻ tự lo được, chịu trách nhiệm với chính bản thân thì xã hội sẽ không còn gánh nặng. Nhưng bên cạnh đó, ranh giới giữa vị kỷ và vị tha cũng rất mong manh. Trước áp lực của đời sống ảo, của mạng Internet phủ phẳng toàn cầu thì nguy cơ lan truyền sự ích kỷ là không thể phủ nhận. Bởi trong hoàn cảnh xã hội như hiện nay, đời sống ảo chia cắt và cô lập các bạn trẻ một cách hiển nhiên và tự nhiên nhất, chính vì vậy sự lớn mạnh của thói ích kỷ ít nhiều không chỉ là lỗi của cá nhân, mà còn dựa trên sự thúc đẩy của hoàn cảnh. Nên có thể xem đây như là một thách thức mang tính thời sự trong quá trình tự hình thành nhân cách của người trẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận