Thuốc trị COVID-19: Hành trình đi tới 600 loại!

HỒNG VÂN 20/07/2021 04:07 GMT+7

TTCT - Sau hơn một năm rưỡi chiến đấu với COVID-19, thế giới vẫn chưa có thuốc trị căn bệnh này. Nhưng đó là một hành trình miệt mài đi tới ít nhất 600 loại thuốc, với những kết quả nhất định trong điều trị.

 
 Thuốc molnupiravir đang được nghiên cứu để điều trị COVID-19. Ảnh: Merck & Co Inc

 Treo cao củ cà rốt

Theo trang Scientific American, hai trong số các phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 là dùng kháng thể đơn dòng và thuốc tiêm tĩnh mạch remdesivir. Giai đoạn điều trị tốt nhất là trong tuần đầu nhiễm bệnh, khi virus mới đang nhân lên trong cơ thể.

Vấn đề là giá thuốc. Hồi tháng 6-2020, Công ty dược Gilead cho biết giá bán remdesivir cho chính phủ các nước phát triển trên thế giới là 390 USD/lọ, giá bán cho các công ty bảo hiểm tư nhân ở Mỹ là 520 USD/lọ và họ “có thể có giá thấp hơn nữa cho các nước nghèo”. 

Tại Ấn Độ, theo báo Hindustan Times, thuốc tiêm remdesivir có “giá bình ổn” là 3.000 rupee/lọ (40 USD) nhưng giá chợ đen lên đến 15.000 - 18.000 rupee/lọ (200 - 240 USD).

Forbes hồi tháng 1-2021 đã tính ra rằng điều trị bằng remdesivir cần 5 - 10 ngày, liệu trình 5 ngày cần chi khoảng 2.600 USD/bệnh nhân. Nói chung, chỉ có các bệnh viện lớn mới có loại thuốc này. Và trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được điều trị quá muộn, khi bệnh đã chuyển sang tình trạng nguy hiểm hơn.

Nước Mỹ đang hướng tới việc tạo ra các thuốc kháng virus để người bệnh có thể sử dụng theo hướng dẫn tại nhà dễ dàng khi các triệu chứng mới xuất hiện. Giữa tháng 6-2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đầu tư 3,2 tỉ USD để nghiên cứu phát triển các loại thuốc kháng virus thế hệ mới, không chỉ điều trị COVID-19 mà cả các bệnh do virus khác gây ra trong tương lai.

Trước khi có khoản đầu tư này, theo các chuyên gia, các nghiên cứu về thuốc kháng virus nói chung và virus corona nói riêng không được quan tâm. Các bệnh do virus corona gây ra chỉ là cảm thường, các bệnh đáng kể như SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nặng) hay MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) thì đã biến mất. 

Vì thế, việc nghiên cứu phương pháp điều trị kháng virus mới, bằng đường uống, tác động trực tiếp làm virus bất hoạt... cần tới thời gian, tiền bạc, công nghệ tiên tiến và đội ngũ nhân lực tốt.

Ngoài ra, do virus luôn tiến hóa và tạo ra các biến chủng mới, để tránh bị biến thể mới của virus kháng thuốc, các nhà nghiên cứu phải nhắm vào các thành phần ít thay đổi của virus ngay cả khi nó biến đổi. Toàn bộ quá trình này có thể tốn nhiều năm. Các công ty nhỏ do đó rất khó bước chân vào lĩnh vực này, trong khi công ty lớn cũng ngán ngại rủi ro.

Còn một khi đã dám chơi dám chịu, thách thức của các nhà nghiên cứu là phải tìm ra một hợp chất có thể ngăn mầm bệnh không nhân lên nhưng không được gây hại cho các tế bào khác của cơ thể. 

Để làm được điều này, họ phải sàng lọc hàng ngàn hợp chất để đo lường hiệu quả của chúng trong việc nhắm trúng virus SARS-CoV-2. Các loại hợp chất triển vọng sau đó được thử nghiệm trên động vật và con người. Trong quá trình này, họ phải loại bỏ hàng ngàn hợp chất.

Tại Trường dược Perelman, Đại học Pennsylvania (Mỹ), chuyên gia vi sinh Sara Cherry, phụ trách một phòng thí nghiệm an toàn sinh học, đã sàng lọc khoảng 20.000 hợp chất để tìm hợp chất có khả năng cô lập tế bào phổi. Chỉ 150 hợp chất được chọn để đánh giá kỹ hơn, rồi khoảng chục ứng viên tốt nhất được chọn để thử nghiệm trên động vật.

Ngôi sao mới nổi: Molnupiravir

Tháng 6 vừa qua, một tia hy vọng nữa xuất hiện: thuốc kháng virus molnupiravir (còn gọi là MK-4482 và trước đó là EIDD-2801) của Mỹ, với tuyên bố của hai công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics (đơn vị phát triển) rằng nó có kết quả đáng khích lệ trong nghiên cứu lâm sàng.

Theo tuyên bố này, thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc có hiệu quả 100% trên các bệnh nhân COVID-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.

Thử nghiệm giai đoạn 3 với các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ hoặc vừa vẫn đang diễn ra. Các nhà nghiên cứu còn phải cần tới đánh giá hiệu quả của thuốc trong việc làm giảm số ca nhập viện, số ca tử vong ở các bệnh nhân không nhập viện nhưng có triệu chứng trong vòng 5 ngày hoặc bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh nặng. 

Nghiên cứu sẽ tuyển 1.850 tình nguyện viên trên toàn cầu và dữ liệu sẽ có vào mùa thu năm nay.

Thông cáo báo chí của Merck ngày 17-6 cho biết công ty sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ trong năm nay và họ đã mạo hiểm đầu tư để hỗ trợ phát triển, mở rộng sản xuất molnupiravir với quy mô hơn 10 triệu liệu trình vào cuối năm 2021. Họ cũng đang thảo luận với các nước quan tâm mua trước, tương tự như với vaccine.

Trong chiến lược của mình, Merck có các thỏa thuận cấp phép tự nguyện không độc quyền để sản xuất molnupiravir với các nhà sản xuất thuốc để đẩy nhanh sự sẵn có của molnupiravir ở 104 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) sau khi các cơ quan quản lý địa phương phê duyệt hoặc cho phép khẩn cấp.

Molnupiravir dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA (là những virus có thể biến đổi nhanh chóng, lây qua giọt bắn của dịch mũi họng) trong đó có SARS-CoV-2 khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. 

Molnupiravir hoạt động bằng cách tự chèn vào sợi RNA virus mới hình thành. Sau đó, sợi sẽ ngừng phát triển hoặc bị đột biến nặng đến mức không thể tiếp tục sao chép. 

Thuốc có rất ít tác dụng phụ và dễ sử dụng bằng đường uống để điều trị các bệnh nhân nhiễm virus giai đoạn đầu. Mỗi bệnh nhân sẽ uống 2 liều mỗi ngày và duy trì trong 5 ngày tại nhà.

Nếu nghiên cứu giai đoạn 3 thành công, trong tương lai, việc điều trị SARS-CoV-2 sẽ giống như điều trị các loại cúm khác. Ngày 9-6-2021, thông cáo báo chí của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết Chính phủ Mỹ đã cam kết chi 1,2 tỉ USD để mua khoảng 1,7 triệu liệu trình thuốc molnupiravir sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19 nếu molnupiravir được FDA cấp phép.

Trong bối cảnh rất nhiều loại thuốc không bao giờ ra mắt vì “chết yểu” ở đâu đó trong quá trình từ khám phá cơ bản đến thử nghiệm trên người, khoản đầu tư của chính quyền Tổng thống Biden là sự khuyến khích cần thiết để dìu các loại thuốc có triển vọng vượt qua chặng đường này, giảm bớt nỗi sợ về tài chính của doanh nghiệp.

Tại Ấn Độ, không hổ danh là nhà sản xuất thuốc giá rẻ hàng đầu thế giới, ngày 9-7, Phòng thí nghiệm Hetero của Ấn Độ cho biết họ đã xin cơ quan quản lý cấp phép thuốc molnupiravir để sử dụng khẩn cấp sau khi nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy thuốc có tác dụng giảm tỉ lệ nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các bệnh nhân COVID-19 nhẹ.

Hành trình của molnupiravir khá gian nan. Tháng 10-2020, thuốc được nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2-3 kết hợp để xem có giảm tỉ lệ chết và đẩy nhanh tốc độ hồi phục của bệnh nhân hay không. Tuy nhiên, đến tháng 4-2021, Merck và Ridgeback thông báo ngừng thử nghiệm với các bệnh nhân nhập viện vì dữ liệu cho thấy thuốc không có tác dụng.

 Họ tiếp tục thử nghiệm với các bệnh nhân nhẹ, không cần nhập viện và thấy thuốc có hiệu quả. Hợp chất hóa học chính của molnupiravir là C9H13N3O6, còn gọi là N4-hydroxycytidine - một hợp chất đã được biết đến trong nhiều năm qua. Một công ty có tên là Pharmasset Inc. (sản xuất thuốc điều trị viêm gan C, được Gilead mua năm 2011) đã nghiên cứu thành phần chính của molnupiravir vào khoảng đầu thế kỷ này, nhưng bỏ cuộc vì lo ngại rằng nó có thể gây đột biến gene, gây dị tật bẩm sinh. 

Molnupiravir chưa công bố giá. Nếu thành công, molnupiravir có thể là Tamiflu của bệnh COVID-19 nhưng giá bán lẻ, liệu có như Tamiflu, khoảng 950.000 đồng cho một hộp 10 viên (giá tại Việt Nam) hay không, vẫn còn là ẩn số.

Trường đua đa dạng

Các loại thuốc điều trị cho người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hầu hết thuộc một trong bốn nhóm là kháng virus (không cho virus xâm nhập hoặc nhân lên trong tế bào cơ thể); thuốc tim mạch (nhằm bảo vệ mạch máu, tim và các cơ quan khác khỏi các biến chứng của bệnh); thuốc điều hòa miễn dịch (hạn chế các phản ứng miễn dịch của cơ thể trong giai đoạn tiến triển của bệnh để không gây ra bất lợi cho cơ thể) và thuốc hỗ trợ chức năng phổi.

Các loại thuốc có tác dụng ở giai đoạn đầu của bệnh (bệnh nhẹ, không có vấn đề hô hấp) có thể không hiệu quả hay thậm chí là có hại với bệnh nhân nặng và ngược lại.

Theo Hiệp hội Các công ty dược dựa vào nghiên cứu, đến tháng 5-2021, có hơn 600 loại thuốc khác nhau trên thế giới được kiểm nghiệm về hiệu quả với COVID-19. Đa số các loại thuốc này đều hoặc đã được chấp thuận cho một bệnh khác hoặc ít nhất là đang được phát triển. Điều chỉnh mục đích của thuốc sẽ cho phép quá trình nghiên cứu nhanh hơn so với phát triển từ đầu. ■

Thảo dược cũng có phần

Cuối năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt một nghiên cứu thử nghiệm việc sử dụng vị thuốc Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) để điều trị các triệu chứng ban đầu của COVID-19 và giảm mức độ nghiêm trọng của virus. 

Thử nghiệm được tiến hành ở 5 bệnh viện công, với các tình nguyện viên tuổi từ 18 - 60, có các triệu chứng nhẹ. Viên thảo dược này được cấp cho bệnh nhân trong vòng 72 giờ kể từ khi có triệu chứng.

Thử nghiệm giai đoạn 1 (với 12 bệnh nhân, để thử liều) cho thấy liều 60mg của thuốc thảo dược từ Xuyên tâm liên có hiệu quả. Kết quả của thử nghiệm giai đoạn 2 với 60 tình nguyện viên (để đối chứng) không rõ về hiệu quả nhưng chứng thực thuốc thảo dược từ Xuyên tâm liên có thể sử dụng một cách an toàn, là cách điều trị thay thế ít tốn kém và có tác dụng giảm viêm.

Tháng 6-2021, tờ The Bangkok Post cho biết Bộ Y tế cộng đồng Thái Lan và các đối tác nghiên cứu của bộ sẽ nghiên cứu sâu thêm các đặc tính y học của các loại thảo mộc (gồm Xuyên tâm liên và củ gừng) về hiệu quả chống lại loại virus corona ở những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ.

Bộ trưởng Y tế cộng đồng Anutin Charnvirakul cho biết các nghiên cứu sơ bộ trước đó cho thấy Xuyên tâm liên có hiệu quả trong kiểm soát virus và ngăn virus nhân lên. Các bệnh nhân thử nghiệm thuốc có triệu chứng vừa, hồi phục tốt sau điều trị dù có một số tác dụng phụ được ghi nhận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận