Tiêm phòng vaccine cúm: Không bới được cây kim nhưng làm giảm đống cỏ khô

DANH ĐỨC 31/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Việc tiêm phòng vaccine cúm hằng năm không chỉ giúp người dân phòng dịch bệnh mà còn thuận lợi cho cơ quan chức năng “lọc” bớt người nghi nhiễm virus corona chủng mới. Tuy nhiên, do giá tiêm vaccine này hiện khá cao, nhiều người dân dù có nhu cầu cũng khó có khả năng tiếp cận.

Tiêm vaccine tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: T.T.D.
Tiêm vaccine tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: T.T.D.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp bàn tròn với giám đốc điều hành (CEO) các hãng dược phẩm, bào chế, sinh hóa hàng đầu của Mỹ hôm 2-3 tại Nhà Trắng cùng êkip chống dịch của Phó tổng thống Mike Pence. 

Sau khi hỏi về các nỗ lực chế tạo vaccine chống Covid-19 và nghe trả lời kết quả còn xa, ông Trump nôn nóng quay qua hỏi tiến sĩ Lenny Schleifer, nhà sáng lập và CEO của Regenerony (chuyên nghiên cứu vaccine cúm hơn 30 năm qua, với thành tích sáng chế ra phương thuốc điều trị Ebola): “Nếu lấy một vaccine ngừa cúm loại mạnh, ông có nghĩ rằng sẽ có tác động hay tác động có nhiều với con virus corona không, Lenny?”.

Giải thích cho câu hỏi này, ngay trước đó, ông Trump đã nói về chuyện vaccine ngừa cúm một cách nôm na: “Tôi nhận thấy mỗi năm người ta lại nói tới một loại vaccine khác. Có một chút khác biệt, một chút thôi - và sau đó, quý vị biết đấy, tôi nghe thấy những con số không hay ho mấy: tỉ lệ hiệu quả chỉ 60%, 70% thôi”.

Mỗi loại vaccine mới mỗi mùa cúm đều được loan báo là “cập nhật những chủng cúm nguy hiểm mới nhất”, song thực tế chỉ thay vài ba chủng mới đã bất hoạt, vì các loại virus gây bệnh cúm có thể thay đổi qua từng năm. Do đó, kháng thể trong vaccine cúm gần như chỉ có hiệu quả trong một năm nhất định, năm sau có thể không còn tác dụng.

Vì thế, bác sĩ khuyên nên chích nhắc lại vaccine cúm mỗi năm với thành phần các chủng virus cập nhật. Hộp vaccine một hãng của Pháp luôn ghi chú: “...được chỉ định để phòng cúm mùa do các chủng virus có trong thành phần của vaccine. Và không có tác dụng phòng cúm với các chủng virus khác không có trong vaccine”. Điều này ông Trump biết, những người Mỹ khác cũng biết. Không ai biết năm tới sẽ xuất hiện những chủng virus nào mới để thêm vô những chủng bất hoạt trong liều thuốc năm nay.

Câu trả lời của tiến sĩ Schleifer thật rõ ràng: “Không có tác động gì”, tức là con người đang hoàn toàn “trần trụi” trước con virus SARS-CoV-2.

Làm giảm đống cỏ khô

Thế nhưng, website LiveScience của Mỹ cách đây hai tuần đã đăng một bài có tựa đề rất ý nghĩa: “Tiêm phòng cúm sẽ không ngăn chặn được virus corona, nhưng có thể giúp chúng ta đối phó dịch bệnh”. Bài viết trích phát biểu của GS.TS Albert Ko, trưởng khoa tại ĐH Y tế công cộng Yale: “Tôi nghĩ rằng tiêm chủng chống cúm có ảnh hưởng gián tiếp rất quan trọng”.

Đầu tiên là giảm số lượng bệnh nhân cúm, nhờ đó giảm bớt áp lực lên đội ngũ y tế vốn đã quá tải tại các bệnh viện vì Covid-19. Cũng theo ông Ko, vấn đề còn ở chỗ Hoa Kỳ đang tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc xét nghiệm Covid-19. Hôm 5-3, Phó tổng thống Pence, người đứng đầu nhóm hành động chống Covid-19 của chính quyền Mỹ, tuyên bố Hoa Kỳ không có đủ bộ kit xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu.

Theo GS.TS Ko, nếu mọi người tiêm phòng cúm thì số người phải tìm đến các phòng khám với các triệu chứng không đặc hiệu như sốt và ho, vốn trùng với triệu chứng của Covid-19, sẽ ít hơn. Từ đó các bệnh viện sẽ nhẹ gánh hơn trong việc tầm soát các bệnh nhân mắc Covid-19. GS.TS Ko ví von việc phát hiện các trường hợp Covid-19 giống như bới một “cây kim ra khỏi đống cỏ khô”, và việc giảm các trường hợp cúm thường có thể “làm giảm đống cỏ khô”.

Nhiều bệnh nhân từ các nước khác ở châu Âu cũng đã phản ảnh rằng họ đi khám và được bảo về nhà tự cách ly. Mới hôm thứ bảy rồi, một người quen của tôi ở Mỹ cho biết người nhà bị ho, sốt đã đi khám song được cho về mà không cấp lấy một viên trụ sinh.

Vấn đề ở chỗ, không đáp ứng các tiêu chí khác đặc hiệu để chẩn đoán là nhiễm Covid-19, thì mời “về nhà tự chăm sóc nhé”. Có thể do đã chích ngừa cúm rồi, ở Mỹ ra dây chuyền tiệm thuốc CVS được chích cúm tại chỗ, nên được cho về vì không có những triệu chứng “sâu” hơn, đặc thù Covid-19.

Trong tình hình u ám đó cũng có một chút “thở phào”, theo TS.BS Eric Cioe Peña - giám đốc y tế toàn cầu của Northwell (một tổ chức bảo hiểm y tế phi lợi nhuận ở New York): “Thường nếu họ dính cái này, họ không có cái kia. Cực kỳ hiếm khi mắc cả cúm và Covid-19 cùng lúc”. Nói cách khác, “dính em cúm thường rồi thì không dính chị corona nữa”.

Nếu đa số đều đã chích ngừa cúm rồi, khi gặp các con virus cúm thường, tỉ lệ bị sốt, ho... cũng bớt đi, bớt “làm phiền tổ chức” phải tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc... Vài ba chục người còn đỡ, nhưng cả chục ngàn người thì nan giải, cho dù là cúm thường!

Nỗi buồn chưa có lời giải

Một thí dụ về lợi ích chích ngừa cúm: hai người Macau bị “vịn” ở cảng Civitavecchia khiến 7.000 người trên tàu du lịch tôi đi hồi tháng 2 ở Ý bị “cấm phòng” là do trước đó bị sốt phải đưa lên bờ, xét nghiệm xong mấy lần đều âm tính (bị cúm thường), tới tối họ và cả con tàu được thả. Đó là kinh nghiệm cho thấy nếu càng có nhiều người chích ngừa cúm, càng giảm tải sức ép sàng lọc cũng như giảm các ca “trúng gió”, “cảm mạo” ở những người đã chích ngừa cúm.

Thế nhưng, có bao nhiêu phần trăm dân số chích ngừa cúm và các loại khác? Gần đây, hàng loạt trung tâm chích ngừa vô cùng khang trang ra đời, người đi chích ngừa ngày càng đông. “Tiền nào, của nấy”, bớt những phiền trách y tá này, điều dưỡng kia... Cha mẹ đưa con đi chích ngừa rồi cũng chích ngừa theo. Kinh tế đất nước khá lên, chăm sóc sức khỏe cũng nâng lên.

Một số công ty tư nhân đã mua cho nhân viên những gói chích ngừa đủ thứ (rubella, sởi, cúm, uốn ván) giá hơn 3 triệu đồng. Vấn đề là các gói “combo” đó giá vẫn khá cao. Nếu chích mỗi mũi cúm thường (mùa) ở đây, giá là 500.000 đồng, trong khi ở trung tâm dịch tễ cùng quận, cách đó chưa tới 2km chỉ 250.000 đồng. Đồng ý là “tư doanh” và “hiện đại”, song làm thế nào mà giá cao hơn đến 100%?

Vấn đề càng u ám hơn khi cả chục năm nay, tôi đi hỏi các trung tâm y tế dự phòng, nay làm vai trò kiểm soát dịch: “Đã có chích ngừa phế cầu chưa ạ?”, câu trả lời là: “Không có”. Cách đây 2-3 năm, tôi hỏi bác sĩ khoa phổi một bệnh viện: “Sao lại không có thuốc ngừa phế cầu khi các bác bên tim mạch chỉ định phải đi chích?”, bác sĩ trả lời: “Có nước đi hỏi bà bộ trưởng thì may ra!”. Ở VN không có, trong khi tôi biết tại Bangkok (Thái Lan) có và giá không cao đến 1.290.000 đồng như ở một trung tâm hiện đại ở VN.

Tết vừa rồi, tôi vô một tiệm thuốc tây ở quận 5, Paris hỏi, giá chỉ 28 euro, tức chỉ hơn nửa giá ở một trung tâm hiện đại của VN. Hôm đó, do không có y tá nên tôi không chích được. Về VN được trả lời có thuốc, khấp khởi chạy tới thì được hỏi: “Bệnh nhân đã chích theo gói nào ở đây chưa?”.

Khi tôi trả lời: “Thưa chưa”, thì câu đáp từ chối như sau: “Thuốc đang hiếm, để dành cho những người chích cả gói”. Phải giải thích mãi rằng ở viện kia biểu phải chích, tôi mới được phê duyệt. Chẳng có gì phàn nàn cả, kinh doanh là kinh doanh - bảng hiệu có ghi rõ, đây đâu phải “nhà thương” mà trách được, tôi tự nhủ, song cũng cảm ơn đã được duyệt chích đúng giá 1.290.000 đồng/mũi.

Covid-19 dễ đả tử những người cao tuổi lại thêm bệnh nền, nên nếu có thể, các cơ quan chức năng VN cần nghiên cứu cho chích đại trà chủng ngừa phế cầu “thường”, như vậy sẽ bớt tình trạng các bác hưu trí “đổ” vì viêm phổi. Các ông lớn cỡ Lý Quang Diệu, Mandela... đều vì bệnh này mà qua đời. Chuyện đó càng quan trọng trong mùa Covid-19, để bọn già tụi tui đỡ làm phiền tổ chức, làm phiền gia đình! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận