Tiếng nói của những người không được nghe

JWYANZA HOBSON (*) 05/06/2020 23:06 GMT+7

TTCT - Từng trực tiếp trải nghiệm sự phân biệt đối xử của cảnh sát nói riêng và trong xã hội Mỹ nói chung, Jwyanza Hobson chia sẻ những suy nghĩ của anh về cơn cuồng nộ hiện giờ ở quê hương mình.

Ảnh: wusa9.com
Ảnh: wusa9.com

Đó là một sáng thứ hai trời đầy mây và tôi còn là sinh viên đại học. Khi đang lái xe vào chỗ đậu của trường tôi ở Riverside, California, tôi thấy trong kính chiếu hậu hai chiếc xe cảnh sát bám theo, còi hụ, đèn bật chớp nháy. 

Tôi nhanh chóng dừng xe, để hai tay lên tay lái, đợi các vị cảnh sát. Xe này tôi mới mua và tôi biết cảnh sát có thể muốn hỏi giấy đăng ký. Dẫu vậy trong tâm trí, tôi vẫn nhớ lại khi mình còn nhỏ, đã vài lần ở TP New York tôi bị cảnh sát quấy rối, đánh đập và bỏ tù một đêm dù chưa hề phạm một tội lỗi nào. Tôi biết mình phải cẩn thận.

Tôi nhìn qua kính chiếu hậu khi bốn viên cảnh sát tới gần xe tôi, súng rút ra chĩa vào đầu tôi. Hai vị đi trước đứng hai bên xe tôi, một người hét lên: “Rút chìa khóa xe ra!” trong khi người kia quát tháo “Để tay lên tay lái!” Hai mệnh lệnh đó mâu thuẫn nhau và tôi biết mình có thể mất mạng. Tôi tự nhủ: “Tên người ta biến thành một dấu thăng hẳn là như thế này đây”. Thời gian trôi thật chậm khi tôi nhận ra mỗi động tác của mình giờ đều tối quan trọng.

Tôi nói với các vị cảnh sát bằng giọng lịch sự nhưng rõ ràng nhất có thể: “Tôi phải nhấc tay khỏi tay lái thì mới rút chìa khóa ra được”. “VẬY LÀM ĐI!!!” - một vị lại hét lên. Lời giải thích của tôi về chiếc xe của mình gặp phải những ánh mắt khinh thị.

Họ gần như tỏ ra thất vọng vì tôi là sinh viên đại học sắp tốt nghiệp loại giỏi, sẽ là người phát biểu trong lễ tốt nghiệp của lớp tôi, và sắp nhận học bổng Fulbright chứ không phải tay tội phạm họ tưởng đã tóm được.

Họ bắt xe của tôi và sau khi làm bài kiểm tra môn lịch sử sáng hôm đó, tôi phải bỏ ra 400 đôla để nhận lại xe. Mọi chuyện đã có thể tồi tệ hơn. Tôi vẫn còn giữ được tính mạng. Những cuộc giao tiếp như thế lâu nay đã là chuyện thường tình giữa cảnh sát và những công dân da đen của đất nước Hoa Kỳ.

Những biến cố diễn ra gần đây ở Mỹ thoạt trông có vẻ đột ngột, nhưng dòng chảy ngầm mang theo làn sóng bất ổn xã hội này đã bắt đầu từ khi thai nghén đất nước. Dù người Mỹ gốc Phi đã là một phần cơ hữu của văn hóa Mỹ, họ vẫn là những người bị gạt ra bên lề của đất nước đấy, phản ánh trong sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở và các quyền dân sự.

Nhận thức của công chúng về mối quan hệ thù nghịch giữa lực lượng chấp pháp Hoa Kỳ và những công dân da đen đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Với sự ra đời của mạng xã hội và điện thoại thông minh, các biến cố về sự tàn bạo của cảnh sát ngày càng lộ rõ khi những đoạn video kinh hoàng được chia sẻ khắp thế giới, làm lộ rõ những đày ải mà người da đen phải chịu đựng.

Dù có những tiếng nói đòi hỏi trách nhiệm giải trình lớn hơn từ cảnh sát khi những biến cố đó xảy ra, đã không ai lắng nghe và nỗi thất vọng đã tích tụ lại, lên tới đỉnh điểm là tình trạng hỗn loạn khắp nước Mỹ hiện giờ, tình trạng mà nửa thế kỷ qua chúng tôi không thấy.

Những đoạn video khủng khiếp đấy chiếu lại cảnh sát hại George Floyd, dưới tay Derek Chauvin, người của Sở Cảnh sát Minneapolis và đã bị khiếu nại 18 lần vì bạo lực thái quá trong sự nghiệp 18 năm làm cảnh sát. Một chủ cửa hàng gọi cảnh sát báo rằng Floyd sử dụng môt tờ bạc giả 20 đôla.

Đoạn video vụ bắt giữ đăng trên Internet cho thấy Floyd hoàn toàn tuân thủ các cảnh sát bắt anh. Tuy nhiên, trong video về cái chết của Floyd, chúng ta thấy sự vâng lời đó đã không giúp anh giữ được mạng sống.

Anh bị đè chặt, mặt ép sát xuống đất cạnh một chiếc xe cảnh sát, ba cảnh sát đè anh xuống, và Chauvin chấn đầu gối lên cổ Floyd. Floyd liên tục nài nỉ, “Tôi không thở được” và xin những viên cảnh sát dừng lại, những người qua đường cảm thương cũng xin cho anh.

Trong đoạn video, có những lúc Floyd dường như mê sảng vì hoảng loạn và nghẹt thở, la hét gọi mẹ anh, người đã qua đời hai năm trước. Cảnh sát Chauvin đè đầu gối trên cổ Floyd tiếp suốt hai phút rưỡi sau khi anh đã bất tỉnh nhân sự. Nhà chức trách nói anh chết ở bệnh viện, nhưng nhân chứng nói trên con đường đó anh đã chết rồi.

Ảnh: Coolprogeny

Bốn viên cảnh sát bị sa thải vì hành xử trái với chính sách cảnh sát, nhưng mãi bốn ngày sau khi biểu tình toàn quốc đòi công lý đã nổ ra vì đoạn video, Chauvin mới bị bắt và buộc tội giết người.

Vụ sát hại Floyd chỉ là một trong danh sách dài những vụ sát nhân dưới tay cảnh sát có thể lần về suốt từ cội rễ của lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ, nhưng ngày nay chúng trở nên rõ ràng hơn nhờ công nghệ ghi lại những gì đã xảy ra.

Nhiều người tin biến cố đầu tiên kiểu này trong lịch sử hiện đại là vụ Rodney King, khi một người đàn ông da đen bị cảnh sát đánh đập không thương tiếc trên một đường cao tốc ở Los Angeles vào năm 1991.

Vụ đánh người không hề là một biến cố đơn lẻ, chỉ là vụ đầu tiên được camera quay lại. Nhiều người Mỹ da đen lúc bấy giờ nghĩ các cảnh sát đấy phải bị truy tố vì sự tàn bạo của cảnh sát là quá rõ ràng. Khi bốn viên cảnh sát được tha bổng vào năm sau, bạo động lan khắp Los Angeles trong suốt sáu ngày.

Trong 10 năm qua, đã có nhiều vụ đáng chú ý như vậy trở thành tin tức toàn quốc như Oscar Grant, Eric Garner, Freddy Gray, Breonna Taylor, Philando Castile và Sandra Bland. Còn rất nhiều người da đen không vũ trang bị cảnh sát giết nữa.

Trong tất cả những vụ đó, các cảnh sát liên quan đều không bị tù tội gì, điều trở nên bình thường. Bản thân cảnh sát thường nhìn nhận họ có mối quan hệ thù nghịch với các cộng đồng da đen, và đối xử với người dân ở các khu da đen như với kẻ thù ở vùng chiến sự.

Riêng năm 2015, hơn 100 người da đen không vũ trang bỏ mạng dưới tay lực lượng chấp pháp ở Mỹ. Nhiều trường hợp như vậy không bao giờ được đưa ra xét xử, khi hệ thống tư pháp hình sự thường tìm được cách xí xóa hành vi của cảnh sát mà không hề đưa vụ án ra hỏi đáp trước tòa, ngay cả khi những vụ giết người được ghi hình.

Dù người da đen chỉ chiếm 12% dân số Mỹ, khả năng họ bỏ mạng khi tiếp xúc với cảnh sát cao hơn 2,5 lần so với những đồng bào da trắng. Những biến cố này thuộc về một chu kỳ sát nhân và biểu tình cho tới giờ chưa thể thúc đẩy những cải cách cần thiết hòng có được câu trả lời.

Biểu tình ôn hòa phản đối các vụ sát nhân không bị xét xử về cơ bản chẳng được ai nghe, thậm chí còn bị những người Mỹ bảo thủ chỉ trích. Các phong trào nhân quyền như Black Lives Matter đã xuất hiện, tổ chức biểu tình hòa bình, tìm những phương tiện mới để bắt giới chấp pháp phải có trách nhiệm giải trình.

Tiền vệ bóng bầu dục nổi tiếng Colin Kaepernick trở thành tin tức quốc tế khi anh phản đối trong im lặng: quỳ gối mỗi khi quốc thiều Mỹ cử lên ở các trận đấu thay lời tuyên bố: “Tôi sẽ không đứng lên để thể hiện niềm tự hào với lá quốc kỳ đàn áp người da đen và da màu. Với tôi, chuyện này quan trọng hơn bóng bầu dục và sẽ là ích kỷ nếu tôi ngoảnh mặt làm ngơ”.

Cuộc biểu tình lặng lẽ của anh, đại diện cho người Mỹ da đen, đã bị chế giễu, anh thậm chí mất cả sự nghiệp thể thao của mình. Chúng ta thấy rằng biểu tình chống bạo lực của cảnh sát bị nhiều người Mỹ chỉ trích, ngay cả khi nó diễn ra trong hòa bình.

Dù nhà đấu tranh dân quyền biểu tượng Martin Luther King ngày nay được tôn sùng là biểu tượng của biểu tình hòa bình, khi ông còn sống hầu hết người Mỹ không ưa ông.

Con gái ông Bernice mới đây viết trên Twitter: “Đừng hành xử như thể ai cũng yêu mến cha tôi. Ông đã bị ám sát. Cuộc thăm dò dư luận năm 1967 cho thấy ông là một trong những người bị căm ghét nhất nước Mỹ. Bị căm ghét nhất”. Cuộc thăm dò đấy nói 75% người Mỹ không đồng ý với King. FBI lúc bấy giờ gọi King là “kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ”.

Cơn thịnh nộ vì vụ sát hại King, một người Mỹ gốc Phi biểu tượng cho hòa bình, làm bùng lên bạo động khắp nước Mỹ. Sáu ngày sau bạo động, Tổng thống Lyndon B. Johnson ký Luật dân quyền. King là một nhà đấu tranh bất bạo động, nhưng ngay cả ông cũng hiểu bản chất của những vụ nổi loạn: “Vẫn còn tồn tại ở đất nước này những tình trạng mà chúng ta phải lên án giống như lên án các cuộc bạo động. Nhưng nói cho đến cùng, nổi loạn là tiếng nói của những người không được nghe”.

Chúng ta không biết sẽ có chuyện gì xảy ra sau những cuộc bạo động tại Mỹ hiện giờ. Bối cảnh lúc này là nước Mỹ đang trải qua đợt thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, và việc xử lý hết sức sai lầm một đại dịch toàn cầu, mà cũng chính bởi sự phân cực và bất bình đẳng hiện hữu, ảnh hưởng lớn hơn nhiều lên các cộng đồng da đen.

Dù biểu tình bắt đầu một cách ôn hòa, hỗn loạn đôi lúc đã diễn ra, nhất là vào ban đêm. Các lệnh giới nghiêm được ban hành ở nhiều thành phố và cảnh sát đã tấn công, xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào cả những kẻ cướp bóc lẫn người biểu tình hòa bình. Các đoạn video cho thấy cũng đã có những kẻ chủ ý kích động bạo lực.

Tổng thống Donald Trump đã nói ông sẽ dùng “chó dữ và vũ khí tàn bạo” để tấn công người biểu tình, một lời đe dọa gợi lại cách đối phó của chính quyền liên bang với phong trào quyền dân sự những năm 1960. Vẫn còn chưa biết khi hỗn loạn đã kết thúc, chính quyền và người dân Mỹ sẽ làm gì để đi tới tận cùng những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. ■

* (Jwyanza Hobson là cây bút tự do người Mỹ, cử nhân ngành lịch sử và tư liệu học ở Đại học California, Riverside. Anh hiện sống và làm việc tại Việt Nam)

HẢI MINH dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận