​Tòa Trọng tài thường trực: Vũ khí của “con kiến” Philippines

DANH ĐỨC 18/07/2015 17:07 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì hôm 7-7-2015, vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) cũng đã khởi sự, bất chấp sự khước từ của Trung Quốc. Philippines kiện gì và có chắc thắng?

Người dân Philippines biểu tình đòi Trung Quốc ngừng quấy rối ngư dân của họ trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati City, Manila, ngày 7-7 - Ảnh: Reuters

Tựa đề của nhật báo The Philippine Star ngày 11-7 gọi đây là “vụ kiện - trận chiến lịch sử yêu sách lãnh thổ”. 

Phía Philippines đã chuẩn bị rất kỹ vụ kiện này khi cử phái đoàn gồm 35 quan chức cao cấp hành pháp, lập pháp, tư pháp và pháp luật, trong đó có cả Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte, Bộ trưởng Ngoại giao Albert F. Del Rosario, Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, các chánh án tối cao pháp viện Antonio Carpio và Francis Jardeleza...

Theo bản tin số 1 của PCA, các viên chức này sẽ lần lượt phát biểu như là nhân chứng. 

Có thể thấy ngoài hồ sơ kiện dày 3.000 trang đã nộp hôm 17-3 vốn là những văn bản tĩnh, Philippines đã sẵn sàng một đội ngũ “tranh luận viên” cao cấp, đã qua đào tạo và công tác cả ở nước ngoài lẫn trong nước, thừa khả năng ứng đối trong một vụ kiện mà luật pháp mang tính quốc tế (UNCLOS) và ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh. 

Trong khía cạnh kỹ thuật tranh tụng, luật sư lão thành Paul Reichler là luật sư biện hộ trưởng cho phái đoàn Philippines và Hãng luật Foley Hoag cùng tham gia.

Kiện: vũ khí tự vệ

“Đây là một vụ kiện tối quan trọng đối với mọi người Philippines và với cả sự ngự trị của luật pháp trong các quan hệ quốc tế. Từ lâu, Philippines đã đặt niềm tin của mình nơi luật lệ cùng các định chế mà cộng đồng quốc tế đã thiết lập ra nhằm điều phối quan hệ giữa các quốc gia". 

"Các cơ quan này, kết hợp với sức mạnh của luật pháp quốc tế, đóng vai trò cân bằng giữa các quốc gia, cho phép các nước, như nước tôi, đứng vững bình đẳng với các nước giàu có, hùng mạnh hơn” - Ngoại trưởng Rosario trình bày lý do khởi kiện chiều 8-7, sau khi tổng đại diện tư pháp Cộng hòa Philippines Florin Hilbay trình bày đơn kiện.

Có thể thấy cách tiếp cận vụ kiện của Philippines: biết mình là “con kiến” trước “củ khoai” kia nên phải cậy đến luật pháp quốc tế như là vũ khí tự vệ. 

Một thực tế mà ngay sau đó ông Rosario nhắc lại: “Lúc nãy tôi vừa đề cập sức mạnh làm cân bằng của luật pháp quốc tế". 

"Có lẽ không có điều khoản dự phòng nào trong Công ước (luật biển) lại tối quan trọng trong việc thực thi mục tiêu then chốt này cho bằng phần XV, vốn đã dự liệu việc giải quyết tranh chấp bằng cách cho phép nước yếu đương đầu nước mạnh một cách ngang bằng, tin chắc rằng nguyên tắc này sẽ thắng cường quyền, rằng luật pháp sẽ thắng sức mạnh, rằng lẽ phải sẽ thắng vũ lực”.

Rõ ràng Chính phủ Philippines đã nắm rất rõ tinh thần Công ước luật biển cũng như biểu thị rất rõ tinh thần thượng tôn pháp luật, sử dụng luật pháp như là cái găng ném ra thách đối phương nhận tỉ thí trước tòa, điều mà Trung Quốc cự tuyệt.

Bản tin số 2 của PCA ghi nhận: “Ngoại trưởng Albert del Rosario đã yêu cầu tòa thừa nhận thẩm quyền của mình do tầm quan trọng của vụ kiện không chỉ đối với đất nước của ông mà còn cho cả thế giới, do tác động của việc thừa nhận này nơi việc thi hành chế độ pháp trị trong các tranh chấp trên biển”.

Chắc thắng với UNCLOS

Từ những lý giải chung trên, Ngoại trưởng Rosario đi thẳng vào nội dung vụ kiện: “Khi đệ đơn kiện này, Philippines không hề xin tòa phán quyết về lĩnh vực chủ quyền lãnh thổ trong các tranh chấp với Trung Quốc". 

"Chúng tôi có mặt ở đây bởi vì chúng tôi muốn làm rõ chủ quyền trên biển của chúng tôi trong khu vực Biển Đông, một vấn đề mà quý tòa có thẩm quyền. Đây là một vấn đề tối quan trọng không chỉ đối với Philippines mà còn cho tất cả quốc gia ven biển giáp với Biển Đông, thậm chí cho tất cả quốc gia thành viên UNCLOS".

"Đây là một tranh chấp thẳng ngay vào trung tâm của bản thân Công ước UNCLOS. Luật sư biện hộ đầy khả năng của chúng tôi sẽ có nhiều điều hơn nữa để nói về cuộc tranh chấp pháp lý này qua việc giải thích Công ước trong quá trình điều trần". 

"Tuy nhiên, theo hiểu biết của một người thường, không rành luật pháp như tôi đây, các tranh chấp pháp lý trọng tâm trong vụ kiện này có thể được thể hiện như sau: Đối với Philippines, chủ quyền của các quốc gia ven biển - từ vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong các khu vực tương ứng - đều đã được thiết lập, xác định và giới hạn bởi các điều khoản của Công ước".

"Các điều khoản này không hề cho phép, trái lại ngăn cản trong thực tế, việc tuyên bố chủ quyền hoặc quyền chủ quyền hay quyền tài phán trên diện rộng lớn hơn, trên các vùng biển xa hơn là những phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa".

"Đặc biệt, Công ước không công nhận hoặc cho phép thực hiện cái gọi là "chủ quyền lịch sử" trong khu vực vượt ra ngoài giới hạn của các khu vực hàng hải được công nhận hoặc được xác lập bởi UNCLOS".

Luận cứ trên của Ngoại trưởng Rosario đã đánh ngay vào hai trọng điểm lý luận mà Trung Quốc đang giương ra và gọi đó là không thể tranh cãi: cái gọi là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) và “chủ quyền lịch sử”.

Ngoại trưởng Rosario nhấn mạnh: “Đáng buồn thay, Trung Quốc lại tranh giành như thế, thưa ngài chủ tịch, trong cả lời nói và hành động". 

"Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc được quyền thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm quyền độc quyền các nguồn tài nguyên biển và đáy biển, vượt xa các giới hạn được thiết lập bởi Công ước, dựa trên cái gọi là chủ quyền lịch sử". 

"Cho dù các điều gọi là chủ quyền lịch sử đó có mở rộng phạm vi ra đến cái mà Trung Quốc gọi là đường chín đoạn, hoặc cho dù các quyền đó bao gồm một phần lớn hơn hoặc hẹp hơn của Biển Đông, thì thực tế không thể chối cãi và cũng là yếu tố trung tâm của vụ tranh chấp pháp lý giữa các bên chính là Trung Quốc đã tuyên cáo chủ quyền đến các khu vực trên biển và dưới đáy biển rộng lớn, vượt xa giới hạn của vùng độc quyền kinh tế (EEZ) của mình và các chủ quyền trên thềm lục địa, căn cứ theo Công ước”.

Tất nhiên phía Trung Quốc cũng thừa hiểu Công ước UNCLOS như phía Philippines. Thế cho nên Trung Quốc mới đánh bài “chạy làng”, từ năm 2006 đã lên tiếng không thừa nhận thẩm quyền của PCA, và giờ đây thay vì vác chiếu ra tòa vẫn cứ lên án vu vơ. 

Như phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh được trang mạng yibada đưa lại như sau: “Trung Quốc coi động thái này là một sự phản bội những đồng thuận song phương về việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán tay đôi”.

Có lẽ do thừa biết đuối lý, đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa hôm 11-7 đã tuyên bố với báo chí Philippines rằng Trung Quốc muốn đàm phán với Philippines một cách vô điều kiện, mà không yêu cầu Philippines ngưng vụ kiện.

Tòa sẽ thụ lý hay không?

Sang đến thứ hai 13-7, tòa bước vào vòng 2 bao gồm phần xét hỏi. Tòa đã hạn cho phía Philippines đến ngày 23-7 nộp các câu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi do năm thành viên của tòa đưa ra. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose giải thích: “Tòa đặt thêm câu hỏi điều đó không có nghĩa là phần trình bày của Philippines không đầy đủ. Đôi khi tòa cần nghe giải thích cho rõ thêm". 

"Đối với chúng tôi, khâu xét hỏi này là một điều tích cực, có nghĩa rằng tòa muốn đưa tất cả câu hỏi có thể, qua đó xóa đi bất kỳ nghi ngờ về thẩm quyền của tòa”.

Điều mà Philippines đang chờ đợi là trong ba tháng tới, PCA sẽ tuyên rằng thụ lý vụ này có thuộc thẩm quyền của tòa hay không. Đây sẽ là một phán quyết then chốt khi phía Trung Quốc ngay từ đầu đã bác bỏ thẩm quyền của tòa. 

Nếu tòa tuyên bố có thẩm quyền thì vụ xử sẽ tiến hành bất chấp sự tự ý vắng mặt của Trung Quốc. 

Nguyên đơn Philippines hùng hậu có mặt, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cùng có mặt tại phiên tòa trong tư cách quan sát viên, còn bị đơn Trung Quốc thì vẫn đánh bài chuồn. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Kẻ vắng mặt luôn sai”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận