TPP: Cuộc chơi hồi hộp của dệt may Việt Nam?

TTCT - Tháng 12-2012, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia vòng đàm phán thứ 15 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) - một cuộc chơi kinh tế mới có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là đối với ngành dệt may.

Để có được “tấm giấy thông hành” đặc biệt là miễn thuế vào thị trường Mỹ, dệt may Việt Nam phải vượt qua những hàng rào ngặt nghèo. Bù lại, đó cũng chính là cánh cửa mở ra một cơ hội vô cùng lớn cho ngành công nghiệp 2 triệu nhân công này

Phóng to
Mười năm qua, dệt may Việt Nam đã trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước. Mười tháng đầu năm nay đã hơn 12 tỉ USD - Ảnh: Thanh Đạm

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã trao đổi với TTCT những thông tin mới của các vòng đàm phán, cũng như kỳ vọng từ TPP đem đến cho Việt Nam.

Phóng to
Ông Trần QUốc Khánh
* Việt Nam chuẩn bị tham gia vòng đàm phán TPP thứ 15, ông có thể cho biết tình hình hiện tại có những thuận lợi và bất lợi gì?

- Thuận lợi lớn nhất là đa số các bên tham gia đàm phán đều đã rất hiểu nhau nên sẽ không mất thời giờ để tranh luận nữa. Họ có thể tập trung bàn các phương án thỏa hiệp, đáp ứng hài hòa quyền lợi các bên. Tuy nhiên, vì hai lý do, tôi không nghĩ sẽ có nhiều tiến bộ tại vòng này. Một là Hoa Kỳ, đối tác lớn trong TPP, sẽ bận rộn công việc nội bộ sau bầu cử nên sẽ khó có nhượng bộ lớn để cùng nhau tạo đột phá. Hai là sự có mặt của các thành viên mới là Canada và Mexico. Đây là vòng đầu tiên họ tham gia đàm phán nên chắc chắn các bên sẽ mất nhiều thời gian để làm quen.

* Nhiều ý kiến cho rằng tham gia TPP thì Việt Nam “được” nhiều nhất là thị trường xuất khẩu, nhưng cũng có ý kiến nghi ngờ bởi vì nhìn lại việc gia nhập WTO, Việt Nam “được” nhiều nhưng “mất” cũng không ít. Có phải do doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được WTO? Vậy với cuộc chơi mới này, ông lưu ý gì cho doanh nghiệp?

- Cái “được” của việc gia nhập WTO không nằm ở xuất khẩu bởi các thành viên WTO không giảm thuế hay mở cửa thêm thị trường cho Việt Nam khi Việt Nam vào WTO, trừ lĩnh vực dệt may. Cái “được” lớn nhất của việc gia nhập WTO nằm ở khuôn khổ pháp luật mới, tương thích với chuẩn mực thế giới. Nó tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện hơn với doanh nhân và dẫn đến cái “được” quan trọng thứ hai là khuyến khích đầu tư. Cái “được” thứ hai này là có thật và chúng ta đã thấy rõ vào năm 2007.

Tuy nhiên vì một số lý do, cả khách quan và chủ quan, cái “được” này mờ dần. Cái “được” thứ nhất cũng vậy. Kể từ khi gia nhập WTO, dù đã tham gia thêm hàng loạt khu vực mậu dịch tự do nhưng ta vẫn chỉ dừng ở mức tuân thủ các luật lệ của WTO, không sửa thêm luật hoặc quy định nào theo hướng WTO cộng (+) cả. Hiệu ứng vì vậy cũng mờ dần. Xét theo hướng đó thì cũng không nên trách các doanh nghiệp, dù doanh nghiệp của ta cũng có phần chưa được chủ động.

TPP sẽ là khu vực mậu dịch tự do mang lại hai hiệu ứng tương tự như WTO trước đây: tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tăng sự hấp dẫn đối với đầu tư. Bên cạnh đó còn có hiệu ứng thứ ba rất quan trọng, đó là cơ hội mới trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường Hoa Kỳ do thuế giảm. Về mặt này, theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”, tôi tin doanh nghiệp ta sẽ tận dụng được. Tuy nhiên, thách thức của TPP sẽ lớn hơn nhiều so với WTO.

Đây là câu chuyện dài, không thể nói trong một vài câu nên tôi chỉ xin đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn tới cuộc đàm phán này. Đoàn đàm phán vẫn liên hệ, tham vấn chặt chẽ với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nhưng nếu được các doanh nghiệp góp ý trực tiếp thì chúng tôi rất hoan nghênh.

* Luật chơi của TPP cao hơn so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Ví dụ: những đòi hỏi quá chặt chẽ về nguyên tắc xuất xứ hàng dệt may cho thấy xuất khẩu dệt may Việt Nam chưa chắc sẽ tận dụng được cơ hội do thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm. Qua 14 vòng đàm phán, các nhà đàm phán của các nước đã thương lượng được gì để giải quyết vướng mắc này?

- Hoa Kỳ yêu cầu sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ, để hưởng thuế 0%, phải được sản xuất từ sợi trở đi trong khu vực TPP. Tức là từ sợi cho đến vải, may đều phải được thực hiện trong các nước TPP. Do ngành dệt của ta chưa phát triển nên ta hầu như không thể đáp ứng yêu cầu này. Cũng không thể nhập vải từ Hoa Kỳ hay Mexico để làm ra sản phẩm bán vào Hoa Kỳ vì quãng đường vận chuyển xa, giá thành sẽ bị đội lên, triệt tiêu phần lớn lợi ích có được từ giảm thuế.

Chúng tôi đã nói thẳng với Hoa Kỳ: đây là một yêu cầu vô lý, giống như mở cổng nhưng lại đóng cửa khiến người ngoài vẫn không vào được nhà mình. Không những thế, đề xuất của Hoa Kỳ còn ngược với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi các nhà sản xuất đều tìm cách phân bổ nguồn cung ứng theo cách có lợi nhất. Chúng tôi đã hỏi giả sử Việt Nam chỉ áp thuế 0% cho iPhone nếu trên 90% thành phần của iPhone được sản xuất tại Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ nghĩ sao?

* Họ trả lời thế nào?

- Họ cũng cười cười vậy thôi chứ không trả lời được. Tôi nghĩ tâm lý bảo hộ chỉ là một phần bởi ngành may của Hoa Kỳ khá nhỏ, họ không có nhu cầu lớn trong việc bảo hộ ngành may. Cái chính là họ ngại việc mở cửa cho Việt Nam sẽ dẫn đến việc nước thứ ba, nước bán vải cho Việt Nam, được hưởng lợi. Cái này thì cũng có lý vì chẳng ai muốn cho người khác đi nhờ xe mà không phải trả tiền. Chúng tôi hiểu và vẫn đang cùng họ tìm cách vượt qua khúc mắc này.

Kết quả cụ thể thì chưa có nhưng hi vọng là sẽ có trong tương lai gần. Đây là lợi ích to lớn và cốt lõi của Việt Nam trong đàm phán TPP nên nếu không được giải quyết thỏa đáng, đàm phán sẽ không thể tiến triển.

* Chúng ta không thể nằm ngoài “cuộc chơi hội nhập” nhưng làm sao để “biết mình biết ta”, để làm sao trong 100 trận có thể giành phần thắng nhiều hơn theo lý thuyết 80/20?

- Biết mình rồi để đấy thì hoặc sẽ không dám đánh, hoặc nếu có đánh cũng sẽ thua. Ai cũng biết sức cạnh tranh của ta còn yếu nhưng biết để rồi rút ra kết luận là “thôi, không đánh nữa”, hoặc đồng ý ra trận nhưng “phải được hưởng ưu ái”, họ bắn một phát thì mình phải được bắn những năm phát thì đó không phải là kết luận đúng. Không đánh nữa thì coi như ngồi ngoài. Đánh mà đòi “ưu ái” thì cũng chẳng ai chấp nhận. Tôi nghĩ từ chỗ biết mình phải qua một khâu nữa là quyết tâm sửa mình rồi dựa vào quyết tâm đó mà lên mục tiêu quyết đánh. Làm được như thế thì còn lại chỉ là vấn đề chiến thuật thôi.

* Là người có kinh nghiệm qua nhiều cuộc đàm phán thương mại, từ song phương với Mỹ, Nhật, đến đa phương WTO, ông đánh giá thế nào về cái thế của Việt Nam trong TPP lần này?

- Gia nhập WTO là đường một chiều, cái thế của ta là cái thế của người gõ cửa. Họ được quyền ra điều kiện còn ta thì vừa phòng thủ vừa tranh thủ. Lần này khác. Ta với họ bình đẳng, cả hai đều có quyền lợi và nghĩa vụ với nhau. Cân đối được hai cái đó thì thành chứ không thể dùng thế người ngồi trong nhà để ép người ngoài cửa được. Thị trường của ta đủ lớn và đủ hấp dẫn, vị thế của ta bây giờ cũng khác. Ta nhận ra điều đó thì tôi tin các đối tác cũng nhận ra.

Tháng 3-2010, Việt Nam cùng bảy quốc gia là Brunei, Chile, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Peru và Singapore khởi động vòng đàm phán đầu tiên TPP. Đến tháng 10, tại vòng đàm phán thứ ba, Malaysia chính thức tham gia TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên chín nước. Các nước này đã tiến hành 14 vòng đàm phán. Kể từ vòng thứ 15 tổ chức tháng 12-2012 sẽ có thêm Canada và Mexico tham gia.

- TPP là một hiệp định thương mại tự do nhưng toàn diện hơn nhiều so với các mô hình thương mại tự do từ trước tới nay. TPP sẽ hướng đến những cam kết mới về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sâu hơn nhiều so với cam kết mà các nước đã đưa ra tại WTO. Tuy nhiên, TPP sẽ đi xa hơn WTO về diện đàm phán, bao gồm cả những lĩnh vực như đầu tư, mua sắm công, chính sách cạnh tranh, các khía cạnh có liên quan đến thương mại của chính sách môi trường và chính sách lao động...

- Các nước tham gia đàm phán TPP kỳ vọng sẽ cùng nhau tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư, và nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Đến nay, Việt Nam đã tham gia tám hiệp định thương mại tự do, cả khu vực và song phương, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hiệp định thương mại tự do mang tính toàn diện. Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia TPP là: 1- mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu; 2- thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà khu vực thương mại tự do TPP đem lại; 3- phụ trợ cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang tiến hành, hướng đến một mô hình tăng trưởng mới bền vững, năng động và hiệu quả hơn.

___________

Nhìn vào danh sách các nước tham gia TPP hiện nay là Brunei, Chile, Singapore, Malaysia, New Zealand, Mỹ, Úc, Peru, Mexico, Canada, Việt Nam có ưu thế về các sản phẩm dệt may. Đối thủ lớn nhất trong cuộc giành giật thị trường may mặc quan trọng nhất thế giới - Mỹ - có lẽ là Mexico. Malaysia cũng là đối thủ của Việt Nam nhưng là trong lĩnh vực dệt, một lĩnh vực mà Việt Nam chỉ được coi là có tiềm năng phát triển.

Phóng to
Việt Nam có nhiều lợi thế khi tham gia TPP, song cần thoát khỏi sự phụ thuộc tới 70-80% nguyên phụ liệu nhập khẩu - Ảnh: Thanh Đạm

Lợi thế lao động rẻ sẽ hết

Ưu thế lớn nhất của dệt may Việt Nam, so với đối thủ chính trong TPP là Mexico, hiện giờ là do giá cả lao động của Việt Nam còn rất thấp. Nghiên cứu Chấm điểm năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Nicaragua (Benchmarking the competitiveness of Nicaragua’s apparel industry) do O’Rourke Group Partners thực hiện cho Công ty Carana Corporation tháng 4-2011 (*) cho thấy trong năm 2010, chi phí lao động bình quân mỗi giờ trong ngành dệt may ở Mexico là 2,06 USD, trong khi Việt Nam chỉ là 0,51 USD. Tuy nhiên, đây không phải là một lợi thế bền vững trong tình hình lạm phát và giá cả tăng cao như hiện nay, dẫn tới mức lương bình quân cũng phải tăng theo.

Theo Hiệp hội Dệt may VN, từ khi đặt ra lộ trình tăng tốc năm 2005, tính đến năm 2011 các doanh nghiệp dệt may đã dịch chuyển từ gia công (CMT) sang FOB1 (giao hàng lên tàu) - nguyên liệu do chủ hàng chỉ định - đạt 30%, FOB2 - doanh nghiệp sản xuất toàn quyền quyết định về nguồn nguyên liệu - đạt từ 5-8% và ODM - bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế - chỉ đạt từ 2-5%. Các con số này cho thấy sự chuyển dịch của Việt Nam là quá chậm.

Mức lương 0,51 USD mỗi giờ theo nghiên cứu trên được các doanh nghiệp cho là lạc hậu so với mức lương hiện nay tại Việt Nam. Bởi 2 triệu đồng/tháng là mức tối thiểu, còn mức bình quân hiện đã gần 4 triệu đồng/tháng. Cho dù vậy, mức đó vẫn quá thấp với đời sống công nhân hiện nay. Sẽ là vô nghĩa nếu như tăng trưởng xuất khẩu nhưng không cải thiện được đời sống cho 2 triệu lao động và tiếp tục dựa vào giá lao động rẻ mạt để tăng trưởng.

Ngược lại, việc tăng tiền lương một cách bền vững cho người lao động mới là biện pháp cải thiện bền vững lợi thế so sánh trong ngành dệt may của Việt Nam, bởi nó sẽ tác động đến năng suất. Đó là chưa kể những lợi ích khó đong đếm, nhưng chắc chắn rất lớn về mặt xã hội, điều càng trở nên quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ngoài lao động, một lợi thế so sánh đích thực khác của Việt Nam khi tham gia TPP là hiệp định thương mại tự do này không có mặt Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của dệt may Việt Nam ở thị trường Mỹ. Và không chỉ Trung Quốc, một số đối thủ khác cùng quy mô và trình độ phát triển như Việt Nam trong ngành dệt may như Bangladesh, Sri Lanka hay Campuchia cũng chưa có mặt trong TPP. Tức là ngoại trừ Mexico, ở trình độ phát triển khác về ngành này, dệt may Việt Nam có vị trí khá đặc biệt, từ đó mang tới lợi thế so sánh lớn khi TPP được áp dụng.

Vẫn loay hoay với nguyên phụ liệu

Chỉ vào chiếc áo sơmi do công ty sản xuất, bà Nguyễn Thị Điền - tổng giám đốc Công ty TNHH may thêu giày An Phước - than hầu hết đều phải nhập khẩu, ngoại trừ chỉ may được mua của một công ty liên doanh trong nước. Bà Điền giải thích để cạnh tranh với hàng may mặc nước ngoài đang nhập khẩu về ngày càng nhiều tại các trung tâm thương mại lớn, công ty của bà phải nhập khẩu vì hàng trong nước không đáp ứng cả về chất lượng lẫn số lượng.

Câu chuyện của Công ty TNHH may thêu giày An Phước - một nhà sản xuất hàng may mặc tiêu thụ nội địa lớn của Việt Nam - không phải là cá biệt. Các doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam đã phải loay hoay với việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu từ hơn một thập niên qua nhưng việc này quá sức của họ.

Ông Nguyễn Hồng Phúc - tổng giám đốc Công ty TNHH may mặc Coxmo - cho biết phải nhập vải và nguyên phụ liệu với 80% chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Hiện công ty đang cùng với các đối tác trong nước và nước ngoài lên kế hoạch sản xuất vải tại Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Phúc, đầu tư cho khâu dệt, vải đòi hỏi vốn lớn và công nghệ hiện đại nên doanh nghiệp tư nhân nhỏ như ông không làm xuể.

Do vậy theo ông, ngành sợi trong nước phải nâng cấp công nghệ và năng suất sản xuất lên mới đáp ứng được yêu cầu TPP vì sợi sản xuất trong nước hiện chưa đủ đáp ứng về chất lượng. “Khó khăn của chúng tôi hiện nay trong việc đầu tư sản xuất vẫn là khó tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất thấp. Vì giờ ngân hàng không muốn góp vốn vào sản xuất mà tập trung vào dịch vụ. Ngoài ra chúng tôi đi tìm mặt bằng để mở nhà máy sản xuất vải nhưng rất khó vì các tỉnh đều từ chối” - ông Phúc nói.

Ông Phạm Xuân Hồng - tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - cho biết hiện công ty của ông cũng nhập đến 70% nguồn nguyên liệu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong, Trung Quốc. Theo ông Hồng, việc thay đổi vùng nguyên liệu để đáp ứng TPP là bài toán khó chưa có lời giải.

Ông Nguyễn Ân - tổng giám đốc Garmex - cho biết: “Hiện nay tùy vào mặt hàng, bình quân nguyên phụ liệu nhập chiếm từ 70-80%/sản phẩm, trong đó có những mặt hàng nhập nguyên liệu 100% từ Trung Quốc, ngay cả móc khóa quần jean cũng phải nhập”. Ông Ân cho biết chiếc áo khoác xuất đi thị trường Mỹ với nguồn nguyên liệu được nhập 100% từ Trung Quốc. Công ty của ông đã cử đoàn thực hiện những chuyến khảo sát tại các nhà máy dệt nhuộm trong nước nhưng năng lực của các nhà máy này rất thấp.

Phía Garmex đã bàn bạc về việc mở nhà máy kéo sợi để cải thiện nguyên liệu đầu vào này nhưng ngoài việc thiếu kinh nghiệm thì công đoạn nhuộm sẽ khó thực hiện vì tỉnh thành nào cũng xua tay với các nhà máy dệt nhuộm do sợ ô nhiễm môi trường.

Theo Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, hiện nay hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ trong hội phần lớn không có đủ tiềm lực để đầu tư như thế.

Nút cổ chai

Ông Nguyễn Hồng Giang - tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - cho rằng ngành dệt may Việt Nam lại đang trong tình trạng thắt cổ chai: có năng lực sản xuất sợi tốt nhưng dệt lại không hấp thụ được hết năng lực sản xuất của sợi, nhuộm lại không đáp ứng được hết nhu cầu của ngành dệt, mà sang đến ngành may lại là một nhu cầu cực kỳ to lớn gấp nhiều lần khả năng của nhuộm. Vì vậy cần tháo nút cổ chai ở khâu dệt và nhuộm.

Các doanh nghiệp ngành dệt may đang trông chờ vào sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp nhà nước. Bộ Công thương đã xây dựng chiến lược cho ngành dệt may với mục tiêu tăng năng lực sản xuất vải dệt lên 2 triệu tấn vào năm 2020, năng lực sản xuất sợi đạt 500.000 tấn vào năm 2015 và 650.000 tấn năm 2020...

Lý thuyết là vậy, còn trên thực tế có đạt được hay không vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ. Bởi trong những năm qua, cùng với việc công bố chiến lược tăng tốc cho ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cũng bận rộn với đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản... Trả lời Tuổi Trẻ ngày 30-10, ông Trần Quang Nghị - tổng giám đốc Vinatex - đã thừa nhận đầu tư ngoài ngành trên 259 tỉ đồng và phải đến năm 2014 mới hoàn thành việc thoái vốn.

Các chuyên gia đánh giá Việt Nam sẽ là quốc gia có lợi thế trong lĩnh vực dệt may khi tham gia TPP. Bài toán là làm sao để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc 70-80% nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc...

Bà Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đánh giá: “Đây là cơ hội, nếu không muốn nói là cuối cùng, cho ngành dệt may Việt Nam bứt phá. Đàm phán không chờ chúng ta, mà đàm phán đã mấy năm rồi, chúng ta đã có định hướng nên việc đầu tư tăng tốc cho lĩnh vực dệt vải phải làm, không thể chờ đợi”. Cũng theo bà Lan, sức ép về thời gian đàm phán có thể trở thành động lực để ngành dệt may cố gắng. Nguồn vốn đầu tư trong nước hạn hẹp cho ngành dệt thì cần có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.

Một chuyên gia dệt may cũng nhận định TPP càng đi gần đến đích, Việt Nam càng cần thể hiện rõ ràng hơn chiến lược của mình trong lĩnh vực này để nhà đầu tư yên tâm. Bởi theo ông, đã có một số nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc đến Việt Nam đặt vấn đề xây nhà máy dệt lớn để đón đầu TPP, nhưng kế hoạch vẫn chưa xúc tiến nhanh vì chờ tín hiệu từ Việt Nam.

“Quả thật, nếu Việt Nam nhập nguyên liệu Mỹ để làm hàng may mặc thì khó cạnh tranh, nhưng nhà máy dệt và sản xuất vải của Mỹ đặt ở Việt Nam thì rõ ràng là có lợi cho cả hai. Việt Nam cần nhanh nhạy hơn” - chuyên gia này kết luận.

Theo một công trình nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chỉ trong mười năm từ 2000-2010, khi dệt may Việt Nam đã vươn lên trở thành ngành đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với doanh thu 11,2 tỉ USD, ngành kéo sợi đã tăng trưởng trên 300%, từ 1,2 triệu cọc sợi với tổng sản lượng 120.000 tấn lên 3,75 triệu cọc đạt 420.000 tấn. Trong khi đó, năm 2000 sản lượng bông đạt 12.000 tấn, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu kéo sợi thì đến năm 2010 chỉ còn 3.500 tấn - tức còn 30% sản lượng năm 2000 và chỉ còn đáp ứng khoảng 1,3% nhu cầu bông cho ngành sợi (Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, 2010).

Sự giảm sút của sản lượng bông trong nước đã ảnh hưởng đến các khâu sau của chuỗi giá trị dệt may Việt Nam, đặc biệt giá bông thế giới tăng cao một cách bất thường chỉ trong vòng hai năm (2009, 2010) đã đe dọa tới sự tăng trưởng ổn định của ngành sợi nói riêng và toàn ngành dệt may Việt Nam nói chung.

___________

(*): http://www.mayorganet.com/downloads/nicaraguanapparel.pdf, trang 19-21.

___________

TPP sẽ ảnh hưởng đến thị trường dệt may Mỹ thế nào? Một nghiên cứu đánh giá tác động TPP lên ngành dệt may của chuyên gia Michaela D. Platzer cung cấp cho Quốc hội Mỹ được công bố ngày 5-10 phân tích: TPP có thể làm giảm nhu cầu nhập nguyên liệu từ Mỹ bởi hàng may mặc Việt Nam vừa sử dụng ít nguồn nguyên liệu Mỹ mà lại vừa loại trừ được lợi thế cạnh tranh của các nước như Mexico và Trung Mỹ.

Phóng to
Gap - một thương hiệu thời trang lớn của Mỹ đang gia công số lượng hàng lớn tại Việt Nam - nay cũng đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam. TPP có giúp người tiêu dùng Việt mua hàng GAP rẻ như người Mỹ mua ở Mỹ? - Ảnh: L.N.M.

Hoặc, nếu TPP cho phép các nước này sử dụng nguyên phụ liệu dệt may từ các nguồn khác trong TPP (thay vì chỉ dùng nguồn của Mỹ như từ trước đến nay) mà vẫn hưởng quy định miễn thuế, thì không bao lâu nữa ngành công nghiệp dệt Việt Nam sẽ cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Mỹ ngay tại Mexico và các nước Trung Mỹ.

Tính toán cho cuộc chơi

Năm 2011 toàn ngành công nghiệp dệt may của Mỹ đạt 53 tỉ USD, trong đó khoảng 1/3 là xuất khẩu và chủ yếu xuất vào các nước thành viên Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc các nước thành viên Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ - Dominican Republic (CAFTA-DR). Cả hai hiệp định này đều cho miễn thuế hàng hóa vào thị trường Mỹ nếu nguồn gốc xuất xứ hàng dệt may được sử dụng trong nội bộ các nước thành viên.

Mexico là thị trường lớn nhất của ngành dệt Mỹ với kim ngạch khoảng 3,5 tỉ USD năm 2011, giảm 200 triệu USD so với năm 2005. Sự sút giảm đó kéo theo xuất khẩu hàng dệt của Mỹ vào Mexico cũng có chiều hướng giảm do chi phí nhân công tăng, hàng may mặc chuyển hướng sang các nước Trung Mỹ. Cũng trong năm ngoái, gần 100 triệu USD hàng vải, sợi của Mỹ đã xuất sang các nước thành viên TPP tương lai như Malaysia và Việt Nam.

Mặc dù các nước thành viên NAFTA và CAFTA-DR nhập chủ yếu vải, sợi của Mỹ nhưng xuất hàng may mặc vào Mỹ khá khiêm tốn. Trong một nghiên cứu của Tổ chức Marion Traub-Werner về sản xuất hàng may mặc của châu Mỹ sau khi hiệp định dệt may chấm dứt (năm 2005), các chuyên gia đã chỉ ra rằng các nhà thương mại Mỹ có khuynh hướng nhập hàng may mặc chủ yếu từ châu Á.

Hàng may mặc từ vùng Caribê chủ yếu được các nhà nhập khẩu Mỹ mua trong những trường hợp khẩn cấp, nhập khẩu để đáp ứng thị trường khi cần thiết, lúc thiếu hàng đột xuất... Chỉ riêng Trung Quốc và Việt Nam đã chiếm đến 40% hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ, trong khi đó các nước Trung Mỹ, Mexico, vùng Caribê cộng lại chỉ 16% dù họ nhập chủ yếu nguyên phụ liệu của Mỹ.

“Con bài Yarn forward”

Các nhà đàm phán Mỹ thật sự đang chịu nhiều sức ép bởi không phải tất cả cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đều ủng hộ việc áp dụng nguyên tắc xuất xứ khắt khe. Một số hiệp hội doanh nghiệp ở Mỹ muốn áp dụng quy định “kể từ sợi trở đi - yarn forward” để hạn chế sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ và cả thị trường hàng dệt chuyên dùng. Trong khi đó, ngay khi vòng đàm phán thứ 14 đang diễn ra tại Virginia, Mỹ hồi tháng 9, Liên minh các nhà sản xuất hàng may mặc TPP đã lên tiếng kêu gọi các nhà đàm phán TPP cần chọn phương án linh động đối với quy định về nguyên tắc xuất xứ.

Tổ chức này đưa ra những nghiên cứu cho thấy 70-80% giá trị của ngành bán lẻ hàng hóa nhập khẩu đóng góp cho kinh tế Mỹ là từ những công nhân Mỹ. Trong trường hợp hàng may mặc nhập khẩu, giá trị này đóng góp đến 3 triệu việc làm. Vì thế, quy định “yarn forward” chỉ có tác động ngắn hạn đến việc làm ở Mỹ. Nghiên cứu cũng cho rằng nhìn lại các hiệp định thương mại tự do CAFTA- DR, quy định “yarn forward” không giúp tăng cường thương mại, không giúp tăng xuất khẩu cũng như tăng việc làm cho Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu hàng may mặc Mỹ Julie Hughes nói: “Các bằng chứng cho thấy rằng áp dụng quy định linh hoạt đối với hàng may mặc là yếu tố quan trọng cho sự thành công của hiệp định này”.

Trong khi đó, theo trang Insidetrade.com, chính các nhà sản xuất ôtô của Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm ra một giải pháp dung hòa để đưa ra đề xuất về quy tắc xuất xứ (ROO) cho ôtô trong đàm phán TPP. Bởi vì một mặt, nếu áp dụng các quy tắc xuất xứ linh hoạt thì sẽ có lợi cho các nhà sản xuất của Mỹ khi nhập khẩu linh kiện từ những nhà máy sản xuất mà họ đã đầu tư lớn tại các nước ngoài khu vực TPP như Thái Lan (nơi mà Ford Motor vừa mở rộng sản xuất) và Trung Quốc (nơi General Motors đã đầu tư rất lớn vào liên doanh).

Nhưng mặt khác, các công ty ôtô của Mỹ cũng không muốn đề xuất các quy tắc xuất xứ quá thấp có thể cho phép các đối thủ cạnh tranh của họ từ các nước ngoài TPP tìm được lợi thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận