Trung Quốc, EU và cuộc đua Greenland

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 03/07/2012 10:07 GMT+7

TTCT - Không biết có trùng hợp ngẫu nhiên khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào dẫn đầu phái đoàn 200 người đến thăm chính thức Đan Mạch từ ngày 14 đến 16-6, đúng vào thời điểm hầu hết người dân nước Bắc Âu này chẳng nghĩ đến chuyện gì khác ngoài trận chiến sinh tử với Đức ở vòng bảng Euro ngày 17-6.

Phóng to
Thành phố Ittoqqortoomit, nơi Trung Quốc đang thăm dò mỏ đồng - Ảnh: Wikipedia

Khi tình hình kinh tế châu Âu chưa mấy sáng sủa, tất nhiên chính phủ liên đảng Dân chủ xã hội, Nhân dân xã hội và Cấp tiến của Đan Mạch hoan nghênh nhiệt liệt chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Trung Quốc, cho dù cách đây không lâu khi còn là phe đối lập họ đã không ngừng đả kích liên đảng cầm quyền về mối quan hệ với Trung Quốc vì các vấn đề nhân quyền và Tây Tạng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Trung Quốc của Đan Mạch, chuyến thăm này còn có một lý do quan trọng khác: khoáng sản trên đảo Greenland thuộc Đan Mạch.

Tương lai của công nghiệp thế giới

Vài năm gần đây, quan hệ làm ăn giữa Trung Quốc và Đan Mạch phát triển mạnh. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất ngoài châu Âu của Đan Mạch. Các tập đoàn lớn như AP Moeller Maerks, Arla, Carlsberg, Danfoss, Grundfos, Novozymes, Danish Crown, Vestas... đang nỗ lực mở rộng thị phần trên thị trường khổng lồ này. Trong chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hai bên đã ký một số văn bản hợp tác với tổng trị giá 18 tỉ kroner (hơn 3 tỉ USD).

Hòn đảo lớn nhất thế giới này (diện tích 2,16 triệu km2) rất giàu tài nguyên, từ nguồn lợi đánh bắt hải sản đến các mỏ dầu khí, vàng, uranium, đồng, sắt, kẽm, platinum, titanium... Tuy nhiên, lớp băng dày bao phủ tới 81% mặt đất đã gây trở ngại lớn cho việc khai thác.

Những năm gần đây băng trên đảo tan nhanh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên việc thăm dò và khai thác dầu khí, khoáng sản được dễ dàng hơn. Từ ba năm qua, các tập đoàn Shell, Maersk Oil, Statoil, Cairn Energy đã tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng vịnh Baffin thuộc Greenland và đã có 30 tập đoàn của Trung Quốc, Anh, Canada, Úc và Greenland thăm dò khoáng sản trên đảo.

So với các nước thì khối EU tỏ ra chậm chân trong cuộc đua khai thác khoáng sản tại Greenland và trên khu vực địa cực rộng 10.000km2 tiếp giáp lãnh thổ năm quốc gia gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch. Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu địa chất của Mỹ (USGS), nơi đây chứa tới 30% khí đốt và 13% dầu mỏ chưa khai thác của thế giới. Trong số các tập đoàn khai thác khoáng sản đang hoạt động tại khu vực này, 58% mang quốc tịch Canada hoặc Úc, khối EU chỉ chiếm 15%. Tuy nhiên hoạt động tích cực nhất hiện nay lại là Trung Quốc.

Theo chính quyền địa phương Greenland, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng đổ hàng tỉ kroner vào đây (Berlingske Business, 14-6-2012). Trung Quốc đã nhanh chóng tham gia cuộc đua khai thác khoáng sản dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh với các tập đoàn Anh, Úc đã có giấy phép khai thác. Các tập đoàn quốc doanh lớn như China Communication Construction Company và Sinosteel đã liên kết với London Mining (trụ sở chính đặt tại Toronto) để thành lập London Mining Greenland. Công ty này đã đầu tư 13 tỉ kroner (khoảng 2,28 tỉ USD) vào mỏ sắt tại Isua, phía tây bắc thủ phủ Nuuk của Greenland, dự kiến đi vào hoạt động năm 2015-2016.

Theo GS Damien Degeorges - Đại học Paris Descartes, những hoạt động này cho thấy Trung Quốc quyết tâm trở thành một thế lực mới tại đảo Greenland và cả khu vực địa cực nói chung (Berlingske Business, 21-6-2012). Hiện đã có hơn 2.000 chuyên gia và công nhân Trung Quốc làm việc tại Greenland. Các tập đoàn Trung Quốc cũng đã thăm dò mỏ kẽm tại vịnh Citronfjord, gần Bắc cực, đầu tư 70 triệu USD vào mỏ đồng tại Ittoqqortoomit thuộc vùng duyên hải đông nam Greenland, xúc tiến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sắt, sân bay tại Nuuk và đang đẩy mạnh kế hoạch khai thác đất hiếm.

Hiện Trung Quốc sản xuất khoảng 97-98% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia của Tập đoàn thiết bị công nghiệp Grundfos (Đan Mạch), năm 2017 sản lượng đất hiếm của Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 42% của thế giới, còn Greenland sẽ đạt khoảng 18%. Đất hiếm rất quan trọng đối với công nghiệp châu Âu vì cần dùng trong công nghệ cao như sản xuất siêu nam châm, điện thoại thông minh, màn hình phẳng, bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tuôcbin gió... Riêng tại Trung Quốc thì với đà phát triển vũ bão của công nghiệp hiện nay, giá đất hiếm ngày càng tăng, như giá bán neodymiumoxid đã tăng gấp ba lần từ năm 2009-2011.

Thiếu tướng hải quân Nils Wang, giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng Đan Mạch, nhận xét rằng dường như EU và Mỹ đã “ngủ quên trước những khả năng trong tương lai”, trong khi Trung Quốc đã nhìn xa hơn nên có khả năng giành được độc quyền khai thác đất hiếm tại Greenland trước khi phương Tây nhận ra vấn đề này (Politiken, 12-6-2012).

Vị trí chiến lược của Greenland

Với Trung Quốc thì ngoài nguồn tài nguyên phong phú, vị trí chiến lược của Greenland tại vùng biển Bắc cực là điều họ rất quan tâm. Khi băng tuyết khu vực này tan nhiều sẽ mở ra một hải lộ thương mại mới nối châu Âu và Trung Quốc, giúp rút ngắn 60% thời gian hải trình từ khu vực được gọi là hành lang đông bắc (giữa Greenland và Na Uy) tới Trung Quốc và 25% thời gian từ hành lang tây bắc (giữa Greenland và Canada) về phía tây.

Hiện nay, ngoài khoản trợ cấp hằng năm của Đan Mạch, mỗi năm Greenland còn nhận được 25 triệu euro của EU để hỗ trợ ngành đánh bắt cá, nguồn lợi chính của họ. Tuy nhiên, trước nguy cơ các nhà đầu tư Trung Quốc giành được độc quyền khai thác khoáng sản tại đây, EU đã đưa ra đề nghị hỗ trợ đảo này 218 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020. Không phải ngẫu nhiên mà Phó chủ tịch Cao ủy EU kiêm ủy viên phụ trách công nghiệp Antonio Tajani đã tới Greenland chỉ một ngày trước khi phái đoàn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Copenhagen.

Hơn thế nữa, còn một vấn đề khác khiến Đan Mạch và khối EU lo ngại về sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Greenland. Đó là các mỏ uranium trên đảo. Từ 20 năm nay, Đan Mạch và Greenland đã có một thỏa thuận không khai thác các mỏ uranium. Tuy nhiên gần đây, Đảng Tự do tại Greenland đang gây áp lực với đảng cầm quyền Inuit Ataqatigiit để bãi bỏ thỏa thuận này, với lý do việc khai thác uranium sẽ không gây tác hại với môi trường lẫn người dân trên đảo.

Hiện Tập đoàn Greenland Minerals & Energy, quốc tịch Úc, đang tích cực vận động để được phép đầu tư hơn 2 tỉ USD vào mỏ Kvanefjeldet tại phía nam Greenland. Điều mà Đan Mạch và khối EU e ngại là trong dự án này có phần đầu tư của Trung Quốc. Do Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và Teheran có mối quan hệ chặt chẽ, không loại trừ khả năng sau khi Trung Quốc giành được quyền khai thác uranium, nguyên liệu này có thể được bán cho Bắc Triều Tiên hay Iran!

Thủ phủ Nuuk với 17.000 dân đang hình thành một diện mạo mới khi các ngôi nhà cao tầng theo nhau mọc lên và sự hiện diện của những nhà đầu tư và công nhân nước ngoài. Đối với người Greenland, cuộc đua khai thác khoáng sản giữa các nước không chỉ đem lại sự phát triển, công ăn việc làm mà còn giúp họ có cơ hội trở nên hoàn toàn độc lập (Greenland đã được quyền tự trị về hành chính từ năm 2009). Tất nhiên rất ít ai nghĩ tới những tác động đối với môi trường trong tương lai, cũng như sự mong manh của nền độc lập của một quốc gia chỉ có 57.000 dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận