Trung Quốc trước nguy cơ vỡ quỹ hưu

THANH TUẤN 21/11/2013 09:11 GMT+7

TTCT - Trong lúc xã hội Trung Quốc đã bước sang ngưỡng được coi là xã hội già, quỹ hưu của nước này đang thiếu hụt khoảng 18.300 tỉ NDT (3.000 tỉ USD).

Còn theo một báo cáo hồi tháng 6-2012 của chi nhánh Deutsche Bank tại Trung Quốc, hệ thống quỹ hưu Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 68.200 tỉ NDT (11.200 tỉ USD) vào năm 2033.

Phóng to
Từ năm 2000, cơ cấu dân số Trung Quốc bước vào ngưỡng già khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm hơn 10%. Trong ảnh: nhiều người xem đá dế tại cuộc thi đá dế Bắc Kinh 2013

Các báo cáo trong nước cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự. Riêng báo cáo của ĐH Thanh Hoa hồi tháng 8 đánh giá tiến trình cải cách quỹ lương hưu của Trung Quốc giờ đã trễ ít nhất 15 năm.

Già trước khi kịp giàu

Đó là cảnh báo của giới chuyên gia suốt 10 năm qua. Theo tạp chí Tài Tân, từ năm 2000 cơ cấu dân số Trung Quốc bước vào ngưỡng già khi tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm hơn 10%. Theo Quốc vụ viện, năm ngoái nước này có 194 triệu người già và sẽ đạt 243 triệu vào năm 2020, 300 triệu năm 2025.

Nhiều nước phát triển đối mặt vấn đề này trong mấy thập kỷ nay, riêng tình hình ở Trung Quốc nặng nề hơn bởi chính sách một con áp dụng từ năm 1979. Đứng trước thực tế này, Trung Quốc đang tìm phương án để có thể duy trì quỹ hưu bền vững cho dân số đang ngày càng già nhanh.

Theo Reuters, hệ thống lương hưu của Trung Quốc có bốn ngạch được quản lý và có mức chi trả khác nhau, trong đó được trả hậu hĩnh nhất là ngạch công chức và những người làm trong cơ quan nhà nước. Những người làm trong khối tư nhân được chính quyền các tỉnh quản lý.

Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu trả lương hưu cho nông dân và một ngạch lương hưu khác dành cho nhóm dân thành thị mà không được quỹ hưu chi trả. Dù Trung Quốc đã tăng các nhóm được nhận lương hưu, đến giờ số tiền trả cho hai nhóm sau cùng vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.

Tiêu chuẩn kép

Đây là một đặc thù của hệ thống hưu Trung Quốc được áp dụng giữa khối nhà nước và tư nhân. Những người làm cho cơ quan nhà nước không phải đóng tiền vào quỹ hưu trong lúc đi làm và đến khi nghỉ hưu thì nhận lương bằng 70-90% mức lương trước khi nghỉ. Những người làm khối tư nhân phải đóng 28% thu nhập hằng tháng vào quỹ hưu, nhưng đến lúc nghỉ chỉ được lĩnh 50-60% mức lương.

Thế hệ công nhân thời kỳ đầu được hưởng các chế độ phúc lợi mà không phải trả tiền trong thời gian làm việc. Trong khi đó, các thế hệ trẻ hơn phải nộp tiền vào quỹ hưu và chính phủ dùng số tiền này để trả hưu cho các thế hệ đi trước. Do vậy, khoản thiếu trong quỹ hưu ngày càng phình to.

Theo Reuters, các cải cách mới sẽ gộp phần lương hưu của hai khu vực nhà nước và tư nhân, tăng đối tượng được hưởng lương và mở rộng các lĩnh vực mà quỹ lương có thể đầu tư để tăng lãi cũng như cải thiện tính hiệu quả.

Một báo cáo của ĐH Thanh Hoa công bố hồi tháng 8 cho thấy tới năm 2035, cứ hai người Trung Quốc sẽ phải lo nuôi một người phụ thuộc. “Nếu hệ thống không thay đổi, tình hình chỉ có tệ đi mà thôi” - ông Đổng Cổ Dụng, trưởng khoa hành chính công ĐH Nhân Dân, nói. Năm ngoái, Học viện Khoa học xã hội nhân văn công bố báo cáo cho biết hơn 2.000 tỉ NDT bị lấy từ các quỹ hưu cá nhân trong năm 2011.

“Mọi người rất tức giận. Đây không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là vấn đề chính trị” - Triệu Diệu Huy, giáo sư kinh tế tại ĐH Bắc Kinh, nói.

Các nguồn tin đều nói hiện chính phủ đang có kế hoạch nhập quỹ lương hưu của công chức và khối tư nhân và thôi không cho chính quyền địa phương kiểm soát quỹ lương tư nhân nữa. Giới phân tích cho rằng việc tập trung quản lý quỹ lương chung có thể giúp cải thiện hiệu quả việc quản lý quỹ, giảm tình trạng một số vùng miền thừa quỹ hưu trong khi nhiều vùng khác thì thiếu rất lớn.

Tuổi hưu: chính sách còn lưỡng lự

Tuy nhiên, ông Trịnh Bỉnh Văn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an sinh xã hội thế giới tại Học viện Khoa học xã hội nhân văn Trung Quốc, nói việc thay đổi cấp chính quyền quản lý quỹ lương chỉ là “giải pháp hời hợt”, vì thực tế quỹ hưu ở Trung Quốc cần những thay đổi mang tính hệ thống hơn. “Chính quyền đi đường nào phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị” - ông nói với tờ Beijing News hôm 16-10.

Một vấn đề nữa mà Trung Quốc đang tính đến là nâng tuổi hưu hiện là nam 60, nữ 55 (50 cho nữ làm công việc lao động chân tay). “Cho đến giờ chính phủ vẫn lưỡng lự trong chuyện chính sách tuổi hưu” - Lâm Ca, giáo sư ở trường hành chính công ĐH Chiết Giang, nói. Ông Lâm cho rằng việc nâng tuổi hưu có thể khiến người dân nói chính phủ không giữ lời về việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Ngay trong giới lãnh đạo, vấn đề này vẫn đang gây chia rẽ.

Giáo sư Dương Yến Tuy tại ĐH Thanh Hoa thậm chí đề xuất chính sách cho “nghỉ hưu ở tuổi 50 và nhận lương hưu ở tuổi 65” và bị chỉ trích kịch liệt. Khi được hỏi là người dân nên làm gì trong khoảng 15 năm đó, ông Dương nói những người nghỉ hưu sớm “có thể được đào tạo để làm các công tác xã hội. Đàn ông có thể làm vườn, phụ nữ có thể giặt quần áo cho người già. Như vậy không tốt sao!”.

Theo tờ Tài Tân, Mỹ và một loạt nước phát triển có dân số già đã phải nâng tuổi hưu nên việc Trung Quốc thực hiện động tác này chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, ngoài biện pháp này Bắc Kinh cần tiến hành một loạt cải cách cơ cấu của quỹ hưu.

Phải đa dạng cơ chế tài chính cho quỹ hưu

Một thay đổi khác đang được đề cập là thay đổi cách đầu tư của quỹ hưu khối tư nhân, quỹ hưu có giá trị lớn nhất hiện nay, để sinh lời. Từ năm 2008, Quốc vụ viện đã chọn các tỉnh Chiết Giang, Sơn Tây, Vân Nam, Quảng Đông và TP Trùng Khánh để thử nghiệm mô hình cải cách quỹ hưu công - tư. Nhưng đến giờ cải cách này vẫn bế tắc.

Theo tờ Tài Tân, chính quyền sẽ buộc phải đa dạng cơ chế tài chính cho quỹ hưu. Ngoài ra, quỹ hưu của chính phủ nên vận hành như các quỹ bảo hiểm thương mại - cả hai cùng có cơ chế thu tiền của số đông và tính toán để làm sao giảm thiểu rủi ro, tăng tối đa lợi nhuận. Cách điều hành hiện tại chỉ quản lý tiền mà không đầu tư nên không đem lại hiệu quả cho quỹ hưu nước này.

Một dự án thí điểm mới ở tỉnh Quảng Đông cho phép một quỹ đầu tư thay chính quyền địa phương nắm quỹ hưu từ tháng 3-2012. Dù vậy, quỹ này hiện mới chỉ được phép đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay một số quỹ có lợi nhuận thấp của ngân hàng. Theo Học viện Khoa học xã hội nhân văn, mô hình quỹ này có thể được nhân rộng ở các địa phương khác hoặc chính quyền trung ương có thể lập mô hình tương tự để triển khai trên toàn quốc.

Tracy Điền của Ngân hàng Bank of America-Merrill Lynch tại Trung Quốc nhận xét: “Mô hình thử nghiệm cho thấy lãi của quỹ tốt hơn so với cách quản lý của chính quyền địa phương. Năm 2012, lợi nhuận của quỹ là 7%, lớn gấp nhiều lần mức dưới 1% ở các quỹ địa phương khác”.

Mặc dù vậy, theo tờ Tài Tân, việc mua trái phiếu chính phủ ít rủi ro nhưng lợi nhuận quá thấp. Nguồn thu này không đủ để chính phủ đối phó khi nhu cầu chi tăng vọt hiện nay. Theo tờ báo, quỹ hưu có thể lấy tiền từ việc bán bớt cổ phần một số tập đoàn nhà nước để bù đắp cho phần thiếu hụt.

Chính phủ nên giảm dần hình thức cùng chi trả lương hưu mà nên cho chính người chủ các tài khoản hưu được quyền kiểm soát và tự đầu tư quỹ hưu của mình. Ở Mỹ và nhiều nước phát triển, các cá nhân có tiếng nói trong việc quyết định dùng nguồn tiền hưu của mình đầu tư vào đâu, tiền hưu đó chỉ được lấy ở độ tuổi nhất định.

Có nên gọi là cải cách?

Gần đây, báo chí Trung Quốc đưa tin nhiều ban ngành liên quan và các đơn vị xây dựng phương án quỹ cải cách chế độ dưỡng lão ở nước này đã có cuộc họp kín trong hai ngày và đạt được nhiều thỏa thuận về cải cách quỹ lương hưu, trong đó có các vấn đề như kéo dài thời gian đóng bảo hiểm, kéo dài thời gian nghỉ hưu, hợp nhất quỹ lương hưu về một mối…

Tuy nhiên, Bộ An sinh xã hội và lao động Trung Quốc cho biết phương hướng cải cách rõ ràng, nhưng các vấn đề cụ thể vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Giáo sư Dương Yến Tuy, chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu an sinh xã hội và việc làm ĐH Thanh Hoa, phát biểu trên Thời báo Kinh Hoa, cuộc họp kín chỉ mới diễn ra giữa các chuyên gia và ban ngành liên quan, sau này sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận giữa các ban ngành, trung ương và địa phương.

Hiện đã có bốn đơn vị là Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện, ĐH Nhân Dân Trung Quốc và ĐH Chiết Giang ký kết thỏa thuận bảo mật cho bốn phương án cải cách chế độ hưu do họ đưa ra.

Tân Hoa xã cho rằng cải cách chế độ hưu liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân, vì vậy không nên đóng cửa thực hiện mà phải lắng nghe ý kiến người dân, tập hợp trí tuệ mọi tầng lớp.

Nếu thông qua phương án cải cách được xây dựng bởi những chuyên gia, quan chức không phải lo lắng cho cuộc sống sau khi về hưu, phương án đó sẽ khó tránh khỏi xa rời quần chúng cũng như tình hình chung của nước nhà, và một khi bắt buộc thực hiện cũng sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn.

Nhật báo Tề Nam chất vấn không biết cần bao nhiêu thời gian để nghiên cứu phương án cải cách, vì trước đây các cải cách liên quan đến lợi ích nhóm đều yêu cầu cần có lộ trình, kết cuộc là cải cách bị kéo dài vô thời hạn; hoặc như có quan chức cho biết sẽ đảm bảo phúc lợi không đổi sau cuộc cải cách, nếu vậy có nên gọi là cải cách?

Nhật báo Quang Minh đề nghị cải cách phải đảm bảo công bằng. Trong khi đó, tuần báo Thời Đại cho rằng cải cách quỹ lương hưu không phải là đề tài khoa học mà là vấn đề pháp luật, nên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ý kiến sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội, trưng cầu ý dân, thông qua trình tự lập pháp xác định phương án cải cách được đa số ủng hộ.

CẢNH CHÁNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận