Trung Quốc và những cải cách mới

NHIÊU TỨ 05/10/2003 18:10 GMT+7

TTCN - Theo những thông tin ban đầu từ tờ China Daily và Tân Hoa xã, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhân quốc khánh năm nay đã đưa ra những tuyên bố đẩy mạnh cải cách chính trị sâu rộng, kể cả việc sửa đổi hiến pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ nhấn mạnh hơn việc phát triển đồng đều để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng đang là một trong những vấn đề xã hội lớn của Trung Quốc.

 
 Thủ tướng Trung Quốc ÔN Gia Bảo

 Theo Tân Hoa xã, trong một bài diễn văn đọc trước Bộ chính trị, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào kêu gọi “phát huy tích cực và bền vững cải cách hệ thống chính trị, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa và cải tiến hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa”. 

Ông nhấn mạnh vấn đề pháp quyền và đạo đức chính trị. Ông thúc đẩy những “nỗ lực mở rộng sự tham gia của người dân vào những vấn đề chính trị” như tham gia vào các cuộc bầu cử dân chủ.

Trước đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh đến bài học rút ra từ cuộc chiến đấu chống lại dịch viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính (SARS) mấy tháng trước đây. 

Thoạt tiên Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh, nhưng sau đó đã có những biện pháp mạnh, cách chức các quan chức chịu trách nhiệm chính và cuối cùng chặn được sự lây lan của SARS. 

Ông nói mặc dù Trung Quốc phải trả giá đắt vì dịch bệnh nhưng chính phủ và người dân Trung Quốc đã học được nhiều điều mà trong tình huống bình thường sẽ không thu lượm được.

Cũng trong tuần này, những điều luật mới bắt đầu có hiệu lực, giúp người dân có điều kiện thực hiện quyền dân chủ của mình như tổ chức đám cưới không cần xin xác nhận của nơi đang công tác, hay trước đó là việc bỏ qui định xin hộ chiếu cũng cần có xác nhận của cơ quan đang làm việc.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp vào đầu tuần này để chuẩn bị cho hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành trung ương sẽ nhóm họp từ ngày 11 đến 14 - 10. 

Một trong những vấn đề chính là sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp hiện nay của Trung Quốc được ban hành năm 1982 và đã qua ba lần sửa đổi bổ sung. Năm 1988, Quốc hội Trung Quốc sửa đổi điều 11, nhấn mạnh nhà nước công nhận sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân trong khuôn khổ luật pháp và kinh tế tư nhân là thành phần bổ sung cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 1999, khẳng định vai trò của lý thuyết Đặng Tiểu Bình, tính pháp quyền, còn vai trò khu vực kinh tế tư nhân được xem là quan trọng trong hệ thống kinh tế của cả nước. Báo chí Trung Quốc không nêu chi tiết những điểm sửa đổi hiến pháp lần này nhưng có nhắc đến cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khu vực kinh tế tư nhân, tức là chuyển việc đảm bảo quyền sở hữu tài sản thành quyền sở hữu tư nhân.

Nhiều nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trong khả năng tạo ra công ăn việc làm nên cần phải có những bộ khung pháp lý để doanh nhân yên tâm bỏ vốn làm ăn.

Một vấn đề khác là tiếp tục cải cách nền kinh tế, trong đó có những kế hoạch chiến lược làm sống lại những vùng công nghiệp ở đông bắc Trung Quốc và phát triển khu vực phía tây còn nghèo khổ, thu nhập của nhiều người dân chỉ khoảng 70 USD Mỹ mỗi năm.

Vùng đông bắc gồm ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh trước đây là khu công nghiệp chính của Trung Quốc vào những thập niên 1950, 1960 đến đầu thập niên 1970. Tuy nhiên khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường, những xí nghiệp quốc doanh trong vùng không cạnh tranh nổi đã làm ăn thua lỗ liên tục trong hơn 20 năm qua.

Đóng góp của vùng vào tổng giá trị công nghiệp của cả Trung Quốc giảm từ 17% xuống còn 9%. Nhiều nhà máy đóng cửa, gây ra nạn thất nghiệp nghiêm trọng. Mặc dù vẫn duy trì các chính sách giúp miền đông phát triển nhanh hơn, làm đầu tàu phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nhận ra không thể duy trì phát triển bền vững nếu thành quả kinh tế không được chia sẻ cho mọi người dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận