Truyền thông đối ngoại trong kỷ nguyên số

HỮU NGHỊ 23/12/2021 22:00 GMT+7

TTCT - Có một khác biệt “kinh khủng” giữa kỷ nguyên số và các giai đoạn trước đó, mà nếu không tỉnh táo, sẽ không nhìn và thấy, để rồi cứ “lối cũ ta về”. Đó là khả năng tìm kiếm để tham khảo và đối chiếu hầu như vô tận.

đối ngoại, một chủ đề quan trọng được nhắc tới trong hội nghị đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra, không thể không tính tới điều đó.

Năm 2005, trong một vòng quan sát các đại học toàn nước Úc, ghé một gia đình người quen ở Melbourne, tôi há hốc mồm khi nghe cô học trò cũ hỏi con trai mình, đang học tiểu học: “Hôm nay con làm gì ở trường?”. Chú bé lớp 3 trả lời: “Con làm project (dự án) tổ chức tour du lịch lên sao Hỏa!”. 

Gian hàng Việt Nam tại Dubai Expo 2020. Ảnh: expo2020dubai.com

 

Chuyện học trò ngày nay sớm có những kỹ năng máy tính không còn phải bàn, song chuyện một chú bé mới chừng đó tuổi được cô giáo “kích hoạt” để rồi nghĩ ra và tìm kiếm những gì minh họa cho ý tưởng như vậy khiến tôi ngỡ ngàng. 

Thu hoạch từ chuyến thăm các đại học Úc càng khiến tôi thêm giật mình: Tìm kiếm trên mạng trở thành một bản năng mới! Năm đó, tôi còn dạy “Phương pháp tìm kiếm và khảo cứu” (sao cho đọc báo ngoại quốc khỏi bị lừa) ở một khoa báo chí, thay vì dạy “Phương pháp bình luận quốc tế”. 

Lớp đào tạo “bình luận viên quốc tế” cuối cùng ở Trung tâm Đào tạo báo chí Hà Nội cách đây ba năm cũng là “Phương pháp tìm kiếm” (để khỏi bị bịp), các đề thi tôi còn lưu.

Câu chuyện trên nhắc nhở một thực tế lắm khi bị quên: thế giới trong kỷ nguyên số là thế giới của tìm kiếm, kiểm chứng và đối chiếu. Bởi thế, từ lâu khoa học truyền thông, bao gồm báo chí, và đặc biệt là truyền thông đối ngoại, cần nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của một tin tức là tính chính xác.

Cũng bởi thế mà làm truyền thông kiểu đưa ra những khẳng định và quả quyết theo một định kiến nào đó, lệch phương, nhằm tác động đến cử tọa hay độc giả, khán thính giả ngày nay khó thoát sự kiểm chứng. 

Thành ra, truyền thông, nhất là đối ngoại, càng cần đáp ứng yêu cầu đầu tiên của nghề báo: tính chính xác. Với cử tọa ngoại quốc, một khi bị họ thắc mắc về tính chính xác, sẽ dễ bị liệt là “tuyên truyền” - một từ và khái niệm mà từ lâu họ đã bác bỏ.

Tất nhiên, mỗi người có cái nhìn của mình, và những cái nhìn đó không nhất thiết phải như nhau. 

Và nói cho công bằng, báo chí Mỹ cũng định hướng: Theo dõi chính trường Mỹ mà chỉ ôm chặt Breitbart hay Fox News thì có trở thành fan ruột của Donald Trump lúc nào không hay! Song dù có định hướng, nhất thiết không thể hy sinh tính chính xác.

Lẽ dĩ nhiên, các nước có quan điểm, tập quán, hệ thống chính trị, thậm chí ý thức hệ khác nhau. Trong khi chưa tìm được tiếng nói chung, thì hãy nhìn thấy sự và chấp nhận sự khác biệt. 

Đây chính là điều Việt Nam đang làm khi mở cửa ngày càng rộng, tham gia nhiều công ước quốc tế, ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do..., đúng kiểu “gốc chắc mà cành rung theo gió”...

Truyền thông ra nước ngoài còn cần theo kịp xu hướng và tránh những khẩu hiệu khuôn mẫu. 

Mỗi sự kiện quốc tế, tỉ như Đấu xảo Thế giới (World Expo) 5 năm một lần, là những dịp “đem chuông đi đánh xứ người” cần được để tâm chăm chút, chớ không chỉ là hiện diện cho có trên cơ sở đẹp đẹp một chút, lạ lạ một chút, và hợp với ta là được (qua mấy tà áo dài, nhạc cụ dân tộc, vài tấm poster khẩu hiệu, dăm bức ảnh non xanh nước biếc...), còn không tính gì tới khán giả, bạn bè quốc tế.

Đấu xảo Dubai 2020 hoãn vì dịch, năm nay mới mở, đề bài: “Chắt lọc gì từ quá khứ để định hình tương lai?” 

Hầu như cả thế giới cùng chọn kỹ thuật hình ảnh 4D để trình bày, thì Việt Nam vẫn là poster dán thủ công trên vách: “Gạo ngon nhất thế giới...”, một mô hình vệ tinh nội hóa (với thế giới, vệ tinh là chuyện của quá khứ đã xa), và vẫn không quên dàn nhạc cụ dân tộc - trưng bày khép nép hơn kỳ trước, để cho khách thăm tò mò với cây đàn T-rưng!

Nếu chỉ nhìn gian hàng đó, truyền thông đối ngoại Việt Nam quả thật còn rất nhiều việc phải làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận