Từ chuyện dời đô đến từ chức

DANH ĐỨC 12/09/2010 07:09 GMT+7

TTCT - Có con ong vò vẽ nào đã chích nội các Hàn Quốc khiến hết ông thủ tướng đến bộ trưởng lần lượt ra đi? Có phải xã hội Hàn Quốc đã nhạy cảm đến mức nhất cử nhất động của chính quyền cũng đều buộc các công bộc nhà nước phải “tự xử”?

Dự án thủ đô hành chính Sejong - Ảnh: vector1media.com

Bộ trưởng ngoại giao Yu Myung Hwan hôm thứ hai 6-9 đã rời khỏi trụ sở bộ này chỉ vì dư luận xầm xì chuyện cô con gái ông đã được ưu ái tuyển dụng vào một công việc xoàng xoàng bậc trung.

Thật ra, vụ từ chức này không khó hiểu. Từ lâu trong hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển mang tên Khối hợp tác phát triển kinh tế (OECD), các quy định chống tham nhũng rất nghiêm ngặt, thậm chí có cả một công ước như thế ký với các nước đối tác thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

Thành ra Hàn Quốc, nền kinh tế xếp thứ 15 thế giới, có phải nêu tính kỷ luật cũng là chuyện bình thường. Đây chính là một nhắc nhở cho cường quốc kinh tế mới vọt lên hạng nhì: còn phải cố gắng chống tham nhũng nhiều hơn nữa để có thể gia nhập câu lạc bộ OECD “giàu và sang”.

Dư luận xã hội “nặng ngàn cân”

Trong hàng ngũ giàu và sang ấy, làm sao có thể cho phép con gái bộ trưởng được ưu ái tuyển dụng? Ở Pháp mấy tháng trước cũng nổ ra một vụ tương tự liên quan đến vợ một bộ trưởng được ưu ái nhận vào làm tư vấn cho một nữ tỉ phú... Việc bộ trưởng Yu Myung Hwan có sụt sùi từ chức cũng “phải đạo”.

Tháng 12-2003, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự án dời một phần nội các từ thủ đô Seoul đến Sejong, nhưng tòa án tối cao đã phán quyết bác bỏ vào tháng 10-2004 sau khi thụ lý đơn khiếu nại của 119 học giả và 50 viên chức thủ đô. 

Nay Tổng thống Lee Myung Bak phải xem lại kế hoạch này vì mục đích chiến lược.

Còn ứng viên thủ tướng Kim Tae Ho thì dính vào những cáo buộc liên quan đến sự liêm chính của ông: khai gian thu nhập, sử dụng trái phép các khoản vay ngân hàng cho các chiến dịch vận động tranh cử, nhận hối lộ. Vợ ông cũng bị chỉ trích lợi dụng các nhân viên chính quyền tỉnh và sử dụng xe công vào những mục đích cá nhân.

Hai vụ từ chức này là kết quả của việc xã hội Hàn Quốc nay càng “để mắt” hơn đến nhà nước hay người của nhà nước, đồng thời cho thấy dư luận xã hội ngày càng “nặng ngàn cân” đối với người cầm quyền chứ không “nhẹ tựa lông hồng”.

Đây là một diễn biến khác hẳn so với thập niên 1980, khi các tướng lĩnh còn nắm quyền, hét ra lửa, khi Hàn Quốc mới bắt đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hàn Quốc không chỉ là quá trình tích lũy khoa học, kỹ thuật hay tăng tổng sản lượng GDP, mà còn là quá trình thấm nhuần tính nhân bản trong tư duy và hành xử sao cho sản phẩm và dịch vụ làm ra đáp ứng tối đa nhu cầu, sở thích, thậm chí thỏa mãn cả trí tưởng tượng của người tiêu dùng, không chỉ ở Hàn Quốc mà khắp thế giới, nếu không muốn bị phá sản.

Trong bối cảnh một xã hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng như thế, thỏa mãn khách hàng không chỉ là một yêu cầu của giới công kỹ nghệ và kinh thương, mà còn là một xu thế chung mà bộ máy nhà nước không thể không thích ứng theo.

Sẽ không ngoa khi nói rằng càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khách hàng càng hài lòng, thì bộ máy nhà nước cũng cần phải làm xã hội hài lòng theo!

Ngược lại, khi chưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì khách hàng càng chưa được tôn trọng, cho dù họ vẫn đang sòng phẳng trả tiền để mua hay sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó. Thành ra, chuyện các ông Kim, Yu từ chức cũng chẳng lấy gì khó hiểu!

Bộ trưởng ngoại giao Yu Myung Hwan rời khỏi trụ sở bộ này sau những cáo buộc ưu ái tuyển dụng cô con gái ông - Ảnh: Reuters

Rối rắm chuyện dời đô

Còn vụ Thủ tướng Chung Un Chan từ chức là do ông thất bại khi không giành được sự đồng thuận của quốc hội đối với dự án phát triển thành phố Sejong cho xứng với việc dời một phần nội các từ thủ đô Seoul đến đây. Thật ra, vụ dời đô này cũng còn nhiều bí ẩn.

Trước mắt, kế hoạch dời đô hiện nay chỉ là bản thu nhỏ của đại kế hoạch được cố tổng thống Roh Moo Hyun đề ra từ năm 2002.

Theo kế hoạch hiện tại, sẽ chỉ có 9 bộ và 4 cơ quan dưới bộ cùng hơn 10.000 công chức “di tản” xuống thành phố Sejong, cách Seoul 150km về phía nam. Còn theo đại kế hoạch ban đầu của cố tổng thống tiền nhiệm, có đến 230.000 công chức thuộc 85 bộ và cơ quan dưới bộ, kể cả tòa án tối cao, phủ tổng thống, quốc hội, sẽ “di tản” trong thời gian 5 năm đến thủ đô mới rộng 7.100ha là thành phố Sejong.

Mục đích của sự “di tản” này là tránh mối đe dọa “ăn” bom đạn từ phía bắc, làm nhẹ bớt gánh nặng dân số ở Seoul và phân bố lại tài nguyên quốc gia. Kế hoạch dời đô của cố tổng thống Roh Moo Hyun hao hao mô hình thủ đô hành chính ở Washington DC (tức Sejong), còn thủ phủ kinh tế thì ở New York (tức Seoul).

Về mặt lịch sử, thủ đô tương lai Sejong, mang tên vua Sejong (1392), nằm trong tỉnh Yongqi, từng là thủ đô dưới triều đại Paekyae cách nay 1.500 năm, nên cũng hội đủ yêu cầu “long mạch” và tính địa linh nhân kiệt. Về mặt kinh phí, việc thực hiện kế hoạch dời đô này hoàn toàn mang tính kinh tế thị trường với chi phí lên đến 38 tỉ USD.

Chính phủ sẽ phát mãi hầu hết các công thự di dời ở Seoul, kể cả dinh tổng thống, lấy tiền đó làm vốn di dời. Ngược lại, chính phủ cũng sẽ đứng ra mua lại 7.100ha đất để xây dựng các cơ quan nhà nước.

Đây là chuyện mua bán sòng phẳng chứ không giải tỏa do lẽ đất đai ở Hàn Quốc là tài sản tư nhân.

Để tránh trục lợi đầu cơ từ cơ hội dời đô, nhà nước đã quy định chỉ cho phép đứng tên mua nhà ở các khu dân cư mới với những ai đã thật sự cư ngụ được một năm trở lên.

Cư dân thủ đô mới, tổng cộng khoảng nửa triệu người gồm công chức và thân nhân họ, sẽ được cấp nhà, đổi lấy nhà cửa họ đang cư ngụ ở Seoul, một năm sau khi họ dọn hẳn đến đây sinh sống.

Kế hoạch ban đầu này của cố tổng thống Roh Moo Hyun vĩ đại đến thế song đã bị thị trưởng Seoul lúc đó là ông Lee Myung Bak, nay là đương kim tổng thống, phản đối kịch liệt nhân danh sự sinh động kinh tế của Seoul. Cuộc tranh cãi kết thúc hôm 21-10-2004 sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc phán quyết bác bỏ dự án này.

Được biết, trước đó vào tháng 12-2003 quốc hội đã thông qua dự án này, song tòa án tối cao đã triệu tập để thụ lý đơn khiếu nại của 119 học giả và 50 viên chức thủ đô Seoul nộp hôm 12-7 phản bác việc dời đô này là vi hiến, vi phạm quyền công dân (cưỡng bức di dời theo trụ sở cơ quan) và đòi trưng cầu ý dân.

Thế tại sao thị trưởng Lee Myung Bak sau khi đắc cử tổng thống vào cuối năm 2007 đã phải xem lại kế hoạch dời đô? Đó là để di tản các cơ quan cơ yếu vì mục đích chiến lược chứ không phải để “làm ăn”.

Tuần trước, Mỹ vừa yêu cầu Hàn Quốc đóng góp 17.000 tỉ won (khoảng 1,4 tỉ USD) vào chi phí di dời tổng hành dinh cùng một số căn cứ quân đội Mỹ từ phía bắc thủ đô Seoul xuống thành phố Pyeongtaek, cách Seoul 70km.

Muốn hay không muốn, ông Lee Myung Bak cũng phải dời đô, nếu không muốn ở lại Seoul trong tầm bắn của pháo binh và tên lửa Bình Nhưỡng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận