Từ chuyến du thuyết của Ngoại trưởng Trung Quốc

BAOCHAU 18/08/2012 07:08 GMT+7

TTCT - “...Nhằm thúc đẩy gia tăng trong chiều sâu mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN, đồng thời để tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực”. Đó là tự đánh giá của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Nhưng công luận tại mỗi nước ông đến như thế nào?

Phóng to
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (trái) tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bộ Ngoại giao ở Jakarta ngày 10-8 - Ảnh: Reuters

Chuyến du thuyết Indonesia, Brunei và Malaysia của ngoại trưởng Trung Quốc vừa kết thúc hôm thứ hai 13-8 diễn ra gần như đồng thời với ngày sinh nhật thứ 45 của ASEAN (8-8-1967) và đúng ba tuần sau khi ASEAN đã đưa ra được một Tuyên bố chung về biển Đông hôm 20-7 sau những trục trặc ở Phnom Penh trước đó. Thành ra những bài xã luận đăng trên những tờ báo lớn của các nước mà ông Dương Khiết Trì đến trong những ngày đón tiếp đó lại là những hiệu triệu đoàn kết trong ASEAN.

Nỗi lòng Indonesia

Tại Indonesia, nơi ông Dương Khiết Trì dừng chân trước tiên, tờ Jakarta Globe đăng một bài về "ASEAN 45 tuổi" của một tác giả người Thái là Pavin Chachavalpongpun, đăng trước đó trên tờ TheStrait Times của Singapore. Thời điểm đăng một bài luận thuyết về những vấn đề của ASEAN, thứ sáu 10-8, sau sinh nhật ASEAN hai ngày lại đúng vào ngày ông Dương lần lượt gặp Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và Ngoại trưởng Marty Natalegawa, không hẳn không có ý nghĩa.

Tác giả bài báo, một giáo sư Đại học Kyoto (Nhật), mô tả Trung Quốc rất hình tượng và cụ thể như sau: "Ngày nay hình ảnh nhị nguyên của Trung Quốc, hình ảnh một con gấu trúc "ngó thấy là muốn nựng" đối nghịch với hình ảnh một con rồng đang "khè", buộc ASEAN phải chọn một thái độ nước đôi. Một mặt, khu vực nhận ra rằng nhất thiết phải gắn bó với Trung Quốc vì chính những lợi ích chiến lược của mình. Hai bên có những quan hệ kinh tế gắn bó... (đồng thời) cũng đã phát triển hợp tác quốc phòng và an ninh trong nhiều lĩnh vực...

Tuy nhiên, một cảm nhận về Trung Quốc như là một mối đe dọa cũng đã dây dưa miết trong đầu nhiều thành viên ASEAN. Cuộc tranh chấp biển Đông bất hạnh thay lại duy trì một cảm nhận như vậy. Nhất thiết cần ghi nhận rằng mối đe dọa cảm nhận đó không chỉ đến từ sự xác lập quân sự của Trung Quốc, nhiều nước ASEAN đang nhận ra những hậu quả kinh tế của sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Thành ra, theo GS Pavin Chachavalpongpun, các nước ASEAN chọn thái độ "...hợp tác với cường quốc khác nhằm giảm nhẹ tác động của việc Trung Quốc trỗi dậy" (1).

Báo Jakarta Globe đón ông Dương Khiết Trì bằng một bài báo như thế, không lệch pha lắm với cuộc tiếp ông này của tổng thống Indonesia hôm đó: "Ngoại trưởng Marty Natalegawa phát biểu: Hợp tác song phương được đặt nặng trong lịch trình tiếp xúc, song Tổng thống Susilo Bambang đã không ngần ngại nêu ra vấn đề biển Đông. Sao lại phải sợ cơ chứ? Đây còn là lợi ích của Trung Quốc" (2).

Trong khi đó, Tân Hoa xã tường thuật chặng dừng Jakarta như sau: "Trong cuộc họp báo với người đồng cấp của Indonesia là ông Marty Natalegawa, Bộ trưởng Dương Khiết Trì nói: Trung Quốc sẵn lòng làm việc với Indonesia và các nước ASEAN khác nhằm thực thi trọn vẹn và hiệu quả DOC, xây dựng mối tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, duy trì hòa bình và ổn định trên biển Nam Hải (tức biển Đông), và làm việc đúng theo các nguyên tắc và tinh thần DOC và trên cơ sở đồng thuận, về việc có thể thông qua COC" (3).

Tâm trạng Malaysia và Brunel

Giáo sư K.S. Nathan, giám đốc Viện Nghiên cứu Malaysia học và quốc tế học, Đại học Universiti Kebangsaan Malaysia, cũng nhân dịp này đưa ra những nhận xét sát sườn như sau trên tờ New Strait Times hàng đầu của Malaysia: "Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 tại Phnom Penh tháng trước đã làm nổi bật những hạn chế của "cung cách ASEAN" (tức nguyên tắc đồng thuận - TTCT) trong việc xử lý xung đột và trong quyết tâm... Do đó, cứ tiếp tục những rạn nứt trong nội bộ ASEAN sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân bên ngoài tăng sức đòn bẩy lên thực thể khu vực... Thành ra, không lấy làm ngạc nhiên việc Mỹ "can dự trở lại vào Đông Nam Á" được ngấm ngầm hoan nghênh ngay sau những hành động tự khẳng định trong khu vực ngày càng gia tăng của Trung Quốc...".

Ý kiến trên của GS Nathan, được đưa ra chỉ một tuần sau Tuyên bố về biển Đông của quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell, không phải là không sát thực tế.

Được biết hôm 3-8, tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Chúng tôi không đưa ra quan điểm về những tuyên bố chủ quyền tranh chấp với nhau về các bãi nổi và không có bất kỳ tham vọng lãnh thổ nào ở biển Đông. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng các quốc gia của khu vực cần làm việc một cách cộng tác và thông qua ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không có sự cưỡng ép, không có sự dọa nạt, không có sự đe dọa, và không sử dụng vũ lực".

Trở lại với vấn đề nội bộ của ASEAN, GS Nathan kêu gọi: "Với ước muốn và may mắn, ASEAN sẽ có thể siết chặt lại hàng ngũ, tìm ra được những giải pháp tạm nhằm thích nghi với những dị biệt của nhau, và cùng dựng nên một bề mặt thống nhất vào tháng 11 tới" (4). Ba tháng trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Phnom Penh, những khuyến cáo như thế không phải là thừa, nhất là sau khi những bất đồng ở hội nghị ASEAN tháng trước tại Phnom Penh vẫn còn kéo dài ở cấp đại sứ.

Trong bối cảnh dư luận như thế, Chính phủ Malaysia dễ dàng xoay trở trong việc đối nhân xử thế. Hôm thứ bảy 11-8, sau khi Thủ tướng Najib Razak tiếp ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Anifah Aman cũng đã gặp ông này trong một giờ. Sau đó, ông Aman đã một mình họp báo (ngoại trưởng Trung Quốc không rõ vì lý do gì không cùng họp báo). Tại đây, ngoại trưởng Malaysia kêu gọi "ASEAN cần đoàn kết về vấn đề biển Đông". Đồng thời ông cũng đốc thúc "ASEAN và Trung Quốc nên làm việc hướng đến một "kết luận sớm" về một bộ quy tắc ứng xử vốn đã bị đình trệ rất lâu nhằm giảm thiểu những căng thẳng về chủ quyền đánh cá, hàng hải, thăm dò dầu khí trong vùng biển này" (5).

Báo Borneo Bulletin của Brunei không cho biết mấy về chuyến ghé đất nước này song cũng đăng lại bài báo vừa nêu trên. Bù lại, Tân Hoa xã cho biết khá nhiều chi tiết, như chức phận các nhân vật tiếp ông Dương Khiết Trì là thái tử Al-Muhtadee Billah và Bộ trưởng ngoại giao và thương mại thứ nhì Lim Jock Seng (trong Bộ Ngoại giao và thương mại này có bộ trưởng thứ nhất là hoàng tử Mohamed Bolkiah).

Phát biểu của ông Dương Khiết Trì rất "ngoại giao" với những câu như: "Trung Quốc quan tâm đến các quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác với Brunei... Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao vai trò của Brunei trong việc đẩy mạnh quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN..."(6).

Chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc, ba tuần sau Tuyên bố chung của ASEAN về biển Đông, và một tuần sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về biển Đông, có thể được hiểu như một động thái "tái tranh thủ" quan hệ với ASEAN. Công luận và thái độ của ba nước điểm đến, như có thể thấy trên bề mặt một số tờ báo các nước sở tại, cũng cho thấy đây chính là một nhu cầu bức bách "vì lợi ích Trung Quốc", theo cách nói của Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa.

DANH ÐỨC

___________

(1) http://www.thejakartaglobe.com/opinion/asean-at-45-still-unsettled-over-china/537179
(2) http://www.thejakartaglobe.com/asia/sby-to-demand-china-respect-asean-road-map/537000
(3) Chinese FM stresses joint effort with ASEAN to maintain peace in South China Sea, English.news.cn 2012-08-11
(4) http://www.nst.com.my/opinion/columnist/asean-must-close-ranks-soon-1.123551#ixzz23U6zMsvK
(5)
http://www.malaysia-chronicle.com/index.php?option=com_k2&view=item&id=38102:malaysia-urges-asean-to-unite-over-south-china-sea&Itemid=3
(6) Chinese FM meets Brunei crown prince on ties, English.news.cn 2012-08-11

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận